Bệnh tật là thứ dễ chịu đựng hơn cảm xúc. Nguyên do ắt hẳn là thế này, ta thấy cảm xúc vừa từ tính nết của ta mà ra, vừa từ tư duy của ta, nhưng cảm xúc còn biểu hiện một cái gì tất yếu, ta khó mà cưỡng lại được. Khi một vết thương trên cơ thể làm ta đau, ta thấy bằng chứng của sự tất yếu trong những gì vây quanh ta, mọi thứ đều ở bên trong chúng ta, trừ sự đau đớn. Lúc một vật, thông qua vẻ ngoài của nó, tiếng động mà nó gây ra, hoặc thông qua mùi vị của nó, khơi dậy trong ta những cơn sợ hãi hoặc một sự ham muốn dữ dội, chúng ta vẫn còn có thể buộc tội thứ này thứ kia để rồi chạy trốn chúng, nhằm tìm lại trạng thái cân bằng. Nhưng với cảm xúc thì ta không có chút hy vọng nào hết, bởi không phải nhất thiết đối tượng phải nằm ở trước mặt tôi thì tôi mới yêu hay mới ghét, tôi hình dung ra đối tượng, thậm chí tôi còn biến đổi nó, bằng cách thực hiện một thao tác của nội tâm giống như trong thơ ca. Mọi thứ đều dẫn tôi về đó, những suy luận của tôi hợp lẽ và có vẻ rất đúng, và thường thì sự sáng suốt của trí tuệ tiêm thuốc cho tôi vào đúng chỗ cần phải tiêm. Ta không bị đau khổ đến như vậy bởi các xúc động tức thời. Nếu có một nỗi sợ lớn buộc bạn phải bỏ chạy, thì khi ấy bạn không nghĩ đến bản thân mình nhiều lắm. Nhưng nỗi xấu hổ vì mình đã sợ, nếu người ta làm bạn cảm thấy xấu hổ, sẽ biến thành sự giận dữ hoặc tự biện dông dài. Nhất là nỗi xấu hổ của bạn ở ngay trong chính mắt bạn, vào những lúc bạn ở một mình, chủ yếu là về đêm khi bạn muốn tâm hồn được nghỉ ngơi, là một cái gì không thể chịu đựng được. Có thể nói vào lúc ấy bạn đang thoải mái gặm nhấm sự xấu hổ một cách tuyệt vọng. Tất cả các mũi tên mà bạn bắn đi lại quay đầu nhằm vào người bạn, chính bạn là kẻ thù của bạn. Khi một người bị cảm xúc điều khiển cho rằng mình không bị bệnh, và không gì có thể ngăn cản mình sống rất khỏe mạnh vào lúc này, thì anh ta sẽ đi đến suy nghĩ: “Cảm xúc của tôi, đó chính là tôi, nó mạnh hơn tôi.”
Trong cảm xúc vô thức luôn luôn có sự hối hận và nỗi kinh hãi. Theo tôi, lý do là bởi ta thường tự nhủ: “Tôi làm chủ bản thân kém đến vậy sao? Tôi có nhai đi nhai lại mãi vẫn những cái ấy không?” Từ đó sinh ra cảm giác nhục nhã. Cũng có cả nỗi kinh hãi nữa, vì ta tự nói với mình: “Chính suy nghĩ của tôi bị đầu độc, những suy luận của tôi quay ra chống lại chính tôi. Quyền lực ma thuật nào dẫn dắt suy nghĩ của tôi như thế này?” Ở đây ma thuật đang xuất hiện đúng chỗ của nó. Tôi tin rằng chính sức mạnh của cảm xúc và trạng thái nô lệ nội tâm đã dẫn con người đến với ý niệm về quyền lực huyền bí và một số phận bị nguyền rủa bởi một lời nói hoặc một cái nhìn. Vì không thể tự cho mình là bệnh nhân, con người bị cảm xúc chi phối tự cho rằng mình bị nguyền rủa. Ý nghĩ này cấp nguyên liệu cho một quá trình suy diễn không có hồi kết với mục đích là tự hành hạ mình. Ai sẽ nhận ra những nỗi đau khổ ghê gớm ấy không nằm ở bất kỳ đâu? Viễn cảnh về một nỗi thống khổ không có hồi kết, hơn nữa mỗi phút lại trầm trọng hơn, khiến cho con người chạy bổ đến với cái chết trong niềm hân hoan.
Nhiều người đã viết về vấn đề này; các nhà theo chủ nghĩa khắc kỷ đã để lại cho chúng ta những luận cứ đẹp đẽ chống lại sợ hãi và giận dữ. Nhưng Descartes[10] mới là người đầu tiên, và ông cũng tự nhận như vậy, đi vào trọng tâm của vấn đề trong quyển Traité des Passions (tạm dịch là Khảo luận về cảm xúc[11]) của mình. Ông chỉ ra rằng, mặc dù nằm gọn trong não trạng, cảm xúc vẫn phụ thuộc vào những sự luân chuyển diễn ra trong cơ thể ta: chính những luân chuyển của máu hay dòng đối luu của một loại chất lỏng nào đó du hành bên trong các dây thần kinh cuốn những ý nghĩ ấy quay trở lại với bộ óc của ta, một cách còn dữ dội hơn trong sự im lặng của đêm. Thường thì chúng ta không nắm bắt được sự náo loạn này của cơ thể, chúng ta chỉ nhận thấy những tác động của nó mà thôi, hoặc giả chúng ta nghĩ rằng chính cảm xúc tạo ra sự náo loạn đó, trong khi ngược lại chính sự luân chuyển trong cơ thể mới là cái dung dưỡng cảm xúc. Nếu hiểu rõ được điều này, ta sẽ tránh được việc tự suy xét về những giấc mộng hoặc về những cảm xúc, cái mà chẳng qua cũng chỉ là những giấc mộng được liên kết chặt chẽ với nhau hơn. Ta sẽ nhận ra sự tất yếu bên ngoài mà tất cả chúng ta đều phải tuân phục, thay vì tự buộc tội mình hay tự nguyền rủa mình. Có lẽ ta sẽ tự nhủ: “Tôi đang buồn. Mọi thứ đều đen tối. Nhưng đấy không phải lỗi của những gì xảy ra, cũng không phải lỗi của những gì tôi nghĩ. Đấy chính là cơ thể tôi muốn tư duy, đấy chính là ý kiến của nội tạng.”
9 tháng năm 1911
Chú thích:
[10] René Descartes (1595-1650): Nhà khoa học và triết học vĩ đại người Pháp. Ông từng giải thích các lý thuyết cơ học, mặc dù không đúng nhưng đã đánh đổ được những giải thích mơ hồ khác lúc bấy giờ. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Luật, Descartes đã có lúc gia nhập quân đội và tham gia nhiều trận chiến.
[11] Tác phẩm Traité des passions sẽ được tạm dịch như vậy trong suốt quyển sách này.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.