Anna Karenina (Tập 2)

Phần 5 – Chương 01



1

Quận công phu nhân Trerbaxcaia cho rằng không thể tổ chức lễ cưới trước tuần chay được vì từ nay đến đó còn có năm tuần lễ, giỏi lắm cũng chỉ may xong một nửa số quần áo cưới; nhưng bà đành nghe theo lí lẽ của Levin, chàng nhất quyết rằng nếu đợi hết tuần chay thì muộn quá, vì một bà cô già của lão quận công Trerbaxki ốm nặng, có thể chết bất cứ lúc nào và tang lễ ắt sẽ làm ngày cưới càng chậm hơn. Do đó, bà quyết định chỉ cần may ngay một phần nhỏ quần áo cưới và sẽ gửi số còn lại cho họ sau, bà bực mình với Levin vì không bao giờ chàng có thể trả lời nghiêm chỉnh mỗi khi bà hỏi ý kiến. Cách thu xếp như vậy lại càng tiện lợi vì ngay sau lễ cưới, đôi vợ chồng sẽ về quê ở và tại đó thì không cần quá nhiều quần áo cưới. Levin vẫn luôn luôn ở trong trạng thái mê cuồng như vậy, chàng thấy hình như bản thân mình và hạnh phúc hợp lại thành mục đích duy nhất và chủ yếu của mọi sự vật trên đời, chàng không cần bận tâm đến việc gì, mọi việc đều chu tất, và sẽ chu tất mà không cần chàng mó tay vào. Thậm chí, chàng không có kế hoạch, mục đích nào hết, chàng phó mặc cho người khác, biết rằng mọi cái rồi sẽ hoàn hảo cả. Ông anh Xergei Ivanovitr cùng Xtepan Arcaditr và phu nhân bảo cho chàng biết những việc phải làm. Người ta nêu cái gì chàng cũng đồng ý tuốt. Ông anh vay tiền cho chàng, phu nhân khuyên cưới xong nên rời Moxcva, Xtepan Arcaditr mách nên ra nước ngoài. Chàng đồng ý hết. “Các ông bà cứ tùy thích muốn làm gì thì làm. Tôi đang sung sướng và dù các ông bà làm gì đi nữa thì hạnh phúc của tôi cũng không vì thế mà lớn hơn hoặc giảm đi”, chàng thầm nghĩ. Khi nói cho Kitti biết điều gợi ý của Xtepan Arcaditr, chàng rất ngạc nhiên thấy nàng không đồng ý ra nước ngoài và thấy nàng đã có ý định dứt khoát về cách tổ chức đời sống sau này của hai vợ chồng. Nàng biết Levin có một công việc ưa thích ở nông thôn. Chẳng những nàng không hiểu gì về công việc đó (chàng nhận thấy thế) mà còn không muốn hiểu làm gì. Mặc dầu thế, nàng vẫn cho công việc của chồng có tầm quan trọng lớn. Cho nên, nàng hiểu chỗ ở của hai người sẽ là nông thôn và không muốn ra nước ngoài vì họ sẽ không sinh sống ở đó, mà muốn về nơi sẽ là nhà của hai vợ chồng. Ý định dứt khoát đó làm Levin ngạc nhiên. Nhưng vì thấy mọi cái đó đều không quan trọng, nên chàng lập tức nhờ Xtepan Arcaditr về trang trại mình thu xếp thế nào tùy con mắt thẩm mĩ của ông mà mọi người đều biết, làm như công việc chăm nom đó đương nhiên thuộc về ông ta. 

– Này, – Xtepan Arcaditr bảo Levin lúc ở trang trại của chàng trở về, – sau khi chuẩn bị mọi thứ để đón cặp vợ chồng trẻ, chú đã có giấy chứng nhận xưng tội chưa?

– Cha, để làm gì?

– Phải có thì mới cưới được.

– Ồ! Ồ! – Levin kêu lên, – Dễ thường chín năm nay tôi chưa xưng tội. Tôi cũng không hề nghĩ tới chuyện đó nữa.

– Thật là đẹp nhỉ! – Xtepan Arcaditr vừa cười vừa nói, – thế mà chính chú đã cho tôi là phần tử hư vô chủ nghĩa! Nhưng phải qua cái cầu đó mới được. Chú phải làm lễ xưng tội đi.

– Bao giờ thì làm lễ? Còn có bốn ngày nữa thôi.

Lần này nữa Xtepan Arcaditr lại phải nhúng tay vào. Và Levin bắt đầu làm lễ xưng tội. Đối với Levin, cũng như với tất cả những người không tin đạo nhưng vẫn tôn trọng tín ngưỡng kẻ khác, phải có mặt và tham dự các buổi lễ là điều rất khổ tâm. Giữa lúc tâm trạng hào hứng và xúc động, lại bắt buộc phải giả vờ như vậy, chàng thấy không chỉ khổ tâm mà còn quá sức chịu đựng. Đang lúc thành công, đang lúc hoan hỉ, chàng lại phải hoặc nói dối, hoặc nhạo báng chuyện thần thánh. Chàng cảm thấy không đủ sức làm cả việc nọ lẫn việc kia. Nhưng, mặc dầu chàng cố năn nỉ Xtepan Arcaditr xem có cách nào kiếm được tờ chứng nhận mà không phải xưng tội, ông anh đồng hao vẫn khăng khăng không lay chuyển.

