Bottcher thu xếp đồ đạc quần áo. Bạn hữu đứng vây quanh. Graber hỏi:
– Sao. Anh tìm thấy chị ấy rồi hả?
– Thấy, nhưng…
– Ở đâu?
– Ngoài phố ấy. Nó ở ngay phố Keller gần một tiệm làm dù cũ. Lúc gặp tôi không nhận ra.
– Trước chị ở đâu?
– Ở một trại gần ngoại ô. Trời ơi! Nó ở gần ngay cửa hàng bán dù mà tôi không thấy. Tôi đi gần nó gọi: “Otto ơi! Anh không nhận ra em à?”
Bottcher yên lặng một lúc, liếc quanh nhìn mọi người:
– Các bồ ơi! Làm sao mình nhận ra một người đàn bà đã sút mất gần bốn mươi ký lô?
– Cái trại chị ấy ở trước gọi là trại gì?
– Tôi cũng không biết, trại rừng trại rú gì đó. Nhưng các anh hãy nghe nốt câu chuyện. Tôi nhìn nó và tôi hỏi: “Anna em đấy à”. Anna trả lời: “Em đây! Em nghĩ rằng có lẽ mình được nghỉ phép, vì thế em trở về đây”. Tôi vẫn nhìn vợ không chớp mắt. Người gầy dộc hết như con ngựa kéo xe thổ mộ, năm mươi lăm, có lẽ năm mươi lăm ký lô, chỉ còn bộ xương, áo rộng thùng thình như tấm khăn bọc lấy cái cọc.
Bottcher thở dài đau đớn.
– Vợ anh cao bao nhiêu?
– Độ một thước sáu. Chi vậy?
– Thế thì trở lại người trung bình chứ có gì lạ?
– Trung bình à? Chuyện ấy chỉ là chuyện tầm phào.
Bottcher trố mắt nhìn Graber:
– Tôi không bận tâm đến người cân nặng trung bình! Vợ tôi hóa ra cái kim đan, đó là sự thật như thế! Tôi muốn nó như ngày trước, một người mũm mĩm dễ coi chứ không phải khô đét như hột cà phê. Tôi ra đánh giặc để chi? Để rước lấy hột cà phê ấy à?
Reuter vội nói:
– Anh chiến đấu cho Quốc trưởng thân yêu của chúng ta, cho tổ quốc chúng ta, chứ không phải cho cái đít vợ anh. Ba năm chiến đấu chắc anh phải biết rõ điều ấy.
Bottcher nhăn mặt. Y quay lại nhìn mọi người để phân bua:
– Tôi chiến đấu để bảo vệ cái gì tôi thích, để bảo vệ đời sống của tôi, còn cái khác thì tôi…
– Im mồm!
Reuter giơ tay ra hiệu:
– Anh muốn chiến đấu cho cái gì thì chiến đấu, nhưng đừng nói với ai! Tìm thấy vợ yên lành như thế là đáng mừng rồi.
– Thì tôi mừng, nhưng tại sao nó không còn đẹp đẽ tươi tắn mập mạp như xưa?
– Thôi anh ạ, cái vặt ấy có thể sửa chữa được có làm gì! Để chị ấy ăn một dạo cho lại người thì lại mập.
– Ăn cho lại người! Nói nghe dễ dàng quá. Nhưng lấy ở đâu mà ăn. Thẻ thực phẩm ấy à?
– Tìm cách khác chứ!
Bottcher chua chát mà rằng:
– Cám ơn lời vàng ngọc của anh. Chỉ còn có ba ngày nghỉ thôi. Làm thế nào nuôi cho béo trong ba ngày! Thí dụ như suốt ngày ngâm trong dầu gan cá thu và ăn một ngày sáu bữa cũng chỉ được một hai ký là cùng! Thật là nan giải cho tôi!
– Dầu sao anh cũng có cô chiêu đãi.
– À, rắc rối quá! Tôi đã tự nhủ là không đến nữa. Tôi đã có gia đình, không chơi bời nữa; nhưng khốn nỗi, bây giờ tôi lại thích cô gái chiêu đãi mới chết chứ.
Reuter nói:
– Sự thật thì anh chỉ là một người bản chất hời hợt.
