Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 1: CON NGỰA BUCÉPHALE



Không sao dỗ được đứa bé đang khóc, cô bảo mẫu bèn nghĩ tới nhiều nguyên nhân, tính nết của bé, những thứ nó thích hay không thích, rồi viện đến cả di truyền học, nhận ra trong bé tính nết của bố nó. Những thử nghiệm tâm lý học của cô bảo mẫu còn tiếp tục cho tới khi cô ta phát hiện ra một cái kim băng, lý do thật làm cho đứa bé khóc.
Khi người ta đem con ngựa Bucéphale tới chàng Alexandre[1], không một ky sĩ nào ngồi vững trên lưng con vật đáng gờm này được. Kẻ thô thiển sẽ nói: “Con ngựa này thật là dữ tợn”. Nhưng chàng Alexandre thì đi tìm cái kim băng và chóng tìm thấy. Chàng nhận ra ngựa Bucéphale hoảng sợ trước cái bóng của chính mình. Rồi mỗi khi nó lồng lên sợ hãi thì cái bóng của nó lại chồm lên theo, và tạo thành một cái vòng luẩn quẩn. Thấy vậy, Alexandre hướng Bucéphale về phía mặt trời và cứ giữ yên con ngựa trong vị trí đó, bằng cách này chàng đã trấn an và quy phục được nó. Người học trò của Aristote[2] hiểu rằng ta không có chút quyền lực nào với sự giận dữ một khi ta chưa biết lý do đích thực của nó.
Có người biết phủ nhận nỗi sợ bằng những lý lẽ vững vàng, thế nhưng người đang sợ thì đâu có lắng nghe lý lẽ, anh ta chỉ nghe thấy tim mình đang đập và máu mình đang sôi mà thôi. Kẻ thông thái rỏm suy luận rằng nguy hiểm dẫn đến sự sợ hãi, người bị cảm xúc chế ngự thì cho là sự sợ hãi dẫn đến nguy hiểm. Cả hai đều nghĩ mình có lý, nhưng cả hai đều lầm, kẻ thông thái rỏm lầm tới hai lần vì anh ta bỏ qua nguyên do đích thực của nỗi sợ và không hiểu sự nhầm lẫn của người đầy cảm xúc kia. Một người đang sợ sẽ tự nghĩ ra một mối nguy hiểm nào đó để giải thích cho nỗi sợ rất có thực mà mình cảm thấy. Một cái gì đó bất ngờ có thể làm ta sợ hãi, mặc dù bản thân nó không nguy hiểm, chẳng hạn như một tiếng súng nổ rất gần, hoặc chỉ đơn giản là sự hiện diện của ai đó không trông đợi. Thống chế Masséna[3] đã từng hoảng sợ chỉ vì một pho tượng trong cầu thang tối tăm, để rồi phải ba chân bốn cẩng bỏ chạy.
Đôi khi sự mất kiên nhẫn và tâm trạng khó chịu của một người xuất phát từ chỗ anh ấy phải đứng quá lâu. Xin chớ tranh luận với tâm trạng của anh ấy mà hãy đem đến một chiếc ghế. Khi nói rằng phong cách quyết định mọi thứ, Talleyrand[4] đã biểu đạt được nhiều hơn ông ấy nghĩ. Ông ấy chịu khó đi tìm cái kim băng để không phải tạo ra sự khó chịu cho người khác và rốt cuộc cũng tìm thấy nó. Các nhà ngoại giao thời nay dường như đều bị một cái kim băng nằm ở đâu đó dưới lớp áo lót làm cho khó chịu, khiến biết bao nhiêu chuyện rắc rối nảy sinh ra ở châu Âu. Ai cũng biết rằng một đứa trẻ khóc sẽ làm cho những đứa trẻ khác khóc theo. Còn tệ hơn nữa, nhiều khi người ta gào lên chỉ để mà gào. Cô bảo mẫu, bằng một động tác chuyên nghiệp, sẽ đặt đứa trẻ nằm sấp xuống, ngay lập tức đứa bé sẽ phản ứng theo một cơ chế khác. Đó chính là nghệ thuật thuyết phục người khác, rất bình dị, của cô bảo mẫu. Tôi cho rằng những thảm họa của năm 1914[5] xảy ra vì những nhân vật quan trọng bị rơi vào thế bất ngờ, và chính vì vậy mà họ sợ. Một người khi đang sợ thì dễ rơi vào trạng thái giận dữ, sự cáu giận thường đến sau những cơn kích động. Thật không dễ chịu cho ai đó đột nhiên bị quấy rầy khi đang nghỉ ngơi hay tiêu khiển; khi đó, anh ta sẽ rất dễ nổi khùng. Cũng giống như một người bị đánh thức đột ngột khi đang ngủ, anh ta sẽ tỉnh dậy trong cơn hoảng hốt. Đừng vội gọi một người nào đó là kẻ dữ tợn, khoan hẵng gán cho anh ta tính cách đó. Hãy đi tìm cái kim băng trước đã.
8 tháng mười hai 1922
Chú thích:
[1] Alexandre Đại đế xứ Macédoine (356-323 tr. CN). (Tất cả chú thích trong sách là của người dịch)
[2] Aristote (384-322 tr. CN): Triết gia Hy Lạp.
[3] André Masséna (1758-1817): Danh tướng nước Pháp, thuộc mười tám thống chế đầu tiên của Napoléon, được Napoléon coi là một trong những vị tướng kiệt xuất nhất của mình.
[4] Charles Maurice de Talleyrand-Périgord (1754-1838): Nhà ngoại giao rất nổi danh của nước Pháp, đóng vai trò quan trọng trên chính trường Pháp dù là ở dưới chế độ nào, từ thời Louis XVI, qua thời Napoléon tới tận triều vua Louis-Philippe.
[5] Alain muốn nói tới sự bùng nổ của Thế chiến thứ nhất (1914-1918).

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.