Sáng chủ nhật Graber trở về đường Haken. Y nhận thấy có cái gì khác trong chỗ nhà đổ nát. Cái bồn tắm đã biến mất, mấy bậc cầu thang còn lại cũng biến mất. Một lối đi hẹp được khoét dọc bờ tường vào tận sân trong. Có lẽ một toán người đã đến đây dọn dẹp.
Graber bước vào lối đi, qua sân vào một phòng đầy gạch vụn, y nhận ra trước đây là phòng tắm giặt. Y chú ý đến một hành lang tối om bèn bật diêm lên soi. Bất thần đằng sau y một tiếng người la lớn:
– Vào đây làm gì, ra mau đi!
Y quay lại, không thấy gì trong tối, bèn quay ra. Một người đứng chờ ở ngoài. Hai tay người ấy chống nạnh, áo tơi lính trùm ra ngoài bộ đồ dân sự. Graber nói:
– Nhà tôi ở đây. Ông là ai?
– Tôi ở đây chớ không ai khác! Ông đến đây làm gì? Ăn cắp hả?
Graber bình tĩnh vì thấy đôi nạng và chiếc áo tơi.
– Làm gì mà nóng nảy thế. Cha mẹ tôi ở đây trước ngày nhà trúng bom. Trước khi nhập ngũ tôi cũng ở đây. Như thế đủ chưa?
– Nói thì dễ quá!
Graber nắm hai vai người tàn tật đẩy ra một bên lấy lối đi ra. Từ phía ngoài một người đàn bà và một đứa con nít đi vào theo sau có một người vác cuốc trên vai. Họ xúm quanh Graber. Người vác cuốc hỏi người tàn tật.
– Có chuyện gì thế?
– Người này lảng vảng vào đây. Y bảo rằng cha mẹ y ở căn nhà này.
Người mang cuốc cười gằn:
– Rồi sao nữa?
– Thế thôi.
Graber nói.
– Anh chỉ biết nói thế thôi à?
Hắn giơ cuốc lên:
– Bước ngay, không thì tao phang cho một nhát.
Y chưa kịp nói lần thứ hai. Graber giáng một cái đấm vào giữa mặt, hắn ngã dúi ra sau. Graber cầm lấy cuốc.
– Phải thế mới trị được mày. Đi mà gọi cảnh sát đến đây. Nhưng tao chắc mày không dám làm liều thế.
Hắn ngóc dậy dần dần, lấy tay áo chùi mặt vấy máu.
– Đừng có làm tới nữa nghe. Người Phổ đã dạy tao miếng võ thần này. Bây giờ nói cho tao nghe. Mày đến đây làm gì.
Người đàn bà tiến lại.
– Chúng ta ở nhà này. Ở đây thì có tội tình gì?
– Không. Nhưng đây là nhà cha mẹ tôi. Tôi đến đây có tội tình gì?
– Chứng cớ đâu?
– Không cần chứng cớ. Đây không còn gì mà ăn cắp.
– Đối với người nghèo thì vẫn hơn.
– Tôi không đến đây để ăn cắp. Tôi về nghỉ phép, vài ngày nữa sẽ đi. Anh có đọc bức thư ở cửa không? Tôi là người viết thư để tìm cha mẹ.
– Anh đấy à?
– Tôi đây, nhà tôi ở đây.
– A thế thì khác. Anh hiểu cho chúng tôi, bây giờ ai cũng không tin ai cả. Chúng tôi bị nạn, chúng tôi tạm ngụ ở đây. Không nhà thì phải tìm chỗ trú chứ.
– Anh quét dọn chỗ này à?
– Một phần thôi, có người giúp tôi.
– Ai?
– Bà con. Họ có đồ nghề.
– Có tìm thấy người chết dưới đống gạch không?
– Không.
– Chắc không?
– Chắc. Nhưng dẫu sao thì trước người ta đã dọn dẹp rồi. Đến lượt chúng tôi không thấy gì cả.
– Tôi chỉ muốn biết thế thôi.
– Có thế thì sao đấm vỡ mặt người ta? – Người đàn bà nói.
– Chồng chị đấy à?
– Việc gì đến anh. Không phải chồng tôi, em tôi đấy. Máu me ra thế kia kìa.
– Chỉ chảy máu mũi thôi.
– Cả răng nữa.
Graber giơ cuốc lên:
– Hắn định lấy cuốc phang tôi.
