Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 69: THẢ LỎNG



Hôm qua có người nào đó đã phán xét gọn lỏn về tôi: “Lạc quan vô phương cứu chữa.” Chắc chắn anh ta nói không rõ, vì ý anh ta bảo rằng, tôi là như thế từ trong bản chất và tôi sung sướng với chuyện ấy lắm, rằng một ảo tưởng có thiện chí đến mấy thì chung cuộc cũng chẳng bao giờ được coi là sự thật đâu. Nói như vậy là làm lẫn lộn những thứ đang tồn tại với những thứ người ta muốn cho nó tồn tại. Nếu ta chỉ xem xét thứ thuộc về mình như là đương nhiên mà không làm gì để chấn chỉnh, thì điều khiến ta bi quan sẽ thành hiện thực; bởi diễn tiến tâm trạng con người, ngay khi ta buông nó, nó sẽ lập tức chạy theo hướng tệ hại nhất; người nào buông xuôi theo cơn cáu bẳn chẳng hạn, sẽ trở nên khổ sở và tàn nhẫn. Đó là điều không thể tránh khỏi bởi cấu trúc thể lý của chúng ta khi không được giám sát và điều khiển sẽ trục trặc ngay. Hãy xem một tốp trẻ con, chúng nhanh chóng trở nên thô bạo vô lối, nếu chơi mà không có luật. Ở đấy xuất hiện quy luật sinh học theo đó tâm trạng kích động sẽ chuyển ngay thành tức giận. Hãy thử chơi trò đập tay với trẻ mà xem; chẳng mấy chốc trẻ sẽ nhập tâm vào trò chơi trong cơn cuồng nhiệt bắt nguồn từ chính hành động của mình. Một thử nghiệm khác: hãy khơi chuyện để làm cho một cậu bé phải lên tiếng; hãy tỏ ra ngưỡng mộ cậu ta một chút thôi; cậu ta sẽ chuyển sang kiểu ngổ ngáo ngay khi vượt qua được tính rụt rè. Bài học sẽ làm cho chính bạn cũng phải đỏ mặt, bởi nó thấm thía, và đồng thời cũng đầy cay đắng, với tất cả mọi người; người nào cứ thao thao bất tuyệt, không làm chủ được cỗ máy của mình, chẳng mấy chốc sẽ tuôn ra cả lố những điều ngớ ngẩn để sau đó phải nguyền rủa bản tính của mình và tuyệt vọng với chính mình. Hãy phán xét một đám đông đang sôi sục theo cách ấy mà xem, bạn có thể chờ đợi ở đó đủ mọi cái ác có thể, chưa kể đủ mọi sự ngu ngốc có thể. Và bạn không nhầm lẫn đâu.
Những người hiểu được cái ác từ phía nguyên nhân sẽ học cách không nguyền rủa và không tuyệt vọng. Sự vụng về chi phối mọi thử nghiệm, bất kể ở thể loại nào. Cơ thể, nếu không năng tập thể dục, ngay lập tức sẽ nổi sùng lên và, trong vẽ tranh, đấu kiếm, cưỡi ngựa hay đối thoại, đều ngay lập tức ngắm sai và đương nhiên là chệch đích. Điều đó gây ngạc nhiên, và dường như cho thấy kẻ bi quan có lý; nhưng cần phải tìm hiểu từ căn nguyên, và điều cơ bản cần xét đến ở đây là sự liên kết giữa các cơ khiến cho chỉ cần một cơ nhúc nhích là kéo tất cả các cơ khác cử động theo, chứ không phải là các cơ cần hợp lực với nó đầu tiên. Kẻ vụng về dồn hết sức vào từng cử động nhỏ nhất, mà ban đầu ai chẳng vụng về, dẫu chỉ là để đóng một cái đinh. Tuy nhiên, kỹ năng không có giới hạn và có thể được tích lũy nhờ luyện tập; môn nghệ thuật và nghề nghiệp nào cũng chứng tỏ điều đó cả. Và tranh vẽ, cái đường nét do cử chỉ phác ra ấy, có lẽ là minh chứng hùng hồn nhất trong các minh chứng, nếu đó là một tranh vẽ đẹp mắt; bởi bàn tay nặng nề ấy, nôn nóng, bực tức, dính chặt vào toàn bộ cơ thể, lại có thể vẽ ra những nét nhẹ nhõm, ý tứ và tưởng như được thanh tẩy như vậy, trong khi vẫn phản ánh sự phán đoán và bản thân sự vật được vẽ. Và cái người cứ gào lên đến rát cổ buốt họng lại chính là kẻ sẽ hát ngân nga; bởi ai cũng thừa hưởng cái bó cơ run rẩy cứ rối nùi vào nhau kia. Cần phải gỡ chúng ra; và đó không phải là việc nhỏ. Và ai cũng biết rằng giận dữ và tuyệt vọng là những kẻ thù đầu tiên cần phải khuất phục. Cần phải tin tưởng, hy vọng và cười tươi; và làm việc cũng với thái độ ấy. Như vậy, bản chất con người thuộc kiểu, nếu ta không tự áp cho mình tinh thần lạc quan bất khả chiến bại như quy tắc đầu tiên trong mọi quy tắc, thì ngay lập tức sự bi quan đen tối nhất sẽ trở thành hiện thực.
27 tháng mười hai 1921

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.