Mọi người tỉnh giấc, hầm rung động. Tai ù. Từ trên trần mưa xuống vôi và hồ. Súng phòng không phía sau làng nổ ran.
– Ra hết ngoài kia!
– Yên lặng! Tắt hết đèn lửa!
Một tiếng nổ dữ dội lại làm lung lay hầm. Có cái gì sập ầm ầm trong tối. Đá và mảnh gỗ văng trên đầu. Ánh sáng tím rịm nhào lộn trước cửa hầm đục lên nóc hầm.
– Có người bị kẹt dưới tường đổ!
– Bậy nào! Đó là góc tường trong chứ có gì đâu.
– Thôi đi, ra không chết chôn cả bây giờ.
Vài bóng người hiện ra khung cửa mở.
– Đồ ngu! Ở trong này ít ra còn tránh được mảnh bom.
Nhưng ai nào có nghe. Cái hầm này bị lung lay vì bom nổ có đến hai mươi lần, có kẻ ớn nó cũng phải! Những kẻ sợ mảnh bom không dám ra cũng có lý. Đây chỉ là vấn đề may rủi. Nguy hiểm bị chôn sống cũng không kém gì nguy hiểm bị mảnh bom.
Họ chờ đợi trong sự hồi hộp. Ruột gan đưa lên tận cổ và hơi thở dừng lại. Họ đợi tiếng nổ kế theo. Đợi rất lâu. Không có gì cả. Tiếng ầm ầm nổ ở xa, họ biết rằng nguy hiểm đã qua rồi.
– Trời đất ơi! Phi cơ khu trục của ta đã chết rồi hay sao?
– Chúng nó đang bay sang bên Anh.
Mucke vội thét:
– Câm miệng!
Immermann nói:
– Chúng nó ở Stalingrad.
Một tiếng động cơ máy bay giữa hai loạt tiếng nổ cao xạ. Steinbrenner vội lên giọng đắc thắng:
– Máy bay nhà đó thấy không!
Mọi người lắng tai. Nhưng bất thần có ba tiếng nổ mỗi lần một lớn hơn. Bom đã rơi ngay phía sau làng. Một tia sáng mờ rọi vào hầm. Đồng thời một bó lửa trắng, đỏ, xanh lóe lên. Đất bị tung lên tiếng tan vỡ lẫn với tia chớp loáng. Khi tối sầm trở lại thì có tiếng sụp đổ ầm ầm và tiếng kêu ở phía ngoài. Graber gạt hồ và gạch vụn trên mình trỗi dậy. Y nghĩ thầm rằng nhà thờ trúng bom, người y trống rỗng như chỉ còn miếng da nhũn nhèo, trong người có cái gì đã moi ra hết. Cửa hầm bỏ ngỏ. Hai mắt bị lóa vì đang tối om bất thần sáng chói, vật thứ nhất y nom thấy là cái khung cửa xam xám. Y cố gắng để thoát ra ngoài. Y không bị thương. Sauer ở gần đấy kêu lên:
– Trời! Gần ngay đây chứ không xa, có lẽ cả cái hầm bên cạnh bị sập.
Mọi người lần lượt chui ra. Tiếng nổ tiếp tục ở ngoài xa một chút. Những lúc yên tiếng nổ người ta nghe rõ Mucke ra lệnh. Y bị một hòn đá văng vào trán. Máu chảy xuống mặt.
– Đi ra hết để dọn dẹp! Còn thiếu ai không?
Không trả lời. Câu hỏi thật là ngu độn. Graber và Sauer bắt đầu thu dọn đá và gạch vụn. Họ làm việc chậm chạp vì luôn gặp những tảng bê tông và gióng sắt cong queo. Họ không trông thấy gì dưới trời mờ và ánh lửa cháy lập lòe.
Graber bèn bỏ công việc thu dọn mò mẫm để đi dọc theo bờ tường cái hầm bị phá hủy. Thỉnh thoảng y dán tai vào tường nghe, hai tay sờ soạng trên mặt tường nứt nẻ. Y cố sức chú ý nghe xem có tiếng gọi hay tiếng người kêu, đồng thời cũng tìm một khe hở khả đĩ bước vào trong hầm. Nếu có người bị vùi lấp thì phải mau mau cứu cấp.
Thình lình y rờ phải một bàn tay đang cựa quậy vội kêu lên:
– Có ai trong này không?
