Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết

CHƯƠNG 3



Người ta đóng trại trong một cái hầm nhà. Chỉ có một cái cửa nhỏ trên trần để lên xuống, ánh sáng cũng do ngã ấy chiếu vào. Bốn người ngồi chung quanh một cái két đặt ngay phía cửa đánh bài. Trong những góc tối hình như có mấy người nằm ngủ. Sauer đang viết thư. Hầm khá lớn và tương đối kín đáo, chắc là trước kia của một nhân vật trong Đảng.
Mucke hiện ra trước cửa:
– Lại có chuyện gì thế?
Không ai buồn trả lời, y nhắc lại:
– Tôi hỏi có chuyện gì thế?
– Không có gì đâu trung sĩ ơi. Họ tán dóc…
– Máy phát thanh vừa phổ biến những tin tức cuối cùng.
Steinbrenner vội đứng dậy nhìn xung quanh. Không ai nhúc nhích cả. Chỉ có Graber ra vẻ để ý nghe. Mấy người đánh bài vẫn tiếp tục chơi, Sauer vẫn cắm cúi vào bức thư và mấy người ngủ vẫn ngáy như sấm. Mucke gắt lên:
– Điếc hay sao cả đấy. Tin tức cuối cùng. Theo luật lệ thì ai cũng phải nghe tin tức cuối cùng.
Immermann vội nói:
– Xin tuân lệnh.
Mucke nhìn anh ta ra vẻ không tin. Anh ta ra vẻ chăm chú nghe nhưng chẳng để ý gì cả. Mấy người đánh bài đặt bài xuống nhưng vẫn giữ nguyên vẹn ván bài không muốn xóa đi. Sauer nhổm dậy một chút. Steinbrenner đứng nghiêm.
Xướng ngôn viên máy phát thanh đọc rành rọt:
“Tin quan trọng! Xin loan báo để đồng bào được biết: tại Hoa Kỳ vừa xảy ra những vụ đình công lớn. Các ngành kỹ nghệ nặng đều bị tê liệt. Phần lớn các xưởng đúc súng đều ngưng làm việc. Người ta cho biết có nhiều cuộc phá hoại trong các xưởng phi cơ. Nhiều cuộc biểu tình đòi hòa bình đã xảy ra ở nhiều nơi. Chính phủ gặp nhiều khó khăn, có thể bị lật đổ bất cứ lúc nào”.
Mucke đứng yên lặng. Không nói câu nào. Mấy người ngủ tỉnh dậy, lấy tay gãi sồn sột. Một giọt nước trên nóc nhỏ mạnh xuống cái hộp thiết, Mucke lại thở đều.
“Tiềm thủy đỉnh của ta phong tỏa hết các bờ biển nước Mỹ. Hôm qua đã đánh chìm hai tầu chở binh lính và ba tầu chở khí giới. Tổng cộng số tầu bị đánh chìm đầu tuần lễ lên tới ba mươi bốn ngàn tấn. Nước Anh bị tàn phá đã lâm vào cảnh đói khát. Những đơn vị xung kích của chúng ta đã làm tê liệt thẳng đường thủy vận. Nhiều khí giới bí mật đang được chế tạo. Trong số ấy có những oanh tạc cơ vô tuyến điều khiển có thể bay qua Đại Tây Dương đã được củng cố thành bức tường vĩ đại. Nếu địch muốn đổ bộ, chúng ta sẽ đẩy lui dễ dàng như năm 1940. Hitler muôn năm”!
– Hitler muôn năm! – Một vài người nhắc lại một cách dửng dưng.
Đám bài lại cầm bài lên. Một nắm tuyết rơi vào hộp đồ ăn bắn tung vào nhiều người.
Steinbrenner đọc thuộc lòng mấy câu sau:
– Việc thu hẹp phòng tuyến đã xong xuôi. Quân Nga tổn thất nặng nề đã kiệt sức rồi. Ta đang tập hợp các lực lượng trừ bị. Cuộc phản công của ta bằng khí giới bí mật sẽ vô cùng lợi hại.
