Một con chim én lượn quanh gác chuông đã sạt mất nửa. Tia nắng thứ nhất làm bừng sáng những viên ngói ngũ sắc còn lại. Graber thắp bếp đun rượu. Không biết ở chỗ tôn nghiêm này có được phép nấu bếp không, y theo tác phong nhà binh, cứ làm trước đi đợi lệnh cấm hãy hay. Y lấy ga-men ra và đi tìm vòi nước. Đằng sau trạm thọ hình thập tự giá có một vòi. Cách đấy không xa, một người nằm ngủ miệng há hốc, cằm lởm chởm râu đỏ. Y chỉ có một chân. Cái chân gỗ đã tháo ra để bên cạnh. Nắng chiếu vào nom như một cái máy dị kỳ. Graber bây giờ mới thấy rõ những lối đi có che mái và những cột trụ cách nhau rất đều. Người ta đã tôn trọng lời dặn của ông thầy dòng: nam nữ biệt tịch, phía nam dành cho phụ nữ.
Graber trở lại thì Elisabeth đã tỉnh dậy. Coi nàng tươi tắn và tỉnh táo, không giống những người khác trong nhà rẫy này.
– Có chỗ rửa mặt rồi. Em nên đến trước không thì lát nữa đông không chen được. Những nơi tôn nghiêm phần nhiều kém về mặt thiết trí y tế. Ra đây anh chỉ cho buồng tắm của các thầy tu.
– Anh ở lại coi chứ không về đến nơi thì chẳng còn đèn bếp với cà phê nữa. Anh chỉ cho em tìm lấy cũng được.
Nàng theo lời chỉ đi qua vườn. Nàng ngủ yên cho nên áo không nhàu. Chàng trông theo mà bỗng cảm thấy xúc động lòng yêu mạnh mẽ.
– À ra bây giờ ông đun nấu trong vườn của Chúa?
Hẳn là ông ta rón rén bước lại nên không ai biết:
– Mà lại còn đun nấu trước trạm thánh?
– Nếu có bếp riêng cho người tị nạn chúng tôi đến nấu.
– Bếp à! Ông nên nhớ rằng đây là đất thánh. Ông không thấy mộ các giám mục à?
– Không phải lần thứ nhất tôi nấu bếp trong nghĩa địa. Nhưng có lẽ ở đây có quán ăn hay xe bán đồ ăn.
– Quán ăn ở đây?
Ông ta nuốt những danh từ ấy như trái cây thối.
– Có cũng hay chứ sao?
– Hay với người vô đạo như ông. May mà không ai nghĩ như ông! Quán ăn trên đất của Chúa! Thật là gàn dở!
– Đâu đến nỗi. Đấng Ki-Tô đã cho một số lớn người ăn với vài chiếc bánh và vài con cá, ông phải biết những điều ấy chứ. Hẳn là Chúa không phải là người ác nghiệt như ông. Thôi mời ông đi đi! Bây giờ là chiến tranh, phải nói cho ông biết thế!
– Tôi sẽ trình với viện trưởng.
– Ông cứ lên trình, viện trưởng sẽ tống cổ ông ra, với lũ quỷ cho ông chết rã thây!
Ông thầy dòng quay đi với điệu bộ người đáng kính bị ngạo mạn. Graber lấy ra một gói cà phê, thừa hưởng của Binding. Để gần mũi ngửi, đúng là cà phê bột. Đổ nước nóng vào mùi thơm bay khắp nơi. Thấy ngay hậu quả. Một cái đầu râu ria không cạo nhô lên đằng sau ngôi mộ và hít gió. Một người nhọc nhằn trỗi dậy đến gần.
– Này ông bạn, có nhiều cho uống một chút.
– Thôi xin ông. Đây chúng ta đang ở nhà của Chúa người ta nhận của bố thí chớ không ai bố thí cả.
Elisabeth trở lại. Nàng đi nhẹ nhàng vui vẻ như đi chơi về.
– Cà phê ở đâu thế?
– Của anh Binding, uống ngay đi không thì cả nhà rẫy này đổ đến tranh phần bây giờ.