Y hấp tấp bới gạch vụn để tìm cái đầu. Không thấy gì. Bàn tay vẫn cựa quậy.
– Anh ở đâu? Nói lên một tiếng cho người ta biết! Nói lên!
– Ở đây – Người bị chôn nói cạnh tai Graber – Tôi bị đè lên người, đừng kéo mạnh.
Bàn tay vẫn cựa. Y bới đám gạch vụn và sờ thấy cái mặt, y sờ đúng cái miệng.
– Lại đây cấp cứu. Có người bị nạn!
Một vài người đang đào gần đấy. Y nghe thấy tiếng Steinbrenner. Y bảo người bị nạn:
– Nhoai người lên có người sang đào đống gạch phía bên kia.
Graber đứng nép vào tường để cho mấy người đi qua. Rồi lại hấp tấp đào.
Sauer hỏi:
– Ai thế.
– Tôi cũng không biết.
Graber cúi xuống đống thịt lẫn với gạch vụn:
– Anh là ai vậy?
Một tiếng trả lời khẽ nghe không rõ. Phía bên kia tường có tiếng người khuân những tảnh đá lớn.
Steinbrenner hỏi:
– Nó còn sống không?
Graber sờ bộ mặt bám vôi vữa, không thấy cử động nữa.
– Cũng không biết nữa. Mới vài phút trước đây hãy còn sống.
Tiếng ồn ào xếp dọn lại nổi lên. Graber cúi xuống nói:
– Rán chút nữa thì xong, anh sẽ thoát.
Y tưởng rằng đã nghe một hơi thở của anh ta, nhưng không chắc lắm. Y chỉ nghe rõ Steinbrenner và Sauer thở dốc:
– Nó không trả lời nữa rồi.
Sauer đụng xẻng vào một thỏi sắt.
– Không thể đào được nữa! Đụng phải gióng sắt rồi phải có chút ánh sáng với cái mỏ xì.
Mucke vội hét lên:
– Không được thắp đèn. Đứa nào đỏ lửa tao bắn chết lập tức.
Ai cũng biết rằng trong lúc không kích mà đốt lửa là tự vẫn.
– Không thể làm gì được nữa, thôi đành đợi trời sáng vậy.
Graber ngồi xổm gần chân tường. Y ngẩng đầu nhìn trời. Không thấy gì, nhưng cái chết vẫn lảng vảng đâu đây qua tiếng vù vù chuyển động vang trời. Cuộc không kích không lấy gì làm dữ dội. Y đã biết những phút chờ đợi bom rơi hãi hùng hơn.
Y sẽ để tay lên mặt người bị nạn bây giờ đã phủi sạch bụi và vữa. Ngón tay y đặt trên môi, sờ vào răng. Hàm răng sẽ nghiến lại, nghiến mạnh hơn rồi nhả ra.
– Hãy còn sống.
– Báo cho y biết hai người đang đi tìm đồ gỡ.
Graber lại để tay lên môi. Môi không cử động nữa. Y cầm lấy bàn tay thò ra ngoài đống đá gạch, bàn tay ngay đơ không trả lời. Y chỉ biết nắm chặt lấy bàn tay kẻ mắc nạn đợi cho đến lúc hết lịnh báo động.
Người ta mang dụng cụ đến, gỡ được người bị chôn vùi một người bé nhỏ mắt đeo kính. Cặp kính bắn ra xa vài thước. Nhưng nạn nhân đã chết.
Graber cùng Schneider canh gác. Không khí nặng mùi lưu huỳnh và mùi khói, cả một phần nhà thờ bị sập. Nhà của đại úy Rahe cũng tiêu tan. Y tự hỏi đại úy có còn sống không, nhưng một phút sau còn thấy bóng người manh mảnh của ông ta ở sau nhà thờ. Ông ta trông coi người hốt gạch và khiêng người bị thương đi. Một phần thương binh không chịu nổi đã từ trần. Xác chết và người sống sót được xếp hàng ngoài sân nhà thờ, đặt trên những tấm mền hay tấm “bạt”. Người sống sót cũng không rên la nữa, hai mắt mở to sợ hãi nhìn lên trời.