Y giơ tay lên nửa vời nhưng rồi để rơi xuống không nói “Hitler muôn năm”. Ở đất Nga này càng ngày càng khó nói Hitler muôn năm! Mọi người đều hiểu rõ tình thế rồi. Bỗng dưng Steinbrenner giống y như một cậu học trò đi thi biết mình sẽ thi rớt, y vội nói thêm:
– Dĩ nhiên còn nhiều tin tức nữa. Những tin tức quan trọng nhất phải tuyệt đối giữ bí mật, lúc này, không thể nói ra được. Nhưng điều quan trọng tuyệt đối là chúng ta sẽ đánh bại địch trước ngày cuối năm.
Steinbrenner nói rồi đi thong thả ra phía cửa, Mucke cũng đi ra.
– Đồ liếm giầy! – Một anh chàng ngái ngủ phóng ra mấy tiếng ấy rồi nằm quay vào tường.
Mấy người đánh bài lại bắt đầu sát phạt.
 
Chiều hôm ấy nhiều đoàn xe thương binh về đến nơi. Một số người được đưa ngay về hậu phương. Họ đều được chở từ miền trung nguyên Nga mênh mông về đây rồi tiêp tục đi về phía trời Tây đã chạng vạng tối. Có lẽ không bao giờ họ tìm được chỗ nghỉ ngơi, họ sẽ như những cái bóng lang thang, mờ đi trong ánh hoàng hôn. Phần nhiều người yên lặng không nói. Ai nấy đều đói lả.
Những người không đi được và không giành được chỗ trong xe cam-nhông thì được khiêng vào một trại cứu thương lập tạm trong nhà thờ. Người ta che kín những lỗ thủng trên nóc để cho một y sĩ mệt nhoài với hai người y tá làm việc. Cửa để ngỏ cho tới lúc trời tối hẳn; cáng khiêng ra khiêng vào quần quật. Bàn mổ thắp đèn sáng trưng giữa vùng tối sảnh đường. Người ta cũng không nghĩ đến việc thu gọn những bức tường gẫy vụn để ở một xó nhà. Tượng Thánh Mẫu Đồng Trinh dang hai tay đã gãy mất bàn tay ra đón thương binh. Cây thánh giá chỉ còn hình Ki-Tô đã gãy một chân. Ít khi có tiếng người đau la hét, y sĩ vẫn còn thuốc tê để dùng. Nước sôi trong một cái thùng. Chân tay cắt ra dần dần chất đầy một cái bồn tắm kẽm lấy trong nhà đại úy trưởng ra. Một con chó không biết từ đâu xuất hiện quanh những người bị thương rồi đến ngồi đằng cửa. Đuổi không chịu đi.
Con chó chân cao, lông vàng chói như lửa, cái đầu dài và xinh đẹp.
Fresenburg nói:
– Đây không phải là chó nhà quê, con chó thật là đẹp.
Y tặc lưỡi gọi. Chó dõng tai nghe. Fresenburg nói ngọt ngào với con vật.
Graber hỏi:
– Mày tưởng nó đến tìm ăn hả?
Fresenburg lắc đầu:
– Ở chỗ khác chắc không thiếu ăn. Nó đến đây vì lẽ khác. Nó thấy có nhà, có đèn sáng. Tao cho rằng nó đến tìm chỗ có người.
Hai người y tá khiêng một cái cáng ra. Họ khiêng thi hài một người chết trong khi phẫu thuật. Con chó nhảy ra một bên. Nó nhảy lẹ làng như có dây trun kéo. Rồi ngồi yên lặng nhìn Fresenburg. Anh này lại nói, rồi bước tới một bước về phía nó.
Chó lùi lại bước nữa nhưng dừng lại nhìn Fresenburg vẫy đuôi khe khẽ.
Graber nói:
– Nó sợ.
– Ừ nó sợ thật, nhưng nó ngoan.
– Và chuyên ăn xác chết.
Fresenburg quay lại:
– Thì cũng như chúng ta vậy.
– Sao thế?
