Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết

CHƯƠNG 11



Bottcher tuyên bố:
– Thế đấy! Tao thú thật là tao ngủ với con bé chiêu đãi. Không thì ta biết làm gì? Nghỉ phép để làm gì? Không lẽ cứ thế rồi trở ra mặt trận!
Anh ta ngồi ở đầu giường Feldmann, tay cầm cái vung ga-men đựng cà phê, chân ngâm trong chậu nước lạnh. Từ khi không có xe đạp, anh ta cuốc bộ đến phỏng da chân. Anh ta hỏi Graber:
– Còn anh. Từ ngày ấy đến giờ anh làm gì? Có thấy gì không?
– Không.
– Không à?
Feldmann giải thích:
– Hắn nằm ngáy đến tận trưa, gọi dậy không được. Lần thứ nhất hắn tỏ ra biết điều.
Bottcher nhấc chân ra xem, da chân phỏng lên từng cục trắng.
– Này các bạn coi! Tôi khỏe nhưbò mộng nhưng chân này chỉ là chân trẻ sơ sinh. Xưa nay vẫn thế, không chịu nổi nữa rồi, thôi đành tính chuyện ra đi vậy.
– Sao vậy? Bây giờ anh có thể nghỉ ngơi một chút, anh có cô chiêu đãi rồi.
– Cô chiêu đãi à! Thiếu gì cô chiêu đãi. Nhưng tôi làm hỏng bét cả rồi. Đang nằm bù khú tôi buột miệng gọi tên vợ làm nó nổi tam bành.
– Cũng đáng kiếp cho anh: ngoại tình, lừa dối vợ.
– Sao lại gọi là lừa dối được? Vợ tao có đây đâu. Đây là trường hợp bất khả kháng.
Reuter hỏi Graber:
– Tối hôm qua chai rượu đắc lực chứ?
– Không có chuyện gì cả.
Feldmann hỏi:
– Không chuyện gì à? Không chuyện gì mà ngủ như chết đến tận trưa?
– Không có gì thật. Không biết sao tự dưng tôi mệt thế. Bây giờ nằm xuống lại ngủ nữa được ngay. Tôi có cảm tưởng như cả tuần nay chưa hề nhắm mắt.
– Thế thì cứ ngủ.
– Thế là khôn đấy; làm như thằng Feldmann, ngủ lì suốt ngày thế mà hay.
– Thằng Feldmann ngu như lợn. Làm phí cả ngày nghỉ phép. Rốt cục, lại ra mặt trận mà chẳng hưởng được gì cả. Ở mặt trận thì dầu sao cũng có thể ngủ mê thấy nghỉ phép.
Feldmann bỗng nhỏm dậy mà rằng:
– Tôi thấy ngược lại, nằm đây mà cứ ngủ mê thấy mình ở mặt trận.
– Thật ra anh ở đâu?
– Dĩ nhiên tôi ở đây.
– Có chắc không?
Anh sọ dài cười gằn:
– Chính tôi cũng tự hỏi thế. Nhưng đã ngủ suốt ngày thì muốn ở đâu cũng được, không cần. Cha này không biết thế cho.
Feldmann bực mình trả lời:
– Lúc nào thức thì tôi biết, chỉ có lúc ấy là đáng kể.
Nói đoạn anh ta lại nằm xuống ngủ.
Reuter quay lại với Graber.
– Còn anh? Ngày hôm nay anh định làm gì để cứu rỗi linh hồn?
– Bảo giùm tôi đến đâu ăn ngon!
– Một mình à?
– Không.
– Thế thì đến hiệu Germania. Chỉ có đấy là hơn cả. Nhưng có lẽ họ không cho anh vào. Mặc đồ lính không được. Quán sĩ quan mà. Nom thấy đồng phục với ba lô của anh họ cũng nể đấy nhưng…
Graber ngắm nhìn binh phục của mình, vết hoen ố, vá chằng chịt
– Anh cho mượn cái áo ngoài được không?
– Sẵn lòng, nhưng anh nhẹ hơn tôi đến mười lăm ký lô, người ta biết ngay mất. Để tôi kiếm cho anh bộ đồ hạ sĩ quan. Ở đây cứ đội mũ lính vào thì chẳng ai để ý đâu. Mà sao anh cứ là binh nhì mãi thế? Đáng ra phải thiếu úy từ lâu rồi.