Sương mù nổi lên chẳng bao lâu đã dầy đặc. Người đi lội bì bõm trong đất bùn xám xịt. Schneider đi xa dần, cái đầu như trôi bập bềnh trên một biển bông nõn. Graber định đi một vòng rộng xung quanh làng khởi sự từ phía tay trái. Thỉnh thoảng y biến mất trong sương mù rồi lại xuất hiện trong giây lát y trông thấy vòng lửa sáng tiền tuyến ở xa tắp, chỗ tận cùng của biển sương mù trắng sữa. Lửa cháy lan rộng đều đều.
Không biết đi trong bao lâu bỗng y nghe thấy vài tiếng súng lẻ tẻ. Có lẽ Schneider bực dọc trong người nên bắn chỉ thiên. Tiếng súng lại nổ. Có tiếng gọi. Y đi về phía trước, biến vào trong sương mù, tay cầm súng đứng đợi. Có người gọi tên Graber.
– Mày ở đâu?
– Ở đây.
Y ngửng đầu lên và cẩn thận nhảy một bước sang bên cạnh. Không ai bắn cả. Tiếng nói bây giờ hầu như gần hơn, nhưng vì có sương mù khó lòng mà ước lượng gần xa cho đúng, Steinbrenner hiện ra:
– Quân chó chết! Chúng hạ được Schneider rồi. Một viên đạn xuyên qua đầu!
Lại quân du kích, họ lợi dụng sương mù để tiến lại gần bộ râu đỏ của Schneider là cái đích để họ nhắm dễ dàng. Hẳn là họ định công kích đồn đang lúc ngủ say, nhưng vì đang có việc thu dọn đá gạch cho nên họ không làm gì được. Tuy nhiên họ đã hạ được Schneider.
– Đồ khốn! Đất sình lầy như thế này, mình lại không thể truy kích được chúng nó!
Hai mắt Steinbrenner nẩy lửa trên khuôn mặt đầm sương:
– Phải đi hai người và đừng đi xa, lệnh của Rahe đó.
– Được
Họ đi khá gần nhau để có thể thấy nhau. Steinbrenner cố nhìn qua sương mù, tiến bước cẩn thận, y là một người lính giỏi.
– Tao muốn thộp kỳ được một thằng. Tao sẽ nhét giẻ vào đầy miệng để khỏi ai nghe tiếng, rồi trói dặt cánh khỉ mà đưa về! Móc cho con mắt lòi ra ngoài cầm mà kéo dài ra như sợi cao su cũng không đứt. Mày có nghĩ đến trò chơi ấy không?
Y làm cử chỉ mở một cái nút chai.
– Có chứ, tao biết. – Graber trả lời.
Y nghĩ thầm: “Nếu Schneider đi về hướng tay trái mà mình đi hướng tay phải thì mình đã được ăn một viên đạn vào đầu rồi”. Nhưng y không rùng mình mấy tí, sự tình cờ là món ăn thường bữa của người lính.
Hai người tiếp tục đi tuần cho đến lúc được thay thế. Bây giờ nghe rõ tiếng súng liên thanh giòn tan. Trời đã sáng. Trận đánh bắt đầu.
– Khởi sự rồi đó! Giá mình được ở tiền tuyến! Sau một trận đánh thế nào cũng thăng trật. Tao có thể được thăng hạ sĩ trong vài ngày nữa.
– Hạ sĩ quan hay thây nát bấy dưới bánh xe tăng.
– À! Những thằng già như mày chỉ có những ý nghĩ đen tối. Nghĩ như vậy sẽ đi đến đâu? Người ta đã chết cả đâu?
– Hẳn rồi nếu chết hết thì hết chiến tranh.
Họ thụt xuống hầm. Steinbrenner mở mền ra chui vào nằm ngủ. Graber nhìn y. Thằng cha này đã giết nhiều người hơn cả một bọn lính già. Không phải giết ở ngoài mặt trận. Hắn giết ở hậu phương hay trong những trại tập trung. Đã nhiều lần hắn tự phụ là tay cứng.
Đến lượt Graber cũng đi nằm, cố ngủ một giấc. Dù muốn dù không y cũng nghe thấy tiếng súng nổ rền trời. Steinbrenner nằm ngáy đã từ lâu.
Ngày hôm nay trời u ám và ẩm ướt. Ngoài mặt trận chiến cuộc đang mãnh liệt, về phía nam, các đơn vị bắt đầu rút về. Phi cơ bay từng đợt ào ào. Từng đoàn cam-nhông chở lính gặp những đoàn khác chở thương binh. Đơn vị của Graber đang chờ lệnh ra mặt trận.