– Tôi không hời hợt. Trái lại, một chuyện nhỏ nhặt cũng làm tôi xúc động sâu xa. Nếu không tôi đã thấy mình sung sướng. Nhưng anh không hiểu được những điều ấy, cứ như anh thì không bao giờ anh hiểu cả!
Bottcher quay lưng lại thu dọn đồ đạc vào bị. Graber hỏi:
– Anh đã kiếm được chỗ cho vợ ở chưa hay anh tìm thấy nhà cũ?
– Không, chúng tôi bị nạn bom. Nhưng chẳng thà ngủ hầm còn hơn ở đây dù thêm một ngày nữa. Cái khổ là vợ tôi nó không chịu nói gì với tôi nữa. Tôi vẫn yêu vợ, nếu không thì lấy nhau làm gì? Nhưng vợ như thế thật tôi không thích nữa. Mà cơ sự đã ra như thế thì tôi làm gì được. Dĩ nhiên, nhà tôi cũng thấy rõ tình trạng này.
– Dù sao thì cũng chỉ có ba ngày, anh có thể đóng kịch một chút cho chị ấy vui lòng.
– Nằm vào giường thì một người đàn bà có thể làm thế được thật, nhưng người đàn ông mình thì chịu thôi. Biết thế này thì chẳng thà đừng gặp vợ, cứ trở lại mặt trận lại hóa hơn. Gặp nhau chỉ thêm đau khổ cho cả hai người.
Bottcher quẳng bị lên vai rồi đi ra. Reuter đưa mắt nhìn theo rồi quay lại nói với Graber:
– Còn anh? Bây giờ anh thế nào?
– Tôi đến văn phòng đây. Có lẽ phải có giấy phép đặc biệt để lấy vợ.
Reuter cười tai quái:
– Kinh nghiệm Bottcher không làm anh núng trí à?
– Không, nhưng tôi lại có những mối lo khác.
Viên thư ký văn phòng của đơn vị nói:
– Ngoài mặt trận đang sôi động đây. Anh có biết khi sôi động thì người ta làm gì không?
– Mình sẽ lánh mặt đi, đến đứa trẻ cũng biết thế. Nhưng tôi đã lánh mặt rồi vì tôi nghỉ phép!
Viên thư ký vội cải chính:
– Anh tưởng anh đã có giấy nghỉ phép rồi là chắc ăn hẳn. Tôi sẽ cho anh coi lệnh mới đây này.
Graber kéo một gói thuốc lá trong túi ra đặt lên bàn. Bao tử y dần dần thắt lại.
– Đánh nhau kịch liệt. Thiệt hại không sao kể xiết. Người ta đòi tiếp viện ngay. Nghỉ phép không có lý do tối cần phải trở lại tiền tuyến ngay. Thế là đủ chưa?
– Đủ rồi? Thế nào là lý do tối cần?
– Cha mẹ chết, thu xếp việc nhà, bệnh nặng.
Gói thuốc lá chui vào ngăn kéo anh thư ký.
– Anh cứ trốn biệt vào nơi nào đó, làm bộ chết rồi. Nếu không ai tìm ra anh thì anh không phải đi. Đừng có trở về trại. Chúi vào một xó nào đó cho đến ngày hết phép hãy trở lại. Người ta sẽ làm gì anh? Phạt vì không để lại địa chỉ? Thì đằng nào cũng đến trở lại mặt trận thôi chứ gì?
– Tôi lấy vợ. Đó có phải là lý do tối cần không?
– Anh lấy vợ à?
– Vâng, vì thế tôi mới trở lại đây. Tôi muốn biết sổ quân bạ có đủ hay không hay còn phải cái gì nữa?
– Lấy vợ có thể là lý do tối cần, tôi nói có thể thôi.
Anh ta đốt điếu thuốc lá.
– Có thể là một lý do nhưng tội gì mà lạy ông tôi ở bụi này? Anh là lính thì sổ quân bạ là đủ. Nếu cần gì khác cứ trở lại đây tôi giúp kín đáo. Anh không có gì mặc à? Không lẽ cưới vợ với bộ áo ở dưới hầm.
– Có thể thay đổi quần áo ở đây không?