– Trước tôi đã là hạ sĩ quan. Nhưng trót đánh vỡ mặt một trung úy nên bị giáng trật. Không bị ra hội đồng kỷ luật là may, nhưng không mong gì lên lon nữa.
– À như vậy thì về phương diện tinh thần anh có quyền mặc quân phục hạ sĩ quan. Khi đưa vào đến hiệu Germania, anh đòi hỏi cho rượu Forster Jesuitengarten 1934 hầm Buerklin Wolf. Rượu này có thể làm cho người chết bừng tỉnh dậy được.
– Cám ơn anh. Tôi phải uống thử mới được.
 
Trời âm u. Graber đứng đợi trên cầu. Dưới sông dòng nước đen cuồn cuộn chảy, cuốn theo cột nhà cháy đen, rác rưới. Trường học vươn những bóng đen lên trên làn mây trắng, Graber đã đi qua sông, y bước vào một ngỏ hẻm đưa đến sân trường. Cửa sắt lớn ướt dầm sương mở rộng. Sân trường vắng hoe. Y đi qua sân đến ven sông. Hàng cây hạt dẻ in những bóng đen như mực Tầu lên nền trời trắng. Dưới gốc ấy, còn mấy chiếc ghế ẩm ướt, xưa kia y vẫn ra đó ngồi rất khuya. Biết bao ước vọng thuở ấy ngày nay chưa hề thực hiện. Ở trường ra chiến tranh đã đẩy y vào đời quân ngũ.
Y đứng nhìn dòng nước trôi một lúc. Một cái giường gãy quăng ở bờ sông, gối ướt sũng nước căng phồng như những miếng bọt bể lớn. Y rùng mình. Trở về trường học, y định mở một cái cửa. Cửa không khóa, tôi ngập ngừng bước vào, dừng lại trong phòng nhìn quanh. Y thấy lại hương vị bứt rứt những giờ học. Một cầu thang tối om đưa đến phòng học và phòng ngủ của học sinh nội trú. Y không có cảm tưởng gì cả. Không một chút khinh bỉ hay ngạo nghễ. Y nghĩ đến giáo sư Wellmannn, đến lời ông nói: không nên trở lại quá khứ. Ông ta nói có lý. Ngẫm lại đời mình, y thấy trống rỗng. Tất cả kinh nghiệm học được ở nhà trường đều mâu thuẫn với những điều học được ở ngoài đời. Không còn là gì của trường học nữa. Những năm thơ ấu đã hoàn toàn sụp đổ.
Y quay gót trở ra. Hai tấm bia đá ở hai bên cửa vào ghi tên những học trò cũ chết vì tổ quốc. Y còn nhớ bia bên phải dành cho những học sinh chết hồi đệ nhất Thế chiến. Mỗi ngày lễ quốc khánh người ta lại đặt trên bia một cành thông và một ít lá sên. Vị hiệu trưởng đọc những bài diễn văn nảy lửa về nước Đức đại cường quốc, về sự trả thù, về danh dự tổ quốc. Graber lại trông thấy cái bụng phệ nhũn nhèo của ông mà mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt ông. Bia bên trái dành cho tử sĩ trận đệ nhị Thế chiến hãy còn mới. Y đọc những tên khác trên bia; danh sách đã dài, nhưng không thiếu chỗ cho anh hùng tử sĩ ngày mai.
Y gặp một viên quản trị.
– Anh tìm gì?
– Không.
Y định đi ra nhưng bỗng nhớ ra một điều gì, vội hỏi:
– Ông chỉ giùm chỗ ở của giáo sư Pohmann.
– Ông ta không dạy ở đây nữa.
– Tôi cũng biết. Bây giờ giáo sư ở đâu?
Ông ta đưa mắt nhìn quanh cẩn thận. Graber nói:
– Không có ai đâu, giáo sư ở đâu?
– Ông ấy ở công trường Jahn số 6. Anh là cựu học sinh ở đây?
– Vâng. Bây giờ hiệu trưởng vẫn là ông Schimmel?
