Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 68: TÍNH LẠC QUAN



Cầu Chúa cho đó không phải là ông gác ruộng”, mấy cô nữ sinh nội trú ngây thơ trốn học đi lang thang ngoài đồng cầu khấn như thế, lo thắt ruột khi thấy một bóng người tiến lại gần. Tôi đã nhiều lần xem xét ví dụ này, cái mà tôi sẽ gọi là kiểu mẫu về sự ngây ngô, trước khi hiểu được nó từ góc độ con người. Quả thật là ở đây mọi thứ lẫn lộn hết vào nhau; nhưng có lẽ lẫn lộn trong ngôn từ nhiều hơn là trong ý nghĩ, như chuyện thường thấy ở tất cả chúng ta, những kẻ học nói rồi mới học nghĩ.
Tôi nhớ lại câu chuyện trên khi một người khá sáng láng đã giậm chân phản đối cái kiểu “lạc quan tếu, hy vọng mù quáng, tự dối mình” ấy. Anh ta đang nói về ông Alain đấy, bởi cái nhà ông triết gia ngây thơ, và gần như còn chất phác này, bất chấp những bằng chứng khá hiển nhiên, cứ khăng khăng tin rằng con người thường chủ tâm trung chính, khiêm nhường, biết lẽ phải và thân ái; rằng hòa bình và công lý sẽ cùng nhau đến với chúng ta; rằng tinh thần thượng võ sẽ tiêu diệt chiến tranh; rằng cử tri sẽ bầu ra những người xứng đáng nhất cùng những nguồn an ủi sùng kính khác, dù cho những người này sẽ chẳng mảy may thay đổi các sự kiện. Điều ấy giống hệt như một người đi dạo tự nhủ mình ngay trước ngưỡng cửa: “Chà, chưa gì đám mây to sự kia đã phá hỏng buổi đi dạo của mình rồi; thật tình mình thích nghĩ là trời sẽ không mưa hơn.” Nhưng thà nhìn đám mây kia đen hơn trước rồi đem theo ô còn hơn. Anh ta đã xem nhẹ chuyện đó như thế đấy còn tôi thì được trận cười; bởi lập luận đó của anh ta bày ra một vẻ ngoài đẹp đẽ, nhưng đó chỉ là một cái vỏ thiếu chiều sâu, còn tôi thì sớm được về nhà rờ tay vào bức tường thô nhám.
Có tương lai tự nó hình thành và có tương lai do ta tác thành. Và cả hai hợp nên tương lai đích thực. Trong cái tương lai tự nó hình thành, như giông bão hay hiện tượng thiên thực, thì hy vọng là vô ích, ta chỉ cần biết thôi, rồi quan sát bằng con mắt ráo hoảnh. Ta lau mắt kính thế nào thì phải lau màn sương ham muốn đang làm mờ con mắt thế ấy. Ý tôi đúng là như thế đấy. Những thứ từ trên trời rơi xuống, mà ta không bao giờ thay đổi được, đã dạy ta lòng nhẫn nhịn và óc chính xác, vốn là một phần đáng kể của sự khôn ngoan. Còn ở nơi trần thế, chỉ có những biến cải do con người tài trí tạo ra! Lửa, lúa mì, tàu thủy, chó huấn luyện, ngựa thuần hóa, biết bao thành quả mà con người hẳn đã không đạt được nếu như niềm hy vọng bị khoa học triệt tiêu.
Nhất là trong trật tự thế giới con người, nơi niềm tin dự phần vào các sự kiện, nếu không tính đến niềm tin của chính bản thân tôi thì tôi tính sai ngay. Tôi mà tin là mình sẽ ngã, thì tôi sẽ bổ chửng; tôi tin mình chẳng thể làm gì, tôi sẽ bó tay. Tôi tin là hy vọng sẽ đánh lừa mình, tôi sẽ bị nó qua mặt. Hãy lưu ý điểm này. Tôi muốn trời đẹp thì trời đẹp, muốn thiên tai có thiên tai; trước tiên là ở trong tôi; rồi với tất cả mọi thứ xung quanh tôi nữa, trong thế giới con người. Bởi tâm trạng tuyệt vọng, cũng như hy vọng vậy, đều lan từ người này sang người kia nhanh hơn cả các đám mây thay dạng đổi hình. Nếu tôi tin tưởng, tâm trạng ấy sẽ trung thực; nếu tôi chưa gì đã kết tội nó, nó sẽ ăn cắp của tôi. Các tâm trạng ấy ăn miếng trả miếng với tôi, sòng phẳng đến từng xu. Và hãy nhớ kỹ cả điều này nữa, rằng hy vọng, dựng trên nền những gì ta sẽ làm khi ta muốn, như hòa bình hay công lý, phải cần đến ý chí mới đứng vững được; trong khi đó tuyệt vọng lại tự nảy sinh rồi cứ thế mạnh lên bằng sức mạnh của những thứ có sẵn. Và đó là những lưu ý giúp chúng ta cứu những gì cần cứu trong tôn giáo song đã bị tôn giáo đánh mất, ý tôi muốn nói đến niềm hy vọng lớn lao.
28 tháng một 1913

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.