– Đã phang đâu.
– Thưa chị, tôi đã hiểu quá rằng đừng nên đợi cho sự đe dọa trở thành sự thật.
Y ném cái cuốc vào đống gạch thật xa. Mấy người khác nom theo. Đứa bé định chạy ra nhặt nhưng người mẹ cản lại. Graber nhìn quanh cái bồn tắm đã khiêng ra để gần nhà ngang. Có lẽ cầu thang đã được bửa ra làm củi đun. Hộp đồ ăn, bướm áo, xoong chao méo mó, đồ đạc gãy nát lẫn với đám gạch vụn. Gia đình này đã dọn dẹp căn nhà ngang ở và chiếm hữu tất cả cái gì còn dùng được trong đống gạch vụn. Chuyện ấy không có gì đáng nói. Đời sống vẫn tiếp tục. Đứa con trẻ có vẻ khỏe mạnh. Mảnh đất điêu tàn lại có người ở. Người ta đành phải theo dòng đời.
– Anh đã ráng sức dọn dẹp thật mau lẹ.
– Thì phải mau tay khi không có gì che mưa nắng.
Graber đã sắp sửa đi, lại hỏi một câu:
– Anh có thấy con mèo, con mèo đen khoang trắng?
– Mèo Rosa của mình đấy à?
Đứa trẻ xen vào. Người đàn bà vội cướp lời:
– Không, không thấy mèo nào cả.
Graber bỏ đi. Chắc là phải còn nhiều gia đình khác trong hầm này. Nếu không thì sao dọn dẹp được mau thế, trừ khi có một toán người đến làm giúp. Bây giờ người ta thường đem từng đoàn người ở các trại tập trung về tỉnh dọn dẹp.
Y rảo bước đi. Không biết tại sao bỗng dưng y thấy mình nghèo đi.
Y đến một dãy phố còn nguyên vẹn, cửa kính các tiệm buôn cũng không bị vỡ. Chân bước đi đầu óc rỗng không. Hốt nhiên y kinh ngạc dừng lại. Có người đi trở lại ngay trước mặt, thì ra chính bóng mình phản chiếu trong một tấm gương của tiệm may. Y có cảm tưởng kỳ lạ rằng mình đứng trước mình, nếu rẽ ngang ra, hình ảnh tan đi đời sống của mình cũng tiêu tan hẳn.
Y dừng lại nhìn ảnh mình mờ nhạt trong tấm gương đã mờ. Hai mắt sâu hoắm như hai lỗ đáo đen trên khuôn mặt có thể nói rằng không có mắt. Thình lình y cảm thấy một cảm giác khắc khoải lạnh lùng hầu như xa lạ với mình. Không phải là sự khủng khiếp thể chất, không phải bản năng bảo tồn sự sống tập trung sinh lực lại để chống cự, chạy trốn hay chờ đợi; đó là một thứ sợ hãi bình lặng len lỏi khắp châu than, cái sợ lọt qua kẽ mọi cố gắng thông trị nó, cái sợ mở ra một vực thẳm hư không hút lấy con người làm người ta tê liệt ca máu xương da thịt lẫn đến đời sống. Hình ảnh trong gương vẫn nguyên đấy nhưng y vẫn chờ đợi cái hư không vô hình tướng kia thu hút mất hình hài giới hạn và phù vân có tên gọi nhất thời là Graber và đẩy y xuống Âm ti. Âm ti là cái gì còn hơn cái chết, đó là sự tận cùng của cái ta, là sự tan rã, là sự phân tâm cho lan vào nguyên tử hỗn mang, là trở về hư vô.
Như vậy sẽ còn gì? Khi mình đã khuất núi thì sẽ còn gì.
Hết. Hết hẳn, trừ chút kỷ niệm trong tâm trí vài người thân bằng cố hữu hay bạn bè – có lẽ cả Elisabeth nữa – nhưng phỏng được bao lâu?
Mắt y không rời cái gương lớn. Dường như y đã trở thành nhẹ lâng lâng, một cái bóng bằng giấy, trong suốt, một cái bao mất hết ruột ở trong, chỉ một cơn gió nhẹ cũng thổi bay. Như vậy sẽ còn lại cái gì? Tìm đâu một điểm tựa, bỏ neo xuống chỗ nào, làm gì cho vững bền đôi chút để lưu lại vết tích của mình.
Có người đằng sau gọi:
– Ernst!
