Hôm nay chúng tôi có món cá đặc biệt.
Dĩ nhiên đó là lời tán tụng của anh bồi bàn.
– Đồng ý, món đặc biệt. Đồng ý tất cả ý kiến của anh. Tôi tin rằng anh cho biết những thứ hảo hạng.
– Vẫn rượu ấy?
– Rượu ấy hay rượu khác tùy anh lựa giùm.
Người bồi thích chí lui ra. Graber ngồi ngửa người ra tựa vào lưng ghế nhìn Elisabeth. Y có cảm tưởng rằng mình bất thần từ một khu tiền tuyến bom đạn tơi bời chuyển sang một đảo xa hẳn chiến cuộc. Buổi sáng hôm nay đã xa rồi. Chỉ còn lại phản ảnh của một khoảnh khắc mà cuộc đời đáng sống mở ra trước tầm tay, trước ánh sáng. Y tự nhủ: “Hai tuần lễ để sống, phải nắm lấy nó như cây bồ đề trông thấy ánh sáng nay dang tay ra nắm lấy ánh sáng của mặt trời”.
Anh bồi bàn trở lại.
– Ông nghĩ sao về một chai rượu xứ Moselle màu ngọc bích. So với nó thì sâm banh chỉ là nước chanh.
– Ừ thì rượu Moselle.
– Ông thật là người sành rượu. Dùng với món đặc biệt kia thì tuyệt. Để tôi làm một đĩa xà lách tươi cho thêm vị. Đây là rượu gốc.
Graber nghĩ thầm: “Bữa cơm cho người tội tử hình. Hai tuần ăn những bữa cơm đợi lúc tử hình”.
Y nghĩ thế nhưng không lấy làm chua xót. Y chưa hề nghĩ đến lúc mãn phép, hạn nghỉ phép hình như dài bất tận. Nhiều điều mới mẻ đã xuất hiện hay có dấu hiệu báo trước sắp xảy ra. Y phải đọc bản thông cáo ấy và cũng phải đến thăm thầy Pohlmann để ước lượng xem thời gian còn lại sẽ làm gì.
Elisabeth nhìn theo anh bồi bàn:
– Một ngàn lần cảm ơn người bạn của anh. Y làm cho chúng mình thành người sành ăn.
– Chúng ta không phải chỉ là người sành sỏi, chúng ta hơn thế. Chúng ta là những kẻ phiêu lưu, phiêu lưu tìm an bình trong lúc chiến tranh đảo lộn. Cái mà ngày xưa tượng trưng cho sự cầu an chán ngán, cho tinh thần trưởng giả mỏi mệt, thì bây giờ ta dám với đến là cả một sự báo động vô cùng.
Elisabeth cười.
– Chính chúng ta thực hiện sự thay đổi ấy.
– Thời gian đó. Dầu sao thì cũng có một cái khó chịu mà chúng ta không thể phàn nàn được, đó là chán ngấy và nhàm nhỡ.
Graber nhìn Elisabeth. Nàng ngồi trước mặt chàng, người bó sát trong một cái áo thật eo. Tóc nàng quấn trong một cái khăn choàng lụa. Nom nàng như một cậu thiếu niên.
– Nhàm chán thật. Hôm nay sao anh không mặc đồ dân sự?
– Không có cách nào. Không tìm được chỗ để thay đồ.
Y đã muốn đến nhà Binding thay đồ, nhưng từ trưa hôm ấy đến nay y chưa trở lại nhà Binding.
– Anh cứ đến nhà em mà thay đồ.
– Nhà em? Thế còn mụ Lieser?
– Thây kệ mụ! Em đã quyết không đếm xỉa tới mụ ta nữa.
– Ta không đếm xỉa đến nhiều chuyện khác nữa.
– Em cũng vậy.
Bồi bàn mang ra một chai rượu và mở nút. Nhưng anh ta không rót ra ly. Anh ta nghiêng đầu nghe ngóng.
– Lại báo động, thật là ngán.
