Đến trưa lại có một trận dội bom. Buổi sáng trời đã u ám oi ả như sắp có cơn giông.
Mây thấp lắm, ánh sáng bom nổ chiếu lên từng thác lửa từ mặt đất đổ lên rồi dội trở xuống.
Giờ nghỉ buổi trưa làm phố xá đầy ắp người. Một người trưởng xóm bảo Grabe phải xuống hầm núp gần đấy. Graber nghe lời, y tưởng rằng chỉ có còi báo động lấy lệ, nhưng khi bom bắt đầu nổ, y định chen qua đám đông về phía cửa hầm. Cửa mở để vài người ăn mặc dân sự đi xuống, y thừa dịp lẻn ra ngoài.
– Vào ngay! Không ai được ở ngoài, trừ trưởng xóm.
– Tôi là trưởng xóm.
Y chạy vội về phía xưởng may. Không chắc có thể tìm thấy Elisabeth nhưng y cũng ráng đưa nàng đi chỗ khác vì xưởng là mục tiêu thường lệ của trận bom.
Y rẽ sang phố khác. Đầu phố, một căn nhà bay bổng lên không trung, phân ra từng khối, rồi lại phân tán nhỏ ra, sau cùng xoay tròn mà rơi xuống rất ngoạn mục; tiếng bom nổ liên tiếp làm cho người ta có cảm tưởng rằng căn nhà rớt xuống không có tiếng kêu. Y nằm rạp xuống cống, hai tay bịt chặt lấy tai. Một tiếng nổ thứ hai có gió làm như một bàn tay khổng lồ nhấc bổng người lên quẳng xa mấy thước về sau. Chung quanh mình đá tảng rớt như mưa. Giữa những tiếng nổ kinh khủng hình như đá rớt không tiếng kêu. Y đứng dậy ráng sức cựa mình cho khỏi hoa mắt. Dãy phố trước mặt là một rừng lửa. Không thể đi được; y quay trở lại.
Nhiều người chạy lại gần y, mặt mày hớt hải, miệng la hét. Y không nghe thấy tiếng la. Họ đi bên y như những người câm điếc đang lên cơn điên khùng. Người cuối cùng lê cái chân gỗ đi chậm chạp, tay còn cắp cái đồng hồ treo. Một con chó chạy theo sau, cụp lại, quắp đuôi vào giữa hai cẳng sau. Một đứa con gái độ năm tuổi ẵm đứa bé đứng đợi dưới một cái cổng. Graber dừng lại:
– Đến hầm núp kia! Ba má đâu, đứng đây làm gì?
Con bé không đưa mắt nhìn lên, nó đứng nép chặt vào tường, sợ hãi đến tê liệt cả người. Bấy giờ y chợt thấy một người trưởng xóm bảo y cái gì đó nhưng không nghe được. Y cũng la lớn đáp lại nhưng không ai thấy gì cả. Người trưởng xóm lại mở miệng, vung hai tay lên. Graber không nghe, lấy tay chỉ hai đức bé. Hai người như đóng kịch câm. Người trưởng xóm đã đến giơ tay dắt đứa bé. Bấy giờ y mới thấy mình cất được gánh nặng có thể nhảy từng bước lớn qua dãy phố. Chỉ vài giây sau có một bàn tay vô hình đẩy y ngã giúi xuống đường. Một cái tủ đứng, hai cánh mở tung lượn qua đầu y như một con chim tiền sử. Ngay trước mặt y vừa mở ra một ngọn núi lửa trùm lên cái cổng, đổi ra màu trắng bạc, hơi nóng rát mặt, thấu vào phổi. Y vòng tay che lấy mặt, nhịn thở rất lâu, cho đến lúc mình muốn bể tung mới thở lại và ngẩng mặt lên. Một bức ảnh mờ mờ, nhảy múa loạn xạ trước hai mắt đầm đìa nước mắt; dần dần cảnh vật hiện rõ: một bức tường đổ xuống thềm nhà. Đứa con gái nằm sóng sượt, hai tay bắt tréo, chiếc váy ngắn hất lên để lộ hai đùi khẳng khiu, một chiếc gióng sắt đâm ngang mình – xa xa một chút, người trưởng xóm mất hẳn đầu, người nát bấy, khớp xương hình như xoay ngược lại, hai chân quặp vào vai. Đứa trẻ sơ sinh biến mất, chắc là bị hơi nổ cuốn đi; bây giờ có một luồng hơi đi ngược trở lại làm chuyển động ngược chiều trước. Graber nghe có tiếng nói:
– Quân khốn nạn! Quân khốn nạn!
Y ngửa lên nhìn quanh thì ra chính là tiếng nói của mình.
Y chạy miết theo dãy phố, và không biết tại sao y thấy mình ở gần xưởng may. Xưởng may gần như không sao cả chỉ có cháy bên phải lủng một lỗ lớn, còn những nhà khác vẫn nguyên vẹn.