– Vẫn ông ấy. Làm sao ông ấy lại có thể đổi đi nơi khác được?
– Tôi cũng nghĩ thế, làm sao ông ấy lại đổi đi nơi khác được.
 
Graber ra khỏi trường học. Mười lăm phút sau y nhận thấy không biết mình ở đâu nữa. Sương mù dày đặc, giữa những đống gạch vụn y không thể định hướng được nữa. Đống nào cũng như đống nào, phố nào nom cũng y như nhau.
Y có một cảm tưởng kỳ dị.
Phải một lúc lâu mới tìm ra đường Haken. Rồi gió nổi lên sương mù bay tung như cát biển ảo huyền.
Y trở về chỗ ở của cha mẹ. Không có tin tức gì. Y vừa quay lại thì nghe thấy một tiếng kêu trong trẻo rất kỳ dị, nghe như tiếng cầm. Y đưa mắt nhìn xem tiếng đàn kỳ lạ ở đâu ra. Phố xá vắng tanh đến tận xa. Tiếng đàn vẫn nổi lên những điệu than vãn, như một tiếng báo hiệu cấp cứu giữa một biển khơi mung lung. Tiếng đàn lúc bổng lúc trầm loạn xạ nhưng đều đặn, như có người chơi trên nóc nhà nào đó.
Graber lắng tai nghe để tìm chỗ phát ra tiếng đàn độc tấu bí hiểm. Nhưng hình như nó ở khắp mọi nơi vọng đến từng tiếng mau sầm sập câu thành một điệu buồn man mác.
Y nghĩ đến người trưởng xóm điên. Chỉ có thể hắn. Y đến gần căn nhà chỉ còn có cái mặt tiền đứng sừng sững rồi bít thân mợ cửa ra. Một bóng người trên chiếc ghế để trước thềm đứng phắt dậy. Graber nhận ra chiếc ghế bành bọc nhung hôm đầu tiên đã trông thấy tại nhà mình.
Lão trưởng xóm vừa tức vừa sợ hỏi:
– Cái gì thế?
Y nhận thấy không phải lão đánh đàn, vả chăng tiếng đàn vẫn vang lên.
– Tiếng gì mà kỳ dị vậy? Ở đâu thế ông?
Lão trưởng xóm đưa cái mặt nhếch nhác lại gần mặt Graber.
– À! Ra ông lính trận! Ông lính bảo vệ tổ quốc! Ông không biết cái gì à? Bài điếu tang những người bị chôn sống đấy! Ông làm sao thì làm, cứu họ ra! Chấm dứt những sự giết chóc này đi.
– Vô lý!
Graber đưa mắt nhìn sương mù đang tỏa. Y nhận ra một cái sợi dây cáp đong đưa trước gió. Mỗi lần dây đưa ra sau tiếng đàn lại vang lên. Y nhớ lại cái dương cầm bể trước đây mấy ngày đã trông thấy mắc ở cột nhà tầng gác thứ ba. Hẳn là sợi dây cáp đong đưa chạm vào dây đàn.
– Cái dương cầm đấy.
Lão trưởng xóm nhăn mặt:
– Cái dương cầm! Cái dương cầm! Ông thì biết gì, ông chỉ là quân giết người! Đó là gió đánh chuông đưa người chết. Trời khóc cho khổ nhục điêu tàn ở trái đất này! Ông biết thế nào là cái chết không, ông giết người mà được tiền công! Kẻ giết người không biết thế nào là cái chết. Đâu đâu cũng có người chết, họ nằm dưới đống gạch vụn này, nhưng rồi họ sẽ trỗi dậy để đuổi các ông đi!
Graber khó chịu quá phải lùi ra ngoài. Lão vẫn theo sau:
– Họ sẽ đuổi các ông đi. Họ sẽ kiện các ông tới Diêm Vương, tới Tam tòa.
Graber đi nhanh, không quay lại. Tiếng lão trưởng xóm vẫn lảm nhảm trong sương đêm.
 
Graber bấm chuông. Cửa mở ngay như có người đứng rình sẵn ở phía sau. Mụ Lieser kinh ngạc kêu lên:
– À! Ra ông!
– Thì tôi đây.