Đến 10 giờ Graber được lệnh lên phòng đại úy Rahe. Ông ta đã dọn sang một gian nhà trước mặt còn ở được. Nhà nền đất nện, một cái ghế gãy chân, một cái lò sưởi trên xếp chăn mền, một cái gường và một cái bàn bếp, đồ đạc trong nhà chỉ có thế. Cửa sổ vỡ hết kính thay bằng những miếng bìa cứng, dưới cửa là hố bom đào lên. Trời lạnh. Trên bàn, một cái bếp đun bằng rượu và ấm cà phê.
Rahe nói:
– Giấy phép của anh đã ký rồi.
Ông ta rót cà phê vào một cái tách mẻ
– Anh ngạc nhiên à?
– Vâng.
– Tôi cũng vậy! Lệnh khởi hành trong bàn giấy kia, anh đến đấy mà lấy rồi kiếm xe mà đi ngay đi. Lệnh bãi bỏ hết nghỉ phép có thể ra bất cứ lúc nào. Anh đã nghỉ là nghỉ, không lôi thôi.
– Vâng, cảm ơn đại úy.
Rahe có vẻ như muốn nói nữa. Nhưng ông ta lại thôi. Ông đứng dậy đi quanh bàn đến bắt tay Graber.
– Thôi chúc anh may mắn, cố mà đi khỏi cho chóng. Đã đến lượt anh nghỉ từ lâu rồi. Anh đáng được nghỉ lắm.
Ông ta quay lại, đến gần cửa sổ. Cửa thấp quá. Phải cúi xuống mới trông được ra ngoài.
Graber đi ra ngoài để xuống văn phòng. Đi qua cửa sổ y chỉ trông thấy huy chương trước ngực Rahe, đầu lấp trên tường.
Viên thư ký văn phòng trao cho y giấy nghỉ phép ký tên đóng dấu hợp lệ.
– Có quan thầy nào giúp đỡ hay không đây? Anh cũng không có vợ nữa à!
– Không, nhưng đã hai năm nay bây giờ tôi mới được nghỉ phép lần đầu tiên.
– Con ông cháu cha. Nghỉ phép trong lúc tình hình khẩn trương như thế này!
– Không phải tôi chọn lúc này để nghỉ.
Trở về hầm của đơn vị, y mới nhận thấy mình không chuẩn bị ba-lô vì không chắc được giấy phép. Chẳng có gì để mang theo. Vài cái đồ ăn thức dùng lặt vặt lượm một lát là xong. Trong đống quần áo còn có một bức ảnh thờ nhặt được trong làng, y định mang về cho mẹ.
Ngẩng mặt lên thì nhìn thấy Hirschland đứng cạnh, tay cầm một mảnh giấy.
– Cái gì thế? – Graber vội hỏi – rồi nghĩ bụng “Lệnh cấm nghỉ phép chắc! Thế là mình bị rồi!”
Hirschland đưa mắt nhìn quanh để biết chắc không có ai trong hầm rồi mới trả lời:
– Mày đi đấy à?
– Ừ đi đây. – Graber yên bụng trả lời.
– Mày có thể đến nhà tao cho bà già tao biết rằng tao vẫn mạnh không? Địa chỉ đây.
– Sao không viết thư?
– Thì tao vẫn viết luôn đây nhưng nhà tao không tin. Mẹ tao không cho rằng tao nói thật, bà tưởng rằng vì có…
Y không nói hết, vội đưa tờ giấy cho Graber:
– Đây mày, địa chỉ đây. Có người trông thấy tao nói lại bà mới chịu nghe. Bà tin rằng tao không được tự do viết thư về nhà. Mày cũng hiểu chứ!
– Ừ, tao hiểu.
Y cầm mảnh giấy cất vào sổ quân bạ. Hirschland lôi một gói thuốc trong túi ra.
– Tặng mầy đó để đi đường hút.
– Sao vậy?
– Tao không hút thuốc.
Graber đưa mắt lên. Đúng. Y chưa thấy Hirschland hút thuốc bao giờ.
– Được rồi, cảm ơn.
– Mà đừng có nói chuyện ở đây. – Hirschland chỉ tay ra mặt trận – Mày cứ nói rằng chúng mình vẫn yên ổn.
– Được rồi. Còn nói gì nữa không?
– Không. Thôi cảm ơn bạn.