Mặt trời lần lượt chiếu từng trạm trong đường thập tự. Một bó hoa tím vừa tàn hết trong một chậu để dưới trạm thọ hình thập tự giá. Graber lấy bánh mì và bơ trong bị ra, cầm dao bỏ túi phết từng miếng.
– Bơ tươi à? Cũng của anh Binding?
– Của Binding hết. Lạ thật, y luôn ăn ở rất tốt, mà anh không thể nào cảm tình được với y.
– Có lẽ vì thế mà y phải hết lòng với anh. Ở đời có những trường hợp như thế đây.
Elisabeth ngồi trên bị, gần Graber:
– Gần như cuộc đời mà em mơ màng khi lên bảy tuổi.
– Anh thì anh muốn là thợ làm bánh.
Nàng cười.
– Thế thì không làm bánh lại đi chạy hàng và kiếm được những thứ thiệt hay. Mấy giờ rồi?
– Thu xếp lại rồi đưa em lại xưởng.
– Không, chúng ta ở đây thật lâu. Gởi đồ đạc đây cũng lâu lắm, lại phải đứng nối đuôi để xuống hầm. Nhà rẫy cũng đông rồi. Em đi rồi anh có đủ thì giờ thu xếp.
– Đồng ý. Không biết ở đây có được phép hút thuốc không?
– Chắc là không, nhưng hút thì có sao?
– Thôi ta cứ làm cho thỏa thích đợi lúc họ tống ra cũng chẳng lâu gì đâu. Để anh đi kiếm chỗ ngủ tối nay, nằm không phải mặc cả áo ngoài. Ta đồng ý rằng không đến làm phiền viện trưởng nhé!
– Thà đến nhà thầy Pohlmann còn hơn.
Mặt trời đã lên cao rồi chiếu xuống cổng hình vòng cung, in bóng cột vào tường. Người cụt chân đeo chân giả vào và buông ống quần xuống. Graber gói bơ, bánh mì và cà phê lại.
– Tám giờ kém mười lăm. Em đi thì vừa. Anh sẽ lại xưởng kiếm. Nếu có xảy ra cái gì thì đến nơi hẹn: vườn quán Witte, sau đến nhà rẫy này.
– Vâng, cứ thế nhé, lần cuối cùng em xa anh suốt ngày.
– Tối nay có thể đi ngủ muộn hơn, lâu rồi mình sẽ bù lại thời gian đã mất.
Nàng hôn chồng rồi rảo bước đi. Graber nghe tiếng cười đằng sau, y bực tức quay lại. Một người đàn bà trẻ đùa giỡn với con. Đứa trẻ đứng trên tường vừa kéo tóc và tai mẹ. Hẳn là người ấy không để ý đến chàng và nàng.
Y đến vòi nước rửa ga-men thì nghe tiếng chân gỗ của người phế binh chạy theo mình:
– Này bạn, lúc nãy anh uống cà phê phải không?
– Phải, nhưng không còn.
– Tôi đã ngờ thế. Nhưng tôi nghĩ đến cái bã. Nếu anh định đổ đi thì cho tôi để nấu lại.
– Ừ, anh lấy mà dùng!
Graber đổ bã cà phê vào cái vung anh ta chìa ra. Rồi anh ta đi tìm đồ đạc xếp vào chỗ để với những người mang vào hầm. Y đợi một chuyến cãi vã nữa với thầy dòng. Nhưng lại thấy một ông già mũi đỏ. Ông này hơi rượu sặc sụa và không nói gì.
Viên trưởng xóm ở từng lầu thứ nhất một căn nhà đã cháy hết những từng khác. Trông thấy Graber, ông ra hiệu gọi lại.
– Ông có thư cho tôi à?
Graber vừa bước vào vừa hỏi:
– Có thư cho vợ ông. Đề tên cô Kruse, tôi đưa cho ông cũng được chứ gì?
– Vâng được.
Graber cầm lấy phong thư. Hình như lão trưởng xóm nhìn y với đôi mắt khác thường. Y đưa mắt nhìn phong bì mà thấy máu đông lại. Bức thư của Sở Công an. Y xoay bức thư trong tay. Bức thư dán vụng về, hình như có người bóc ra rồi dán lại.
– Thư gởi đến bao giờ thế ông?
– Chiều hôm qua.