Anh ta không cần phải giải thích. Tiếng còi hụ vang lên che lấp cả tiếng nói của khách ăn.
– Hầm núp gần nhất ở đâu?
– Hầm của nhà.
– Có dành cho khách ăn không?
– Ông cũng là khách ăn. Hầm tốt lắm. Hơn những hầm trong thành phố. Vì chúng tôi có phòng cho các sĩ quan cao cấp.
– Nhưng còn món ăn?
– Chưa cho vào lò. Để tôi giữ nguyên vẹn. Tôi không muốn đưa xuống hầm. Hẳn ông cũng hiểu.
– Anh nói phải.
Graber cầm lấy chai rượu rót ra hai ly và đưa cho Elisabeth.
Elisabeth lắc đầu.
– Tốt hơn hết là đừng xuống hầm.
– Còn nhiều thời giờ. Mới là còi bắt đầu. Có lẽ không có gì cả như lần trước. Uống đi em, để thêm sức mà chịu đựng.
– Ông nói rất phải. Rượu quý này mà uống như thế thì cũng uổng thật, nhưng đây là bất đắc đĩ.
Anh ta mặt tái như gà cắt tiết và cố gượng cười.
– Thưa ông, ngày trước chúng ta ngẩng mặt nhìn trời để cầu nguyện. Bây giờ thì để nguyền rủa. Thật không ngờ đã đến nỗi này!
Graber nhìn Elisabeth không rời mắt.
– Uống đi em. Chúng ta có đủ thì giờ, uống hết chai cũng còn kịp.
Nàng nâng cốc uống thong thả. Cử chỉ có cái gì vừa như cả quyết vừa như thất vọng. Rồi nàng đặt ly xuống mỉm cười.
– Bây giờ em cũng phải quyết định lấy một thái độ trước sự nguy hiểm mới được. Lạ thật mỗi lần còi là sợ run.
– Không phải em run đâu, đời sống trong người em run đấy. Cái ấy không ăn nhằm gì với sự can đảm cả. Can đảm là có thể chống cự được. Còn thì nói gì cũng chỉ là khoe khoang. Đời sống của chúng ta có lý hơn chúng ta.
– Nếu thế thì em uống nữa.
Anh bồi bàn cũng nói:
– Con tôi bệnh, nó bệnh lao. Năm nay nó mười một tuổi. Hầm nhà tôi không tốt đâu. Vợ tôi mang được đứa nhỏ xuống thật là khó khăn. Ấy thế mà tôi cũng không về nhà giúp đỡ gì được. Tôi phải ở đây.
Graber trông thấy một cái ly ở bàn bên cạnh, y rót đầy đưa cho anh.
– Này anh, uống một ly với chúng tôi. Ngoài mặt trận chúng tôi có lệ: nếu không thể làm gì được nữa thì cứ bình tĩnh.
– Nói thì dễ thật!
– Thì hẳn rồi! Người ta đâu phải bằng gỗ. Thế thì uống đi.
– Bị chủ cấm uống trong những giờ làm việc.
– Đây là trường hợp đặc biệt, chính anh đã nói thế.
Anh ta cầm ly lên nhưng còn nhìn quanh xem có ai trông thấy không đã.
– Ông cho phép tôi uống mừng khóa của ông?
– Khóa nào?
– Khóa hạ sĩ quan.
– Cám ơn. Anh có khiếu nhận xét lắm.
Anh bồi đặt ly xuống:
– Tôi không thể uống một hơi được. Rượu quý thế này! Cả trong những trường hợp đặc biệt.
– Điều đó thật vinh dự cho anh. Anh mang cả ly đi.
– Cám ơn.
Graber rót ly mình và ly Elisabeth và nói:
– Anh làm thế này để tỏ ra mình can đảm. Vì đã bị nạn bom thì tốt hơn hết ta hưởng cái gì có thể hưởng được, đã biết đâu lát nữa có còn gì không.
Elisabeth nhìn bộ quân phục của y:
– Em sợ vào một hầm đầy nhóc sĩ quan người ta sẽ biết sự giả mạo.
