Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết

CHƯƠNG 2



Suốt đêm, tiếng súng thêm mạnh mẽ ở phía chân trời. Trời đỏ ối, lửa sáng, bom đạn nổ đã trông thấy rõ hơn. Đội quân đã rời mặt trận được mười ngày, bây giờ đang lúc nghỉ ngơi. Nhưng quân Nga vẫn tiến. Mỗi ngày phòng tuyến lại đổi khác. Không còn ranh giới hỏa lực nhất định. Quân Nga tấn công. Họ tấn công từ mấy tháng nay và đội quân cũng rút lui từ mấy tháng nay.
Graber tỉnh giấc. Y lắng tai nghe tiếng súng xa xa một lát rồi ráng ngủ lại. Nhưng không ngủ được, y trở dậy, mang giầy và bước ra ngoài.
Đêm nay sáng nhưng không lạnh. Tiếng súng nổ hình như ở một khu rừng đứng ngăn như bức tường dầy đặc ở phía tay mặt. Trái sáng tạo ra những hình khum khum trong suốt trong suốt trên nền trời đen, xa xa, ở hậu phương, tia đèn rọi quệt từng vệt sáng.
Y dừng lại, ngửng đầu lên. Trời không trăng, cao vằng vặc lấp lánh trong đêm trường. Graber không trông thấy sao, y chỉ nhận thấy trời rất thuận lợi cho hoạt động không kích.
Có người đứng sau cất tiếng nói:
– Trời này mà nghỉ phép thì tuyệt!
Người ấy là Immermann đang giờ gác. Đơn vị không hoạt động, nhưng ở hậu phương này nhiều quân du kích cho nên phải đặt lính canh xung quanh đồn. Immermann bảo Graber:
– Mầy dậy sớm quá, còn một giờ rưỡi nữa mới đến phiên mày. Trở vào ngủ đi, tao sẽ gọi. Tuổi trẻ như mầy dễ ngủ mà. Năm nay bao nhiêu tuổi rồi? Hăm ba chưa?
– Hăm ba.
– Sao không đi ngủ.
– Ngủ không được.
– Mày nóng ruột về nghỉ phép chứ gì. Chà! Nghỉ phép! Khoái quá ta!
– Nhưng tao vẫn ở đây. Rồi sẽ thấy, đến lúc cuối cùng lại hủy bỏ hết nghỉ phép cho mà coi. Tao đã bị ba lần như thế rôi.
– Rất có thể. Đáng ra phải được nghỉ từ bao lâu rồi?
– Sáu tháng. Lần nào cũng bị hủy bỏ. Lần cuối cùng thì bị một vết thương nhẹ không đáng cho thuyên chuyển về hậu phương.
– Không may. Nhưng ít ra người ta cũng kể đến lượt mày, còn tao thì không bao giờ đến lượt! Tao bị tình nghi chính trị. Người ta để cho tao vừa đủ may mắn để chết làm anh hùng mặt trận.
Graber lo ngại nhìn quanh mình. Immermann cười:
– Mày sợ tai mắt của Bá Linh à? Đừng lo! Steinbrener cũng ngủ như người khác rồi.
– Không, tao không sợ.
Graber bực tức mà trả lời như vậy, nhưng thực ra y sợ.
Y đã qua nhiều phút xao xuyến như vậy, thỉnh thoảng lòng người tự dưng xao xuyến không có duyên cớ rõ rệt. Trong một thế giới hỗn loạn, đã từ bao lâu con người không thấy còn gì đáng tin cậy nữa thì lòng người trắc ẩn cũng không có gì là lạ.
Graber đứng dậy. Tại sao y lại ra đây? Y ra ngoài không phải để tán chuyện, mà để được yên thân một mình. Giá mình được nghỉ phép thì hay biết mấy! Rồi y chỉ nghĩ đến sự nghỉ phép. Y muốn sống biệt tích một nơi ở xa chiến địa trong vài tuần lễ, để được yên ổn mà suy nghĩ về cuộc đời mình, thế thôi.
– Đã đến giờ đổi phiên gác rồi. Tao trở vào lấy đồ đạc và gọi Saure.
 
Tiếng súng đạn vẫn vang lên trong đêm trường. Tiếng nổ và tia sáng làm rung động chân trời. Graber nhìn ra vùng khói lửa xa xa.
