Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 84: LÀM VỪA LÒNG



Tôi đã bàn về một “nghệ thuật sống” cần phải được truyền bá. Tôi sẽ đưa thêm một quy tắc vào đó quy tắc: “làm vừa lòng”. Nó được đề xuất bởi một người mà theo như tôi biết đã từng ăn nói khá gay gắt và nay đã thay đổi tính tình. Một quy tắc như thế thoạt đầu sẽ khiến người ta kinh ngạc. Làm vừa lòng, thế chẳng phải là dối trá, nịnh bợ, thớ lợ sao? Ta phải hiểu rõ quy tắc này; vấn đề là làm người khác vừa lòng khi có thể mà không dối trá, không hèn hạ. Mà điều ấy gần như lúc nào chúng ta cũng có thể làm được. Khi ta nói ra một sự thật khó chịu nào đó, với giọng chát chúa và mặt đỏ lựng, thì đó chỉ là một cơn bực tức, một thoáng đau ốm mà ta không biết cách chữa trị; sau đó ta có muốn nghĩ khi ấy mình đã tỏ ra can đảm thì cũng vô ích; điều đó rất đáng ngờ, nếu ta không chịu nhiều rủi ro, và, trên hết, nếu ta không chủ tâm làm thế. Từ đó tôi rút ra nguyên tắc đạo đức này: “Chỉ khi nào thực sự có ý ấy và chỉ khi nào đứng trước một kẻ quyền lực hơn anh thì hãy tỏ ra ngạo mạn.” Nhưng nói ra sự thật mà không cần cương giọng có lẽ sẽ tốt hơn, và hơn nữa, chỉ chọn lấy những điều đáng khen ngợi trong những cái có thực ấy.
Mà gần như trong chuyện gì cũng có thứ để khen; bởi chúng ta không bao giờ biết đến những động cơ thực chất, và chẳng mất gì khi ta giả định rằng người này là một người đúng mực chứ không hèn nhát, người kia đang thể hiện tình bạn chứ không hề giữ kẽ. Nhất là với các bạn trẻ, hãy đặt mọi thứ mới chỉ mang tính giả định vào viễn cảnh tươi đẹp nhất, và hãy vẽ cho họ thấy bức chân dung đẹp đẽ về chính họ; họ sẽ tin mình là như thế; rồi họ sẽ sớm trở thành người như thế; chứ đừng ném ra sự chỉ trích vốn chẳng giải quyết được việc gì bao giờ. Chẳng hạn, nếu đó là một thi sĩ, hãy nhớ và ngâm những vần thơ đẹp nhất; nếu đó là một chính trị gia, hãy ca ngơi ông ta về tất cả những điều ác mà ông ta đã không gây ra.
Đến đây tôi nhớ lại một chuyện xảy ra trong trường mẫu giáo. Một chú bé hiếu động chỉ chuyên làm mấy trò dấm dớ và vạch nguệch ngoạc như gà bới, cho đến một hôm, bỗng đâu nó lại viết thật ngay ngắn một phần ba trang nét sổ thẳng. Cô giáo đi qua các dãy bàn và chấm điểm tốt; chỉ vì cô không để ý đến một phần ba trang được viết ra một cách khó nhọc kia, nên chú bé thốt lên: “Thôi rồi, đúng là như c…!”; và chú nói thẳng thừng như thế, bởi đó không phải là một trường học của khu Saint-Germain[98]. Nghe thế cô giáo quay lại và cho chú bé điểm tốt mà không bình luận thêm câu nào; vấn đề ở đây là những nét sổ thẳng chứ không phải lời hay ý đẹp.
Nhưng đó là những trường hợp khó. Có biết bao trường hợp khác trong đó ta luôn luôn có thể, không chần chừ, mỉm cười rồi tỏ ra lịch sự và dễ thương. Nếu bạn có hơi bị xô đẩy trong đám đông chen chúc, hãy áp dụng quy tắc mỉm cười về chuyện ấy; nụ cười chấm dứt xô đẩy, bởi ai cũng đỏ mặt vì cục tức bé tí đang dâng lên. Còn bạn, có lẽ bạn thoát khỏi một cục tức to đùng, tức là một trận ốm nhẹ.
Tôi quan niệm về phép lịch sự như thế; đó chỉ là một bài thể dục chống lại xúc cảm mà thôi. Lịch sự là nói ra hoặc ám chỉ, bằng toàn bộ cử chỉ và lời nói của mình, rằng: “Ta đừng nổi cáu; đừng làm hỏng khoảnh khắc này của đời ta.” Vậy đó có phải là lòng tốt kiểu cách sách vở không? Không phải đâu. Tôi không đẩy việc này đi xa đến thế; cũng có lúc lòng tốt là thiếu tế nhị và hạ thấp người khác. Phép lịch sự đích thực, đúng hơn, nằm trong niềm vui truyền từ người này sang người kia và xoa dịu xung đột. Và phép lịch sự ấy chẳng được mấy ai dạy dỗ. Trong cái thứ vẫn được gọi là xã hội lịch sự, tôi đã thấy nhiều cái lưng khom xuống, nhưng chưa thấy một người lịch sự bao giờ.
8 tháng Ba 1911
Chú thích:
[98] Một khu phố sang trọng ở trung tâm Paris.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.