Nếu thiếu quyết đoán là nỗi khổ sở tệ hại nhất, thì người ta hiểu rằng lễ nghi, chức phận, y phục, thời trang sẽ là những chúa tể ngự trị thế giới này. Mọi sự ngẫu hứng đều gây bực bội, không hẳn vì ta nghĩ mình có thể làm hay nói điều gì đó khác, mà đúng hơn là vì sự pha trộn hai kiểu hành động bên trong cơ thể làm cho các cơ bắp, bầy tôi tớ của chúng ta, hoảng sợ và, do hiệu ứng tức thời, làm cho cả trái tim, tên bạo chúa của chúng ta, cũng chộn rộn theo. Một người bị buộc phải lựa chọn mà không được chuẩn bị thì sẽ phát ốm ngay. Chính vì vậy mà tự do làm con người trở nên độc ác. Trẻ con là minh chứng cho điều ấy; không trò chơi nào thiếu luật là không rơi vào thô bạo cả. Về điều này người ta sẽ nhầm to nếu giả định rằng có những bản năng bạo lực lúc nào cũng căng lên như dây cung và phải để pháp luật trấn áp chúng. Thế nhưng luật pháp lại được ưa thích và, ngược lại, sự vắng bóng luật pháp gây bất an và bực tức vì thiếu chuẩn mực xác quyết, điều này sẽ dẫn tới sự quá đà. Con người trần trụi thì cuồng nhiệt. Bản thân trang phục đã là một thứ luật lệ, và mọi luật lệ đều được ưa thích như trang phục. Vua Louis XIV[94], người có quyền lực đáng ngạc nhiên và không thể lý giải được với những người tiếp xúc với ông nếu chỉ nhìn bề ngoài; điều đó bắt nguồn từ tất cả các đạo luật được ông thiết lập để quy định về cách thức dậy, đi ngủ, về ghế đặt bô trong phòng. Điều đáng nói là, hoàn toàn không phải vì ông có quyền lực nên ông mới áp đặt được các luật ấy, mà ngược lại, phải nói rằng ông có quyền lực vì bản thân ông chính là luật pháp; từng người một quanh ông luôn biết, hoặc gần như thế, là mình cần phải làm gì; từ đó mà có ý tưởng về nền hòa bình kiểu Ai Cập[95].
Chiến tranh có tất cả mọi thứ để bị chán ghét; nhưng ở đây lập luận này đã nhầm to; bởi cánh đàn ông lập tức tìm thấy sự bình yên trong đó; ý tôi nói thứ bình yên đích thực, nằm trong da thịt chúng ta. Từng người một biết mình phải làm gì. Lý trí có khơi ra nỗi bất hạnh cũng vô ích, bởi nó không hề làm người ta sợ hãi; nó không sao che lấp được sự hào sảng trong tâm khảm; mỗi người nhìn thấy một chức năng, cũng chính là số phận của anh ta, được xác định rõ ràng, cùng những hành động mà anh ta không thể trì hoãn; toàn bộ tâm trí anh ta bị hút vào đó, và cơ thể anh ta bị cuốn theo; và sự đồng thuận ấy lập tức gây ra những hệ lụy cần chịu đựng như người ta vẫn làm trước cơn lốc xoáy. Người ta ngạc nhiên khi thấy quyền lực thâu tóm được nhiều đến thế; nhưng chúng thâu tóm được nhiều là vì chúng đòi hỏi nhiều. Đó cũng là bản chất của luật tu hành vốn rất hiệu nghiệm để chữa bệnh thiếu quyết đoán. Khuyên người ta cầu nguyện chưa là gì cả; mà cần phải ra lệnh cho người ta khấn lời cầu ấy, vào giờ ấy. Sự khôn ngoan thuộc bản chất của quyền lực luôn dẫn đến một kiểu ra lệnh khô khốc, không chấp nhận bất cứ lý lẽ nào. Lý lẽ nhỏ nhất sẽ lập tức làm nảy sinh ra hai rồi cả nghìn ý nghĩ khác. Suy nghĩ thì dễ chịu thôi, dĩ nhiên rồi; nhưng cái thú suy nghĩ phải trả giá bằng nghệ thuật quyết định. Mẫu người ấy nằm trong Descartes; và ta biết rằng ông đã đăng lính, không thể nói là vì thích thú mà vì đó là phương pháp để ông tự giải thoát khỏi những suy nghĩ vốn tác động quá lớn lên mình.
Người ta hẳn sẽ muốn cười nhạo thời trang; nhưng thời trang lại là một thứ rất nghiêm túc. Kẻ túc trí làm ra vẻ khinh thường nó, nhưng anh ta cứ phải đeo cà vạt vào đã. Quân phục và áo choàng tu sĩ cho thấy những hiệu ứng xoa dịu đáng kinh ngạc. Đó là những y phục để đi ngủ; là những nếp gấp của tính lười nhác êm ái, thứ lười nhác êm ái nhất, làm người ta hành động không suy nghĩ. Thòi trang cũng hướng về cùng một mục đích, nhưng lược bỏ đi thú vui được chọn lựa vốn nằm hết trong trí tưởng tượng. Các sắc màu thì lôi cuốn đấy, nhưng sự cần thiết phải chọn lựa sẽ làm người ta hoảng sợ. Ở đây cơn đau đớn dội lên chỉ để làm người ta cảm nhận bài thuốc tốt hơn mà thôi, như ở nhà hát kịch vậy. Vì thế mới có chuyện sự an toàn hôm qua mang sắc đỏ còn hôm nay lại được tìm thấy ở sắc xanh. Đó là một sự tương hợp về ý kiến, và sự tương hợp ấy biểu lộ ra ngoài. Từ đó mà có sự an tâm làm con người ta thực sự đẹp hơn. Bởi quả đúng là màu vàng không hợp với các cô tóc vàng, còn xanh lục thì không hợp với các chị tóc nâu. Nhưng vẻ nhăn nhó vì lo âu, ganh tị hay luyến tiếc thì chẳng hợp với ai cả.
26 tháng chín 1923
Chú thích:
[94] Vua Louis XIV của Pháp (1643-1715), còn được gọi là Louis Đại đế hay Vua Mặt Trời.
[95] Như bao nhiêu lịch sử dựng nước và giữ nước của các quốc gia trên thế giới, Ai Cập đã từng độc lập, từng bị cai trị bởi nhiều đế quốc qua nhiều thế kỷ, bị lệ thuộc đế quốc Ottoman từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Năm 1869, kênh đào Suez được hoàn thành, song Ai Cập với một khoản nợ khổng lồ đã khiến cho Anh Quốc nhảy vào kiểm soát đất nước này từ năm 1882. Trong khi đó Ai Cập vẫn lệ thuộc đế quốc Ottoman cho đến năm 1914. Đến năm 1922 thì Ai Cập thoát khỏi Anh Quốc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.