Y giật mình quay lại. Một người cụt chân, đứng tựa vào đôi nạng đứng nhìn. Mới đầu y nghĩ đến người chống nạng ở đường Haken; nhưng sau nhận ra là Karl Mutzig, người bạn học cũ.
– Ủa, Karl hả? Tôi không dè lại được gặp anh ở đây!
– Tôi về nhà từ lâu. Sáu tháng nay rồi.
Hai người nhìn nhau.
– Thật ngẫu nhiên may mắn nhé!
– Sao?
Mutzig giơ cặp nạng lên, đặt xuống mà rằng:
– Cái này này!
– Ừ, ít ra nó cũng gỡ rối cho anh. Còn tôi, tôi phải trở ra mặt trận.
– Tất cả đều tùy góc cạnh nhìn. Nếu còn chiến tranh vài năm nữa thì tôi thoát nạn thật. Nhưng nếu trong sáu tháng nữa chiến tranh kết liễu thì tôi trở thành người khổ nhất đời.
– Tại sao anh lại nói sáu tháng nữa thì xong.
– Tôi cũng không biết, đó chỉ là giả thiết.
– Như vậy thì anh có lý.
– Sao anh không đến chơi với tôi? Anh Bergmann cũng ở với tôi, anh ta mất cả hai tay.
– Anh ở đâu?
– Ở bệnh viện tỉnh. Khu những người bị cưa. Nếu có dịp, đến với chúng tôi.
– Vâng, tôi sẽ đến.
– Chắc nhé? Ai cũng nói thế mà chẳng ai lại cả.
– Lại chứ, tôi hứa với anh.
– Thế thì chúng tôi mừng lắm. Anh sẽ thấy. Chúng tôi không đến nỗi buồn, nhất là trong phòng tôi.
Hai người vẫn nhìn nhau, nhưng có điều gì đã nói hết rồi.
– Thôi chúc anh can đảm và may mắn.
– Anh cũng vậy.
Họ bắt tay nhau.
– Anh có biết Sierer đã chết rồi không?
– Không, tôi không biết.
– Được sáu tuần rồi. Thế còn Leiner?
– Cũng không.
– Leiner và Lingen. Hai người cùng chết một buổi sáng. Bruning thì hóa điên. Anh có nghe tin Hollmann bị ghi là mất tích?
– Không.
– Bergmann nói với tôi như vậy. Thôi tạm biệt. Đừng quên đến chơi tôi nhé.
Mutzig tựa vào nạng đi. Graber nghĩ thầm: “Hình như anh chàng này khoái chí mà nói đến những người bạn chết trận. Có lẽ y tìm thấy sự an ủi nào đó”. Y nhìn theo Mutzig. Chân bị cứa từ đùi. Ngày trước Mutzig là người chạy nhanh nhất lớp. Graber không biết mình nên phàn nàn cho bạn hay nên thèm muốn cảnh bạn. Mutzig nói có lý, tất cả đều tùy thuộc ngày mai.
Graber bước vào thì thấy Elisabeth mặc áo trong nhà màu trắng ngồi trên giường. Nàng vấn một cái khăn mặt trên đầu ngồi đợi, bình tĩnh và trầm ngâm, như một con chim trong trắng bay qua cửa sổ vào ngồi nghỉ chốc lát trước khi tung cánh lưng trời.
– Em đã dùng nước nóng bằng cả khối nước hạn cho một tuần lễ, chắc là mụ Lieser về sẽ nổi tam bành đây!
– Để cho mụ ta la ó, mụ thì cần gì nước nóng. Đảng viên Đức quốc xã chính tông cần gì tắm gội. Sạch sẽ là tật di truyền của giới thống trị Do Thái.
Y đến gần cửa sổ đứng nhìn ra ngoài. Trời u ám, phố xá lặng lẽ. Bên kia đường, một người không áo ngoài, hở hai tay lông lá, ngồi hóng mát và ngáp vặt. Từ một cửa sổ khác vọng ra tiếng dương cầm phụ họa giọng hát của đàn bà. Graber ngắm nhìn một lối vào hầm núp dọn dẹp sạch sẽ. Y nghĩ đến cái sợ ớn lạnh bóp thắt mình hồi nãy khi đứng trước tấm gương một tiệm may, y lại rùng mình. Y còn lại gì không? Phải để lại đây một cái gì, một cái neo ràng buộc y với nơi này để y còn có ý muốn trở lại. Nhưng cái neo nào? Elisabeth chăng? Elisabeth đã thuộc về mình chưa? Y mới biết nàng chưa được bao lâu! Thế mà y sắp sửa ra đi trong vài năm không chừng. Nàng sẽ quên chăng? Làm thế nào để mình ràng buộc với nàng? Y quay lại:
– Elisabeth ạ, chúng mình phải làm giá thú.