Người canh cửa cản lại.
– Vợ tôi ở trong ấy, cho tôi vào.
– Không được. Hầm núp ở ngay kia, hầm của xưởng không để cho người ngoài vào.
– Trời ơi! Ở đây cái gì cũng cấm hết! Nếu anh không để cho tôi vào thì liệu hồn.
Anh gác đưa tay chỉ một cái lô-cốt thấp ngay lối vào xưởng:
– Trong ấy có hai người canh với một khẩu liên thanh. Bây giờ anh thử làm gì xem. Đồ ngu!
Không cần nói thêm gì nữa. Y hiểu rằng khẩu liên thanh lia quanh chỗ này không trừ một chỗ nào.
– Súng liên thanh, rồi còn gì nữa? Trong này là đàn bà may áo lính hay là tội nhân mà phải cẩn mật thế?
– Anh ngu thật! – Anh ta ra vẻ khinh bỉ – Nào chỉ có may áo lính mà thôi đâu; còn cả hàng trăm tội phạm chính trị làm ở dưới hầm. Anh đã hiểu chưa?
– Hiểu rồi. Hầm ở đây tốt không?
– Dĩ nhiên hầm tốt. Người ta cần bảo vệ người làm. Thôi đi đi. Không ai được đến gần xưởng may. Anh còn lảng vảng ở đây người ta nghi phá hoại thì chết mất xác!
Những tiếng nổ lớn đã chấm dứt nhưng súng phòng không vẫn nổ ầm ĩ. Graber đi theo dọc tường xưởng may, tránh ra xa. Y không muốn vào hầm núp và đến ngồi xổm trên một hố bom còn bốc khói ở phía bên trái. Mùi hôi hắc làm y nghẹn cổ, y bèn trở ra nằm lên trên chỗ đất bom đào lên, mắt quay lại nhìn về phía xưởng. Chiến tranh ở đây có bộ mặt khác hẳn! Ở mặt trận, ai nấy lo cho tính mệnh mình, ít khi có anh em ruột trong cùng một đơn vị. Ở đây mỗi người lại lo cho người thân trong gia đình. Chiến tranh được nhân với hai, với ba, với mười – Y nghĩ xác đứa con gái nhỏ bị xúc phạm vì bom nổ, y nghĩ đến cha mẹ, đến vợ mới cưới và thấy căm thù xoắn lấy ruột như cơn đau bụng. Đó là mối căm thù không ngừng lại ở biên giới xứ mình nữa, một mối căm thù không còn kiêng nể gì công bằng đạo đức và không nghĩ đến sự giao hảo trở lại với lân bang.
Trời bắt đầu mưa xuống. Hạt mưa như từng giọt nước mắt rớt mau trong bầu không khí ngột ngạt hơi độc. Rớt xuống mặt đất giọt nước xòe ra thành từng chấm thấm xung quanh tua tủa gai nhọn. Bấy giờ là lúc oanh tạc cơ bay đến.
Y có cảm tưởng như phổi mình rách tung. Tiếng gầm nổi lên, trở thành một tiếng rít như tiếng kim khí, chái bên trái xưởng may cất bổng lên không, tan thành từng mảnh đen trong một vùng lửa đỏ. Dường như có một người khổng lồ chơi tinh nghịch, ném đồ chơi của hắn từ trong lỗ đất của hắn ra.
Graber há hốc miệng nhìn lửa trắng xanh bốc lên trời.
Y nhảy chồm lên chạy đến cửa xưởng.
– Trời lại làm chi đây, con khỉ? Không thấy xưởng trúng bom rồi à?
– Vì thế nên tôi trở lại. Chỗ nào bị trúng bom thế, chỗ vá đồ chăng?
– Vá đồ! Nói càn, vá đồ ở xa cơ.
– Thật hả? Vợ tôi…
– Câm mồm. Đàn bà ở cả dưới hầm. Để yên cho người ta làm việc. Có cả chục người chết và bị thương phải mang ra bây giờ.
– Đã ở hầm sao còn bị thương.
– Đây là những người khác, người ở trại tập trung. Anh không biết gì cả. Người ta không đưa họ xuống hầm. Anh tưởng rằng họ có hố cá nhân hả?
– Không.
– À! Anh bắt đầu hiểu rồi đó. Nhưng không sao. Đi lính đã lâu như anh thì phải bình tĩnh một chút chứ. Thôi có vẻ êm rồi. Ngày hôm nay chắc chỉ có thế thôi.
Graber lắng tai nghe. Chỉ còn tiếng súng phòng không.
Y hỏi:
– Này anh, tôi chỉ hỏi anh có một điều, có ai bị thương trong số những thợ đàn bà ở xưởng may quần áo này không? Cho tôi đi một chút. Anh cũng có vợ mà.