Mùa thu năm 1941, Quốc trưởng tuyên bố là quân Nga đã bị đánh bại hẳn, bề ngoài thì có vẻ đúng. Mùa thu năm 1942, ông nhắc lại lời chiến thắng, lại một lần nữa, mọi việc đều có vẻ chứng thực lời nói của ông. Bây giờ mới bắt đầu xảy ra vụ Mạc Tư Khoa và Stalingrad khó hiểu. Mọi việc đều không trôi chảy nữa, đã có bàn tay quỷ nhúng vào đây! Một ngày kia quân Nga lại dùng trọng pháo. Một tiếng súng vang trời che lấp cả tiếng nói của Quốc trưởng, rồi từ đấy tiếng súng không ngừng. Quân Đức bắt đầu thoái lui, hàng ngũ xáo trộn. Không ai hiểu gì cả, hết lời đồn đại nọ đến lời đồn đại kia, hình như cả từng sư đoàn bị bao vây và cầm tù. Rồi chẳng bao lâu ai cũng biết rằng cuộc tiến quân biến thành sự tan rã. Bên Phi châu cũng vậy, giữa lúc trông thấy kinh đô Ai Cập thì hàng ngũ rối loạn và thoái lui.
Graber đi vào con đường mòn chạy quanh làng. Dưới ánh sáng sao, mắt nhìn không đích. Ánh sao phản chiếu xuống tuyết làm cho mắt người ước lượng sai hết. Nom nhà cửa như xa hơn và khu rừng như gần hơn. Bầu không khí nặng nề, nguy hiểm và quái dị.
Mùa hè năm 1940 tại nước Pháp là cuộc tiến quân vào thành phố Ba Lê, chiến xa hét vang xông vào thành phố không người. Dọc đường ngổn ngang dân cư tị nạn và từng đám tàn quân. Trời trong tháng sáu, đồng ruộng rừng rú, cuộc tiến quân qua những làng mạc không dấu vết tàn phá, rồi đến thành phố sáng trưng ánh đèn, hàng quán, nhà cửa bỏ trống không có một tiếng súng chống cự. Tiến quân dễ dàng như vậy y có cần suy nghĩ gì không? Y có một chút nghi ngờ nào không? Không, tất cả đều thuận lợi cho quân Đức. Y cũng không nghĩ đến sự mâu thuẫn sau đây: chả nhẽ địch lại không sửa soạn khi chấp nhận cuộc chiến để đến nổi chóng thua như vậy?
Rồi đến lượt Phi châu, qua những giai đoạn tiến quân, chiến xa rầm rộ trong những đêm oi bức, y có kịp suy nghĩ gì không? Không. Đến lúc bắt đầu lui binh y cũng không kịp suy nghĩ. Nước Đức còn xa, còn cách Phi châu, biển và nước Pháp địch không thể làm gì được, vả chăng một vài cây số sa mạc hẻo lánh này thì có làm gì, để cho địch chiếm cũng không sao.
Nhưng giờ của nước Nga đã điểm. Đến lượt Đức thua chạy, bây giờ thì biển cũng không che chở được Đức nữa; tất cả quân đội đều kéo về.
Bây giờ Graber mới sáng mắt ra cũng như người khác. Bây giờ thì ai cũng có thể nghĩ đến sự thảm bại được. Trong khi đang thắng hết trận nọ đến trận kia thì cái gì cũng thuận lợi để người ta tin tưởng ở sự đắc thắng. Đành rằng cũng có những điểm đen tối giữa bức tranh vàng son nhưng người ta không cần để ý tới, người ta cho rằng cứu cánh đã huy hoàng thì dầu phương tiện có khi kém cỏi cũng không đáng kể. Nhưng nói cho cùng thì đâu là cứu cánh? Phải chăng bao giờ cứu cánh cũng có hai mặt, mà một mặt đẫm máu, vô nhân đạo? Không biết sao y lại không nghĩ đến mặt trái vô nhân đạo ấy? Hay là đã hơn một lần y bị nao núng bởi ngờ vực và chán nản?
Graber thấy Sauer ho, y đi vòng qua một dãy nhà đã đổ nát để tìm bạn, Sauer đưa tay chỉ phía Bắc. Một đám cháy lớn đỏ rực chân trời. Có tiếng nổ, từng ngọn lửa vọt lên trời.
– Quân Nga chắc?
Sauer lắc đầu:
– Không phải. Công binh của ta. Họ phá các chiến lũy.
