Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 60: NIỀM AN ỦI



Không thể tưởng tượng ra hạnh phúc và bất hạnh. Tôi không nói đến những thú vui đúng nghĩa hay những cơn đau, kiểu như thấp khớp, đau răng, hay những khổ hình dị giáo; những chuyện đó, người ta có thể có một ý niệm nhất định khi xem xét đến nguyên nhân, bởi các nguyên nhân gây ra một tác động chắc chắn; chẳng hạn như khi tôi bị nước sôi bắn vào tay, hay bị xe húc, hay bị kẹp tay vào của, trong tất cả các trường họp này tôi đều đánh giá gần đúng độ đau đớn của mình, hoặc, theo như ta có thể biết, của người khác.
Nhưng ngay khi vấn đề là sắc thái các ý kiến làm ta hạnh phúc hay bất hạnh, thì ta không thể tiên liệu hay tưởng tượng điều gì, dẫu là cho người khác hay cho bản thân mình. Mọi thứ phụ thuộc vào dòng suy nghĩ, và không phải cứ muốn thế nào là nghĩ được thế ấy; huống hồ người ta còn có thể được giải thoát, mà không biết tại sao, khỏi những ý nghĩ chẳng mấy dễ chịu. Như một vở kịch chẳng hạn, nó choán lấy ta, làm ta sao nhãng trong một tâm trạng mãnh liệt đến nực cười, nếu ta chú ý đến những lý do nghèo nàn, một bức phông sơn màu, một người đang gào rống, một phụ nữ khóc vờ; nhưng những màn bắt chước ấy lại lấy được nước mắt bạn, những giọt nước mắt thực thụ; trong một lúc bạn gánh trọn các nỗi đau của toàn thể con người qua những lời lẽ hoa mỹ rởm đời. Một lúc sau đó, bạn đã ở cách xa khỏi mình và mọi khổ đau cả nghìn dặm, giữa một cuộc du ngoạn. Nỗi buồn và niềm an ủi đậu xuống và bay vút lên như những chú chim. Người ta đỏ mặt vì điều đó; đỏ mặt mà nói như Montesquieu[79]: “Tôi chưa bao giờ có nỗi buồn nào mà một tiếng đọc sách không đủ sức xua tan”; mà rõ ràng là nếu ta tập trung đọc thực sự, thì ta sẽ bị hút vào thứ ta đang đọc.
Một người được xe hòm chở ra chỗ máy chém thật đáng thương; thế nhưng, nếu anh ta nghĩ đến chuyện gì khác, thì trong xe hòm anh ta chẳng khổ sở hơn tôi vào lúc này. Nếu anh ta đếm số lối rẽ hay số ổ gà, thì anh ta nghĩ đến các lối rẽ và các ổ gà. Một tấm áp phích trông thấy từ đằng xa, mà anh ta cố đọc cho bằng được, có thể làm anh ta bận tâm vào giờ khắc cuối cùng; chúng ta biết gì về chuyện đó? Và anh ta biết gì về chuyện đó?
Tôi được nghe chuyện của một anh bạn suýt chết đuối. Anh bị ngã xuống nước ngay khoảng giữa tàu và bến, và chìm dưới con tàu một lúc lâu; anh được kéo lên lúc đã bất tỉnh, vậy có thể nói là anh đã từ cõi chết trở về. Còn đây là hồi ức của anh. Anh thấy mắt mình mở thao láo trong nước, và thấy một sợi dây cáp lập lờ trước mặt; anh tự nhủ rằng mình có thể túm được nó, nhưng lại hoàn toàn không muốn; cái hình ảnh mặt nước xanh ngắt và sợi dây lập lờ choán hết suy nghĩ của anh. Theo như anh kể với tôi, thì đó là những khoảnh khắc cuối cùng của anh.
26 tháng mười một 1910
Chú thích:
[79] Charles Louis de Secondat (1689-1755), Nam tước vùng La Brède và xứ Montesquieu, một nhà bình luận xã hội và tư tưởng chính trị người Pháp.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.