– Giá thú à?
Nàng cười:
– Để làm gì?
– Bởi vì làm như thế thì phi lý. Chúng ta mới biết nhau được vài ngày, trong vài ngày nữa sẽ từ biệt nhau, vì chúng ta không biết có hợp nhau để sống chung hòa thuận không. Ấy vì những lý do đó mà phải làm giá thú.
Elisabeth nhìn y.
– Anh muốn nói rằng chúng ta là hai người cô độc, không hy vọng ngày mai và không còn gì khác nữa?
– Không.
Elisabeth yên lặng. Y nói tiếp.
– Không phải chỉ vì thế.
– Thế thì vì lý do gì?
Y nhìn nàng thở và bỗng dưng thấy nàng xa lạ. Ngực đưa lên đưa xuống, hai mắt khác hẳn mắt mình, hai bàn tay khác, tư tưởng khác, đời sống khác… Không bao giờ nàng hiểu mình được, nhưng tại sao cần nàng hiểu mình. Y không hiểu tại sao bỗng dưng y cần đến sự hiểu nhau như thế:
– Lấy nhau rồi, em không sợ mụ Lieser nữa. Là vợ lính, em được pháp luật bảo vệ.
– Anh tin là thế à?
– Tin chứ!
Nàng nhìn y chầm chập làm y ngượng.
– Mấy lại em được hưởng phụ cấp.
– Đấy không phải là một lý do. Còn như mụ Lieser thì một mình em cũng đủ đôi phó với mụ. Hôn thú à? Trời ơi biết bao nhiêu là giấy tờ phiền phức, phép tắc, giấy nhận thực dòng dõi Aryens, khám nghiệm trước ngày cưới, còn gì nữa! Không có thì giờ, ít ra cũng mất vài tuần lễ!
Graber nghĩ thầm: “Vài tuần thôi à, nàng đã nghĩ lầm”.
– Lấy nhau trong thời chiến này chóng lắm, có đâu lâu như vậy. Chỉ mất vài ngày thôi, ở trại người ta kháo nhau như vậy.
– Vì thế mà anh nghĩ đến chuyện hôn thú à?
– Không phải, anh mới nghĩ đến từ sáng hôm nay. Nhưng ở trại người ta bàn tán nhiều về chuyện ấy. Nhiều người lấy vợ nhân dịp nghỉ phép. Tại sao chúng ta không làm thế? Khi một người lính ở mặt trận có vợ thì hình như vợ được phụ cấp hàng tháng hai trăm đồng. Tại sao mình lại tặng không nhà nước khoản tiền ấy? Em thì cần mà lại để cho nhà nước xài, như thế có công bình không?
– Nhìn dưới khía cạnh ấy thì đúng lắm.
– Anh thì anh hiểu như thế. Hình như còn có khoản tiền cho vay, mỗi cặp vợ chồng mới được vay 1.000 đồng. Như vậy em không cần phải đi làm nữa.
– Đúng thế thật.
Graber lại cảm thấy thất vọng mà tự nhủ: “Mình trẻ trung, mình phải được hưởng hạnh phúc. Cha anh mình đã gây ra cuộc chiến tranh này nhưng mình có cần gì?”.
Y bảo nàng:
– Rồi đây chúng ta sẽ sống cô đơn. Nhưng nếu thành vợ chồng thì đỡ cô đơn.
Nàng lắc đầu. Y hỏi:
– Em không muốn lấy anh à?
– Chúng ta không bớt cô đơn đâu. Chúng ta càng thêm cô đơn.
Graber nghe giọng hát của người ca sĩ. Cô ca sĩ bỏ hát âm để tập môn khác. Cô ta lấy hơi phát âm thật dài không ngừng, chính tiếng dội của giọng hát lại trả lời cô ta.
– Nếu em sợ hôn nhân thì em cũng nên biết rằng hôn nhân không có gì là bắt buộc mãn đời. Vẫn có thể ly dị được nếu cần.
– Thế thì lấy nhau để làm gì?
