Nhà khoa học nói rằng: “Tôi biết nhiều, nhưng tôi có ý thức đầy đủ về những gì mà tôi chưa biết. Tôi biết làm sao mà chỉ một cái đinh ốc bị long ra có thể làm hỏng cả một cỗ máy, chỉ vì lơ là tí chút, không để tâm trong vài phút, và thường là do không biết tham vấn ý kiến chuyên môn đúng lúc. Chính vì vậy mà tôi dành thời gian để giám sát cái cỗ máy phức tạp mà tôi tạm gọi là cơ thể này. Cứ mỗi khi cơ thể tôi có triệu chứng hỏng hóc, rệu rã là tức thì tôi đi gặp chuyên gia để được ông ấy khám cái phần bị bệnh hoặc có vẻ bị bệnh đó. Và nhờ sự săn sóc ấy, theo lơi khuyên nhủ của ngài Descartes vĩ đại, tôi tin chắc rằng mình sẽ kéo dài được cuộc đòi chừng nào mà cơ thể tôi, cái mà tôi được thừa kế từ cha ông, còn cho phép, tất nhiên không tính đến những bất trắc của số phận. Sự thông thái là như thế đấy.” Nhà khoa học luận như vậy, và ông ta sống thảm lắm.
Người mọt sách nói rằng: “Tôi biết nhiềư ý tưởng sai lầm khiến cuộc đời trở nên phức tạp vào cái thời buổi dễ tin này. Những nhầm lẫn ấy đã mách bảo cho tôi những chân lý quan trọng mà ngay các nhà bác học của chúng ta cũng chỉ biết mù mờ. Trí tưởng tượng, theo như những gì tôi đọc được, là bà hoàng của thế giới con người như ngài Descartes vĩ đại đã giải thích cho tôi tại sao trong cuốn Khảo luận về cảm xúc. Bởi vì không có nỗi lo nào lại không làm tâm can tôi như bị thiêu đốt, ngay cả khi tôi vượt qua được, không có điều bất ngờ nào lại không làm tôi loạn nhịp tim. Chỉ riêng ý nghĩ về một con giun nằm lẫn trong đĩa xa-lát đã làm tôi thấy thực sự buồn nôn. Tất cả những ý nghĩ điên khùng ấy, ngay cả khi tôi không tin, vẫn cắm rễ thật sâu vào ruột gan, làm thay đổi sự lưu thông của máu và tâm trạng tôi, cái mà ý chí không sao làm nổi. Những kẻ thù vô hình mà tôi nuốt vào bụng có là gì đi nữa cũng chẳng làm khổ trái tim, dạ dày của tôi hơn so với những thay đổi tâm trạng hay những mộng tưởng vẩn vơ. Trước hết tôi cần giữ cảm giác hài lòng trong phạm vi có thể, thứ hai tôi cần phải gạt ra xa cái lo lắng, cái cứ nhắm ngay vào cơ thể tôi và chắc chắn sẽ làm rối loạn mọi chức năng sống của nó. Chẳng phải ta đã thấy, trong lịch sử của mọi dân tộc, biết bao người đã chết vì cứ tưởng rằng mình bị nguyền rủa? Chẳng phải ta đã thấy, chỉ cần đương sự được báo trước thôi là việc thôi miên thành công thế nào? Thế nhưng, kể cả vị bác sĩ giỏi nhất đâu có thể làm được gì khác ngoài việc thôi miên tôi? Và tôi đâu có thể trông chờ gì vào điều tốt đẹp từ những viên thuốc của ông ấy cho, khi mà chỉ cần một lời nói thôi cũng đủ làm tim tôi loạn nhịp? Tôi không rõ lắm mình có thể hy vọng điều gì từ y học, nhưng tôi biết rất rõ những gì mình nên e ngại. Quả thật, dù có cảm thấy khó chịu đến thế nào trong cái cỗ máy mà tôi tạm gọi là cơ thể, cách tốt nhất vẫn là tự an ủi với ý nghĩ rằng chính sự chú tâm và nỗi lo lắng phần nào đã gây ra tình trạng rối loạn của mình. Phương thuốc đầu tiên, phương thuốc chắc chắn nhất, là không nên lo lắng về chứng đau dạ dày, đau thận nhiều hơn những cái chai ở bàn chân. Chỉ một chút biểu bì chai cứng thôi cũng có thể gây ra chừng ấy đau đớn cho ta, đó chẳng phải là một bài học thấm thìa về lòng kiên nhẫn hay sao?”
23 tháng ba 1922
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.