Có một kiểu lòng tốt làm cuộc sống trở nên sầu thảm, một kiểu lòng tốt vốn là sự bi lụy, mà người ta vẫn gọi là lòng thương hại, một trong những tai họa của con người. Hãy xem cách một người phụ nữ nhạy cảm nói chuyện với một người đàn ông gầy guộc mà bà ta đã biết là bị ho lao mà xem. Anh nhìn đẫm lệ, giọng nói đầy âm điệu, những điều người ta nói với anh ta, tất cả rõ ràng là đang kết án anh chàng khốn khổ này. Nhưng anh ta không hề lấy làm tức tối; anh ta chịu đựng lòng thương hại của kẻ khác như chịu đựng bệnh tật của mình. Lúc nào cũng vậy. Từng người một đến trút thêm một chút buồn rầu lên đầu anh ta; từng người một đến ca cho anh ta nghe cùng một điệp khúc: “Thấy anh thế này, tôi đến chết mất thôi.”
Có những người phần nào biết phải chăng hơn và ăn nói có chừng mực hơn. Khi đó sẽ là những lời lẽ chắc nịch như sau: “Can đảm lên nhé, khi nào đẹp trời anh sẽ lại khỏe thôi.” Nhưng lời nói suông chẳng làm cho không khí trong lành hơn. Đó vẫn chỉ là một lời than vãn làm rớt nước mắt. Chỉ cần có chút ám chỉ thôi là người bệnh cảm nhận được ngay, một cái liếc nhìn bị bắt gặp còn nói với anh ta nhiều điều hơn mọi ngôn từ.
Vậy phải làm sao đây? Làm thế này này. Xin đừng có rầu rĩ, xin hãy hy vọng, ta có hy vọng thì mới truyền cho người khác được. Cần phải tin tưởng vào tự nhiên, nhìn tương lai một cách tích cực, và tin rằng cuộc sống sẽ chiến thắng. Điều đó dễ hơn ta tưởng, bởi như thế là tự nhiên thôi. Ai đang sống cũng tin rằng cuộc sống sẽ chiến thắng, không thế thì anh ta tiêu đời ngay. Cái sức sống ấy sẽ làm bạn nhanh chóng quên đi người đàn ông khốn khổ; và, sức sống ấy mới là thứ cần phải truyền cho anh ta. Thật đấy, đừng thương anh ta thái quá. Cũng đừng tỏ ra khô cứng và vô cảm. Mà cần thể hiện một tình bạn đầy hồ hởi. Chẳng ai thích làm người khác thương hại mình cả, và khi một người đau yếu thấy rằng mình không dập tắt đi niềm vui của một người khỏe mạnh, anh ta sẽ nhẹ lòng và khuây khỏa. Niềm tin là một liều thuốc bổ thần kỳ.
Chúng ta hay bị tôn giáo đầu độc. Chúng ta đã quen thấy các cha đạo rình rập những biểu hiện yếu đuối và đau khổ của con người để kết liễu kẻ hấp hối bằng một bài thuyết giảng làm người sống phải suy ngẫm. Tôi căm ghét kiểu hùng biện nhà đòn này. Cần rao giảng về sự sống, chứ không phải về cái chết, cần truyền đi niềm hy vọng, chứ không phải nỗi sợ hãi, và cùng vun đắp niềm vui, cái mới là kho báu đích thực của con người. Đó chính là bí quyết của các nhà thông thái vĩ đại, và là ánh sáng cho ngày mai. Cảm xúc thì ảm đạm. Hận thù thì âm u. Niềm vui sẽ tiêu diệt cảm xúc và hận thù. Nhưng hãy bắt đầu bằng cách tự nhủ rằng nỗi buồn chẳng có gì là cao quý, không hề đẹp đẽ và hoàn toàn vô tích sự.
5 tháng mười 1909
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.