– Tại sao mĩnh lại đem tiền tặng nhà nước?
Elisabeth đứng dậy:
– Hôm qua anh không như hôm nay.
– Có gì thay đổi?
Nàng khẽ mỉm cười:
– Tốt hơn hết là đừng nói chuyện ấy nữa. Chúng ta sống với nhau lúc này, cần gì phải nghĩ đến cái khác.
– Thế là em không muốn?
– Không.
Y nhìn nàng. Nàng có cái gì cả quyết, ác cảm.
– Em ạ, anh cam đoan với em rằng khi nói như vậy anh chỉ hết lòng với em chứ không nghĩ quanh co gì cả.
Nàng mỉm cười:
– Chính vì thế, ở đời có những trường hợp mình không nên nghĩ tới điều hay điều tốt. Còn gì uống không anh?
– Còn, còn chai Slivovitz.
– Sản phẩm Ba Lan phải không?
– Phải.
– Chúng ta chỉ có chiến lợi phẩm để uống thôi à?
– Còn chai kummel, sản phẩm Đức quốc.
– Thế thì em uống rượu Đức.
Graber vào bếp tìm chai rượu. Y tức giận với mình. Y đứng một lúc lâu trong bóng tối, mùi đồ ăn của Binding tặng xông lên nồng nặc. Y nhọc mệt, không biết phải làm sao bây giờ. Khi trở lại phòng thì thấy Elisabeth đứng tựa tay vào cửa sổ.
– Trời u ám quá! Chắc là sắp mưa. Thật đáng tiếc!
– Sao vậy?
– Ngày chủ nhật đầu tiên. Đẹp trời mình có thể đi chơi được. Chung quanh tỉnh này bây giờ đồng quê là mùa xuân hoa nở khắp nơi.
– Em muốn đi chơi à?
– Không. Đối với em, chỉ cần vắng mặt mụ Lieser cũng đủ rồi. Nhưng đối với anh ngồi một xó suốt ngày cũng ngán thật.
– Không phải. Anh sống giữa thiên nhiên đã nhiều rồi, vài ngày không có cây cỏ và khí trời cũng chẳng sao. Nói đến thiên nhiên anh chỉ mơ tưởng một căn phòng đầy đủ tiện nghi, bàn ghế đừng cái nào cụt chân. Cái này chẳng hạn. Đối với anh đó là cuộc phiêu lưu đáng kể hơn cả. Nếu em muốn đi chơi thì chúng ta đi xi nê.
Elisabeth lắc đầu:
– Thế thì cứ ở yên đây. Đi ra ngoài thời giờ trôi chóng lắm sẽ hết ngày ngay mất. Ở đây giờ giấc đi chậm hơn.
Graber đến bên ôm nàng ngồi trong tay. Y nhận thấy nàng ràn rụa nước mắt.
– Lúc nãy anh có làm em buồn không?
– Sao lại buồn, anh!
– Có lẽ anh đã vụng về làm em phải khóc.
Trông qua vai nàng xuống phố thấy người mặc áo sơ-mi đã biến mất. Một vài đứa trẻ chơi đánh trận trong cái hầm đưa đến hầm nhà bị phá hủy.
“Chúng ta không nên buồn”.
Người ca sĩ lại bắt đầu luyện giọng hát. Nàng hát một hòa khúc của Grieg: Yêu anh, yêu anh! Giọng bỗng cao vút: “Yêu anh mặc cho thời gian trôi vùn vụt, đời sống khắt khe!”.
Đến lúc quá trưa trời bắt đầu mưa. Trời tối sầm lại, mây đen nổi lên. Họ nằm trên giường, không có đèn đóm gì cả bên ngoài cửa sổ mở, mây giăng một tấm màn nước rung rinh.
Graber nghe tiếng hạt mưa tí tách. Y nghĩ đến nước Nga,có lẽ bây giờ đã bắt đầu thời kỳ cảnh vật chìm dưới một lớp bùn lầy. Trong vài ngày nữa, y sẽ đến đầm mình vào trong đống bùn ấy.
– Có lẽ anh nên ra về thì hơn. Mụ Lieser sắp trở lại rồi.
– Mặc kệ mụ, đã muộn thế rồi cơ à?
– Không biết nữa, có lẽ vì mưa mụ sẽ về sớm hơn.