– Biết thế nào được.
– Sao lại không.
– Vả anh cũng không cần.
– Không cần không phải là để bị bắt.
– Ít khi lắm. Cái sợ làm mình chú ý đến chuyện đấy thôi chứ có gì đáng lo. Thôi xuống đi. Lúc khó khăn nhất đã qua rồi.
Một phần hầm rượu được đổ bê tông, chống gióng sắt làm thành hầm núp. Có nhiều ghế, ghế bành và trường kỷ với bàn. Nền trải mấy cái thảm cũ, tường quét vôi trắng. Còn có một cái máy thâu thanh, một cái bàn thấp để ly tách và mấy chai rượu. Hầm núp hạng sang.
Hai người ngồi gần tấm vách ván mỏng ngăn chỗ chứa rượu. Nhiều khách ăn cũng theo xuống trong số ấy có một người đàn bà rất đẹp mặc đồ đại hội trắng. Áo hở vai, cánh tay trái óng ánh vàng ngọc. Theo sau là một bà tóc vàng mặt như mặt cá chép. Rồi đến những khách ăn mặc dân sự, một vài bà đứng tuổi và vài sĩ quan. Người ta bắt đầu mở nút chai.
Graber nói:
– Giá mình mang rượu xuống đây có phải hơn không.
Elisabeth lắc đầu.
– Chúng ta đóng kịch với mình làm quái gì!
Elisabeth nói:
– Làm thế xui chết!
Graber nghĩ thầm: “Nàng có lý”. Y nhìn người phổ thầu đi lại với một cái mâm mà bực mình.
– Như thế không phải là can đảm, chỉ là nông nổi. Con người phải đối phó với sự nguy hiểm một cách nghiêm chỉnh. Nhưng muốn biết sự quan trọng, sự sâu xa của cái nguy hiểm thì cần phải quen với cái chết.
Có người ngồi cạnh nói:
– Còi hụ lần thứ hai. Máy bay đến gần rồi.
Graber kéo ghế ngồi xích lại gần Elisabeth.
– Em sợ anh ạ. Mặc dù có rượu mạnh và mình đã cương quyết.
– Anh cũng sợ.
Y ôm lấy vai nàng và nhận thấy nàng lo sợ lắm. Nàng như một con vật trông thấy nguy hiểm và thu mình lại. Nàng không giả bộ can đảm để lấy mạnh mẽ. Nàng chỉ có sự can đảm để chống cự lại nguy hiểm. Sức sống trong người nàng gò người nàng lại theo nhịp còi hụ kêu gào sự chết, và nàng không tìm cách giấu diếm sự rùng mình.
Y nhận thấy người ngồi bên người đàn bà tóc vàng chăm chú nhìn mình. Ông ta là đại úy, người mảnh dẽ, cằm hơi lẹm. Bà tóc vàng trông thấy bàn ăn thì thích chí cười rộ.
Hầm khẽ rung rinh vì một trái bom, rồi tiếng nổ từ xa vọng lại. Câu chuyện giữa đám khách ăn ngưng bặt, nhưng rồi lại nổi lên ầm ầm ồn ào hơn trước. Ba tiếng nổ mạnh hơn tiếp theo tiếng nổ trước.
Graber ngồi áp chặt vào với Elisabeth. Y nhận thấy bà tóc vàng không cười nữa. Bất ngờ hầm rung động mạnh, người bồi đặt vội cái mâm xuống đứng ôm lấy cột tủ đĩa bát. Một tiếng nói nhanh:
– Đừng lo, bom rớt xuống chỗ khá xa.