Elisabeth chạy ra. Lần này mụ trở về phòng, không kiếm chuyện gì cả. Y theo Elisabeth vào phòng.
– Áo đi ăn tiệc của em đấy à? Em quên rằng chúng mình đi chơi.
Y nói vậy vì thấy Elisabeth vẫn mặc cái áo xăng đay và cái váy đen hôm trước.
– Anh nói thật hay bỡn?
– Thật chứ. Em trông quần áo anh này. Áo lễ của một anh hạ sĩ quan anh quen. Mình mặc thế này để vào được lữ quán Germania. Không chắc họ có cho hạ sĩ quan vào hay không, cái đó còn tùy thuộc cách phục sức của em. Em không có cái áo nào sang hơn à?
– Có, nhưng mà…
Graber chợt trông thấy chai vốt-ca của Binding trên bàn:
– Anh biết em buồn rầu. Nhưng phải quên đi mới được. Quên mụ Lieser và láng giềng đi. Em không làm hại ai, đó là điều duy nhất đáng kể. Em phải đi ra ngoài cho khuây khỏa. Ở mãi trong nhà này thì hóa điên mất.
Y rót đầy ly vốt-ca đưa cho nàng uống cạn.
– Được rồi. Anh đợi một lát nhé. Em cũng sẵn sàng rồi, chỉ ngại anh quên thôi. Nhưng anh nên đi ra ngoài trước đợi em. Em không muốn cho mụ ta mượn cớ vu cho em làm điếm.
– Lần này mụ có giở trò gì cũng không được! Việc này đối với lính, thì được xem là một hành vi ái quốc. Nhưng anh cũng ra ngoài phố đợi chứ không nên đứng trong hành lang.
Y ra ngoài. Sương mù đã bớt, nhưng phố xá còn bốc hơi như phòng tắm. Bỗng cửa sổ mở, Elisabeth mặc áo hở vai hiện ra giữa khung cửa sổ sáng. Mỗi tay nàng cầm một cái áo. Một chiếc nâu vàng, cái kia màu đậm, không rõ màu gì. Áo bay phấp phới trước gió như lá cờ.
Nàng quay ra hỏi:
– Cái nào?
Y chỉ cái thứ nhất. Nàng gật đầu rồi biến mất. Không ai biết nàng vừa phạm kỷ luật thắp đèn sáng trưng. Y lững thững đi bách bộ chờ đợi. Bất thần đêm tối có vẻ dày hơn. Suốt ngày hôm nay y chỉ nằm dài khiến cho người bần thần, đêm nay trời lại ảm đạm trong lúc y quyết định dẹp quá khứ sang một bên, tất cả những sự kiện ấy làm cho y cảm thấy như một thứ sung sướng trong lúc đợi ai, sự sung sướng chẳng bao lâu biến thành nóng lòng sốt ruột.
Elisabeth hiện ra khung cửa, bước xuống đường. Nàng bước những bước mau và uyển chuyển nom vóc dáng nàng mảnh mai hơn trước trong bộ áo dài hoàng yến óng ánh kim tuyến. Khuôn mặt nàng cũng khác đi, đầu như nhỏ lại, mặt như thanh nhã hơn. Một lúc lâu y mới nhận ra nom nàng khác vì mặc áo hở vai làm lộ cái cổ cao.
– Mụ Lieser có trông thấy em không?
– Có, trông thấy em, mụ như nghẹn hơi. Mụ muốn cho em suốt ngày lam lũ và hối hận. Em cũng có lúc hối hận.
– Hối hận gì, kẻ nào làm xấu mới đáng hối hận.
– Không những hối hận, em còn thấy sờ sợ. Anh thử tưởng tượng…
– Anh không muốn tưởng tượng gì cả. Đừng nên tưởng tượng gì hết, cố gắng quên sợ đi. Ráng sức mà vui vẻ, không nghĩ đến cái gì nữa.
 
Lữ quán Germania còn nguyên vẹn, hai căn nhà hai bên đều tan nát, nom như một ngựời giàu có ở giữa đám bà con nghèo đói. Gạch ngói vụn đã thu dọn sạch sẽ để thành đống hai bên, như vậy cũng làm cho hai căn nhà kia đỡ có vẻ tang tóc thảm thê. Sự nghèo khổ ra vẻ tề chỉnh rồi, gần như trưởng giả hóa rồi.
