Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 54: XƯỚNG NGÔN



Thỉnh thoảng ta bắt gặp trên đường đi một bóng ma nằm sưởi ấm dưới ánh mặt trời, hoặc đang lê xác về nhà; cái cảnh tượng của sự tàn tạ cực độ, của cái chết gần kề thoạt tiên gây ra ở ta một nỗi khủng khiếp không thể vượt qua được, ta vừa bỏ chạy vừa nói: “Tại sao cái hình hài kia còn chưa chịu chết?” Thế nhưng nó vẫn yêu cuộc đời, muốn sưởi ấm dưới ánh mặt trời, nó không muốn chết. Quả thật là một chặng đường khó nhọc cho tư duy của chúng ta. Ở trên con đường ấy, tư duy thường xuyên vấp ngã, bị thương, điên giận, tự đẩy mình vào lối đi sai lầm. Cái đó xảy ra nhanh lắm.
Sau khi thấy cảnh tượng như vậy, lúc tôi đi tìm con đường đúng cho mình bằng những lập luận dò dẫm và thận trọng, tôi thấy trước mặt mình một anh bạn toàn thân run rẩy, nói năng lảm nhảm, mắt lóe lên những tia lửa địa ngục. Cuối cùng anh ta bật kêu: “Nơi đây mọi thứ đã đi đến chỗ bần cùng. Những ai khỏe mạnh thì sợ bệnh tật và cái chết, họ sợ với tất cả sức lực của mình mà nỗi kinh hoàng của họ chẳng hề bớt đi, thực chất là họ đang nhấm nháp nó. Hãy nhìn những người bệnh ở kia, lẽ ra họ phải cầu cho cái chết đến, nhưng không, họ xua đuổi nó đi, nỗi sợ này làm tăng thêm sự khốn khổ của họ”. Anh ta nói: “Sao ta phải sợ chết khi mà cuộc sống đã khủng khiếp đến thế? Mà anh cũng thấy đó, người ta ghê tởm cả cái chết lẫn sự đau đớn, và đó là kết cuộc của tất cả chúng ta.”
Anh ta tin rằng những lời mình nói có dáng dấp của sự hiển nhiên tuyệt đối, và chao ôi, tôi cũng muốn tin như anh lắm, anh ạ. Bất hạnh thì không khó đâu, hạnh phúc mới khó, nhưng đó không phải lý do để ta thôi cố gắng, mà ngược lại, ngạn ngữ đã nói rằng phàm những gì đẹp đẽ đều rất nhọc nhằn.
Tôi có lý do để nghi ngờ những lời hùng biện của quỷ dữ này, nó muốn đánh lừa tôi bằng thứ ánh sáng lầm lạc của sự hiển nhiên. Bao nhiêu lần chính tôi cũng tự chứng tỏ với mình rằng mình bất hạnh đến mức không còn thuốc chữa, tại sao lại như thế? Phải chăng vì đôi mắt phụ nữ, có lẽ sáng bừng hay mệt mỏi, hoặc dường như đang bị đám mây trên trời che phủ; hay vì một suy nghĩ nhỏ nhen nào đó, vì một sự thay đổi của tâm trạng, hay vì một nét mặt và một lời nói làm động đến lòng sĩ diện của ta. Vì chúng ta ai cũng từng biết qua sự điên rồ kỳ quặc này rồi, và chỉ một năm sau là ta tha hồ cười nhạo nó. Tôi rút ra rằng, cảm xúc lừa dối ta, khi ta sắp khóc, các cơ quan từ dạ dày đến tim, bụng đều có những cử động thái quá, cơ bắp căng ra vô ích, và làm ảnh hưởng đến dòng suy nghĩ. Những người khờ khạo luôn bị mắc vào cái bẫy đó, còn tôi thì biết rằng cái ánh sáng tồi tệ kia sẽ sớm tắt thôi, tôi còn muốn tắt nó đi ngay, cái này thì tôi làm được, chỉ cần tôi đừng có xướng ngôn; tôi biết quá rõ quyền năng của giọng nói lên chính bản thân mình, và vì thế mà tôi phải nói với chính mình một cách nhẹ nhàng, chứ không theo lối diễn bi kịch. Đó là về âm điệu. Tôi còn biết rằng bệnh tật và cái chết là những gì rất chung và tự nhiên, sự nổi loạn kia chắc chắn là một suy nghĩ sai lầm và phi nhân tính, bởi vì tôi cho rằng một suy nghĩ đúng đắn và có nhân tính luôn luôn phải phù hợp với thân phận con người và tiến trình của cuộc sống. Và đó đã là một lý lẽ đủ mạnh để ta không nông nổi xô mình theo những lời than vãn, thứ vốn dĩ nuôi dưỡng cơn giận dữ, và được chính cơn giận dữ nuôi dưỡng. Đó cái là vòng luẩn quẩn của địa ngục mà ở đó chính tôi là con quỷ, chính tôi là kẻ cầm lưỡi hái.
29 tháng chín 1911

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.