Trong tập Souvenirs de la maison des morts (tạm dịch là Ký ức về ngôi nhà của những người đã chết), Dostoyevsky cho chúng ta chiêm ngưỡng những người tù khổ sai một cách tự nhiên, tất cả những thứ đạo đức giả sang trọng, có thể gọi như thế, đã bị loại bỏ; và dù cho vẫn còn những thứ đạo đức giả theo như cầu, cái căn bản của con người đôi khi vẫn xuất hiện.
Những người tù khổ sai bị bắt phải lao động, và thường lao động của họ khá là vô ích; chẳng hạn, họ phá một chiếc tàu cũ để làm củi, trong một xứ sở mà gỗ chẳng đáng giá một xu. Họ biết rõ điều đó, do đó chừng nào mà họ còn làm việc từ sáng đến tối, không chút hy vọng, thì họ còn lười, buồn chán và vụng về. Nhưng nếu người ta giao cho họ một nhiệm vụ trong ngày, một nhiệm vụ nặng nề và khó khăn, ngay lập tức họ sẽ trở nên khéo léo, tinh thông và vui vẻ. Nếu đó là một công việc thực sự hữu ích, như dọn tuyết chẳng hạn, thì họ lại càng vui vẻ hơn nữa. Nhưng bạn phải đọc những trang sách kinh ngạc đó để xem những đoạn mô tả chính xác mà không thể bình luận gì thêm. Qua đó người ta thấy rằng làm một công việc hữu ích, chính bản thân nó đã là một niềm khoái cảm rồi, niềm khoái cảm rút ra từ chính bản thân nó chứ không phải tù những lợi tức. Ví dụ, họ phấn khởi khi được thực hiện một công việc cụ thể, để sau đó họ có thể nghỉ ngơi; ý tưởng rằng họ có thể sẽ có thêm một nửa giờ nghỉ vào cuối ngày khiến họ phấn chấn làm việc và tất cả mọi người đều đồng ý làm thật nhanh; nhưng một khi vấn đề đã được đặt ra, chính vấn đề đó làm họ hài lòng; và cái khoái cảm được sáng tạo, được thực hiện, được mong muốn và sau đó là được làm quan trọng hơn rất nhiều so với cái khoái cảm của nửa giờ họ hứa sẽ tự thưởng cho mình, cái cuối cùng cũng chỉ là nửa giờ ở trong tù. Và tôi có thể hình dung ra rằng, nếu nửa giờ đó có tạm chấp nhận được đi nữa thì cũng chỉ nhờ vào những kỉ niệm nóng hổi về công việc đầy hưng phấn ban nãy. Cái khoái cảm lớn nhất của con người chắc chắn nằm trong một công việc khó khăn với sự hợp tác tự nguyện, giống như ta thường thấy trong những trò chơi.
Có những nhà giáo hẳn sẽ làm cho trẻ con lười nhác cả đời, đơn giản vì họ muốn chúng lúc nào cũng phải bận rộn; đứa trẻ như vậy sẽ quen làm việc lề mề, nghĩa là làm việc kém, dẫn đến một dạng mệt mỏi nặng nề, tiếp tục được trộn vào trong công việc; trong khi nếu chúng ta tách lao động và mệt mỏi ra khỏi nhau, cả hai đều sẽ dễ chịu. Những công việc uể oải giống như những cuộc bách bộ mà người ta thực hiện chầm chậm để bước đi và hít thở không khí. Người ta mệt mỏi suốt cuộc dạo bộ đó; nhưng chẳng còn mệt nữa khi về đến nhà. Ngược lại, trong công việc nặng nhọc nhất, người ta lại cảm thấy không mệt mỏi và nhẹ nhàng; sau đó người ta có thể tận hưởng sự nghỉ ngơi hoàn toàn và cuối cùng là một giấc ngủ ngon.
6 tháng mười một 1911
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.