– Hai ngày, đối với chú chẳng đáng kể và cũng không làm sao cả! Chú sẽ gặp một ông già nhỏ bé dễ thương và rất láu cá. Ông ta có thể nhổ của chú một cái răng lúc nào không biết. – Trong khi dự buổi lễ đầu tiên, Levin cố làm sống lại trong lòng kỉ niệm về thứ tình cảm tôn giáo mãnh liệt đã xúc động chàng hồi mười sáu mười bảy tuổi; nhưng chàng hiểu ngay làm thế chỉ phí công vô ích. Chàng cố coi cái đó như một thứ lễ nghi không có ý nghĩa gì cả, như cái tập quán đi thăm viếng vậy: nhưng chàng cảm thấy cũng chẳng kết quả gì hơn. Cũng giống như số đông người cùng thời, đối mặt với tôn giáo, Levin thấy rất hoang mang. Chàng không tin tôn giáo, nhưng đồng thời cũng không dám cả quyết rằng tất cả cái đó là giả dối. Chàng vừa không tin vào ý nghĩa việc mình làm, lại vừa không thể nhìn nó bằng con mắt dửng dưng, cho nên suốt thời gian đó, chàng luôn cảm thấy bực bội và hổ thẹn. Chàng phải làm những việc mình không hiểu gì cả và một tiếng nói nội tâm phê phán thái độ chàng là giả dối và đáng chê trách. Trong buổi lễ, đôi lúc chàng lắng nghe những lời cầu nguyện, cố gán cho chúng một ý nghĩa không đến nỗi trái với tư tưởng của mình và khi cảm thấy không hiểu gì và không gạt bỏ được ý định phê phán, chàng liền gắng không nghe nữa và triền miên trong những ý nghĩ, nhận xét cùng những hồi ức giễu qua đầu óc rõ mồn một vào những lúc đứng chầu nhàn rỗi ở nhà thờ. Chàng dự lễ sớm, lễ chiều và cầu kinh tối. Hôm sau, chàng dậy sớm hơn thường lệ và nhịn ăn lót dạ, đến nhà thờ hồi tám giờ để cầu kinh sáng và xưng tội. ở nhà thờ chỉ có một người lính ăn xin, hai bà già và các phụ giáo sĩ. Một người phụ lễ trẻ tuổi, lưng gồ lên hai cạnh rõ mồn một dưới chiếc áo chùng thâm mỏng, tới gặp chàng và ngay sau đó đến gần một cái bàn nhỏ kê cạnh tường, bắt đầu đọc kinh. Khi nghe y luôn miệng lắp đi lắp lại mấy tiếng: “Lạy Chúa, thương xót chúng tôi!” và đọc vội quá đâm nhịu, Levin cảm thấy tâm tình mình khép chặt như niêm phong kín, bất khả xâm phạm. Đứng sau người phụ lễ, chàng không nghe và cũng không tìm hiểu xem y đọc gì, chỉ tiếp tục suy nghĩ. “Bàn tay nàng xiết bao ý tình”, chàng nghĩ, nhớ tới tối hôm trước. Hai người ngồi cạnh chiếc bàn kê ở góc nhà và không nói gì với nhau, như hầu hết những lần gần đây; nàng đặt tay lên bàn, hết xòe ra lại nắm vào đồng thời mỉm cười một mình về cái trò đó. Chàng nhớ là đã hôn bàn tay đó và xem những đường nét chằng chịt trong lòng bàn tay hồng hồng. “Lại vẫn lạy Chúa thương xót chúng tôi!”, Levin thầm nghĩ và làm dấu, vừa cúi xuống vừa ngắm động tác mềm mại của lưng người phụ lễ cũng cúi xuống lúc đó. “Sau đó, nàng cầm tay mình và xem kĩ vân tay: Bàn tay anh thật kì diệu; nàng đã nói với mình như vậy.” Chàng nhìn bàn tay mình, rồi nhìn bàn tay ngắn ngủn của người phụ lễ. “Phải, giờ thì sắp xong rồi. ờ, hình như hắn ta lại bắt đầu đọc lại thì phải, chàng tự nhủ và lắng nghe lời cầu nguyện. Không, xong rồi. Hắn đang cúi rạp sát đất kia kìa, đúng là xong rồi.” Sau khi kín đáo giấu vào trong ống tay áo lót lông tờ giấy bạc ba rúp chàng dúi cho, người phụ lễ nói sẽ ghi tên cho chàng xưng tội và y mạnh dạn nện gót đôi ủng mới vang vang trên sàn đá hoa của gian nhà thờ trống rỗng, đi khuất vào sau bàn thờ Chúa. Lát sau, y thò đầu ra và làm hiệu cho Levin đi theo. ý nghĩ Levin bắt đầu xáo động trong đầu óc, nhưng chàng gắng xua đi. “Bằng cách này cách hay khác thì cũng sắp ổn thôi,” chàng tự nhủ và đi về phía giảng đài. Chàng leo mấy bậc thềm và khi quay sang phải, liền thấy linh mục. Đó là một ông già bé nhỏ, râu thưa lốm đốm hoa râm, đôi mắt hiền từ, mệt mỏi. Đứng cạnh bàn giảng, ông đang giở quyển kinh. Ông khẽ cúi chào Levin và lập tức cất giọng đều đều cầu nguyện. Cầu xong, ông phủ phục sát đất và quay lại phía Levin.