– Đến phòng quân phục. Anh nói có tôi giới thiệu. Mà còn thuốc lá ngon không?
– Đây không có nhưng tôi kiếm được.
– Không phải tôi hỏi cho tôi, mà hỏi cho người coi y phục đó.
– Vâng để tôi lo. À, đàn bà lấy chồng lính có phải giấy má đặc biệt gì không?
– Không biết, nhưng nếu phải giấy má thì cũng lạ thật đây. Bây giờ giản dị hóa thủ tục mà.
Y xem đồng hồ:
– Anh đến ngay phòng quân phục đi, chắc còn mở cửa.
Graber đi sang một chái dành cho kho quân phục. Phải leo lên gần áp mái. Anh thượng sĩ coi kho là một người mập mạp, hai mắt kỳ dị vì một mắt xanh tím, còn mắt phải nâu hạt dẻ.
– Làm gì mà nhìn nổ lỗ đáo ra thế. Anh chưa trông thấy con mắt giả bao giờ à?
– Có, nhưng chưa thấy mẩu nào như thế.
– Ngốc thật, đây không phải mắt tôi, có người cho tôi mượn. Bị hôm trước tôi đánh rơi mắt xuống hè. Đồ này dòn lạ! Đáng ra phải làm bằng nhựa thì chắc hơn.
– Đồ này rất dễ cháy.
Viên thượng sĩ mỉm cười khi thấy những huy chương của Graber.
– Tiếc rằng không có đồng phục cho anh bây giờ. Đồ trong kho còn tồi tệ hơn.
Hắn nhìn Graber với con mắt bóng lộn. Mắt thật nâu hạt dẻ so với con mắt ấy thì lờ đờ quá. Graber đặt xuống bàn gói thuốc lá của Binding cho. Con mắt nâu hạt dẻ tỉnh táo ngay Hắn quay vào, lúc ra mang theo một cái áo varơ.
– Bây giờ chỉ có thế thôi à.
Graber không cầm áo vội. Y lấy ra một chai cô-nhắc mang theo để gần hộp thuốc. Hắn trở vào rồi mang ra cái quần mới. Graber coi cái quần trước. Lật lại thì thấy hắn đã xếp quần khéo để lấp một vết loang bằng bàn tay vào phía trong. Graber lẳng lặng nhìn vết loang rồi lại nhìn chai cô-nhắc.
– Không phải máu, dầu ô liu thượng hảo hạng đó. Người này ở nước Ý về. Tẩy một chút băng-din thì sạch ngay.
– Nếu dễ thì sao lại phải đổi cái khác chứ không đem tẩy?
– Có lý. Nhưng anh này muốn một bộ có vẻ đồ ra trận. Như bộ của anh. Y làm việc ở một văn phòng tại Milan đã hai năm, ấy thế mà viết thư về cho vợ cứ nói khoác là mình dự hết trận nọ đến trận kia. Y không thể về nhà với cái quần mới chỉ có một vết dầu. Tôi chỉ có thế thôi. Thề độc với anh!
Graber không tin được một chữ, nhưng y không có gì khác để tặng anh thượng sĩ. Tuy nhiên y vẫn lắc đầu.
– Được rồi. Tôi đề nghị với anh thế này: cho không anh bộ này, anh giữ lấy cả bộ cũ, là hai bộ. Đồng ý!
– Anh không cần bộ cũ để cho đúng sổ sách à?
Hắn khoa tay:
– Ôi dào! Đã từ lâu sổ sách đâu có đúng với vật liệu trong kho. Bây giờ anh có thấy cái gì đúng trên văn tự với ngoài thực tế không?
– Không.
– Thế thì…
Khi đi qua bệnh viện, y dừng lại. Y đã hứa rằng sẽ đến thăm Mutzig, anh chàng sưu tập tên của những người bạn chết.
Y ngập ngừng một lát rồi bước vào, với sự mê tín rằng làm một điều tốt lành có thể gây hậu quả tốt cho mình.
Những người bị cưa chân tay đều ở tầng lầu thứ nhất. Dưới nhà là những người bị thương nặng và những người mới giải phẫu xong; trong trường hợp báo động sẽ dễ mang xuống hầm. Người bị cưa chân có thể nhờ người dắt xuống được. Một người cụt hai tay có thể nhờ hai anh cụt một tay dìu xuống cầu thang.