Thình lình một loạt chuyển động và đổ vỡ vang lên trong hầm. Ánh sáng chớp nhoáng như đứt phim điện ảnh rồi có một tiếng gầm dữ dội. Đèn sáng rồi tắt lia lịa, mỗi lần sáng lên, dáng điệu và nét mặt của mỗi người lại thay đổi. Lần thứ nhất, bà mặc đại lễ hở vai còn ngồi, sau vẫn đứng, rồi có cử chỉ chạy trốn, rồi mọi người xúm quanh bà ta, đến khi tối đen không thấy gì nữa thì chỉ nghe tiếng bà ta kêu la. Bấy giờ mới nổi lên một tiếng sấm dội đi dội lại, hàng ngàn lần, làm trái tim người ta ngưng lại, trái đất như không còn trọng lực.
Graber nói:
– Đây chỉ là không khí di chuyển. Chắc là đứt hết dây điện. Nhà này không trúng bom.
Elisabeth nép vào người chàng. Có người kêu lên:
– Quẹt! Đèn cầy! Có đèn cầy không? Hay cái đèn bấm cũng được.
Đó đây một vài cái diêm bật sáng, chập chờn như ma trơi trong bóng tối.
– Trời đất ơi trong nhà không có đèn khác sao? Bồi đâu rồi?
Những vòng sáng run run đưa trên mặt tường. Trong tối xuất hiện hai vai trần một người đàn bà, một hột xoàn sáng chói, một cái miệng há hốc đen thui, tiếng người nói qua tiếng bom gầm như tiếng kêu chuột nhắt giữa nơi thác đổ. Rồi một tiếng nổ lớn bung ra, lớn thêm đến nhức óc như có một vẩn thạch bằng thép rớt xuống hầm. Tất cả đều lung lay. Những vòng tròn sáng vươn lên rồi tắt ngấm. Hầm không rung động nữa, tiếng gầm như làm hầm bật khỏi trái đất tung lên trời. Graber có cảm tưởng như mình lấy đầu chọc thủng trần nhà. Y lấy hai tay ôm chặt Elisabeth. Một lần rung chuyển nữa lại xuất hiện, y vội vàng lấy mình che kín Elisabeth, lôi tuột nàng xuống đất hai người chui vào một gầm ghế. Y chỉ nghe tiếng nóc sập xuống. Hầu như trong hầm trở thành rỗng không, cái rỗng không như một khối kỳ lạ đè nặng xuống người, bóp thắt tim phổi làm máu đập mạnh ở thái dương. Chỉ còn đợi cái hầm sụp đổ và hấp hối dưới đống gạch vụn. Sự chờ đợi kéo dài. Thình lình một đóm lửa quay tròn trên mặt đất. Đúng hơn, một bó đuốc người, đó là một người đàn bà đang la thét:
– Cháy, cháy, tôi bị cháy, cứu tôi với!
Bà ta giẫy giụa, áo phun ra từng loạt đóm lửa, hột xoàn của bà ta cũng ném ra tia lửa. Mặt bà ta đầy vẻ kinh hoàng. Tiếng người lao xao. Vài người mặc quân phục chạy lại, cùng với bà ta lăn từng vòng trên mặt đất. Tiếng kêu thất thanh xuyên qua tiếng súng phòng không và tiếng bom gầm, rồi tiếng thét bị tắt nghẽn dưới đám chăn mền, quần áo người ta đem trùm kín bà ta để dập lửa.
Graber ôm chặt lấy đầu Elisabeth và lấy người mình che kín nàng cho đến khi hết cháy và hết tiếng la hét, kế đó là tiếng rên yếu ớt và mùi khét lẹt quần áo và thịt người cháy.
– Đi mời thầy thuốc.
– Sao?
– Chở vào nhà thương! Phải chở đi ngay.
– Bây giờ chở đi sao được?
Mọi người yên lặng. Bên ngoài còn vang động tiếng súng phòng không. Đã hết tiếng bom nổ.
– Họ đi xa rồi, thế là hết.
Graber nói vào tai Elisabeth:
– Cứ nằm yên. Hết rồi nhưng cứ nằm yên. Như vậy không bị ai dẫm lên mình mà đi.
Có tiếng người ra vẻ hiểu biết:
– Phải đợi chút nữa. Có thể có đợt thứ hai. Vả chăng còn súng phòng không, còn mảnh đạn.