– Có vợ! Anh làm như tôi không lo cho vợ tôi đến mất mật à?
– Thế thì vào hỏi giúp tôi. Nếu anh giúp tôi chắc vợ anh cũng không sao đâu.
Anh ta chỉ cười gằn lắc đầu:
– Anh thật là!… Anh là người điên hay là ông trời?
Anh ta đi vào, một lát sau trở ra.
– Gọi dây nói hỏi rồi. Xưởng may không bị. Chỉ có mấy anh trại tập trung ăn bom thôi. Thôi nhé, mời ông đi cho khuất mắt.. À này anh lấy vợ từ bao giờ?
– Được năm ngày rồi.
– Sao anh không nói ngay, tôi sẽ hiểu!
Graber nghĩ thầm: “Mình muốn có cái gì ràng buộc mình ở lại đây, không ngờ rằng chính sự ràng buộc ấy làm cho mình dễ bị ảnh hưởng khốc hại hơn”.
Trận bom thế là hết. Trong tỉnh, chỉ còn là khói lửa và chết chóc. Có đến hàng ngàn đám cháy. Đủ các màu lửa: đỏ, xanh, vàng, trắng, có những đám cháy chỉ bò sát trên mặt đám gạch vụn, đám khác lẳng lặng bốc lên thành từng cột; có những ngọn lửa vui mừng liếm quanh mấy cái cửa sổ còn nguyên vẹn, có những ngọn lửa rụt rè sờ soạng tìm từ cửa nọ sang cửa kia, nhưng có những cái cửa sổ khạc ra từng đống lửa đỏ rực hung dữ lạ thường. Lửa vừa la hét, vừa ở trong nhà xô ra, chạy từng vòng tròn, xoắn xít lại với tiếng rít mỗi lúc mỗi thêm mạnh, nhảy lồng lên rồi mới tắt ngúm tỏa ra mùi thịt đốt thành than tanh lộn mửa.
Một người đứng gần Graber nói:
– Những bó đuốc người. Không thể cứu được. Họ có thể cháy vì bom phun ra một chất tẩm cho da thịt xương họ rất đượm lửa.
– Tại sao không thể dập tắt được?
– Phải có một vòi thán khí riêng cho mỗi người mà chưa chắc đã đủ.
– Thế thì tốt hơn hết là bắn cho họ một viên đạn, nếu không thể cứu họ được.
– Anh cứ thử mà bắn coi để mà mang tội giết người! Vả chăng họ cứ chạy lồng lên, vì có gió nên họ hóa ra bó đuốc. Tại gió, anh hiểu không?
Graber nhìn người ấy. Dưới cái mũ, hai mắt sâu như hai lỗ đáo đen, miệng thiếu mấy cái răng.
– Vậy thì họ phải đứng yên à?
– Cứ theo lý thuyết thì như vậy. Đừng giẫy giụa, tìm chăn mền trùm lên người. Nhưng làm thế nào có chăn mền? Vả chăng bị cháy bỏng thì ai mà đứng yên được?
– Khó thật… Anh là lính chữa lửa hay trưởng xóm?
– Không. Tôi chỉ đi nhặt xác chết và người bị thương. À xe đã đến rồi, sớm quá!
Graber thấy một cỗ xe ngựa kéo tiến lại.
– Đứng lại! Không thể đi xa hơn được nữa. Để khiêng cả lại đây. Có cáng không?
– Có hai cái.
Graber đi theo hai người. Người chết nằm sau một bức tường. Y nghĩ thầm: “Y như ở lò heo vậy”. Không, không được như lò heo, ở lò heo người ta còn làm việc theo thể thức rõ rệt con heo được mổ ra, cạo lông và chọc tiết. Nhưng ở đây người ta bị đè bẹp, nát thây, hay đốt thành than. Từng mảnh áo còn dán chặt vào thịt, một tay áo len, một cái váy vải hoa, một ống quần nỉ, một bộ nịt ngực dây kim khí còn quấn chặt lấy hai vú đen thui và máu me. Xác trẻ con chất thành một đống, chúng bị chết một loạt vì hầm lún. Có những bàn tay, bàn chân đứt riêng ra, những cái sọ bóp nát, những cái cẳng long khớp, lẫn lộn vào đấy còn có cả đồ vật, một cái cặp sách học trò, một cái giỏ trong đó có xác con mèo cong queo. Xác một đứa con trai trắng như bạch tạng, trông không thấy thương tích gì rõ rệt, y như vớt ở âm ti lên đợi bà mụ truyền cho hơi sống. Xa xa, một xác chết bị cháy qua loa nhưng cháy đều, trừ chân phải đỏ lửng và phồng lên, không thể biết đàn ông hay đàn bà vì lửa cháy hết ngực và hạ nang. Một cái nhẫn vàng ở ngón tay cong queo ném ra tia sáng rực rỡ.