Mutzig sung sướng quá chừng quá đỗi khi thấy Graber.
– Tôi tưởng rằng anh không đến.
– Tôi cũng vậy, nhưng tôi đến đây.
– Thật là quý hóa! Stockmann cũng có đây. Hai người cùng ở Phi châu với nhau hả?
– Phải rồi.
Stockmann cụt một cánh tay phải. Y đang đánh bài với những phế binh khác. Thấy Graber y la lên:
– Graber! Anh cũng bị thương hả?
Nói rồi anh ta theo bản năng tìm kiếm một thương tích trên người Graber để giải thích lý do Graber được về đây.
– Không, tôi không sao cả.
Mọi người đều quay lại với cái nhìn giống Stockmann. Graber nói, nhỏ như mình đắc tội:
– Nghỉ phép.
– Tôi tưởng anh đã đủ nhiệm vụ bên Phi châu người ta có thể cho anh giải ngũ được.
– Không, họ sơn phết lại tôi rồi gởi sang Nga.
– Vậy là anh may mắn đó. Còn thì bị bắt hết. Không kịp đưa về bằng phi cơ.
Một người chơi bài đặt bài xuống gắt gỏng:
– Nào chơi nữa hay tán dóc đây?
Graber thấy anh ta cụt cả hai chân. Bàn tay phải cũng mất hai ngón. Lông mày không còn. Hẳn là bị cháy vì mi mắt đỏ và sáng bóng.
– Cứ chơi đi, tôi không ở đây lâu đâu.
– Một tua nữa thôi là xong.
Graber đến ngồi gần cửa sổ với Mutzig. Mutzig nói nhỏ:
– Đừng nên giận Arnold, hôm nay anh ấy làm sao đấy.
– Arnold là ai vậy, anh cưa chân ấy à?
– Phải đó. Hôm qua vợ đến. Vợ về rồi anh ấy lại phát bịnh.
Arnold đằng kia la lớn:
– Nói gì đấy?
– Kể lại chuyện cũ, có gì đâu.
Arnold lại vùi đầu vào đám bài sau một tiếng càu nhàu.
– Mặc dầu vậy ở đây cũng vui lắm. Anh em tốt cả. Arnold làm thợ nề, khó mà thích ứng được. Mấy lại vợ y đã phản bội y. Mẹ y cho biết vậy.
Stockmann ném nắm bài xuống bàn.
– Xui thật! Mình đã chắc lá “ách”!
Arnold cười ngạo mạn và xóc bài.
– Lắm lúc người ta phải tự hỏi khi lấy vợ, vạn dĩ gặp nạn thì đằng nào hơn: cụt tay hay cụt chân? Stockmann thì cho rằng cụt hai tay còn hơn. Nhưng thử hỏi có một tay thì làm sao ôm vợ? Dù sao thì cũng phải ôm chắc lấy vợ chứ!
– Cái đó không quan trọng, điều quan trọng là sống cái đã.
– Đành là thế nhưng anh thấy không, sự an ủi chỉ có giới hạn. Hết chiến tranh thì cái gì cũng thay đổi. Mình là anh hùng chiến sĩ đấy nhưng thời bình mình chỉ là thằng tàn phế.
– Tôi không tin rằng thế. Vả chăng có những sáng kiến tinh thần dành cho người phế binh.
– Tôi không nói đến việc làm vội.
– Sự thật thì phải thắng trận cái đã.
Arnold nghe chuyện hai người bỗng nói xen vào.
– Nếu không có người trốn lính thì chúng ta không đến nỗi phải thua.
Graber không trả lời, không thể bàn cãi với người phế binh được; khi người ta đã mất một cánh tay hay một cái chân thì bao giờ người ta cũng có lý. Người ta có thể bàn luận với một người bị thương ở phổi hay ở tim, với một người mà đời sống luôn luôn bị đe dọa bởi bệnh đau đớn lâu ngày, nhưng kỳ dị thay, người ta không thể bàn luận với một người bị cưa chân hay tay.