Người canh cửa nhìn y phục của Graber ra bộ khinh thường một cách kín đáo. Graber đĩnh đạc hỏi ngay, không để cho anh ta kịp mở miệng:
– Phòng ăn đâu?
– Ông đi phía tay trái hành lang. Xin ông hỏi quản lý.
Hai người đi qua phòng lớn. Họ gặp một đại tá và hai trung tá. Graber chào.
– Có cả đống trung tá ở đây. Nhiều bàn hội họp quân sự đặt ở lầu nhất.
Elisabeth dừng lại:
– Mình làm thế này có liều lĩnh không? Nếu họ biết anh không phải hạ sĩ quan thì sao?
Một sĩ quan kỵ binh xuất hiện, đinh thúc ngựa kêu lích kích, đi với một người đàn bà gầy nhom. Hai người đi qua không để ý đến Graber.
– Nếu họ biết thì làm sao?
– Không quan trọng lắm!
– Có thể mang xử bắn không?
Graber cười:
– Họ chẳng bắn đâu, họ đang cần mình ngoài mặt trận.
– Thế thì họ phạt thế nào?
– Chắc là họ giam trong vài tuần lễ, như vậy mình cũng được lời mấy ngày đó, cũng gần như nghỉ phép. Người ta không thể phạt nặng một người sắp sửa trở ra tiền tuyến.
Người trưởng tiếp tân bỗng từ cái cửa bên phải hiện ra. Graber lẳng lặng đặt một tờ giấy bạc vào tay. Hắn nhận tiền không nề hà gì cả rồi đi trước hai người với dáng điệu nghiêm chỉnh.
– Ông có hai chỗ, vâng, mời ông theo tôi.
Hắn để hai người ngồi ở bàn nhỏ lấp sau cái cột lớn rồi đi ngay ngắn trở ra.
Graber nhìn quanh phòng.
– Đúng như tôi vẫn mơ ước. Đợi một lúc cho quen đã.
Y nhìn Elisabeth mà ngạc nhiên:
– Em thì có lẽ không cần, em có vẻ như hàng ngày đến đây hai lần.
Một anh bồi bàn đã có tuổi nom giống như con vạc, đưa thực đơn. Graber cầm lấy, đặt tấm giấy bạc vào kẹp lại rồi đưa trả.
– Cho tôi cái gì không ghi trong thực đơn. Ông có cái gì đặc biệt không?
Bồi bàn nhìn y thản nhiên, không để lộ gì ra nét mặt.
– Nhà hàng chỉ có những món ghi trong thực đơn.
– Được rồi, cho tôi một chai Forster Jesuitengarten 1934 hầm Buerklin Wolf.
– Lần vô thùng cuối cùng.
– Đừng. Thứ đó còn hơi nho, mà ngọt quá nếu mình dùng bữa.
Mắt anh bồi bàn sáng lên và anh ta bỗng dưng rất lễ phép:
– Vâng để tôi kiếm.
Rồi y ghé vào tai Graber:
– Đặc biệt hôm nay có cá lờn bơn Bỉ còn tươi, có thể dùng với xà lách Bỉ và khoai chiên kiểu Anh Cát Lợi.
– Tốt lắm. Thế còn khai vị? Dĩ nhiên không nên ăn ca-vi-a.
Bồi bàn càng thêm nhanh nhẩu:
– Vâng, không nên thật. Nhưng chúng tôi có ba-tê gan dùng với nấm hương.
Graber gật đầu.
– Cuối cùng tôi giới thiệu với ông thứ phó mát Hòa Lan để tăng thêm vị rượu nho.
– Thế thì tuyệt.
Anh bồi bàn đi vào ra vẻ khoái trí. Mới đầu có lẽ anh ta cho Graber là một quân nhân lạc ra ngoài trại lính. Bây giờ anh la cho là một người ăn chơi lão luyện nhất thời nhập ngũ.
Elisabeth ngồi nghe hết sức kinh ngạc:
– Anh Ernst à, sao anh thạo quá xá vậy?