Có người nói:
– Mắt cũng cháy. Ai có ngờ mắt cũng cháy.
Xác chết được chất đống lên xe.
“Linda Linda”. Một người đàn bà vừa đi theo cáng vừa khóc thảm thiết.
Mặt trời chọc thủng mây đen. Phố xá đầm nước mưa sáng loáng. Cây cối còn nguyên lành rung rinh những chòm lá xanh mơn mởn sau cơn mưa rào.
– Không có xá tội gì cả.
Một người đứng gần Graber nói vậy.
Y quay lại thấy một người đàn bà đội mũ đỏ rất chải chuốt đang cúi xuống với mấy đứa con.
– Không bao giờ có xá tội, dù ở kiếp này hay kiếp khác.
Một toán người đi tuần qua la om sòm:
– Các ông các bà đi giùm, cấm tụ tập ở đây!
Graber bỏ đi: “Tại sao lại không có xá tội?” Y tự hỏi. Sau trận chiến tranh có biết bao nhiêu cái không thể tha thứ được, nhưng người ta cũng phải tha thứ. Một đời người không đủ. Còn biết bao nhiêu người, bao nhiêu trẻ con bị giết ở Pháp, Hòa Lan, Ba Lan, I Pha Nho, Phi châu, Nga, đứa trẻ nào cũng có cha mẹ thương xót, chứ không phải chỉ có ở nước Đức mà thôi (nếu cha mẹ chưa bị mật vụ thủ tiêu). Nhưng tại sao y lại có quyền nghĩ vô tư như vậy? Một giờ trước đây có phải chính mình đã ngửa mặt lên trời nhìn phi cơ kéo đến mà mắng người ta là quân khốn nạn không?
Nhà Elisabeth không bị bom trực tiếp, nhưng một trái bom lửa đã rớt trúng một căn nhà cách xa một chút, lửa bị gió thổi lại có thể làm cháy nóc.
Lão trưởng xóm ngồi vỉa hè nhìn đám cháy.
– Sao không tìm cách dập tắt ngọn lửa?
Lão ta chỉ về phía tỉnh:
– Chẳng thấy ai thử dập tắt đám lửa cả.
– Không có nước à?
– Có nước nhưng vòi yếu quá, chảy nhỏ giọt, vả chăng không thể đến gần được. Mái nhà sụp xuống đến nơi rồi.
Ngoài hè ngổn ngang đủ thứ, ghế, va-li, họa phẩm, gói, bọc. Có cả con mèo với cái lồng chim. Từ cửa sổ lầu nhất nhiều người mặt vã mồ hôi đang ném hết gói nọ đến gói kia xuống đường.
Graber hỏi:
– Suốt căn nhà có thể cháy được không?
– Có thể lắm nếu lính cứu hỏa không tới ngay. May mà trời ít gió. Chúng tôi đã đóng hết cửa và mở vòi nước cho chảy. Bây giờ không biết làm gì nữa. Xì gà ông hứa đâu? Lúc này nên hút một điếu.
– Ngày mai. Chắc chắn.
Y đưa mắt tìm cửa sổ nhà Elisabeth. Căn phòng không bị đe dọa trực tiếp, còn nhiều từng lầu trên mới đến nóc. Nhưng nóc đã bắt đầu bốc khói, cửa sổ bên cạnh bóng mụ Lieser qua lại lãng xăng. Mụ ta đang gói một bọc lớn, chắc là chăn mền. Trong bóng tối mờ nom mụ như một con ma mập ú.
– Mình cũng phải thu xếp vài gói đồ mới được.
Một người đeo kính đụng phải Graber ở cầu thang, ông ta như sụm xương vì mang một gói lớn quá.
– Xin lỗi.
Y nói lễ phép rồi đi không nhìn mặt người hàng xóm.
Cửa nhà mở. Ngoài hành lang đầy những gói với bọc. Mụ Lieser tất tả chạy qua nhanh như luồng gió, răng nghiến chặt, mắt mũi nhếch nhác. Graber vào phòng Elisabeth và đóng cửa lại.
Y ngả người xuống chiếc ghế bành và đưa mắt nhìn quanh. Trong nhà im lặng và bình ổn một cách kỳ dị. Y ngồi một lúc lâu, đầu rỗng không, không nghĩ ngợi gì cả. Rồi y bắt đầu đi kiếm va-li. Dưới gầm giường có hai cái. Y tự hỏi không biết mang cái gì đây.