Arnold trở lại đám bài, Mutzig hỏi:
– Anh nghĩ sao, tôi có cô bạn ở Munster, tôi vẫn nhận được thư. Nàng vẫn tưởng tôi bị thương xoàng ở đùi thôi; tôi không dám nói thực.
– Cứ bình tĩnh mà đợi, hãy biết sung sướng vì không phải đi nữa.
– Thì tôi vẫn làm thế, nhưng đâu có thể kéo dài mãi được.
Một người ngồi chầu rìa bỗng la lên:
– Buồn nôn với các anh! Thà cứ ăn uống và sống làm người đi cho xong.
Stockmann bật cười. Arnold hỏi:
– Sao vậy bồ?
– Tôi nghĩ rằng không biết sẽ xảy ra những gì nếu đêm nay có trái bom hạng nặng rớt trúng phòng này làm tan xác tất cả. Thử xem bàn tán mãi có ích gì không!
Graber đứng dậy. Y nhận ra người muốn ăn uống và muốn sống làm người đã mất cả hai bàn chân.
Y nghĩ thầm: Mìn hay tuyết làm thối thịt.
Arnold gầm lên:
– Phi cơ của chúng ta làm gì? Ra mặt trận hết cả rồi hay sao? Ở đây không thấy một chiếc nào.
– Ngoài mặt trận cũng gần như không thấy.
– Cái gì?
Graber thấy rằng mình lỡ lời vội thêm:
– Ngoài mặt trận chúng ta đang đợi khí giới bí mật. Người ta nói rằng rất thần diệu.
Arnold biết, quắc hai mắt dữ tợn:
– Nói tầm bậy! Cứ như anh nói thì nước ta thua đến nơi rồi! Không bao giờ ta thua được, không bao giờ, anh hiểu chưa! Anh tưởng ra tôi sẽ đẩy cái xe đi bán diêm như phế binh hồi chiến tranh trước phải không? Chúng tôi có quyền. Quốc trưởng đã hứa rồi.
Y quăng bài xuống bàn. Người không chân nói:
– Mở radio đi, nghe chút âm nhạc chơi!
Mutzig mở radio. Máy thu thanh oang oang tung ra một bài diễn văn. Mutzig giơ tay định vặn đi, Arnold ra lệnh:
– Để nguyên đó!
– Để làm gì. Lại cũng diễn văn!
– Để nguyên đó. Đây là một bài diễn văn chính trị. Nếu ai ai cũng để tâm nghe đều đều thì tình thế sẽ khá hơn chút ít.
Mutzig nén lòng chịu đựng. Tiếng máy thâu thanh oang oang. Arnold ngồi nghiến răng lại mà nghe. Stockmann ra hiệu cho Graber và nhún vai. Graber lại gần:
– Tôi xin lỗi anh nhé, tôi phải đi.
– Anh có gì thú hơn?
– Không, nhưng tôi phải đi.
Khi ra đi, y cảm thấy mắt mọi người đè nặng xuống người mình: y ráng đi chậm lại để tỏ ra mình không chạy trốn. Mutzig nhảy theo.
– Anh trở lại nhé. Ngày hôm nay xui xẻo làm sao ấy. Thường thường ở đây không khí dễ chịu lắm.
Graber ra ngoài phố. Trời đã hoàng hôn. Bất thần y lại thấy sợ. Suốt ngày hôm nay y đã tránh được sợ hãi, nhưng trong lúc ngày tận, ánh sáng bất định, cái sợ hầu như hiện ra ở khắp mọi nơi.
Y trở lại nhà giáo sư Pohlmann. Ông già mở cửa ngay đón y vào, hình như ông còn đợi ai nữa.
– Graber đấy à?
– Vâng, tôi không muốn làm phiền thầy lâu, tôi chỉ muốn hỏi thầy một câu thôi.
– Vào trong này, không nên đứng ở ngoài.
Họ bước vào căn phòng sáng đèn dầu. Graber ngửi thấy mùi thuốc lá như có người mới hút tức thời mà trên tay Pohlmann không có điếu thuốc.
– Anh muốn hỏi gì tôi?
Graber liếc mắt nhìn quanh.
– Thầy chỉ có một phòng này thôi à?
