Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 17: TẬP THỂ DỤC



Giải thích thế nào đây chuyện một nghệ sỹ dương cầm cứ tưởng mình chết vì sợ mỗi lúc phải bước lên sân khấu, lại hết sợ ngay khi bắt đầu chơi? Người ta sẽ bảo rằng, lúc đó anh ta không còn nghĩ đến việc sợ nữa, và đúng là như thế. Nhưng tôi muốn tìm hiểu về bản thân nỗi sợ ở cự ly gần hơn, để cuối cùng cũng hiểu ra rằng nghệ sĩ trấn áp nỗi sợ và trút bỏ nó bằng những cử động uyển chuyển của các ngón tay. Do bên trong cỗ máy của chúng ta, mọi thứ đều có liên hệ với nhau, những ngón tay chỉ có thể được thả lỏng nếu như lồng ngực cũng được thả lỏng; tất cả các bộ phận cùng mềm mại hoặc cùng căng cứng một lúc; và, trong cái cơ thể được điều khiển thật nhịp nhàng ấy, nỗi sợ không thể tồn tại được nữa. Ca hát hay hung biện đúng cách cũng có tác dụng trấn an không kém, vì lúc đó mọi cơ bắp đều được điều chỉnh đúng mực. Điều đáng lưu ý nhưng lại ít khi được lưu ý đó là, chính hành động chứ không phải suy nghĩ là cái giải thoát chúng ta khỏi cảm xúc. Ta không thể suy nghĩ theo ý muốn của mình được, nhưng, khi động tác đã trở nên thành thục, khi cơ bắp đã trở nên săn chắc và mềm dẻo nhờ tập thể dục, ta sẽ cử động như ta muốn. Vào những phút lo lắng, đừng cố tìm cách suy luận, bởi suy luận của bạn sẽ biến thành những mũi kim nhằm vào chính bạn. Tốt hơn hết là bạn hãy thử nâng tay lên rồi gập tay lại, những động tác ngày nay được dạy tại tất cả các trường học, hiệu ứng của nó sẽ khiến bạn kinh ngạc. Vậy là ông thầy dạy triết đang bảo bạn đến chỗ ông thầy dạy thể dục mà học đấy.
Một phi công từng kể cho tôi nghe anh đã sợ đến thế nào trong suốt hai tiếng đồng hồ nằm trên bãi cỏ đợi lệnh hỏa châu và nghiền ngẫm những hiểm nguy mà anh chẳng làm gì được. Khi đã bay lên trời và được điều khiển chiếc máy bay quen thuộc, anh ta liền hết sợ. Câu chuyện này trở lại trong tâm trí tôi trong lúc đọc về mấy cuộc phiêu lưu của ngài Fonck tài ba[30]. Một hôm, đang lái máy bay tiêm kích ở độ cao bốn nghìn mét so với mặt đất, ông nhận ra chiếc máy bay không tuân theo lệnh điều khiển nữa và bắt đầu rơi. Ông tìm kiếm nguyên nhân và rốt cuộc phát hiện ra một quả đạn pháo bị tuột khỏi hộp đựng, làm mọi bộ phận khác ngừng hoạt động, ông bèn đặt nó về đúng chỗ, trong lúc vẫn đang rơi, rồi lại cho máy bay vọt lên, không phải chịu một tổn thất nào cả. Những giây phút ấy, trong ký ức hay trong những giấc mơ, hoàn toàn có khả năng gây hoảng sợ cho con người can đảm đó đến tận bây giờ; nhưng nếu người ta cứ tưởng ông đã sợ vào đúng khoảnh khắc ấy giống như ông có thể sợ mỗi lúc nhớ lại, thì tôi tin là người ta đã nhầm. Cơ thể hay gây khó dễ cho chúng ta bởi, mỗi khi ngừng nhận lệnh, nó bèn nắm ngay lấy quyền điều hành; nhưng ngược lại nó cũng được tạo ra để không thể dung hợp hai cách thức cùng một lúc; một bàn tay chỉ có thể xòe ra hoặc nắm lại mà thôi. Nếu xòe tay ra, bạn sẽ thả tung ra ngoài những suy nghĩ gây bực bội mà bạn từng giữ ở trong bàn tay nắm lại. Và chỉ cần bạn nhún vai là mọi nỗi lo âu đều tan biến, những lo âu mà bạn đã dồn nén thật chặt bên trong lồng ngực. Cũng chính theo lối ấy mà bạn không thể vừa nuốt khan vừa ho, và cũng là cách tôi dùng để giải thích hiệu quả của những viên thuốc ngậm. Giống hệt như vậy, bạn sẽ hết nấc cụt nếu ngáp được. Nhưng làm sao để ngáp? Ta sẽ ngáp được một cách dễ dàng nếu trước hết cứ mô phỏng cái ngáp ấy, vờ kéo căng cơ ra, và giả bộ ngáp; vì như vậy cái con vật đang trốn kín, cái con vật láo lếu đang làm bạn nấc cụt kia, sẽ bị đặt vào tư thế ngáp, và nó sẽ ngáp. Đó là phương thuốc rất hiệu nghiệm để chữa nấc cụt, ho và lo âu. Nhưng cái ông bác sĩ biết kê cho bệnh nhân cứ mười lăm phút phải ngáp một lần, ông ấy ở đâu?
16 tháng ba 1922
Chú thích:
[30] René Fonck (1894-1953): Phi công lái máy bay chiến đấu huyền thoại người Pháp, lập rất nhiều chiến công trong Thế chiến thứ nhất, được coi là phi công giành nhiều chiến thắng nhất trong các cuộc đối đầu của cả lịch sử.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.