– Ấy, thằng Reuter mới mớm cho sáng nay đấy. Y thạo quá đến nỗi liệt giường vì tê thấp. Cũng may, y càng khỏi phải ra trận. Phạm tội vẫn hay được tưởng thưởng.
– Thế còn chuyện đấm mõm và gọi món ăn?
– Cũng cha Reuter làm quân sư. Y biết hết. Y cũng bảo cách làm ra dáng chán chường buồn thiu để có vẻ phong lưu lịch lãm.
Elisabeth phá ra cười, cái cười thành thực và nồng ấm của cuộc sống hạnh phúc.
– Trời hỡi trời! Em không được biết anh dưới phong độ ấy.
– Anh cũng vậy, lúc gặp em, em không như bây giờ.
Y nhìn nàng như mới gặp nàng lần thứ nhất. Nàng đã biến đổi hẳn vì cái cười. Nàng như căn nhà tối tăm bỗng dưng mở toang cửa.
– Áo của em đẹp lắm.
Y nói hơi ngượng ngập.
– Áo của má em đấy. Tối hôm qua em phải ngồi may lại cho vừa người. Nàng lại cười. Anh thấy không, em không đến nổi thiếu chuẩn bị như đã làm ra thế lúc anh mới đến.
– Em biết may à. Trông em hình như không phải thế.
– Ngày trước thì không biết cầm mũi kim thế nào, nhưng cần đến thì cũng phải học. Bây giờ em khâu áo lính mỗi ngày tám giờ đồng hồ.
– Thật ư? Có phải em bị người ta bắt buộc phải đi làm?
– Không đi cũng không được. Mấy lại cũng không mong gì hơn. Đi làm thì có thể giúp đỡ được ba má ít nhiều.
Graber lắc đầu, nhìn nàng:
– Thực ra nghề ấy không hợp với em, với tên em. Sao em lại tên là Elisabeth?
– Má em đặt. Má người miền nam nước Áo, trồng giống người Ý. Má vẫn muốn em tóc vàng mắt xanh. Tuy em không tóc vàng mắt xanh làm mọi người thất vọng nhưng vẫn đặt tên là Elisabeth.
Bồi bàn đến. Hắn mang chai rượu Jesuitengarten ra, trịnh trọng như một bảo vật.
– Tôi lựa cho ông thứ cốc pha lê mỏng, nom càng rõ rượu đỏ như lửa. Nếu ông thích thì tôi đổi lấy cốc bắc-ca-ra.
Graber từ chối cốc bắc-ca-ra. Bồi bàn hoa tay rót rượu, rồi đưa ra một cái mâm bạc, gan cặp nấm bày thành cánh hoa giữa một vòng xốt đông rung rinh.
Anh ta lấy làm hãnh diện mà rằng:
– Đồ này đưa thẳng từ xứ Alsace đến.
Elisabeth cười:
– Sang trọng quá.
– Sang trọng thật!
Y nâng cốc:
– Sang trọng. Em nói đúng. Chúng ta nâng ly mừng cho cái sang trọng. Đã hai năm nay ăn bằng cái nắp gamen méo miệng, không bao giờ chắc là xong bữa. Ta ngồi ăn bây giờ còn có cái gì hơn cả sang trọng. Còn có yên ổn, an ninh, sung sướng, khác hẳn ngoài mặt trận.
Y uống hớp rượu, một cảm giác ấm nồng tỏa ra khắp người: Y nhìn Elisabeth, nàng đã góp phần vào niềm hân hoan tràn ngập người y. Đó là phương diện bất ngờ của đời sống, cái gì bất thần vươn lên trên giới hạn sự thiết dụng, cái hương vị của tuổi trẻ, cái phần say sưa của vui chơi và mơ mộng. Sau những năm luôn luôn đụng chạm với cái chết, rượũ nho không phải chỉ là rượu nho, mâm vàng đĩa bạc không phải chỉ là mâm vàng đĩa bạc, bản nhạc êm không phải là nhạc đã nghe hàng ngay, cũng như Elisabeth tối nay không phải là Elisabeth mọi ngày. Mỗi vật mỗi người đều có giá trị biểu tượng, biểu tượng cho một đời sống khác hẳn, không có tàn phá giết chóc, biểu tượng cho đời sống ấy bây giờ như chỉ là một huyền ảnh xa xôi, một ước mơ không mong gì thực hiện.