– Sao lại hỏi thế?
– Nếu cần tôi nhờ thầy cho một người vào ẩn đây trong vài ngày. Thầy có nhận cho không?
Pohlmann nín lặng.
– Không phải người bị Sở Cảnh sát lùng bắt. Ngẫu nhiên tôi hỏi thế thôi. Có lẽ không đến nỗi thế. Tôi đang lo sợ cho một người nên nghĩ quẩn.
– Tại sao anh lại hỏi đến tôi?
– Vì tôi không quen ai khác nữa.
Graber không thể nói rõ lý do thúc đẩy mình hành động. Y chỉ nghĩ đến việc cần một nơi kín đáo khi gặp sự nguy hiểm thế thôi.
– Ai thế?
– Một người con gái tôi sắp lấy làm vợ. Cha cô bé đã bị bắt rồi. Tôi sợ đến lượt con, nhưng cô bé chẳng làm gì cả. Có lẽ tôi lo sợ hão huyền.
– Lo sợ như thế không hão huyền đâu. Tốt hơn hết là mình đề phòng đủ mọi mặt. Anh có thể đến đây lúc nào cần.
Graber cảm thấy lòng biết ơn thầy tràn đến như một đợt sóng.
– Cám ơn thầy, cám ơn thầy lắm.
Pohlmann cười. Bất thần y cảm thấy mình lớn hơn, mạnh hơn.
– Cám ơn thầy. Nhưng tôi mong rằng sẽ không cần đến.
Thầy trò đứng gần những kệ đầy ắp sách.
– Anh mang theo một hai quyển mà đọc, nó sẽ giúp mình qua những tối băn khoăn.
Graber lắc đầu.
– Không giúp ích gì cho tôi cả. Nhưng tôi muốn biết một chủt: làm sao dung hòa được hai thế giới mâu thuẫn nhau này, một thế giới của sách vở, lịch sử và triết lý, một thế giới mật vụ và trại tập trung, tội ác tày trời?
– Hai thế giới ấy không thể dung hòa được với nhau. Chúng nó đọng hiện diện và đứng độc lập với nhau, thế thôi. Nếu tác giả những sách này mà còn sống thì hẳn là họ sẽ đi trại tập trung hết.
– Có lẽ.
Pohlmann nhìn Graber.
– Anh muốn lấy vợ à?
– Vâng.
Ông già lấy một quyển sách trên kệ xuống:
– Tôi không có gì tặng anh, chỉ có quyển sách này thôi. Chẳng có gì để đọc cả. Toàn là tranh ảnh. Có đêm không thể đọc sách được nữa, tôi ngồi coi tranh ảnh suốt đêm. Hình ảnh và thơ phú, đọc cho đến lúc hết dầu, bây giờ chỉ còn cách cầu nguyện trong tối.
– Vâng. – Graber vâng dạ nhưng không tin tưởng lắm.
– Tôi vẫn nghĩ đến anh và những lời anh nói lần trước. – Pohlmann ngừng nói rồi khẽ thêm – Chỉ còn một cách trả lời: lòng tin, chỉ còn có thế thôi.
– Tin cái gì?
– Tin Thượng đế. Tin rằng còn có cái gì tốt trong lòng người.
– Chưa bao giờ thầy ngờ vực.
– Có chứ. Ngờ vực luôn. Nếu không làm sao tôi có tin tưởng?
Graber trở lại xưởng may. Gió đã nổi lên, mây từng mảng rách nát lướt trên mái nhà. Một toán lính đi bước đều qua công trường. Họ mặc đồ ra trận và tiến đến ga xe lửa, để ra tiền tuyến.
“Đúng ra mình phải ở trong toán ấy”. Y ngửa mặt trông cây bồ đề đen thui đứng sững trước căn nhà bị phá hủy. Cũng như lần thứ nhất trông thấy cây bồ đề, bất thần y thấy một niềm vui tràn vào ngực. “Lạ thật, mình thương hại thầy Pohlmann và mình chẳng đợi thầy chỉ bảo gì cả; nhưng mỗi lần đến thăm thầy mình lại thấy một luồng sinh khí mới mẻ sâu xa đưa bổng mình lên…”