Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 51: NHÌN RA XA



Với một người u sầu, tôi chỉ có một điều để nói: “Hãy nhìn ra xa.” Gần như người ủ ê nào cũng là người đọc quá nhiều. Mắt người không hợp với khoảng cách này, chỉ khi nhìn vào một khoảng không rộng lớn, mắt mới được nghỉ ngơi. Khi ngắm sao hay nhìn ra đường chân trời ngoài biển, mắt hoàn toàn được thư giãn, và khi mắt được thư giãn thì đầu óc sẽ được tự do, bước chân sẽ chắc chắn hơn, tất cả các cơ quan đều được buông lỏng và duỗi ra từ từ cho đến tận lục phủ ngũ tạng. Nhưng đừng cố duỗi ra bằng ý chí, cái ý chí nó đè lên bạn và làm mọi thứ hỗn loạn lên và cuối cùng là bóp nghẹt cổ bạn. Đừng nghĩ đến chính bản thân bạn, mà hãy nhìn ra xa.
U sầu là một căn bệnh, hoàn toàn đúng. Bác sĩ thỉnh thoảng có thể đoán được nguyên nhân và cho thuốc. Nhưng phương thuốc này lại bắt ta quan tâm tới cơ thể, và lo lắng việc mình phải chấp hành một chế độ ăn kiêng sẽ làm hỏng hiệu ứng của phương thuốc. Đó là lý do tại sao vị bác sĩ, nếu ông ấy khôn ngoan ra, sẽ gửi bạn đến gặp một triết gia. Nhưng khi bạn đến gặp triết gia, bạn sẽ thấy gì? Bạn sẽ thấy một người nằm trên giường quá nhiều, có tư duy cận thị, tóm lại là, một người còn u sầu hơn cả bạn.
Nhà nước cần mở trường học thông thái giống như trường y. Học thông thái bằng cách nào? Bằng khoa học thực sự, tức là bằng sự chiêm nghiệm mọi vật, và bằng thi ca rộng lớn như thế giới. Bởi nguyên lý hoạt động của nó là nghỉ ngơi khi được nhìn về chân trời rộng lớn, con mắt dạy cho chúng ta một sự thật to lớn. Tư duy phải giải phóng cho cơ thể và trả nó về cho Vũ Trụ, nơi mới đích thực là quê hương của chúng ta. Có một mối liên quan sâu sắc giữa số phận con người và những chức năng trong cơ thể chúng ta. Con vật, khi những thứ xung quanh để cho nó yên, sẽ nằm lăn ra và ngủ; con người thì suy nghĩ, và nếu đó là một suy nghĩ của con vật thì quả thật là bất hạnh cho anh ta. Như thế là anh ta làm cho nỗi khổ và như cầu của mình tăng lên gấp đôi, như thế là anh ta tự làm mình mệt mỏi bằng sợ hãi và ảo vọng, những cái khiến cơ thể anh ta căng thẳng, kích động, những cái bắt anh ta lao mình theo nhiều thứ, tự kiềm tỏa mình bởi trò đùa của trí tưởng tượng, luôn luôn nghi hoặc, luôn luôn dè chừng mọi người và mọi thứ xung quanh. Và khi anh ta muốn tự giải thoát cho mình, anh ta liền đắm mình vào trong những cuốn sách, cũng là một thứ vũ trụ đóng, quá gần mắt, quá gần những cảm xúc của anh ta. Tư duy biến mình thành nhà tù mà cơ thể phải chịu đựng, bởi nói rằng tư duy đang thu hẹp lại hay nói rằng cơ thể đang chống lại chính nó, thì cả hai điều đó cũng chỉ là một. Người có nhiều tham vọng sửa đi sửa lại hàng nghìn lần bài diễn thuyết của mình như người đang yêu sửa đi sửa lại lời thề nguyện. Tư duy phải được du ngoạn và phải được chiêm nghiệm, như thế cơ thể của ta mới cảm thấy dễ chịu.
Khoa học dẫn chúng ta đến điều đó, với điều kiện là khoa học không được tham vọng, không được khoác lác, không được vội vã; với điều kiện là khoa học đưa chúng ta ra khỏi những cuốn sách và mang tầm nhìn của chúng ta tới những chân trời xa. Tức là, khoa học phải là tầm nhìn và phải là du ngoạn. Một vật thể, qua những đặc tính thật mà bạn khám phá được, sẽ dẫn bạn tới một vật thể khác rồi tới hàng nghìn vật thể khác, rồi vùng nước xoáy của con sông sẽ mang tư duy của bạn tới những cơn gió, những đám mây, đến tận các tinh hà. Hiểu thật sự không bao giờ chỉ là một cái gì nhỏ bé gần mắt ta, bởi vì hiểu chính là hiểu xem cái nhỏ bé ấy được liên kết với cái toàn thể như thế nào, không có gì tồn tại do chính nó, và như vậy cái chuyển động đúng đắn sẽ phải đẩy chúng ta ra xa khỏi bản thân mình, cái vừa tốt cho tinh thần cũng vừa tốt cho mắt. Qua đó tư duy của bạn sẽ được nghỉ ngơi trong vũ trụ, chỗ vốn là địa hạt của nó, sẽ hòa hợp với cuộc sống trong cơ thể bạn, cái cuộc sống liên đới với mọi thứ. Khi một người theo đạo thiên chúa nói rằng “bầu trời là quê hương của con”, anh ta không biết mình đã nói đúng thế nào. Hãy nhìn ra xa.
15 tháng năm 1911

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.