Y bắt đầu chọn mấy cái áo dài có vẻ thường dùng, rồi mở tủ lấy chăn mền, bít tất, nhét một xấp thư vào giữa đôi giày. Bên ngoài tiếng gọi nhau ấm đi. Y nhìn ra cửa. Không phải lính cứu hỏa, chỉ có dân cư trong phố chở đồ đạc đi. Một người đàn bà mặc chiếc áo lông thú ngồi trong một chiếc ghế bành nhung đỏ để trên vỉa hè, tay giữ một két tiền đặt trên đầu gối. Chắc là nữ trang. Y tìm các ngăn kéo xem có nữ trang của Elisabeth, nhưng chỉ thấy một cái vòng vàng nhỏ và một cái trâm nạm ngọc. Ngập ngừng một chút, sau y quyết định mang cả chiếc áo Elisabeth mặc hôm đi ăn ở lữ quán Germania. Y cảm thấy xúc động khi sờ tư trang của Elisabeth, hơi e lệ như mình xúc phạm bí mật của người yêu.
Y để hết đồ đạc vào một cái va-li thứ hai của cha vợ và khóa lại, rồi ngồi xuống ghế đợi. Y lại thấy căn phòng bình ổn lạ thường. Có lẽ nên mang theo cả chăn mền thì hơn. Y bèn cuốn hết chăn mền vào một tấm khăn phủ lớn như đã thấy mụ Lieser làm. Khi đẩy gói đồ ra cửa y mới trông thấy ba lô của mình bỏ quên sau giường nằm. Y nhấc bị lên, cái mũ rớt xuống sàn với tiếng kêu mềm nhũn. Y nhìn cái mũ như một vật lạ lùng khó hiểu rồi lấy chân hất vào đống đồ đạc.
Nhà cửa dần dần sụp đổ trong đống lửa. Lính cứu hỏa vẫn chưa đến. Có lẽ họ mắc ở nơi khác. Xưởng may có vẻ quan trọng hơn biệt thự lẻ loi này. Vả chăng suốt khu phố đang bị cháy.
Ai có gì mang được đã mang ra ngoài hết. Họ tự hỏi không biết bây giờ làm thế nào? Không có cách nào chở đi mà cũng không có chỗ trú. Cách căn nhà cháy vài thước phố bị chặn rồi. Từ ấy đến đây, hè và đường đẩy nghẹt bàn ghế và đồ đạc. Người ta ngồi vào ghế quay mặt nhìn nhà mình như ngồi xem hát. Một gia đình ngồi quây quần lại xung quanh cái bàn xếp như đợi người ta dọn ăn. Những người khác chiếm lấy một góc hè, thấy ai cũng níu lại phân bua. Người trưởng xóm lăn ra ngủ trên một cái ghế thêu. Bức ảnh Quốc trưởng lớn của mụ Lieser để tựa vào góc tường. Mụ ngồi vào một chiếc đi-văng bế con vào lòng.
Graber lôi trong phòng Elisabeth ra một cái ghế bành bèn ngồi xuống nghỉ mệt, xung quanh để đồ đạc đã chạy được. Y đã thử tìm cách tạm trú vào một ngôi nhà còn nguyên vẹn ở gần. Nhưng bấm chuông hai lần không thấy ai ra tuy trông qua cửa sổ thấy lấp ló bóng người. Hỏi nhiều nhà khác họ trả lời rằng đã có người đến trước rồi. Đến sau một người đàn bà kêu lên:
– Nếu ông thấy ở đây yên ổn ông có ở mãi không?
Nghe nói vậy y không muốn nhờ nữa. Khi trở về soát gói đồ đạc thì thấy mất gói thực phẩm của Elisabeth, đến sau y nhận thấy gia đình ngồi quanh cái bàn bếp đang ăn cái gì có vẻ kín đáo và vội vã.
Nhưng có lẽ thức ăn của họ không muốn chia cho láng giềng.
Thình lình y trông thấy Elisabeth. Nàng trèo qua rào cản mà vào, nàng đứng nhìn ngọn lửa cháy chập chờn. Graber đứng phắt dậy.
– Elisabeth! Anh ở chỗ này
Nàng quay lại nhưng không trông thấy ngay. Trong chỗ ấy nom nàng chỉ thấy một cái bóng đen thui, ngọn lửa chập chờn hiện ra sau mớ tóc rủ như qua bức mành.
Y gọi lần nữa và lấy tay ra hiệu.
Nàng chạy lại.
– Trời ơi! Anh!
Họ ngả vào tay nhau.
– Không thể đến xưởng kiếm em được, anh phải ở lại đây coi đồ.
– Em tưởng đã xảy ra chuyện chẳng lành cho anh.
– Tại sao lại xảy ra cái gì được?
Y ngạc nhiên mà hỏi.
Nàng nép vào ngực chàng thở mạnh.
– Ừ mà thế thật, anh không phải là cái gì bất khả xâm phạm! Anh chỉ nghĩ đến em trong lúc bom dội.
Nàng ngước mắt lên.
– Ở đây làm sao vậy?
