Vào mùa mưa bóng mây, tâm tính đàn ông và đàn bà thay đổi thất thường như tiết trời. Hôm qua, một người bạn, một người hiểu biết và khá lý tính có bảo với tôi rằng: “Tôi không hài lòng với chính mình. Mỗi khi tôi không phải bận bịu với công việc hay chơi bài bridge[7], đầu tôi vẩn vơ cả nghìn ý nghĩ linh tinh khiến tôi hết chuyển từ vui sang buồn lại chuyển từ buồn sang vui, ở đủ các cung bậc, còn mau hơn con chim câu thay đổi sắc màu trên cổ. Những ý nghĩ linh tinh ấy, như ý nghĩ về một bức thư phải viết, một chuyến tàu điện bị lỡ, hay về một cái áo choàng quá nặng, đều đạt mức độ quan trọng phi thường, cứ như thể chúng có thể tạo ra những sự bất hạnh đích thực. Dù tôi có cố lập luận và cố tự chứng minh với mình rằng những cái đó chẳng liên quan gì đến tôi, lập luận đó không thuyết phục được tôi, không vang to hơn một cái mặt trống sũng nước. Tóm lại, tôi cảm thấy mình hơi bị suy nhược thần kinh.”
Tôi nói với bạn tôi rằng thôi nhé, anh đừng đại ngôn nữa nhé, hãy cố mà hiểu sự việc đi. Tình trạng của anh cũng giống như mọi người thôi, chỉ phải cái không may cho anh là anh thông minh mà lại hay nghĩ đến mình quá, cứ cố tìm hiểu tại sao lúc thì mình vui, lúc thì lại buồn. Đâm ra anh cáu tiết với chính bản thân mình, vì thật ra không hề dễ giải thích niềm vui và nỗi buồn bằng những gì mà anh biết.
Nguyên nhân dẫn đến việc ta sướng hay khổ thực ra đâu có nặng nề đến thế đâu. Mọi thứ phụ thuộc vào cơ thể của ta và các chức năng của nó. Ngay cơ thể mạnh khỏe nhất cũng luôn dao động từ trạng thái căng sang trạng thái chùng, từ chùng sang căng, rất nhiều lần, tùy theo bữa ăn, tùy theo bậc cầu thang, tùy vào nỗ lực để tập trung chú ý, tùy vào những gì ta đọc và tùy cả vào thời tiết, tùy theo ngần ấy thứ mà tâm trạng của anh lúc lên lúc xuống, dập dềnh như một con thuyền bồng bềnh trên mặt nước. Màu xám có rất nhiều sắc độ thì có gì lạ đâu, lúc bận thì ta còn không nghĩ đến nó, nhưng có chút thời gian để nghĩ và để tâm đến chúng, những nguyên nhân nhỏ nhặt sẽ bảo nhau mà kéo tới hàng đàn. Anh tưởng đó là nguyên nhân trong khi thực ra đó là kết quả. Một đầu óc tinh tế luôn tìm ra đủ lý do để buồn nếu anh ta buồn, để vui nếu anh ta vui, cùng một nguyên nhân mà dẫn tới hai kết quả. Pascal khi đứng ngắm bầu trời sao ở bên cửa sổ chợt rùng mình hoảng sợ trước sự vô hạn của muôn ngàn tinh tú, cơn rùng mình triết học nổi tiếng của ông[8] chắc hẳn xuất phát từ việc ông bị nhiễm lạnh mà không hay. Một nhà thơ khác, với cơ thể khỏe khoắn hơn, sẽ trò chuyện với các vì sao như tán gẫu với các cô gái. Cả hai sẽ nói những chuyện hay ho về bầu trời và về những vì sao, nhưng lại là những chuyện không hề liên quan đến nhau.
Spinoza[9] bảo con người không thể không có cảm xúc, nhưng ông ấy cũng bảo rằng người thông thái biết tạo ra trong tâm hồn mình một không gian rộng cho những suy nghĩ tươi vui, rộng đến nỗi nếu đặt bên cạnh, xúc cảm trở nên thật nhỏ nhoi. Ta không nhất thiết phải đi theo ông trên con đường nhọc nhằn này, ta vẫn có thể noi gương ông mà tự tạo ra cho mình vô số niềm hạnh phúc, như âm nhạc, hội họa, những cuộc chuyện trò, những niềm hạnh phúc ấy sẽ làm những nỗi buồn của ta trở nên nhỏ bé. Những người quảng giao hành hạ lá gan của mình để thực hiện nghĩa vụ xã hội. Hẳn chúng ta nên đỏ mặt vì còn chưa học hỏi được nhiều hơn từ nghề nghiệp có ích và đầy trách nhiệm của mình, từ những cuốn sách hay từ bạn bè. Nhưng không biết để tâm một cách có hệ thống đến những gì có giá trị là một lỗi lầm thường gặp, nó có thể đưa đến những hậu quả tai hại. Chúng ta cần những thứ có giá trị đó. Đôi khi biết mong muốn những gì mình thực sự cần đã là cả một nghệ thuật vĩ đại.
22 tháng hai 1908
Chú thích:
[7] Bài bridge trong nguyên tác là một trò chơi với 52 quân bài, bốn người chơi chia thành hai cặp đấu với nhau.
[8] Cái rùng mình nổi tiếng của Blaise Pascal (1623-1662), nhà toán học, vật lý học, thần học, triết gia, và đạo đức học người Pháp, là cái rùng mình khi thấy con người lạc lõng ở giữa sự vô cùng lớn của vũ trụ và sự vô cùng bé của nguyên tử.
[9] Baruch Spinoza (1633-1677): Triết gia người Hà Lan gốc Do Thái, là người theo chủ nghĩa duy lý. Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng về luận lý học, nhận thức luận và siêu hình học.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.