Có những dạng hạnh phúc chỉ được đính vào người ta một cách lỏng lẻo, không khác gì một tấm áo choàng. Như hạnh phúc được thừa kế, hay hạnh phúc do trúng số, ngay cả sự vinh quang cũng vậy thôi, bởi vì nó quá lệ thuộc vào hoàn cảnh. Nhưng ngược lại, hạnh phúc nào phụ thuộc vào chính sức mạnh của ta thì ăn vào máu ta, ngấm vào trong người ta còn bền hơn là phẩm tía nhuộm len. Một nhà hiền triết xưa thoát khỏi một vụ đắm tàu, khi lội vào bờ trên mình không một mảnh vải, đã nói rằng: “Ta mang theo trên người toàn bộ cơ nghiệp của ta.”[102] Cũng như thế, Wagner[103] mang theo âm nhạc còn Michel-Ange mang theo hết thảy các khuôn mặt thánh thiện mà ông có thể phác ra. Võ sĩ đấm bốc cũng có nắm đấm, đôi chân cùng toàn bộ thành quả lao động của mình, khác với cách người ta sở hữu vương miện hay tiền bạc. Tuy nhiên, cũng có nhiều cách sở hữu tiền bạc, và với người nào biết kiếm tiền, như người ta vẫn thường nói, anh ta vẫn còn chính anh ta là tài sản ngay thời điểm mà anh ta vừa mất trắng.
Nhà hiền triết xưa kia đi tìm hạnh phúc; không phải hạnh phúc cho người khác, mà cho chính bản thân họ. Các nhà thông thái thời nay thống nhất với nhau dạy ta rằng hạnh phúc cá nhân không phải là thứ cao quý để mưu cầu. Một vài người trong số họ ca rằng đức hạnh coi khinh hạnh phúc. Nói như thế thì dễ lắm. Một vài người khác lại dạy, hạnh phúc chung là nguồn gốc đích thực của hạnh phúc riêng. Đây có lẽ là ý kiến rỗng tuếch nhất trong các loại ý kiến, bởi vì, không có cái gì vô bổ bằng việc trút hạnh phúc lên đầu những người xung quanh như trút vào những cái bao thủng. Tôi để ý thấy những người buồn chán với chính mình, chẳng có cách nào làm họ vui lên được; và ngược lại, những người không bao giờ ngửa tay ra xin mới là những người mà ta có thể trao cho cái gì đó, như việc đem âm nhạc đến cho người đã được học nhạc. Tóm lại, gieo hạt lên cát thì chẳng được gì, và vì đã ngẫm nghĩ về câu chuyện đó khá nhiều, tôi tin mình đã hiểu được câu chuyện ngụ ngôn về người gieo hạt, anh cho rằng những người không có gì thì cũng không có khả năng để tiếp nhận bất cứ cái gì. Như vậy ai mạnh mẽ và hạnh phúc bởi chính mình thì sẽ càng hạnh phúc và mạnh mẽ bởi những người khác. Đúng vậy, những người hạnh phúc sẽ phát đạt, sẽ gặp may mắn; nhưng bản thân họ cần có hạnh phúc trong mình trước để có thể đem cho người khác. Và người cương quyết cần phải ngắm cho kỹ khía cạnh này của cuộc sống, nó sẽ khiến anh ta từ bỏ cái cách thương yêu không dẫn đến đâu.
Vậy nên, tôi cho rằng hạnh phúc thầm kín và riêng tư không hề trái với đức hạnh, mà chính nó là đức hạnh thì đúng hơn, và cái từ đẹp đẽ này nói cho ta biết, đức hạnh đồng nghĩa với sức mạnh[104]. Bởi người hạnh phúc nhất, theo nghĩa đầy đủ của từ này, rõ ràng là người biết cách quẳng đi cái dạng hạnh phúc chung, như người ta vứt bỏ áo quần. Nhưng tài sản đích thực của mình thì anh ta chẳng thể nào quẳng đi được, ngay anh lính bộ binh đang xông lên hay anh phi công đang rơi cũng không làm thế, hạnh phúc riêng tu đóng chốt vào họ như chính mạng sống của họ vậy, họ chiến đấu bằng hạnh phúc của mình như chiến đấu bằng vũ khí, vì vậy mà người ta nói người anh hùng ngã xuống cũng hạnh phúc. Nhưng ở đây cần sử dụng cách nói khảng khái đặc trưng của Spinoza để khẳng định: không phải là họ hạnh phúc vì được chết cho tổ quốc, mà ngược lại, chính vì họ hạnh phúc nên họ mới có sức mạnh để chết. Mong sao những vòng hoa của tháng mười một[105] được kết bằng tinh thần ấy.
5 tháng mười một 1922
Chú thích:
[102] Giai thoại gắn với Bias người xứ Priène, một trong bảy nhà thông thái cổ Hy Lạp.
[103] Wilhelm Richard Wagner (1813-1883): Nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, đạo diễn kịch và nhà lý luận âm nhạc của Đức.
[104] Từ “vertu” (đức hạnh) có gốc La tinh là từ “vertud”, có nghĩa là “sức mạnh, quyền lực”.
[105] Ám chỉ ngày ký thỏa thuận ngừng bắn kết thúc Thế chiến thứ nhất (11 tháng mười một 1918).
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.