Hirschland biến mất như cái bóng; Graber tự hỏi: Sao lại phải cảm ơn?
Y kiếm được một chỗ trong xe chở thương binh. Xe chở nhiều người quá, sa xuống hố thì trượt bánh. Anh tài xế bị va vào xe gẫy cánh tay. Graber ngồi lái thay…
Chiếc cam-nhông đi theo con đường đánh dấu bằng cột trồng và ổ rơm. Xe đi qua làng. Y trông thấy đơn vị mình đứng xếp hàng ngoài sân nhà thờ.
– Họ ra mặt trận. Ngoài ấy thật là rối xòe. Không biết tụi Nga nó lấy trọng pháo này ở đâu! Lại cả xe tăng nữa.
– Từ bên Mỹ hay từ Tây Bá Lợi Á. Hình như bên ấy có nhiều xưởng máy lắm.
– Nước Nga lớn quá. Tôi nói cho anh biết, lớn lắm, mình vào đây lạc lõng.
Graber gật đầu, y tìm một mảnh chăn để che lên chân cho đỡ lạnh. Y có cảm tưởng như mình đào ngũ. Cả đơn vị chỉnh tề hàng ngũ để ra trận còn mình thì về nhà. “Kể ra thì mình nghỉ cũng xứng đáng. Rahe cũng cho là xứng đáng, vả chăng, nghỉ, mình cũng chẳng ham. Thực ra mình chỉ sợ có người chạy theo kéo về đơn vị”.
Đi được vài cây số thì họ qua mặt một chiếc cam-nhông chở thương binh đang ngập bánh trong vũng bùn. Họ ngừng lại xem xét cáng. Hai người đã chết giữa đường. Họ bỏ ra để đón ba thương binh ở xe kia. Graber đỡ họ lên xe. Hai người bị cưa chân, người thứ ba bị thương ở mặt có thể ngồi được. Những người phải ở lại chửi bới om sòm. Họ phải nằm cáng, mà xe thì không còn chỗ để chở cáng. Cũng như những thương binh khác, họ sợ đến phút cuối cùng lại bị ở lại mặt trận.
Anh tài xế chui xuồng gầm xe rồi rên rỉ:
– Trục xe cong rồi. Chết cha!
Người tài xế kia lại hỏi:
– Cong à? Cong vì đụng tuyết à?
– Chứ sao! Trước đây có một người bị cóng tay, hắn đút ngón tay vào lỗ mũi cho ấm, ngón tay bị gãy. Mày có biết chuyện ấy không, đồ mỏ trắng?
– Dầu sao thì mày cũng còn may vì hết rét rồi. Nếu không thì người sẽ đông rót cục.
Họ lại đi. Anh tài xế lôi một túi thuốc và ngoạm một miếng.
– “Cách đây độ hai tháng, tao bị máy trục trặc. Phải chạy chậm. Mọi thương binh đều bị đông cóng lại trên xe. Đành chịu chớ không biết làm sao. Lúc đến nơi chỉ có sáu người sống sót, nhưng tay chân và mũi cũng bị đông cóng. Mùa đông này mà bị thương ở đất Nga thì không vui đâu. Những anh còn đi được thì phải đi mười cây số trong tuyết lạnh ban đêm. Mỗi lần xe qua, một tốp đứng đợi. Là có người muốn nhào lên xe. Họ bám vào cửa, vào bậc lên xuống như ong vò vẽ. Phải đập mạnh mới đẩy được họ xuống”.
Graber lơ đãng gật đầu, mắt vẫn nhìn phong cảnh bên ngoài. Làng đã khuất xa. Trời u ám và đồng bằng bát ngát lùi mãi về phía sau. Một chấm sáng chứng tỏ rằng đó là mặt trời khuất sau đám mây. Tuyết hơi lấp lánh sáng. Bất thần Graber hiểu qua một tia sáng mặc khải làm y choáng váng; y vừa thoát địa ngục và tử vong. Một thước tuyết để lại phía sau lại đưa y về thêm gần phương Tây, tỉnh nhà, gần đời sống.
Người tài xế đụng khẽ vào y khi sang số. Y giật bắn người lên. Y lục túi lấy ra một gói thuốc. Gói thuốc của Hirschland.
– Hút thuốc anh!
Người tài xế không quay đầu lại, trả lời:
– Cảm ơn. Tôi không hút. Tôi nhai thuốc.