Một vòng sáng rọi vào cửa, ánh sáng đèn bấm. Người đàn bà lại rên la.
– Tắt đèn đi, không được để lửa.
– Đâu phải lửa! Đây là đèn bấm.
Vòng lửa đưa theo dọc tường như sờ nắn.
– Soi lại đây. Ai có đèn thế?
Vòng lửa vẽ nhanh một hình cung trên trần rồi soi sáng một ngực áo là cứng, đôi ve áo, cái ca vát đen và một bộ mặt bối rối.
– Tôi là quản lý đây. Phòng ăn bị bom rồi. Chúng tôi phải tạm ngưng bán. Xin đưa quí vị xem phiếu trả tiền ăn.
– Hử?
Người quản lý vẫn lấy đèn soi sáng mặt mình.
– Đã hết dội bom rồi. Tôi mang phiếu tính tiền lại đây.
– Phiếu phiếu cái gì! Kỳ cục!
Người quản lý buồn rầu mà đáp:
– Dạ thưa ông, quản lý ăn lương của chủ thì có trách nhiệm phải lo liệu mọi việc.
– Kỳ cục! Ông cho chúng tôi là ăn quịt à. Ông còn lấy đèn mà soi sáng bộ mặt khả ố của ông nữa! Lại ngay đây. Có người bị thương đây.
Khuôn mặt người quản lý lẫn vào trong tối. Vòng sáng đi men trên tường, soi vào tóc Elisabeth, bò xuống đất rồi dừng lại đống chăn mền.
Một người mặc sơ mi quỳ bên cạnh bà bị thương. Y lùi lại. Chỉ còn hai bàn tay ở trong vùng sáng. Vùng sáng lung linh trên đống quần áo chăn mền. Người quản lý cũng run rẩy. Người ta lôi một chiếc mền ra.
Người mặc sơ mi la lên:
– Trời!
Graber bảo Elisabeth:
– Đừng nhìn vào đây. Tai nạn này có thể xảy ra bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, không dính dáng gì đến chuyện bom đạn. Em không nên ở trong tỉnh này nữa. Để anh đưa về một làng không bị oanh tạc. Anh biết một nơi, có người quen, chắc là họ sẽ nhận cho ở. Ở đấy an toàn hơn.
– Lấy cái cáng, nhà có cái cáng nào không?
Người quản lý không biết được cấp bậc của viên sĩ quan mặc áo sơ mi ấy:
– Xin lỗi ông. Tôi không biết ở đây có người bị nạn.
– Đi tìm ngay một cái cáng. Thôi để tôi đi với ông. Ở ngoài thế nào? Có thể đi lại được chưa?
– Đi được rồi.
Người sĩ quan đứng dậy, mặc áo vào, y là đại úy. Tia ánh sáng biến mất, người ta có cảm tưởng rằng tia hy vọng cũng biến theo. Người đàn bà bị nạn vẫn rên rỉ.
Một tiếng đàn ông run rẩy than thở:
– Wanda! Wanda! Bây giờ biết làm thế nào?
Một người nói:
– Chắc là đi ra được rồi.
– Chưa có còi báo hết! Đèn đóm đâu?
Người đàn bà vừa rên vừa nói:
– Đừng thắp đèn! Đừng thắp đèn!
– Phải mời thầy thuốc, phải kiếm một ít thuốc tê.
– Wanda! Biết nói sao với anh Eberhard?
Người ta mang đèn đến, lần này là đèn dầu. Viên đại úy cầm đèn đi trước, hai người bồi bàn theo sau với cái cáng.
– Dây điện thoại đứt cả rồi. Đưa cáng lại đây.
Ông ta đặt cây đèn xuống đất, quỳ xuống cắm cúi làm gì bên cạnh người đàn bà một lát rồi đứng dậy:
– Vậy là được rồi, thuốc ngủ sẽ làm bà ngủ yên. May mà tôi có sẵn mũi thuốc ngủ. Nhẹ tay, nhẹ tay một chút. Được rồi khiêng đi. Phải đợi ở ngoài để tìm một xe cứu thương.