Graber nhìn bao thơ. Y chắc chắn rằng lão ta đã mở. Mở ra xem là giấy gọi Elisabeth phải đến Sở Cảnh sát Mật vụ sáng nay vào lúc mười một giờ rưỡi. Y xem đồng hồ. Đã gần mười giờ rồi.
– Được rồi. Kể ra không sớm quá, chúng tôi vẫn đợi từ lâu.
Y để thơ vào túi.
– Có thế thôi à ông?
– Thế chưa đủ à?
Ông ta nheo mắt lại, hiếu kỳ.
Graber cười.
– Ông có biết một căn nhà nào không mách giùm tôi.
– Không. Ông cần nhà à?
– Tôi không, nhưng nhà tôi cần.
– Thật à?
Ông ta hỏi lại vẻ như không tin lắm.
– Thật, tôi trả tiền vô cửa hậu.
– Thật à?
Ông ta nhắc lại lần nữa.
Graber bước ra. Y cảm thấy lão ta đưa mắt qua cửa sổ nhìn theo. Y dừng lại và làm như nhìn mấy cái xà nhà. Rồi y thong thả bước đi. Khi đã đi khuất y lấy thư ra. Một cái thư in sẵn, cả chữ ký nữa, chỉ có ngày tháng và tên Elisabeth mới đánh máy điền vào. Chữ A nào cũng ở trên đường kẻ.
Y không thể rời mắt khỏi mảnh giấy hình chữ nhật đã choán hết chỗ trong tâm hồn không để cho y nghĩ đến cái gì khác. Nó có ý nghĩa như một sự đe dọa, nó như có mùi vị cái chết.
Không biết sao y lại trở về nhà thờ mà không biết.
– Graber!
Một tiếng gọi khẽ ở đằng sau. Y giật mình. Thì ra Joseph. Joseph mặc cái áo tơi kiểu nhà binh, lẳng lặng bước vào nhà thờ không để ý đến Graber. Graber nhìn quanh và một phút sau thì đi theo Joseph. Joseph ngồi trên một cái ghế không có ai gần hậu đường, ông ra hiệu cho Graber bảo phải cẩn thận. Graber tiến tới bàn thờ, nhìn quanh mình, quay lại, rồi đến quỳ ở bên Joseph.
– Pohlmann bị bắt rồi.
– Sao?
– Pohlmann. Cảnh sát Mật vụ sáng nay đến bắt đi.
Graber bỗng tự hỏi trát đòi Elisabeth có liên lạc gì với Pohlmann bị bắt không. Y nhìn Joseph.
– Pohlmann cũng bị bắt, thế thì…
Joseph đưa mắt lên.
– Còn gì nữa?
– Vợ tôi mới nhận được trát đòi của Cảnh sát Mật vụ.
– Ngày nào?
– Sáng hôm nay, mười một giờ rưỡi.
– Ông có mang trát đòi theo đây không?
– Có, đây này.
Graber đưa mảnh giấy cho Joseph.
– Pohlmann bị bắt thế nào?
– Tôi không biết. Lúc vào tôi thấy một hòn đá mất dấu. Chắc là Pohlmann bị bắt đã làm lệch hòn đá đi để báo tin. Chúng tôi đã hẹn với nhau báo hiệu như thế. Một giờ sau tôi thấy họ mang xe cam-nhông đến chở sách đi.
– Có cuốn gì khả đĩ nguy hiểm cho ông không?
– Có lẽ không. Cái gì nguy hiểm để chỗ khác, cả đồ hộp nữa.
Graber cúi nhìn bức thư Joseph cầm ở tay.
– Tôi vừa định đến hỏi thầy xem phải làm thế nào.
– Vì thế cho nên tôi phải đến gặp ông. Hẳn là họ nấp trong nhà ấy.
Joseph đựa trả bức thư:
– Ông định làm gì?
– Tôi cũng không biết. Tôi không có thì giờ để suy nghĩ. Theo ông thì ông làm thế nào?
– Tôi đi trốn.
Graber nhìn Joseph trong bóng mờ tối nhà thờ:
– Tôi muốn đến trước xem họ muốn gì.
– Nếu họ muốn bắt vợ ông thì họ không nói gì cả.
Người y toát ra một thứ mồ hôi lạnh. Tuy nhiên Joseph chỉ xét sự việc một cách sáng suốt.