– Như thế nghĩa là vẫn tiếp tục rút lui.
– Chắc thế.
Sauer vẫn nhìn những ngọn lửa lan rộng trong đêm:
– Nhiều khi mình cứ nghĩ đến những sứ phá hoại xảy ra cho nước Nga, mình cũng thấy rùng mình. Nếu quân Nga vào được nước Đức, họ sẽ trả thù mình thế nào? Mày có nghĩ đến điều ấy không?
– Không.
– Tao thì tao nghĩ đến. Tao có nhà đất ở Đông Phổ. Tao còn nhớ năm 1914 đã chạy giặc Nga. Bấy giờ tao mới có mười tuổi. Nếu quân ta cứ lùi mãi về biên giới thì đành phải ký hòa ước.
– Sao vậy?
– Để địch không tràn sang phá nhà mình như mình đã phá nhà họ.
– Nhưng ngộ họ không muốn giải hòa thì sao?
– Họ là ai vậy?
– Quân Nga chứ còn ai nữa.
Sauer hoảng sợ nhìn Graber.
– Họ phải nhận giải hòa chứ. Hết chiến tranh chúng ta sẽ thoát nạn.
– Họ chỉ chấp thuận nếu chúng ta đầu hàng vô điều kiện. Họ sẽ chiếm cả nước Đức. Nhà đất của mày cũng không còn. Hẳn mày không muốn mất nhà.
Sauer ra vẻ ngờ vực:
– Hẳn rồi. Nhưng nếu giải hòa rồi thì họ không thể làm gì được mình, họ không có quyền tàn phá nữa.
Bất thần y nheo mắt lại. Nom y rõ ra người dân quê:
– Thế thì quê tao không bị tàn phá. Kẻ khác bị tàn phá chứ mình khỏi! Nói thật cho mày biết: như vậy là chúng ta vẫn thắng trận, mặc dù ta thua.
Graber không trả lời. Y nghĩ: “Tại sao ta lại còn đi nói chuyện với họ! Lời nói bây giờ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Đã nhiều năm nay trong nước Đức người ta không biết bao nhiêu là lời. Bây giờ có còn lại gì không? Bây giờ còn nói nữa, chỉ có hại chứ không có lợi gì cả. Tương lai kia cứ yên lặng mà sừng sững đi tới, tương lai như cái bóng mờ mịt đe dọa, ở ngoài tầm ngôn ngữ của loài người”.
Sauer nhìn bốn nấm mồ người Nga bị xử bắn:
– Những người này ít ra họ cũng có quyền được một cái huyệt chôn.
– Thì họ đã tự đào hố chôn của họ đó.
Sauer nhổ nước miếng:
– Nói cho cùng tao cũng không hiểu được mấy người khốn nạn này, chúng ta xâm lăng nước của họ…
Graber nhìn Sauer. Ban đêm người ta có những ý nghĩ mà lúc ban ngày người ta không nghĩ đến. Tuy nhiên Sauer là một tên lính già không bận tâm đến vấn đề tình cảm. Graber hỏi:
– Sao mày lại nói thế? Vì chúng ta rút lui à?
– Dĩ nhiên, vì chúng ta rút lui, mày thử tưởng tượng ra xem, nếu họ đến nước ta họ cũng tàn phá như ta đã tàn phá nước họ.
Ciraber lặng yên một lát. Y tự nghĩ: “Mình cũng không hơn gì hắn. Mình cũng vẫn ráng sức không nghĩ đến những điều ấy”. Y nói:
– Lạ thật! Người ta chỉ nghĩ đến cảnh ngộ người khác khi nào người ta bị ngập tới cổ. Những lúc chơn lông đỏ da nào ai nghĩ đến!
– Dĩ nhiên! Ai mà nghĩ đến.
– Ừ! Nhưng cái đó không vinh dự gì cho ta cả.
– Chiến tranh thì còn ai nghĩ đến danh dự.
Sauer nhìn Graber vừa ngạc nhiên vừa bực tức và nói:
– Tụi học thức chúng mày, chúng mày nghĩ ra đủ mọi chuyện. Dù sao thì cũng không phải tụi mình quyết định chiến tranh. Tụi mình chỉ thi hành bổn phận. Mệnh lệnh là mệnh lệnh, ai dám trái?
– Phải rồi! – Graber uể oải trả lời.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.