Elisabeth vừa nói vừa nép mặt vào vai chàng:
– Giá mụ bị đụng xe chết tươi có phải đẹp đẽ biết mấy!
– Em không nhân từ tí nào cả.
Graber nhìn chăm chăm khung chữ nhật màu xám nơi cửa sổ.
– Nếu chúng ta có hôn thú thì anh có thể đến đây một cách yên ổn.
Elisabeth vẫn không nhúc nhích.
– Tại sao anh muốn lấy em, anh biết em chưa được bao lâu.
– Anh biết em khá lâu rồi.
– Từ bao giờ nhỉ. Mấy ngày thôi.
– Không phải mấy ngày. Từ một năm nay rồi. Anh cho rằng thế cũng đủ.
– Làm sao cho được một năm? Không nên nói đến lúc tuổi thơ, xa quá rồi.
– Anh không kể lúc bé. Anh được nghỉ ba tuần lễ sau hai năm ở mặt trận, ở gần hai tuần lễ, như thế tương đương với mười lăm tháng ở mặt trận. Như vậy là biết em đã hơn một năm.
Elisabeth mở mắt ra.
– Em không nghĩ đến điều ấy.
– Anh cũng vừa mới nghĩ ra đây. Trời mưa mà tối om thế này người ta có nhiều ý kiến lạ.
– Cần phải tối và mưa à?
– Không, nhưng tối và mưa giúp mình suy nghĩ.
– Thế bây giờ anh nghĩ gì?
– Anh nghĩ rằng không dùng hai bàn tay mình để bắn súng và ném lựu đạn mà dùng để làm cái khác, thì thật là tuyệt diệu.
Nàng nhìn y:
– Tại sao anh không nói câu ấy hồi xế?
– Hồi xế anh có những ý tưởng thực tế hơn.
– Những ý tưởng về tiền phụ cấp và cho vay của những cặp vợ chồng mới.
– Thì cũng vậy, chỉ khác có danh từ.
Nàng lẩm bẩm nói một câu y không hiểu nghĩa:
– Danh từ quan trọng lắm, ít ra đối với những việc thuộc loại ấy.
– Anh mất thói quen dùng danh từ rồi, nhưng rồi anh sẽ học lại. Để cho anh một thời gian.
– Thời gian? Chúng ta không có nhiều thời giờ.
– Phải. Hôm qua chúng ta thấy có nhiều thì giờ và hôm nay chúng ta lại tiếc thời giờ ngày hôm nay.
Y nói rồi im bặt. Elisabeth đặt đầu lên cánh tay y, mớ tóc tạo một vùng tối trên gối trắng, hạt mưa làm lấp loáng bóng tốì trên mặt nàng.
– Anh muốn lấy em, nhưng anh có biết đích xác rằng anh yêu em không?
– Làm sao chúng ta biết được? Phải cùng sống với nhau mới biết được điều ấy chứ!
– Hẳn là thế. Nhưng tại sao anh lại muốn lấy em?
– Bởi vì anh không quan niệm đời sống nào khác hơn đời sống với em.
Elisabeth yên lặng một lát rồi hỏi:
– Anh có cho rằng cái gì xảy ra với em có thể xảy ra với người khác không?
Graber vẫn nhìn hạt mưa giăng, một tấm màn xám xịt bên ngoài.
– Có thể xảy ra với người khác được, ai biết đâu mà nói trước. Nhưng bây giờ đã xảy ra với em, anh không thể tưởng tượng ra ai khác em bên mình anh nữa.
Elisabeth cựa đầu đặt trên tay chàng.
– Anh đã học được cái gì khác rồi. Anh có giọng khác xế nay. Tại trời tối. Anh có nghĩ rằng suốt đời em, cứ phải đợi đến đêm mới được nói?
– Không, anh sẽ học nói vào lúc ban ngày. Và sẽ tránh không nói đến phụ cấp gia đình.
– Tuy nhiên chúng ta cũng không chê nó chứ!
– Chê gì?
– Phụ cấp gia đình.
Graber nín thở một lúc.
– Em bằng lòng lấy anh?
– Đành vậy, vì chúng ta biết nhau đã hơn một năm rồi. Vả chăng, sau mình vẫn có thể ly dị được phải không?
– Không.
Nàng ôm chặt lấy chàng rồi ngủ đi. Chàng thức tỉnh rất lâu. Chàng nghe tiếng mưa rơi tí tách và bây giờ thì chàng biết phải nói với người yêu những lời gì