– Nhà cháy nóc. Em ngồi đây mà nghỉ.
Nàng vẫn chưa hết thở hổn hển. Y trông thấy ở rìa đường một thùng nước và cái chén để cạnh. Y chạy đến rót đầy chén đưa cho nàng.
Một người đàn bà la lên:
– Này, nước của tôi đó.
Một đứa trẻ độ mười hai tuổi, mặt đầy tàn nhang đỏ tru tréo:
– Chén của tôi!
– Uống đi, mặc kệ họ.
Graber bảo nàng rồi quay lại bảo những người kia:
– Khí trời cũng của các người nữa đấy hẳn?
Nàng bảo:
– Đưa trả họ nước và chén, hay là úp thùng lên đầu họ thì hơn.
Graber vẫn để ly nước gần môi Elisabeth:
– Không, em cứ uống đi. Em đã chạy nhiều phải không?
– Chạy không nghỉ.
Graber trở lại thùng nước. Người đàn bà lên tiếng trách Graber thuộc gia đình ngồi xung quanh bàn xếp. Y lại rót chén nữa, uống một hơi hết rồi để trả lại gần thùng nước. Không ai dám cự nự. Nhưng khi y đã để trả chén thì đứa con trai vội vã cầm lấy để vào bàn nhà. Người trưởng xóm mở mắt ra:
– Quân khốn nạn!
Ông ta nói rồi thì ngủ nữa. Mái nhà thứ nhất sụp xuống phun ra một đống tia lửa lớn.
Graber nói:
– Anh đã khuân ra đây được ít đồ. Gần hết quần áo và bức ảnh của ba, cả chăn mền nữa. Hay là vào lấy bàn ghế nữa cũng chưa muộn.
– Thôi anh ạ, cho nó cháy đi lại rảnh chuyện.
– Cái gì rảnh chuyện?
– Quá khứ đau khổ ấy. Những kỷ niệm ấy chẳng được việc gì cả, chỉ làm bận thêm. Bây giờ chúng ta bắt đầu từ số không. Trang sách đã lật rồi.
– Nhưng em có thể bán được đồ đạc.
– Ở đây có mà bán cho ma!
Nàng giơ tay chỉ dãy phố:
– Không thể tổ chức một cuộc bán tầm thường ở giữa phố. Những nhà ai còn lại cũng nhiều đồ rồi. Cảnh tình này cũng chưa chấm dứt đâu.
Trời lại mưa. Những hạt mưa lớn nóng hổi rớt xuống mặt đường. Mụ Lieser giương ô ra. Một người đàn bà chạy được cái mũ mới đội lên đầu cho tiện, bây giờ bà ta vội tụt ra giấu vào trong váy. Viên trưởng xóm hắt hơi. Từng giọt nước mắt lớn chảy trên má Hitler trong bức hình. Graber lấy trong bị ra áo choàng và vải căng lều, làm chỗ tạm trú cho mình và vợ.
– Phải nghĩ đến một mái nhà để nghỉ đêm nay.
– Có lẽ mưa sẽ làm tắt lửa. Những người này không biết họ ngủ đâu.
– Không biết. Người ta bỏ quên dãy phố này.
– Chúng ta có thể ngủ đây với chăn mền này, áo choàng và vải lều.
– Em có thể nằm được không?
– Khi mệt thì ngủ đâu cũng được.
– Binding có một căn phòng bỏ không. Nhưng có lẽ em không muốn đến đây.
Elisabeth lắc đầu.
– Thế thì chỉ còn nhà thầy Pohlmann. Dưới hầm ấy còn có chỗ. Mới mấy ngày trước đây anh đã hỏi thầy. Những trung tâm tiếp tế đầy ắp cả rồi.
– Ta hãy đợi. Gác mình chưa cháy mà.
Mưa rớt lộp độp trên nóc lều tạm bợ. Elisabeth không ra vẻ đau xót vì cảnh ngộ.
– Cho em uống cái gì. Đừng cho uống nước.
– Có đây. Anh tìm thấy một chai vốt-ca đằng sau chồng sách. Chắc chúng mình bỏ quên.
Graber giở gói chăn mền ra. Y giấu một chai dưới gối, vì thế không mất cắp, trên miệng chai cồn rượu úp một cái ly.
– Đây rồi. Chúng ta uống đừng cho ai biết nếu không mụ Lieser sẽ tố cáo chúng ta bêu nhục một quốc nạn.
– Muốn không ai để ý tốt hơn là đừng giấu diếm. Em đã có kinh nghiệm ấy rồi.
Nàng cầm chai tu một hớp.
– Ngon quá, chúng ta đang cần. Tưởng như mình ngồi ngoài hiên một tiệm cà phê. Anh có thuốc lá không?
– Mang hết chỗ thuốc còn lại.
– Tốt lắm.
– Em không muốn khuân bàn ghế thật à?
