Không có gì làm cho ta điên tiết bằng gãi. Đấy là cách tự chọn lấy khốn khổ cho mình, là trả thù bản thân mình lên chính mình. Trẻ con thử nghiệm cách này trước tiên. Nó la hét vì đã la hét, nó nổi cáu vì đã giận dữ và nguôi đi khi thề rằng mình sẽ không nguôi, tức là dỗi. Làm cho những người ta yêu mến khổ sở và bồi thêm gấp đôi để tự trừng phạt mình. Trừng phạt họ để tự trừng phạt mình. Xấu hổ vì dốt nát nên thề là sẽ không đọc sách nữa. Bướng bỉnh trong sự bướng bỉnh. Ho trong cơn uất ức. Tìm trong trí nhớ những lời sỉ nhục, tự mình chuốt cho nhọn mũi kim, dùng nghệ thuật của tay diễn viên bi kịch để nhủ đi nhủ lại với bản thân những gì đã làm ta tổn thương và những gì đã làm ta nhục nhã. Lý giải theo quy luật cái gì tồi tệ nhất thi đúng. Tự phịa ra những kẻ độc ác hòng tự bắt mình trở nên độc ác. Cố sức nhưng chẳng tin tưởng chút nào và khi thất bại rồi thì nói: “Lẽ ra mình phải đặt cược hết vào đó; đấy chính là cơ may của mình.” Đi đến đâu cũng thẩu ra cái mặt buồn nản và làm những người khác phát chán ngán. Nhất quyết gây khó chịu để rồi lại kinh ngạc vì đã không làm cho người khác thích mình. Điên cuồng tìm kiếm giấc ngủ. Nghi ngờ một cách hồ hởi, làm mặt buồn với mọi thứ và phản đối mọi thứ. Từ cáu kỉnh lại sinh ra thêm cáu kỉnh. Trong tình trạng ấy mà cứ tự phán xét mình. Tự nhủ rằng: “Mình chết nhát, mình vụng về, mình đánh mất trí nhớ, mình đang già đi.” Tự làm mình trở nên thật xấu xí rồi đi soi gương. Đó chính là những cái bẫy của sự cáu kỉnh.
Chính vì vậy mà tôi không coi thường cái người đã nói rằng: “Trời lạnh cóng thế này mới thật tốt cho sức khỏe.” Bởi vì họ có thể làm gì hơn nào? Khi gió đông bắc thổi, xoa tay vào nhau sẽ làm tay ta ấm lên. Bản năng có giá trị của sự khôn ngoan và phản ứng của cơ thể gợi lên trong ta niềm vui. Chỉ có mỗi một cách kháng cự lại cái lạnh, đó là vui sướng vì trời lạnh. Như Spinoza, bậc thầy về niềm vui, hẳn sẽ nói: “Không phải vì đang ấm lên mà tôi thấy vui sướng, mà vì vui sướng nên tôi thấy ấm lên.” Cũng vậy thôi, cần phải luôn luôn tự nhủ rằng: “Hoàn toàn không phải vì thành công mà tôi vui sướng, mà chính vì vui sướng nên tôi đã thành công.” Và nếu bạn muốn đuổi theo niềm vui, bạn cần dự trữ một ít niềm vui trước. Hãy nói lời cám ơn trước khi nhận được bất cứ một cái gì. Bởi vì niềm hy vọng làm nảy sinh lý do để mà hy vọng, điềm lành khiến cho điều tốt xảy ra. Vậy nên hãy để mọi thứ thành điềm lành và tín hiệu thuận lợi: “Nếu bạn muốn thì cả quạ đen cũng báo hiệu điềm may mắn”, Épictète[32] phán. Và qua câu này ông không chỉ muốn nói rằng cần phải biến mọi thứ thành niềm vui, mà chủ yếu ông muốn nói rằng niềm hy vọng tốt đẹp biến mọi thứ thành niềm vui có thực, vì nó biến đổi hiện thực. Nếu bạn gặp một người chuyên gây chán nản, đồng thời cũng là một người đang bị chán nản, thì trước hết bạn phải mỉm cười cái đã. Và hãy đặt lòng tin vào giấc ngủ nếu bạn muốn mình thiếp đi. Nói tóm lại, trên cõi đời này chẳng ai tìm được kẻ thù nào đáng gờm hơn là chính bản thân anh ta. Trong một bài trước đó, tôi đã miêu tả cuộc đời của một dạng người điên. Nhưng những người điên đó chẳng qua cũng chỉ là các nhầm lẫn của chúng ta dưới dạng phóng to lên mà thôi. Nói vắn tắt, cơn cáu kỉnh nhỏ nhất nào cũng chứa đựng cái tật muốn hành hạ. Và tôi chắc chắn sẽ không phản đối rằng dạng điên này có liên quan đến một thương tổn nào đó mà hệ thần kinh điều khiển phản ứng của chúng ta rất khó nhận thấy, mọi cáu giận rốt cuộc đều sẽ đào con đường của riêng mình. Tôi thử xem xét ở những người điên kia những gì mà chúng ta học hỏi được, và đó chính là cái nhầm lẫn đáng sợ mà họ đã phóng to lên cho chúng ta thấy, như thể được soi qua kính lúp vậy. Những con người khốn khổ này tự hồi và tự trả lời; họ tự dựng nên vở bi kịch cho riêng họ xem. Câu thần chú lúc nào cũng hiệu nghiệm, hãy cố mà hiểu xem tại sao.
21 tháng mười hai 1921
Chú thích:
[32] Triết gia khắc kỷ người La Tinh (Hiérapolis, Phrygie, kh. 50 – Nicopolis, Épire, kh. 130).
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.