– Nếu họ muốn bắt vợ tôi thì họ chỉ việc đến nhà mà bắt như Pohlmann. Chắc có chuyện gì khác. Để tôi đi xem. Có lẽ không quan trọng lắm (y nói vậy chứ không tin hẳn). Nếu như vậy thì không nên trốn đi.
– Vợ ông là Do Thái à?
– Không.
– Thế thì khác. Khi mình là Do Thái thì mình phải trốn đi. Cứ nói là bà nhà đi vắng có được không?
– Không. Vợ tôi làm việc ở xưởng may, dễ phối kiểm quá.
Joseph suy nghĩ.
– Có lẽ họ không có ý bắt. Ông nói có lý, nếu định bắt thì họ cứ đến xưởng mà bắt. Ông có một ý kiến gì về lý do đưa trát đòi này không?
– Ông già vợ tôi ở trại tập trung, có thể rằng vợ tôi bị một người đàn bà ở bên cạnh tố cáo. Bây giờ, cũng có thể rằng vì lấy chồng mà người ta để ý.
– Ông hủy tất cả cái gì đáng ngờ vực như thư từ, sách vở, báo chí, v.v… Rồi đi một mình. Ông định hành động như thế chăng?
– Vâng. Tôi sẽ nói rằng thư mới đến hôm nay và vợ đi làm xưởng không đến được.
– Như thế là hơn cả. Cố gắng tìm hiểu xem chuyện gì. Ông thì ông không lo vì ông sắp ra mặt trận. Người ta không muốn giữ ông đâu. Nếu muốn tìm chỗ ẩn náu cho vợ ông tôi cho ông địa chỉ. Thôi ông đi đi, tôi ở đây cho đến tối.
Joseph ngập ngừng một lát:
– Phòng xưng tội của viện trưởng, ngoài có tấm biển “Vắng mặt”. Tôi đến đấy ngủ được vài giờ.
Graber đứng dậy. Ở trong chỗ mờ tối ra ánh sáng nắng chói chang như xuyên thủng qua người chẳng khác nào đèn rọi của Cảnh sát Mật vụ. Y đi thong thả qua các đường phố.
Y có cảm giác như sống trong một cái chuông bằng thủy tinh làm cho vật bên cạnh mình mà xa lạ không với được. Một người đàn bà đi qua, tay bế con, trước mắt y đó là biểu tượng của sự tin cậy yên ổn, y thèm thuồng, lòng đau đớn. Một người ngồi trên ghế với tờ nhật trình. Hình ảnh bằng xương bằng thịt của sự vô tư vô lự; hai người thanh niên đi qua cười cười nói nói, họ đã thuộc về một thế giới xa xôi đổ vỡ hoàn toàn. Y có cảm tưởng như mình bị một thứ hủi lở vô hình khiến cho mình cách biệt với mọi người.
Y bước vào Sở Cảnh sát Mật vụ và đưa trát đòi ra. Một người dẫn vào phía bên phải, có một cái hành lang dài, thoang thoảng mùi hồ sơ để lâu ngày, rồi đến phòng giấy kín cửa và trại lính. Phải ngồi đợi trong một căn phòng với ba người nữa. Một người ngồi gần cửa sổ nhìn ra sân, hai tay để sau lưng gõ nhịp vào chỗ không. Hai người khác ngồi sâu xuống ghế nhìn thẳng trước mặt. Còn một người hói trán, luôn lấy tay sờ lên chỗ sứt môi; bên cạnh là một người khác râu kiểu Hitler, hai má mềm xìu xa xị xuống. Thấy Graber đến họ đều giương mắt nhìn rồi làm ra dáng không để ý đến.
Một người Mật vụ vào. Họ đứng dậy. Graber ngồi gần hơn ba người kia.
– Ông làm gì ở đây? Quân nhân thì thuộc quyền chỉ huy của hội đồng chiến tranh.
Graber đưa trát đòi. Hắn đưa mắt nhìn qua.
– Không phải ông, giấy gọi cô Kruse.
– Cô ấy là vợ tôi, mới thành hôn mấy ngày nay. Vợ tôi làm việc tại xưởng may hàng tỉnh. Tôi nghĩ rằng đi thay vợ cũng được.