– Bây giờ họ không cho lên nữa rồi, vả chăng khiêng xuống cũng chẳng làm gì được. Không lẽ kéo đến chỗ ngủ tạm tối nay.
– Hay một người ở lại coi đồ, một người đi tìm chỗ trú.
Nàng lắc đầu. Nàng uống cạn ly. Đến lượt mái nhà Elisabeth sụm xuống. Tường như rung rinh, rồi đến lượt sàn các lầu trên cao sụp đổ. Khắp phố người ta thốt ra một tiếng giận dữ bất lực. Từng thác tia lửa vọt ra ở các cửa sổ. Màn cửa bùng cháy trong nháy mắt.
– Tầng lầu của mình còn nguyên.
Một người đứng sau vội nói:
– Không được lâu đâu.
– Sao vậy?
– Tại sao ông lại muốn may mắn hơn tôi. Tôi ở nhà này đã hai mươi ba năm. Bây giờ phòng tôi cháy rồi. Tại sao phòng ông lại không cháy?
Graber nhìn người ấy. Người ông ta mảnh khảnh, đầu hói. Y nói:
– Tôi cho rằng ngẫu nhiên chứ không phải vấn đề đạo đức.
– Đây là vấn đề công bình, nhưng có lẽ ông không hiểu rõ thế nào là công bình?
– Không rõ thật nhưng không phải lỗi tại tôi.
Y cười gằn:
– Nếu ngày nào ông cũng nghĩ vậy thì không có gì làm cho ông vui cả! Ông dùng với tôi một ly vốt-ca! Như vậy còn hơn vì đạo đức mà nổi lòng căm phẫn.
– Cám ơn, xin để cậu. Cậu sẽ cần đến khi nào đến lượt nhà cậu cháy.
Graber đặt chai rượu xuống.
– Ông có muốn cùng tôi đánh cá rằng tầng lầu của tôi không cháy không?
– Hử?
– Tôi muốn cá với ông.
Elisabeth bật cười. Ông già nhỏ bé sói đầu nhìn nàng ra bộ ghê tởm.
– Lúc này mà còn đánh cá! Còn cô, cô còn cười sao. Thật các người đã xuống thấp quá rồi!
Graber hỏi:
– Tại sao lại không cười! Cười còn hơn khóc, khóc cũng vô ích như cười.
– Cầu nguyện là hơn!
Phần trên mặt tiền lật nhào vào trong. Khói che hết cửa sổ nhà Elisabeth. Mụ Lieser bật ra tiếng khóc tấm tức. Gia đình ngồi xung quanh bàn xếp nấu cà phê bằng đèn đốt rượu. Người đàn bà ngồi trong ghế bành bọc nhung lấy nhật trình che lưng ghế cho khỏi mưa. Một đứa trẻ la inh ỏi.
– Thế là hết, tổ ấm mới được hai tuần.
Ông già hói thích chí:
– Thế mới công bình!
– Giá ông cá có phải ông được rồi không.
– Tôi không duy vật đâu cậu ơi.
– Thế sao than thở vì nhà của ông?
– Nhà tôi, tổ ấm của tôi. Cái đó quá tầm hiểu biết của cậu.
– Vâng, phần nào đó. Tôi đã thành ra dân du mục từ lâu.
– Vậy cậu phải cám ơn nền Đệ tam Đế quốc.
Lão xoa miệng định khạc nhổ.
– Bây giờ thì tôi không từ chối một cốc vốt-ca.
– Đây là để tang nhà của ông. Ông cầu nguyện đi thì hơn.
Lửa bốc ra từ phòng mụ Lieser. Elisabeth lẩm bẩm:
– Bàn giấy của con mẹ chó săn cháy rồi.
– Mong rằng cháy hết giấy má đi. Trước khi đi ra anh đã tưới một chai dầu vào đây. Bây giờ chúng ta phải làm sao đây?
– Phải tìm chỗ trú, nếu không kiếm được thì ngủ ngoài đường phố.
– Ngoài phố hay kiếm cái vướn hoa nào.
Graber nhìn lên:
– Đã có miếng vải lều nhưng không tốt. Dầu sao mình cũng kiếm được một mái nhà. Còn ghế bành với sách thì làm thế nào?
– Cứ để đây, sáng mai lại nếu còn sẽ liệu.
Graber đeo bị lên lưng và vác chăn mền lên vai. Elisabeth xách va-li.
– Để anh mang cho. Anh có thói quen ôm đồm cắp nắp mà chạy.
Các tầng lầu thượng căn nhà kế bên bắt đầu sụp đổ. Từng lưỡi lửa nhỏ bay lên không. Mụ Lieser nhảy lồng lên kêu gào. Một cục lửa vừa rớt trúng giữa mặt mụ. Bây giờ lửa vọt ra cửa sổ phòng Elisabeth. Trần sụp xuống.