– Có khi người ta quên hẳn rằng người ta sống. Ngày hôm nay, anh nhận thấy điều ấy nhưmột mặc khải bất thần.
Elisabeth cười:
– Em thì chưa bao giờ em quên được ý nghĩ ấy, nhưng chưa bao giờ nó giúp mình được cái gì cả.
Bồi bàn lại gần:
– Ông thấy rượu thế nào?
– Hẳn là siêu tuyệt rồi, vì tôi nghĩ đến những điều lâu nay đã quên hẳn đi.
– Mặt trời đó. Mặt trời thu đã làm chín nho này và bây giờ rượu nho hoàn lại dương khí. Ở vùng xứ Rhénanie người ta gọi thứ rượu này là thánh thể quan giá. Thật vậy nó đỏ như vàng son và khí mạnh như mặt trời.
– Quả vậy.
– Uống một cốc là đủ biết. Thật là mặt trời đóng chai.
– Uống hớp thứ nhất là đủ thấy nó không xuống bao tử mà nó bốc lên tai mắt, nó làm mình nhìn đời khác hẳn.
– Ông sành rượu lắm!
Anh ta thì thầm vào tai Graber:
– Ở bàn bên tay phải, tôi cũng mang ra thứ rượu này, nhưng họ uống như uống nước lã. Những hạng như họ thì uống rượu nho thường cũng xong.
Anh ta đưa cặp mắt khinh bỉ nhìn khách ở bàn bên phải khi đi vào.
– Ngày hôm nay hình như thuận lợi cho những người đi xem cọp. Sao, em uống rượu thấy thế nào? Thưởng thức thứ thánh thể quan giá này thấy thế nào?
Elisabeth ngửa mình ra sau đưa mắt lên:
– Em có cảm tưởng như mới ở tù ra và nơm nớp lo rằng phải trở lại ở tù vì ăn cắp hạnh phúc.
Graber cười thú vị.
– Chúng ta ai cũng vậy cả! Chúng ta sợ tâm tình của chúng ta, chúng ta cho rằng mình đắc tội nếu hưởng một chút hạnh phúc cỏn con.
Bồi bàn mang cá lờn bơn và rau xà lách ra. Graber nhìn anh ta cắt cá. Y thoải mái lắm nhưng vẫn có cảm tưởng như mình phiêu lưu đi trên mặt hồ chỉ có lớp băng mỏng có thể sụm xuống bất cứ lúc nào. May mà tạm thời băng vẫn còn nguyên, cái đó cần thiết hơn cả.
“Khi người ta bì bõm tháng ngày trong bùn lầy, người ta cũng có cái lợi là thấy cái chẳng là bao cũng cho là tuyệt diệu”.
Bồi bàn rót đầy ly. Anh ta săn sóc hai người như mẹ chăm nom cho con.
– Thường thường ăn cá chúng tôi hay rót rượu Moselle. Nhưng cá lờn bơn khác, thịt trắng gần như thịt gà. Dùng nó với rượu Plalzer thì tuyệt. Ông có đồng ý không?
– Thì hẳn rồi.
Bồi bàn gật đầu tán thưởng đi vào.
Elisabeth nói:
– Anh Ernst, liệu mình có tiền trả không? Hẳn là đắt như vàng.
– Đừng lo. Anh có tiền hai năm đi trận, giữ mãi cũng vô ích.
Y cười:
– Chỉ có đủ thời giờ sống một cuộc đời ngắn ngủi. Hai tuần lễ thôi.
 
Khi bước ra cửa lữ quán Germania thì trời đã yên gió nhưng rất âm u.
– Bao giờ thì anh đi? Hai tuần nữa à?
– Gần được hai tuần.
– Ít ỏi quá.
– Ít ỏi mà cũng nhiều. Tùy từng lúc. Thời gian bây giờ không như thời bình. Chắc em cũng biết như thế, sống ở đây không khác ngoài mặt trận bao nhiêu!
– Không, đâu có như nhau.