– Cũng như chúng ta vậy. Chúng ta cũng như con chó này, chúng ta dẫu sao cũng vẫn cho mình là người tử tế, chúng ta tìm một chút ánh sáng, một chút ấm lòng, một chút tình bạn.
Fresenburg mỉm cười với nửa mặt còn lại. Nửa mặt kia bị một cái sẹo lớn làm tê liệt và hầu như chết rồi, người khác vẫn thấy kỳ dị khi trông thấy nụ cười của y như bị gẫy ra khi đụng phải bức thành phía mặt ấy. Điều đó không phải là sự ngẫu nhiên. Y lắc đầu và khúc khích cười làm rơi những bông tuyết xuống đôi ghệt rồi nói:
– Chúng ta mất cả ý thức về sự bình thường rồi. Đã mười năm nay người ta giam hãm chúng ta trong thái độ kiêu căng, vô nhân đạo, tội lỗi, một thái độ vô nhân đạo bốc thấu đến trời. Người ta bảo chúng ta là chủng tộc làm thầy thiên hạ, người khác phải phục tòng chúng ta như những tên nô lệ.
Y cười chua chát.
– Họ tâng bốc tụi mình để dễ bảo tụi mình nghe theo những người ngu muội, những người nói khoác! Đã đẹp mặt chưa, làm thầy thiên hạ! Dĩ nhiên chỉ những thằng vô tội là bị hạ trước tiên!
Graber nhìn y mà lấy làm kinh ngạc. Fresenburg là người bạn đồng đội duy nhất đáng cho y tin cậy thực sự. Hai người quen biết nhau từ lâu, họ cùng sinh trưởng tại một tỉnh nhà.
– Mày đã biết thế thì mày đến đây làm gì?
– Đến đây làm gì? Không đến đây thì đến trại tập trung hay bị xử bắn vì cưỡng lại pháp luật.
– Tao không muốn nói thế. Mày đã lớn tuổi sao lại bị gọi khóa 1939? Trừ khi mày tình nguyện.
– Năm 1939 tao già quá thật. Nhưng sau này đổi khác. Bây giờ người ta gọi đến những người già hơn tao nữa. Thì mình cũng cố gắng đả thông tư tưởng, mình không muốn đào ngũ trong lúc quốc gia hữu sự, mặc dù ai là kẻ trách nhiệm chiến tranh. Việc này quả thật là hèn nhát! Chúng ta đã hèn nhát ngay từ đầu, khi chúng ta bỏ thăm cho Hitler để tránh một sự khốn đốn hơn. Bao giờ mình cũng tìm được cách biện hộ cho mình. Từ trước đến sau chỉ toàn là bào chữa và hèn nhát!
Graber không muốn hiểu. Fresenburg đứng yên một lát rồi nói tiếp giọng bình tĩnh hơn:
– Mày không muốn hiểu. Mày còn trẻ quá. Mày chỉ biết có cái cuồng nhiệt bệnh hoạn tập thể, mày chỉ biết có chiến tranh. Nhưng tao, tao biết trận chiến tranh trước và tất cả thảm họa kế theo. Chúng ta thua trận rồi, ít ra mày cũng biết điều ấy chứ?
– Không.
– Không có vị tướng nào biết trách nhiệm của mình mà không ngưng chiến từ lâu rồi. Chúng ta phí xương máu vô ích.
Y nhắc lại như điên dại:
– Vô ích, vô ích! Cũng không mong đạt được điều kiện hòa ước vinh dự.
Y giơ tay về phía chân trời tối tăm:
– Người ta không buồn điều đình với chúng ta nữa. Chúng ta đã gieo rắc căm thù và sợ sệt như Attila hay Thành Cát Tư Hãn. Chúng ta đã vi phạm những cam kết của chúng ta và chúng ta đã dày xéo lên nhân nghĩa đạo đức…
– Không phải chúng ta, thủ phạm là tụi SS. – Graber thất vọng mà cải chính như vậy.