– Thưa đại úy, vâng ạ.
Người quản lý ngoan ngoãn trả lời.
Cáng được khiêng ra phía cửa. Cái đầu đen thui cháy hết tóc lắc sang phái sang trái. Một cái khăn bàn phủ kín người.
Elisabeth hỏi:
– Bà ta có chết thật không?
– Không. Rồi sẽ khỏi, rồi tóc lại mọc.
– Thế còn mặt mũi thì sao?
– Mặt không hề gì. Cái đó là chính yếu. Còn chỗ khác sẽ liền da. Nói chung thì không có gì là nặng lắm. Anh đã thấy nhiều trường hợp như thế.
– Tại sao lại xảy ra như thế nhỉ?
– Áo bắt lửa vì ngồi gần cái quẹt. Chỉ có thế thôi. Hầm tốt đấy chứ! Chịu được một trái bom ném trúng nóc.
Graber bấy giờ mới rời khỏi Elisabeth. Lúc đứng dậy y nhận thấy mình giẫm lên nhiều mảnh chai, bức vách ngăn cái hầm ra làm hai cũng tan tành. Nhiều ngắn đựng rượu cũng nghiêng đổ, ve và chai nằm ngổn ngang cái còn cái vỡ. Rượu vang chảy lênh láng trên mặt đất như dầu đen.
– Đợi anh một chút, anh trở lại ngay.
Y cầm lấy áo bành tô đi vào hầm, một loáng đã trở lại.
– Thôi ta đi.
Bên ngoài, cáng chở người bị bỏng vẫn đứng đợi. Hai người bồi bàn đưa ngón tay vào miệng huýt còi cố gắng gọi một chiếc xe. Người đàn ông ban nãy van than thở:
– Bây giờ biết nói làm sao với Eberhard. Thật là xui xẻo! Làm sao cho Eberhard hiểu được…
Graber nghĩ thầm: “Chắc Eberhard là chồng”. Y đến bên người bồi bàn:
– Ai coi việc bán rượu thế ông?
– Ông hỏi người nào, có hai người.
– Người già, bé nhỏ như con cò.
– Anh Otto. Ảnh chết rồi, cái đèn treo lớn rớt xuống người. Otto chết rồi ông!
Graber im lặng một lát.
– Tôi thiếu ông ta tiền chai rượu.
Người bồi lau mồ hôi trán.
– Ông đưa tôi nhận cũng được.
Anh bồi lấy một cuốn sổ trong túi ra và bật đèn bấm:
– Bốn đồng, thêm tiền phí khoản là bốn đồng tư.
Graber trả tiền. Người bồi nhận. Y chắc chắn rằng anh ta sẽ bỏ túi món tiền ấy chứ không đưa cho chủ.
Hai người quay ra tìm một lối đi giữa chỗ gạch ngói ngổn ngang. Phía nam thành phố đang cháy. Trời đỏ rực, gió cuốn từng đám mây tro than, rắc xuống thành phố.
– Bây giờ phải trở về xem nhà em còn không.
Nàng lắc đầu.
– Chúng ta còn nhiều thời giờ, hãy ở ngoài một lúc nữa.
Họ đến gần hầm bê-tông mà trận bom trước họ đã xuống núp. Lối vào bốc khói như cửa Âm phủ. Họ ngồi trên một cái ghế ở vườn hoa.
– Em đói không. Tối nay chưa ăn gì cả.
– Không sao. Có ăn cũng không nuốt nổi.
Graber giở áo bành tô lấy ra hai chai rượu.
– Không biết lấy được gì đây. Có vẻ là cô-nhắc.
Elisabeth nhìn y.
– Anh lấy đâu vậy?
– Trong hầm. Cửa mở, có hàng chục chai vỡ. Ta cứ giả thiết như đây cũng thuộc số những chai vỡ.
– Anh cứ thản nhiên thế mà lấy đi à?