– Như nhau chứ. Ngày hôm nay mới là ngày đầu nghỉ phép của anh. Cám ơn anh bồi bàn, thằng Reuter, chiếc áo hoàng yến của em và chai rượu thánh thể quan giá!
– Chúng ta cần những thứ ấy.
Nàng đứng thẳng người trước mặt Graber. Ánh đèn rọi xuống tóc, xuống áo; khuôn mặt nàng tươi tắn như trái cây lóng lánh sương mai.
Thình lình họ cảm thấy khó mà quên được những phút này, khó mà dứt đoạn những đường tơ vấn vít cõi lòng đã mở ra với trìu mến và rung cảm, với lặng lẽ quên mình, khó lòng mà trở về trại hôi hám nghe giễu cợt thô lậu để đợi một ngày mai bất tường.
Một giọng nói ráo rức làm tan phút thần tiên:
– Này anh hạ sĩ quan, anh không thấy gì cả à?
Một đại úy mập mạp vừa ló mặt ra, hẳn là ông ta đi gót nhẹ như bấc. Graber nhận ra là một sĩ quan trừ bị kiểu “ra phết người trên”. Y những muốn tống cho hắn chúi mũi xuống quay đi mấy vòng như con thò lò, nhưng nghĩ lại không nên sinh sự. Y bèn xử sự như người lính đầy kinh nghiệm: đứng nghiêm chào mà không nói gì cả.
Ông ta rọi đèn bấm vào giữa mặt.
– Mặc đồ đi chơi! Hẳn là anh đã trốn tránh nhiệm vụ mới thảnh thơi như thế! Một quân nhân đi dép trong nhà, mặc đồ đi chơi! Chà! Nhàn rỗi quá nhỉ! Tại sao anh không ở mặt trận?
Graber không trả lời. Y quên không đeo huy chương vào bộ áo mượn.
– Ăn chơi cho đã! Anh chỉ biết có thế thôi phỏng?
Elisabeth không dằn được lòng tức xuống nữa. Cái đèn bấm rọi thẳng vào mặt nàng, nàng tiến một bước tới gần viên sĩ quan. Ông ta ho một tiếng lấy nước, cau mặt nhìn nàng rồi từ từ đi.
– Em chịu hết nổi rồi.
Graber nhún vai.
– Tụi háo danh ấy đã thành tật rồi. Họ chỉ nghênh nghênh đi ngoài phố đợi người ta chào, suốt đời họ chỉ có thế. Tạo hóa phải mất mấy triệu năm mới nặn ra được loại người ấy chứ bỡn hẳn!
Elisabeth cười.
– Sao anh không ở mặt trận? Lỗi chỉ tại bộ quân phục này. Thôi từ ngày mai ta mặc đồ dân sự. Anh có thể kiếm được quần áo dần sự. Đi đâu cũng chào, chán ngấy rồi. Mặc thường dân thì có thể yên ổn trở lại lữ quán Germania.
– Anh có thể trở lại à?
– Có chứ. Có trở ra mặt trận thì nhớ những phút ấy chứ nhớ làm gì đống gạch vụn với mấy người háo danh. Ngày mai, tám giờ anh trở lại với em nếu anh rảnh. Bây giờ thì phải về ngay kẻo thằng cha ấy có thể trở lại hỏi sổ quân bạ.
Graber ôm lấy nàng, nàng không chống cự. Y ghì chặt nàng như sợ mất và hôn nàng nồng nàn. Y cảm thấy mình không muốn rời nàng ra nữa.
Trở về đường Haken, y dừng lại trước nhà cha mẹ. Chị Hằng vén mây hé mặt ra. Y cúi xuống nhặt lấy bức thư của mình để dưới đất. Có một miếng giấy ghim vào bên lề. Y soi đèn bầm đọc mấy chữ lớn viết bằng bút chì:
“Mời ông đến Ty Bưu điện chính, ghi sê 15”
Như một cái máy, y xem đồng hồ tay. Dĩ nhiên là trễ quá rồi, ban đêm ở Bưu điện đóng cửa, không thể biết gì được trước tám giờ sáng mai. Y gập mảnh giấy cho vào túi áo, rồi đi qua thành phố chết trở về trại. Y có cảm tưởng như mình nhẹ lâng lâng đi trên không trung vậy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.