Gần như sự hùng biện của cảm xúc luôn đánh lừa được chúng ta. Tôi muốn nói đến trạng thái thần kinh buồn vui tưởng tượng, sáng rực hay tăm tối, mà trí tưởng tượng gây ra cho ta tùy thuộc vào cơ thể ta đang thư thái hay mệt nhọc, đang phấn khích hay trầm uất. Tất nhiên khi đó chúng ta sẽ buộc tội đủ thứ và nhiều người, thay vì cố đoán ra nguyên nhân, thường thì rất nhỏ, và điều chỉnh nó mà không dẫn tới hậu quả đáng tiếc.
Vào thời điểm kỳ thi sắp sửa diễn ra, biết bao thí sinh phải mòn mỏi đèn sách, đầu óc váng vất đau nhức, đó là nỗi khổ nho nhỏ mà ta có thể nhanh chóng chữa khỏi bằng cách nghỉ ngơi và ngủ. Nhưng một thí sinh khờ khạo thì không nghĩ tới việc ấy. Cậu ta thấy mình học không được nhanh, các khái niệm cứ luẩn quẩn dưới màn sương mù, còn tư tưởng của tác giả thì câm lặng trên trang sách chứ không chịu đến với cậu; thế là cậu đâm ra buồn bã về những khó khăn của kỳ thi và về khả năng của chính mình. Ngoảnh đầu về quá khứ mà ngắm những kỷ niệm qua cái màn sương buồn bã ấỵ, cậu nhận ra hoặc tưởng mình nhận ra dường như mình chưa làm được việc gì có ích, tất cả mọi thứ dường như phải xem xét lại, vì chẳng có gì là sáng sủa, chẳng có gì là trật tự. Nhìn về tương lai, cậu nghĩ, thời gian sao ngắn thế còn mình học sao chậm thế. Cậu bèn quay lại với quyển sách, hai tay ôm đầu, trong khi lẽ ra cậu phải đi ngủ. Chính bệnh tật đã che giấu phương thuốc, và cũng chính vì mệt mỏi mà cậu mới lao vào học. Ở đây cái cậu cần là kiến thức sâu sắc của các nhà hiền triết khắc kỷ, mà sau này được Descartes và Spinoza diễn giải. Luôn luôn giữ thái độ ngờ vực trước những bằng chứng mà trí tưởng tượng đưa ra, lẽ ra, bằng đầu óc tự biện, cậu phải bắt nọn được sự hùng biện của cảm xúc, từ chối không tin vào nó, chỉ thế thôi là cậu đã có thể đột nhiên làm tan biến một phần lớn cơn đau của mình. Một chút đau đầu hay một chút mỏi mắt thì cũng chịu đựng được thôi, mà nó sẽ không kéo dài, nhưng nỗi tuyệt vọng thì thật là khủng khiếp và tự nó sẽ làm trầm trọng thêm những nguyên nhân ban đầu.
Đó là cái bẫy của cảm xúc. Một người đang tức giận tự diễn cho mình xem một vở bi kịch đầy ấn tượng, đèn đuốc sáng trưng, những gì xấu xa của kẻ thù hiện lên, những mưu mẹo, những toan tính của hắn, sự khinh bỉ và cả dự định tương lai của hắn; mọi thứ đều được thể hiện trong cơn giận, và cơn giận vì thế mà tăng thêm. Giống một họa sĩ vẽ các nữ thần Báo Thù[75] để rồi tự mình cảm thấy sợ. Đó chính là cơ chế khiến một cơn giận cuối cùng hóa thành bão táp, những nguyên nhân nhỏ bé bị phóng to lên bởi giông tố trong trái tim và sự căng thẳng của cơ bắp. Cách làm dịu đi toàn bộ sự chộn rộn ấy chắc chắn không phải là làm như nhà sử gia điểm đi điểm lại những lời sỉ nhục, những kêu ca và những đòi hỏi; bởi vì tất cả những thứ ấy được chiếu bằng một thứ ánh sáng lầm lẫn, giống như trong một cơn mộng mị hoang tưởng. Ở đây ta cũng cần viện đến đầu óc tự biện để bắt nọn sự hùng biện của cảm xúc và từ chối không tin vào nó. Thay vì nói: “Thằng bạn giả dối kia từ xưa đến nay lúc nào cũng khinh mình”, thì nói: “Trong cơn chộn rộn này tôi nhìn không được rõ, tôi phán xét không được chuẩn; tôi chỉ là một diễn viên bi kịch đang than vãn cho số phận của mình.” Và thế là bạn sẽ thấy đèn đuốc trên sân khấu sẽ được tắt hết, vì có còn khán giả nữa đâu; và những bài trí rực rỡ sẽ chỉ còn là những tranh vẽ nguệch ngoạc. Sự thông thái đích thực mới là vũ khí thực sự để chống lại tính thơ ca trong sự bất công. Chao ôi! Chúng ta được quá nhiều nhà triết học tay ngang khuyên bảo và dẫn dắt trong khi họ chỉ biết làm mỗi một việc là tự hoang tưởng và đem sự khổ sở của mình đến cho người khác.
14 tháng năm 1913
Chú thích:
[75] Trong nguyên bản là các nữ thần Furies của thần thoại La Mã, tương ứng với các nữ thần báo thù Erinyes trong thần thoại Hy Lạp.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.