Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 14: THẢM KỊCH



Những người thoát khỏi vụ đắm tàu khủng khiếp đó[25] còn lưu lại những ký ức kinh hoàng. Bức tường băng hiện ra ngoài ô của sổ, sự chần chừ và niềm hy vọng thoáng qua, rồi cảnh tượng con tàu khổng lồ bừng sáng trên mặt biển phẳng lặng, rồi mũi tàu chúi xuống, đèn điện đột nhiên tắt ngấm, tiếng la hét ngay như tức thì của một nghìn tám trăm con người[26], rồi đuôi tàu dựng đứng lên như một tòa tháp, máy móc động cơ trượt về phía mũi tàu rầm rầm như trăm nghìn tiếng sấm, cuối cùng cỗ quan tài khổng lồ cũng chìm dần dưới mặt nước hầu như không gợn một chút sóng, màn đêm lạnh giá phủ lên nỗi cô độc, rồi đến cái lạnh, sự tuyệt vọng, và cuối cùng là thoát nạn. Thảm kịch diễn đi diễn lại suốt trong những đêm trằn trọc mất ngủ, các ký ức giờ đây đã nối kết với nhau, mỗi đoạn mang một ý nghĩa bi thảm riêng, giống như trong một vở kịch được kết cấu tốt.
Trong vở Macbeth[27], lúc vầng dương ló dạng trên lâu đài, có một người gác cửa ngắm nhìn mặt trời mọc và những con chim nhạn. Bức tranh ấy tràn ngập vẻ tươi mới, giản dị và thuần khiết, nhưng chúng ta biết rằng tội ác đã diễn ra. Ở đây nỗi kinh hoàng mang tính bi kịch lên đến đỉnh điểm. Cũng vậy, trong những ký ức về vụ đắm tàu, mỗi khoảnh khắc được rọi sáng bởi những gì xảy ra sau đó. Hình ảnh con tàu rực sáng, bình thản, sừng sững trên biển khiến người ta thấy yên tâm; nhưng trong ký ức, trong giấc mơ của những người thoát nạn, theo như tôi hình dung, đó lại là một khoảnh khắc chờ đợi khủng khiếp. Tấn thảm kịch giờ đây được diễn trước một khán giả đã biết rõ cốt truyện, đã hiểu, và anh ta nhấm nháp cơn hấp hối từng phút giây một. Nhưng ở trong chính sự kiện thì vị khán giả đó không tồn tại. Thiếu vắng suy tư, các cảm xúc đổi thay cùng lúc theo cảnh tượng, nói đúng hơn, không hề có cảnh tượng nào, mà chỉ có những cảm nhận bất ngờ, không được lý giải, gắn kết với nhau một cách lỏng lẻo, và nhất là những hành động đã phủ kín suy nghĩ, suy nghĩ tan biến trong từng khoảnh khắc, hình ảnh nào cũng hiện ra để rồi tan biến đi. Sự kiện đã giết chết tấn thảm kịch. Những người đã chết thì không cảm thấy gì.
Cảm nhận chính là suy tư, là nhớ lại. Ai cũng từng để ý thấy điều đó trong các tai nạn lớn nhỏ, sự mới mẻ, sự bất ngờ, rồi hành động nghẹt thở buộc ta phải chú tâm để không còn cảm giác nào nữa, người nào thành thực tìm cách tự mình tái tạo sự kiện hẳn muốn nói rằng lúc ấy anh ta như đang sống trong một giấc mơ, không hiểu gì, không thấy trước điều gì, nhưng khi nghĩ đến nỗi kinh hoàng, anh ta cảm thấy nó lôi mình vào một câu chuyện đầy bi thảm. Cũng giống hệt như vậy ở những nỗi buồn sâu sắc, khi ta phải dõi theo bệnh tình của một ai đó cho tới lúc người ấy qua đời. Khi ấy ta như kẻ ngu ngốc, chỉ nhất nhất dốc toàn tâm toàn ý vào những hành động và tri nhận của từng khoảnh khắc. Cho dù ta có mang tới cho người khác những hình ảnh về nỗi kinh hoàng hay niềm tuyệt vọng, ta cũng không đau khổ vào đúng khoảnh khắc đó. Và những người nghĩ quá nhiều về nỗi khốn khổ của mình, lúc kể lại chúng nhằm mua nước mắt người khác, họ còn tìm thấy trong hành động này một ít khuây khỏa nữa cơ.
Dù cho những người đã chết từng cảm thấy gì chăng nữa, thì cái chết cũng đã xóa hết tất cả. Trước khi chúng ta kịp mở báo ra đọc, nỗi thống khổ của họ đã chấm dứt từ lâu, họ đã lành bệnh. Ý tưởng này ai cũng thấy quen cả, thành ra tôi nghĩ rằng chúng ta không ai thực sự tin có một cuộc sống sau khi chết cả. Nhưng trong trí tưởng tượng của người sống, người chết cứ thế chết mãi không ngừng.
24 tháng tư 1912
Chú thích:
[25] Alain viết bài này chỉ chín ngày sau vụ đắm tàu Titanic (15/4/1912).
[26] Ở đây Alain viết có 1800 nạn nhân trong vụ đắm tàu, nhưng theo con số chính thức thì có khoảng 1500 người chết.
[27] Vở kịch nổi tiếng của Shakespeare với rất nhiều âm mưu và tội ác, cùng nhân vật Lady Macbeth đáng sợ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.