Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 29: VỀ SỐ PHẬN



Số phận,” Voltaire[45] từng nói, “dẫn dắt chúng ta và chế nhạo chúng ta.” Câu nói này xuất phát từ một người vốn dĩ sáng suốt như vậy làm tôi thấy ngạc nhiên. Số phận ngoại cảnh có những hành vi bạo lực, như Descartes có thể bị đá rơi bẹp người hay bị đạn pháo bắn trúng. Các lực ấy có thể xóa sổ tất cả chúng ta khỏi mặt đất chỉ trong khoảnh khắc. Thế nhưng cho dù có dễ dàng giết chết một con người đến vậy thì hiện tượng đâu thể làm anh ta thay đổi. Tôi ngưỡng mộ những cá nhân đi được đến tận cùng, những cá nhân từng kinh qua mọi thứ. Cũng giống như chuyện xảy ra với một con chó, khi nó ăn thịt một con gà thì con gà ấy biến thành thịt của nó, mỡ của nó; và cá thể cũng hấp thụ hiện tượng như vậy. Kiên trì trong sự ham muốn chính là bản chất của tính cách mạnh mẽ, luôn đi tìm giải pháp ngay trong sự đổi thay của vạn vật, nơi bất cứ cái gì cũng có thể xảy ra. Bản chất của con người mạnh mẽ là đóng dấu ấn riêng của mình lên mọi vật. Nhưng lực này lại thông thường hơn ta tưởng. Mọi thứ đều là trang phục cho con người, và các ly áo ly quần sẽ xếp đặt theo hình hài và cử động. Một cái bàn, một phòng làm việc, một phòng ngủ, một ngôi nhà nhanh chóng được sắp xếp gọn ghẽ hoặc bị bày bừa ra là tùy thuộc vào người nào sử dụng chúng. Các sự vụ xảy đến sau đó, dù là lớn hay nhỏ; và may mắn hay bất hạnh tùy theo phán đoán ngoại quan của mỗi người, nhưng con người dẫn dắt những sự vụ ấy dù giỏi hay kém cũng luôn luôn tự đào cho mình một cái hố theo đúng hình hài của anh ta, giống như loài chuột. Hãy nhìn cho rõ: anh ta đã làm điều mà anh ta muốn.
“Những gì tuổi trẻ ham muốn thì tuổi già có đầy rẫy.” Chính Goethe[46] đã trích câu ngạn ngữ này ở đầu hồi ký của ông. Và Goethe là một mẫu hình xuất chúng của những tính cách biết nhào nặn mọi sự kiện theo cách của mình. Lẽ tất nhiên không phải người nào cũng là Goethe; nhưng ai cũng là chính mình. Dấu vết không được đẹp cho lắm, thì được rồi; nhưng anh ta để nó lại ở khắp nơi. Những gì anh ta muốn không phải là một cái gì quá cao cả; nhưng những gì anh ta muốn thì anh ta luôn có được. Con người ấy hoàn toàn không phải là Goethe, cũng không hề mong muốn được là Goethe. Spinoza, người hơn bất kỳ ai hiểu rõ bản năng cá sấu bất kham ấy, từng nói rằng con người không cần đến sự hoàn hảo của loài ngựa. Cũng vậy, chẳng ai tha thiết gì sự hoàn hảo của Goethe. Nhưng người lái buôn, dù có ở đâu, ngay cả trên đống đổ nát, cũng mua và bán, người bán hàng trả góp thì vẫn cứ cho vay, nhà thơ thì vẫn cứ ca ngợi, còn kẻ lười biếng thì ngủ khì. Rất nhiều người phàn nàn vì không có được cái này cái kia; nhưng nguyên do của điều ấy luôn luôn nằm ở chỗ họ đã không thực sự mong muốn chúng. Ông đại tá sắp đi trồng rau cải kia hẳn rất muốn được lên tướng; nhưng nếu có thể lục lọi cuộc đời ông đại tá, có lẽ tôi sẽ tìm thấy một điều gì đó thật nhỏ bé thôi mà lẽ ra ông nên làm, nhưng ông đã không làm, ông đã không hề muốn làm. Tôi sẽ chứng minh cho ông thấy rằng ông không hề muốn được lên tướng.
Tôi thấy có nhiều người sở hữu kha khá phương tiện nhưng lại chỉ đạt được một vị trí nhỏ và kém. Nhưng họ từng muốn gì? Họ muốn được nói thẳng? Thì họ đã nói thẳng rồi đấy. Không phải phỉnh nịnh ư? Họ chưa từng phỉnh nịnh và vẫn không hề phỉnh nịnh. Quyền lực thông qua phán đoán, thông qua khuyên nhủ, thông qua chối từ ư? Họ có thể mà! Anh ta không có tiền ư? Nhưng chẳng phải anh ta vẫn luôn luôn coi thường đồng tiền đó sao? Tiền sẽ đến với những ai tôn thờ nó. Hãy tìm cho tôi dù chỉ một người muốn làm giàu mà lại không sao làm nổi. Ý tôi là những ai thực sự muốn. Hy vọng thôi không phải là muốn. Nhà thơ hy vọng kiếm được mười vạn franc; anh ta không biết phải kiếm tiền từ ai hay bằng cách nào, vậy là anh ta không có được món tiền đó. Nhưng anh ta muốn làm ra những câu thơ hay. Vậy là anh ta làm ra chúng. Đẹp theo bản tính của mình, cũng như con cá sấu thì chuốt vẩy còn con chim thì chải bộ lông. Ta cũng có thể gọi số phận là thứ sức mạnh nội tâm mà rốt cuộc tự nó sẽ tim ra được giải pháp; nhưng giữa cuộc đời được trang bị và sắp xếp thật hoàn hảo của Pyrrhus[47] và viên ngói đã giết chết ông ta, điểm chung chỉ vỏn vẹn là một cái tên gọi. Một nhà thông thái đã bảo cho tôi biết rằng thuyết tiền định của Calvin[48] khá giống với chính sự tự do.
3 tháng mười 1923
Chú thích:
[45] Voltaire (1694-1778): Triết gia, đại văn hào người Pháp; tên thật là François Marie Arouet. Ông là người đấu tranh cho quyền con người, quyền tự do cá nhân và quyền tự do tôn giáo.
[46] Johann Wolfgang von Goethe (1749-1632): Nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ người Đức. Những áng thơ bất hủ của ông được đưa vào giảng dạy trong các trường học trên toàn thế giới.
[47] Pyrrhus (319/318-272 tr. CN): Vị tướng nổi tiếng người Hy Lạp, từng làm vua xứ Epire; ông chết khi tham gia nội chiến ở Sparte, bị viên ngói ném trúng đầu tại Argos. Pyrrhus được Plutarchus (Plutarque) viết tiểu sử trong Vitae Parallelae (Những cuộc đời song hành).
[48] Jean Calvin (1509-1564): Nhà thần học phái Cải cách người Pháp, sinh tại Pháp, sống phần lớn cuộc đời tại Thụy Sĩ, và qua đời ở đây do phải lưu vong để tránh giáo hội Công giáo Pháp thời bấy giờ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.