Graber đưa sổ gia đình ra, y đã cẩn thận mang theo. Hắn gãi tai, phân vân.
– Ồ! Cũng chẳng can dự gì đến tôi. Ông xuống phòng 72, dưới hầm một.
Hắn đưa trả giấy má. Graber nghĩ thầm: dưới hầm. Người ta đồn rằng Cảnh sát Mật vụ làm những việc tàn ác ở dưới ấy.
Y đi theo một cầu thang. Hai người đi trở lại nhìn y với vẻ thèm thuồng. Họ cho rằng Graber được phóng thích còn họ chưa biết cái gì đang chờ đợi mình.
Phồng 72 là một phòng lớn có vách ngăn làm hai. Một nhân viên ngồi sau một cái bàn gỗ trắng. Graber trình giấy và cắt nghĩa tại sao mình đi thay vợ.
Nhân viên gật đầu.
– Ông ký thay bà nhà được không?
– Được.
Ông ta đưa hai tay ấn chỉ ra bàn:
– Ông ký vào đây. Dưới đề: chồng Elisabeth Kruse, ghi cả ngày tháng và phòng hộ tịch làm phép cưới. Tờ kia ông giữ.
Graber ngồi ký thong thả. Y không để cho nó biết rằng y đọc những hàng chữ ở trên. Trong khi ấy thì viên chức văn phòng nóng ruột tìm kiếm hồ sơ:
– Hộp hài cốt ở đâu! Holtmann, để lung tung thế này biết đâu mà tìm? Hộp cốt ông Kruse đâu?
Một tiếng gầm gừ trả lời ở đằng sau vách. Graber hiểu rằng mình ký nhận hộp tro hài cốt của người tù nhân chính trị tên Kruse. Tờ giấy kia ghi chết về bệnh gì: tim ngừng đập.
Viên chức biến mất sau bức vách. Y trở lại với một hộp đựng xì gà bọc tờ giấy ngắn quá. Ở một góc ghi chữ Le Caire, thỉnh thoảng còn sót lại vài mảnh giấy thếp vàng dán hộp thuốc, có vẻ một người Da đỏ tay cầm phù hiệu của nhà sản xuất.
Y nhìn Graber với cặp mắt buồn rầu:
– Hài cốt đây. Ông là lính, tôi không cần phải dặn ông phải giữ thật kín những tin tức này. Không có chia buồn đăng báo gì cả, không có nghi lễ tôn giáo. Yên lặng tuyệt đối. Ông hiểu không?
– Hiểu.
Graber cầm hộp cốt đi ra.
Y định bụng không nói cho vợ biết. Đối với nàng thì bao giờ đưa tin bố chết cũng là sớm quá. Chắc hẳn Cảnh sát Mật vụ không buồn đưa giấy báo tin lần thứ hai nữa. Bây giờ chỉ cần để nàng yên bụng một chút, không nên đưa tin bố chết về để nàng đau khổ thêm.
Y đi thong thả về nhà thờ. Phố xá đã trở lại nếp sống tấp nập. Nguy hiểm xa rồi, bây giờ đã thành ra cái chết xa lạ, không tránh được và hiền lành như một việc đã rồi. Y đã quen với cái chết của người khác, vả chăng y chỉ biết cha của Elisabeth lúc y còn nhỏ tuổi.
Y cắp hộp tàn cốt dưới tay. Rất có thể rằng đây không phải là cốt của bác sĩ Kruse.
Nhân viên Sở Cảnh sát có thể lầm lẫn hộp nọ với hộp kia, vả chăng ở lò nấu người, chả có lẽ người ta còn cất công để riêng tro của xác này và tro của xác khác vì phải đốt hàng trăm xác chết, ấy là cho rằng có thể làm như thế được. Chắc là họ để cho một người xúc đại một xẻng tro đổ vào một hàng hộp để sẵn rồi ghi tên những người bị hỏa thiêu vào sau. Y tự hỏi, không biết sao họ còn cất công làm trò múa rối này để làm gì. Hẳn là sáng kiến nhân đạo của mấy ông công chức, nhưng thực ra chỉ làm cho càng thêm vô nhân đạo.