– Thôi ta đi.
Graber nhìn lại cửa sổ một lần cuối cùng.
– Chúng ta đã sống những phút êm đềm trong ấy. Có lẽ những phút đẹp đẽ nhất.
Ánh lửa chiếu hồng mặt Elisabeth. Hai người đi quanh đống đồ đạc và gói bọc. Phần nhiều những người bị nạn có vẻ cam chịu. Có người chỉ mang xuống được một ít sách. Ông ta mở sách ra ngồi đọc chăm chú, quên cả sự vật bên ngoài. Hai người già bọc chung nhau một cái áo tơi nom như con dơi lớn hai đầu.
Elisabeth nói:
– Lạ thật, không biết sao em thấy mình từ bỏ dễ dàng những vật mới cách đây mấy giờ còn coi là cần thiết cho cuộc sống!
Graber quay lại nhìn một lần cuối cùng, đứa con nít mặt tàn nhang đỏ đã ngồi chễm chệ vào chiếc ghế bành nhung.
– Trong lúc mụ Lieser thét lên, anh đã phỗng của mụ cái cặp giấy má này, đến đám cháy kia ta quẳng mẹ nó vào đó có lẽ cứu được khối người sắp bị tố cáo.
Elisabeth gật đầu. Nàng bước đi không hề nhìn lại đằng sau.
Graber gõ cửa rất lâu rồi đẩy mạnh cửa. Không ai mở.
Y trở lại chỗ Elisabeth.
– Giáo sư Pohlmann không có nhà, hay ông ta không muốn cho ai vào.
– Có lẽ ông ta không ở đây nữa.
– Vậy thì ông ấy ở đâu? Làm gì có chỗ nào khác. Đi đã ba giờ đồng hồ rồi.
Y quay lại cửa:
– Không. Mật vụ không qua đây. Không có dấu phá phách, đi đầu bây giờ? Hay xuống hầm núp?
– Không, ở quanh đây có được không?
Y nhìn quanh. Trời đã tối. Đống gạch lởm chởm in hình trên nền trời đỏ ối.
– Trên còn chút trần nhà, đất khô. Có thể căng miếng vải lều làm một tấm vách, cái áo choàng làm tấm vách khác.
Y lấy báng súng đập thử lên trần. Một chút thạch cao rớt xuống nhưng trần còn vững. Y lựa hai cây dằm cắm xuống làm cột căng vải lều.
– Được một bên, bên kia dùng cái áo tơi. Em nghĩ thế nào?
– Để em làm giúp.
– Không, đứng đấy mà coi đồ đạc.
Y dọn một khoảnh đất, bỏ hết đá và gạch, rồi mang đồ đạc vào, trải nệm ra.
– Thế là có cái nhà mới. Nhiều khi anh phải ngủ chỗ tồi tệ hơn. Nhưng em thì khác.
– Đã đến lúc em tập cho quen.
Graber lấy một cái bếp đun và một chai rượu đốt bếp.
– Họ lấy mất bánh mì rồi nhưng chúng ta còn ít đồ hộp trong bị.
– Có soong để làm bếp không?
– Lấy cái ga-men. Ở đâu cũng lấy được nước mưa. Chai vốt-ca còn một nửa. Lấy nước nóng pha vào đấy. Để chống cái lạnh.
– Em muốn để nguyên thế uống.
Graber đốt bếp đun rượu. Ngọn lửa xanh mờ soi sáng trong lều. Họ mở một hộp thịt xào đậu, cho thêm xúc xích của người bạn lính già làm chứng hôn lễ.
– Chúng ta đợi Pohlmann hay đi ngủ?
– Đi ngủ thôi, em mệt nhoài rồi.
– Phải để cả quần áo nằm ngủ. Em ngủ được không?
– Mệt thì may ngủ được.
Elisabeth tụt giày để lên đầu nệm cho khỏi bị mất cắp còn bít tất thì cuộn lại bỏ túi. Graber quấn nàng vào trong mền.
– Em thấy thế nào?
– Như ở khách sạn.
Y nằm bên cạnh.
– Em có buồn vì không còn phòng của em không?
– Không. Em vẫn đợi từ lúc bắt đầu có bom. Mới đầu cũng buồn. Những ngày sau đây cuộc đời đã tặng không em.
– Như thế lại hay. Làm sao mà biết rõ về cuộc đời, về ý nghĩa của mình được?
– Em không biết. Có lẽ không trông mong gì nữa.
Nàng ngủ thiếp đi. Graber nằm thức nghe nàng thở đều và yên tĩnh rất lâu. Ở mặt trận y thường nói với bạn hữu rằng những đêm yên ổn âm cúng bên cạnh người đàn bà mình yêụ là giấc mơ khó thực hiện, điều mơ ước thiết tha nhất.