Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 32: CẢM XÚC LÂN CẬN



Thật khó sống cùng những người mà ta đã biết quá rõ”, một người bảo. “Ta không biết cách kiềm chế để khỏi rên rỉ về mình, khỏi phóng đại những nỗi đau nho nhỏ của mình. Mà họ cũng thế. Ta dễ dàng than thở về hành động của họ, về lời lẽ của họ, về tình cảm của họ, ta để cho cảm xúc của ta bùng nổ, ta tự cho phép mình tức giận vì những lý do nhỏ nhặt, ta quá ư chắc chắn về sự quan tâm, tình cảm trìu mến và sự tha thứ của người khác, và vì đã quá biết nhau nên ta chẳng buồn gắng sức làm đẹp cho mình nữa. Sự bộc trực tức thời này không phải là chân lý đâu, nó làm phóng đại mọi thứ, nó làm xuất hiện những giọng điệu chua chát và những cử chỉ táo tợn, nó gây ra sự ngạc nhiên ngay trong những gia đình vốn gắn bó khăng khít với nhau. Lịch sự và lễ nghi có ích hơn rất nhiều so với ta tưởng.”
“Thật khó sống cùng những người mà ta không biết”, một người khác nói. “Dưới mặt đất là những người thợ mỏ miệt mài đào bới để tạo lợi nhuận cho những nhà tư bản. Có những cô thợ may vắt kiệt sức mình để phục vụ cho các bà các cô sành điệu mua sắm ở những cửa hàng lớn. Cùng lúc đó có những người khốn khổ đang chỉnh sửa và cắt dán chế tạo hàng trăm món đồ chơi, bán với giá rẻ mạt, để phục vụ cho sự sung sướng của lũ trẻ con nhà giàu. Những đứa trẻ con nhà giàu, những cô những bà sành điệu hay những nhà tư bản đều không hề nghĩ tới những chuyện ấy, thế nhưng tất cả bọn họ đều sẽ mủi lòng trước một con chó đi lạc đường hay một con ngựa bị sung huyết, họ lịch thiệp và tốt bụng với gia nhân, không chịu đựng nổi khi thấy con mắt đỏ mọng hay vẻ hờn dỗi của gia nhân. Ta thưởng một món tiền lớn, chẳng phải vì đạo đức giả, mà vì ta sẽ được chứng kiến niềm vui của cậu bồi bàn, của người giao hàng, của lão xà ích. Cũng cái người vừa thưởng hậu hĩnh cho một anh chàng khuân vác lại khẳng định rằng những người lái tàu có thể sống thoải mái với số tiền lương mà hãng hỏa xa trả cho họ. Mỗi phút, mỗi giây, mỗi người lại gây hại cho một người xa lạ. Xã hội là cỗ máy tuyệt diệu cho phép những con người lương thiện tha hồ nhẫn tâm với người khác mà không biết”.
“Thật là thoải mái”, người thứ ba lên tiếng, “khi được sống cùng những người mà ta không biết quá rõ. Ai cũng tự kiềm chế lời lẽ và cử chỉ của mình, qua đó mà kiềm chế luôn những cơn giận. Sự vui vẻ biểu lộ trên khuôn mặt rồi sẽ sớm đi vào trong trái tim. Những gì ta biết mình có thể sẽ phải hối tiếc nếu nói ra, ta sẽ chẳng nghĩ đến chuyện nói chúng ra nữa. Ta cố tỏ ra tốt đẹp hơn khi gặp một người không biết rõ về ta lắm, nỗ lực này làm cho ta trở nên công bằng hơn với người khác, và nhân thể, với cả bản thân mình. Ta chẳng hề trông đợi điều gì từ một người không quen biết, ta vui sướng với chút nhỏ nhoi mà họ mang lại. Tôi từng nhận thấy rằng tiếp xúc với những người nước ngoài rất dễ chịu, vì họ chỉ biết nói những lời lịch thiệp, không hề châm chích, bởi vậy mà có những người thích sống ở những đất nước xa lạ, tại đó họ không có cơ hội để mà độc ác, và tại đó họ cũng thấy hài lòng hơn về chính mình. Thậm chí chẳng cần tới những cuộc trò chuyện, ta vẫn có thể tìm thấy một tình bạn, một sự đồng hành mới dễ dàng làm sao trên vỉa hè! Một cụ già, một đứa trẻ, thậm chí một con chó cũng thư thái mà đi lại ở đó; ngược lại, ở trên phố, những người đánh xe chửi rủa nhau, ai cũng cuống cà kê lên vì những khách đi đường không nhìn thấy nhau. Cơ chế thì không có gì là phức tạp, nhưng nó đã nghiến lên ken két rồi đó. Sự yên bình của xã hội bắt nguồn từ những mối liên hệ trực tiếp, những hỗn hợp lợi ích, những trao đổi trực tiếp, không phải qua các tổ chức, nghĩa là các cơ chế, như nghiệp đoàn hay đoàn thể, mà ngược lại, thông qua các đơn vị lân cận nhau không quá lớn mà cũng không quá nhỏ. Chế độ liên bang giữa các vùng là một cái gì có thực.”
27 tháng mười hai 1910

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.