Y tự hỏi không biết phải làm gì với hộp hài cốt này. Có thể để vào chỗ nào trong những đống nhà đổ nát kia cũng được, thiếu gì chỗ. Có thể mang ra nghĩa địa được nhưng lại phải phép tắc và tìm nơi chôn cẩn thận, vợ chàng sẽ biết.
Y qua nhà thờ, dừng lại trước phòng xưng tội của viện trưởng. Tấm biển vắng mặt để trước cửa. Y kéo bức rèm xanh. Joseph trông ra, ông ta ngồi cách nào để có thể chồm ra đẩy ngã người đến bắt mình mà chạy thoát. Graber buông màn xuống và đến ngồi trên chiếc ghế dài gần hậu đường. Lát sau Joseph cũng đến. Y đưa cho coi cái hộp.
– Họ gọi lại để đưa cho hộp cốt này.
– Không có gì khác nữa?
– Thế thôi. Ông có tin thầy Pohlmann không?
– Không.
Hai người cùng cúi xuống nhìn cái hộp.
– Một hộp xì gà. Thường thường người ta dùng cái hộp bằng bìa, cái hộp đồ ăn hay một bao giấy. Hộp xì gà nom đã gần như cái săng rồi. Làm gì với cái hộp này bây giờ? Bỏ lại đây à?
Graber lắc đầu. Y vừa mới nảy ra một ý kiến:
– Để tôi mang vào nhà tu kín, đó cũng là một thứ nghĩa địa.
Joseph gật đầu.
– Tôi có thể làm gì giúp ông không?
Graber hỏi.
– Nhờ ông ra cửa ngách xem ngoài phố có gì đáng ngờ không. Trong năm phút nếu ông không trở lại nghĩa là không có gì lạ. Tôi phải đi đây. Lão thầy dòng chống Do Thái làm việc từ một giờ trưa.
– Được.
Graber ngồi đợi ngoài nắng. Vài phút sau Joseph cũng ra. Ông ta đi gần Graber mà không nhìn y, chỉ lẩm bẩm: “Cứ vững chí”.
– Vững chí.
Graber trở lại nhà thờ và vào khu nhà rẫy. Lúc này vắng vẻ. Hai con bướm vàng lốm đốm đỏ nhởn nhơ xung quanh một bụi cây đầy hoa trắng bao bọc mấy ngôi mộ. Nhiều ngôi nứt rạn thông vào trong. Chỗ này rất thích hợp để cất hộp cốt.
Y ghi vào mảnh giấy: “Hộp này đựng hài cốt một người theo đạo Thiên Chúa bị giam chết”, rồi cột vào hộp cốt. Y lấy lưỡi lê cắt một khoảng cỏ, đào to lỗ, chôn hộp cốt xuống và trồng lại cỏ. Như vậy bác sĩ Bernhard Kruse – nếu phải là hài cốt của chính bác sĩ – sẽ được táng vào đất thánh, bên cạnh một nhân vật cao cấp trong giáo hội..
Làm xong y ngồi trên bức tường nhỏ. Mặt trời chiếu xuống làm đá nóng ran. “Có lẽ như thế này là phạm thượng, hay là một cử chỉ nặng về tâm tình vô ích”. Bác sĩ Kruse theo Thiên Chúa giáo, mà giáo hội nghiêm cấm sự hỏa thiêu, đã đành là trường hợp này có thể châm chước. Vả chăng nếu không phải hài cốt của bác sĩ Kruse mà là của những người khác, Tin Lành, Do Thái giáo chẳng hạn, thì cũng không tai hại là bao nhiêu. Mà Jéhova hay ông Trời của Thiên Chúa giáo, đúng lý ra, cũng chẳng phiền trách gì.
Y nhìn một lần cuối cùng nấm mồ mà y đã vùi hộp cốt của ông già vợ – y như con chim cu vùi trứng của nó. Xong rồi y mới thấy lòng buồn tê tái. Người chết mới này dần dần có ý nghĩa to rộng hơn, nắm xương tàn y vừa cầm trong tay tượng trưng cho Pohlmann, cho Joseph, cho tất cả đau khổ đã chứng kiến, tất cả chiến tranh, cả vận mệnh đen tối của mình.