Graber muốn tìm Fresenburg để tránh mặt Immermann, Sauer, Steinbrenner. Y muốn cùng Fresenburg nhớ lại tỉnh nhà yên tĩnh bên dòng sông xanh, thời niên thiếu của hai người, ấy thế mà bây giờ y lại bị kéo về hiện tại hãi hùng, y không đợi sự giúp đỡ của ai, nếu không phải của Fresenburg, nhưng y đã mất hút Fresenburg ít lâu nay trong lúc lui binh hỗn độn. Chính Fresenburg đã nói toạt ra những sự thật mà y rất sợ nghe nhất, y chỉ muốn để lúc nghỉ phép được yên lặng tĩnh mịch mới để tâm đến.
Fresenburg tỏ vẻ khinh bỉ lính SS:
– Chúng ta đánh trận là đánh trận cho tụi SS. Đánh trận cho tụi SS, tụi mật vụ, tụi lưu manh hèn nhát, tụi sát nhân, cuồng tín và điên rồ, để cho đám cặn bã xã hội nắm quyền hành thêm một năm nữa. Chúng ta đã thua trận từ lâu.
Trời đã tối hẳn. Cửa ngõ nhà thờ đều đóng kín không để lọt ánh sáng ra ngoài. Mấy bóng người kỳ dị lăng xăng trước mấy cái cửa sổ, có người đang lấy mền phù kín. Người ta cũng che kín cả lối xuống hầm và hầm núp. Fresenburg đưa mắt nhìn cảnh quen thuộc:
– Chuột chù! Chúng ta đã trở thành chuột chù. Cả linh hồn chúng ta cũng đã trở thành linh hồn chuột chù. Chúng ta đã thoái hóa quá nhiều.
Graber hút một hơi thuốc dài và thổi khói ra thật xa. Cái vạt nhỏ đang cháy âm ỉ trong tay theo nhịp hút thở của y bây giờ là vật đem lại ấm lòng hơn cả, hơn cả bạn bè. Một cô bạn bé nhỏ xinh xinh, lặng lẽ, chỉ biết đem lại cho y sự yên ổn…
– Mầy cũng đừng bận tâm đến nữa. Từ mười năm nay tuyên truyền đã làm ta ù tai. Khó lòng mà nghe tiếng nói nào khác. Nhất là không nghe thấy tiếng nói của lương tâm và tiếng nói hoài nghi, hai thứ tiếng nói đó không có gì là om sòm. Mày có biết giáo sư Pohlmann không?
– Thầy dạy Sử ký và Tôn giáo của tao đấy.
– Chừng nào mày về, cố mà đến thăm thầy. Có lẽ thầy còn sống. Tao gởi lời về thăm thầy.
– Tại sao lại không còn sống. Thầy có bị động viên không?
– Không
– Thế thì có sao. Thầy chưa ngoài 65 mà.
Fresenburg lội trên tuyết đi về phía làng bên, nơi đồn trú bộ đội của y. Graber nhìn theo cho đến khi y đi khuất trong bóng tối rồi mới quay lại. Y nhìn thấy bóng đen con chó đứng gần tường nhà thờ. Cửa mở, một tia sáng nhỏ lòe ra trong chốc lát. Người ta đã treo những mảnh “bạt” trước cửa vào. Chút lửa sáng thoáng qua cũng đủ ấm lòng trong chốc lát vì dầu sao người ta cũng nghĩ đến một căn nhà rộng dân làng hội họp lúc tối. Graber đến gần con chó. Nó sợ hãi lánh ra xa. Hai pho tượng bây giờ vứt dưới đống tuyết cạnh cái xe đạp hoen rỉ. Người ta phải dẹp tượng ra ngoài vì cần rộng chỗ.
Graber đi về phía cái hầm làm đồn trú cho tiểu đội của y. Bốn cái xác chết xếp hàng cách xa nhà thờ một chút. Người ta lại tìm thấy ba xác chết từ tháng mười vùi dưới tuyết. Xác đã mềm và ướt sũng nước. Cạnh đấy còn nhiều thương binh mới chết hồi chiều. Coi họ xám xịt, gò người như cố sức phấn đấu trước khi chịu chôn vùi dưới đất.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.