– Làm lính mà chê một hầm rượu thì chỉ có là lính ốm sắp chết. Anh đã học được cách suy nghĩ rất thực tế. Đối với lính thì mười điều răn không có giá trị.
– Em cũng bắt đầu nghĩ thế, những điều răn khác cũng vậy.
Nàng cười.
– Em không biết mấy tí về các “ông lính”.
– Hôm nay thì em biết khá nhiều rồi đấy.
– Không. Biết thế nào được các anh. Về đến đây thì các anh đã khác rồi. Phải ở ngoài ấy thì mới biết được chân tướng của các anh.
Graber lôi ra hai chai rượu nữa:
– Chai này có thể mở được không cần đồ mở. Rượu sâm banh.
Y tháo sợi dây mạ vàng:
– Mong rằng em cứ uống không có gì phải thắc mắc cả.
– Bây giờ thì không thật.
– Chúng ta uống là uống, không phải để mừng cái gì cả, như vậy không có gì là xui xẻo. Chúng ta uống vì chúng ta khát. Và cũng vì chúng ta còn sống.
Elisabeth cười.
– Anh không can phải nói, bây giờ em đã biết rồi. Tại sao anh lại trả tiền một chai trong khi lấy không bốn chai của người ta?
– À, cái đó khác. Chai kia, nếu mình không trả tiền thì là mình ăn quịt.
Y xoay cái nút đi mấy vòng rồi lấy ra không một tiếng kêu.
– Phải học cách tu cả chai em ạ. Để anh chỉ cho.
Hoàng hôn lấn dần trong yên lặng hoàn toàn. Ánh sáng kỳ dị làm cho cái gì cũng có vẻ không thực.
– Anh! Trông cái cây kia. Nó đang trổ hoa.
Graber quay lại. Cây bị bật nửa gốc vì trái bom, một phần rễ đâm ngược lên trời, thân cây bị toác ra, nhiều cành gãy nát. Ấy thế mà cây nở đầy hoa trắng điểm phớt hồng.
– Căn nhà bên cạnh cháy, có lẽ sức nóng làm cho cây chóng khai hoa. Nó ra hoa trước những cây khác đến vài tuần, tuy nó bị đau thương hơn cả.
Elisabeth đứng dậy đi vài bước. Ghế ngồi kê trong bóng tối. Nàng đi lại trước ánh lửa chập chờn nhà cháy như một cô đào nhảy múa trước sân khấu. Ánh lửa đỏ rực bao bọc nàng như một vầng sáng man rợ, như ánh sáng một ngôi sao chổi khải huyền báo trước sự tận thế vào giờ cuối cùng.
Elisabeth nói:
– Cái cây trổ hoa. Đối với nó chỉ có mùa xuân thôi. Còn những chuyện khác nó không cần biết.
– Đúng thế. Cây cối cho ta một bài học. Nó không ngừng cho ta những bài học. Trưa nay là cây bồ đề, tối nay là cây này. Chúng nó chỉ biết mọc lên, khai nụ, trổ hoa, nếu bị bom đạn thì cành nào còn lại vẫn khăng khăng tiếp tục cuộc sống. Sự hiện diện của chúng dạy chúng ta rằng, chúng ta không nền phàn nàn, không nên than thân trách phận.
Elisabeth bước thong thả trở lại. Nước da nàng sáng loáng trong ánh lửa kỳ dị không có bóng tối, mặt nàng trong khoảng khắc hầu như tham dự vào sự kỳ ảo của thế giới cỏ cây, dù có thế nào cũng tiếp tục cuộc sống tối tăm của chúng với sự tin tưởng không sờn. Rồi nàng từ vùng sáng bước vào khoảng tối đến ngồi cạnh chàng, chàng cảm thấy nàng hồi hộp và chan hòa sức sống nồng ấm. Chàng kéo nàng lại gần. Vòm cây trên đầu họ như lớn vô chừng dưới nền trời đỏ rực. Đất lành vẫn sẵn sàng dung nạp họ. Nàng hoàn toàn gởi thân cho chàng không chống cự chút nào.