Ở Ba lê, y đã đến thăm mộ chí người chiến sĩ vô danh, công lao người Chiến sĩ vô danh được nói lên một cách huy hoàng bởi Khải hoàn môn ghi lại những chiến thắng của Pháp. Hầu như khoảng đất cỏ vuông vuông đào lên rồi trồng lại này, cái hộp xì gà hài cốt này rốt cuộc sẽ tượng trưng cho cái gì tương tự hay lớn hơn thế – tuy rằng không vinh quang, không chiến thắng quân sự.
– Đêm nay ngủ đâu anh? Hay lại nhà thờ?
– Không. Đã xảy ra phép lạ. Anh gặp bà quán. Nhà có căn phòng trống. Con gái bà ta mới về quê. Chúng ta có thể đến ngủ ở đây và anh đi rồi em có thể tiếp tục ở đấy. Anh đã mang hết đồ đạc về đầy rồi. Bây giờ em nghỉ chưa?
– Bắt đầu từ chiều nay. Anh không phải đợi nữa.
– Cám ơn trời! Ta phải ăn mừng mới được! Đêm nay chúng ta thức chơi, mai ngủ thật trưa.
– Chúng ta ngồi ngoài vườn cho đến lúc sao mọc. Nhưng bây giờ em phải đi mua mũ.
– Mua mũ à?
– Vâng, mua bây giờ, chứ không thì không bao giờ mua nữa.
– Nhưng em mua mũ làm gì? Để tối hôm nay ngồi ngoài vườn đợi à?
Nàng cười.
– Sao lại không? Nhưng cái đó không quan trọng, điều quan trọng là đi mua đã. Đó là một hành động tượng trưng. Cái mũ cũng như cái cờ. Người ta mua mũ khi người ta sung sướng hay đau khổ, hiểu không?
– Không. Nhưng không sao, ta mua cái mũ để ăn mừng tự do. Cái này phải làm trước bữa ăn mới được. Không biết bây giờ còn tiệm nào mở cửa không? Không biết có phải có thẻ mua vải vóc không?
– Em có, và em cũng biết nơi bán mũ nữa.
– Đồng ý, mua cái mũ hợp với bộ áo mặc dạ hội.
– Mặc đồ dạ hội thì không đội mũ. Thôi mua cái mũ để mua thôi, để tỏ ra không có xưởng may nữa. cần lắm.
Mặt tiền cửa tiệm còn nguyên. Nhưng trong thì phải lấy ván đóng lại. Rồi câu chuyện đàn bà với người bán hàng liến láu một hồi, Graber chẳng hiểu gì cả. Y đến ngồi trên cái ghế thếp vàng mỏng mảnh ở gần cửa. Bà già chủ tiện bật đèn sáng trưng tấm gương ba mặt rồi đi tìm vải và bìa cứng. Bỗng dưng cửa tiệm tồi tàn biến thành cái động tiên. Những chiếc mũ xanh, hồng, trắng bày ra tứ phía trong khi băng và vóc dợn sóng hay mỏng bay như dải mây như làn khói phất phới xung quanh hai người đàn bà Elisabeth tiến lên, lùi lại, quay mình uốn éo trước gương phản chiếu khung cảnh trong mơ ấy vô cùng tận. Graber ngồi trong chỗ tôi giương mắt nhìn cảnh vật của một thế giới khác lạc lõng vào cảnh điêu tàn này mà không ngờ một ngày lo âu tất bật lại kết thúc một cách kỳ lạ thế này. Hầu như đây là lần thứ nhất Elisabeth cởi bỏ được hết sầu muộn, trở lại với chính mình để thử thách vũ khí quyến rũ của đàn bà với sự trầm ngâm ý nhị. Y nghe hai người ríu rít nói những gì xa lạ với mình nhưng vuốt ve lỗ nhĩ như tiếng suối reo. Elisabeth đi lại dưới ánh đèn sáng như tỏa từ người nàng ra, nàng cũng tỏa ra cái hạnh phúc êm đềm, thậm chí y phải tự hỏi đâu là thực, đâu là hư, chết chóc và khắc khoải là hư hay lụa là gấm vóc rực rỡ kia là thực?
Elisabeth nói:
– Một cái mũ chỏm thôi, một cái mũ chỏm gọn trên đầu.