– Đức Chúa Kirixitô vô hình chứng giám lễ xưng tội của con, – ông vừa nói vừa chỉ cho chàng chiếc thánh giá. – Con có tin vào tất cả những điều Giáo hội tông đồ răn dạy ta không? – ông vừa nói vừa ngoảnh đi chỗ khác, không nhìn vào mặt Levin nữa và chắp tay dưới chiếc khăn quàng làm lễ.

– Con đã và đang nghi ngờ hết thảy, – Levin trả lời, bằng một giọng chính chàng cũng thấy chối tai, rồi nín bặt.

Linh mục chờ vài giây cho chàng nói thêm, rồi nhắm mắt lại, ông nói tiếp rất nhanh, nhấn mạnh vào âm tiết “ơ” như kiểu nói của người vùng Vladimia.

– Nghi ngờ là đặc tính của sự yếu đuối của con người, nhưng ta phải cầu xin Đức Chúa lòng lành vô cùng giữ vững đức tin cho ta. Con đã phạm những tội lỗi gì đặc biệt? – ông không ngừng lại, nói tiếp luôn, như không muốn để phí một phút.

– Tội lỗi chính của con là hoài nghi. Con nghi ngờ hết thảy và hầu như lúc nào cũng nghi ngờ.

– Nghi ngờ là đặc tính của sự yếu đuối của con người, – linh mục nhắc lại. – Con nghi ngờ cái gì là chính?

– Nghi ngờ hết thảy. Đôi lúc, con nghi ngờ cả sự tồn tại của Chúa, – Levin miễn cưỡng nói, hoảng lên vì câu nói sỗ sàng của mình. Nhưng lời Levin nói như không hề tác động đến linh mục.

– Làm sao lại có thể nghi ngờ sự tồn tại của Chúa được? – ông nói nhanh, thoáng mỉm cười. Levin lặng thinh.

– Làm sao con có thể nghi ngờ Đấng Sáng Thế được khi con hằng chiêm ngưỡng sự sáng tạo của Người? – linh mục nói tiếp giọng đều đều. – Ai đã trang điểm vòm trời bằng tinh tú? Ai đã phủ vẻ đẹp lên trái đất? Ai, nếu không phải là Đấng Sáng Thế? – cha nói và nhìn Levin, lục vấn. Levin cảm thấy nếu đi vào tranh luận triết học với linh mục thì quả không tiện, cho nên chàng chỉ trả lời trực tiếp vào câu hỏi.

– Con không biết, – chàng nói.

– Con không biết à? Thế thì làm sao con có thể nghi ngờ Chúa đã sáng tạo nên tất cả, – linh mục nói, vẻ ngạc nhiên pha lẫn vui thích.

– Con chẳng hiểu gì cả, – Levin nói, đỏ mặt cảm thấy câu trả lời thật ngớ ngẩn, nhưng cũng biết chả sao tránh khỏi ngớ ngẩn trong trường hợp như vậy.

– Con hãy cầu Chúa cứu giúp con. Ngay cả các Cha thánh thần cũng hằng nghi ngờ và hằng cầu Chúa giữ vững đức tin. Ma quỷ vốn đầy sức mạnh, ta phải chống lại nó, không thể khuất phục. Hãy cầu nguyện đi, cầu nguyện đi, – cha vội nói và nhắc đi nhắc lại.

Linh mục nín lặng một lát, như suy nghĩ.

– Hình như con định kết hôn với con gái lão quận công Trerbaxki là bổn đạo của giáo phận và người con linh hồn của cha phải không? – cha mỉm cười hỏi thêm. – Đó là một cô gái kiều diễm.

– Vâng, – Levin trả lời, đỏ mặt thay cho cha. “Việc gì ông ta phải đặt câu hỏi như vậy khi xưng tội?”, chàng nghĩ. Như để trả lời ý nghĩ của chàng, linh mục nói:

– Con đang sửa soạn kết hôn và có thể sẽ được Chúa ban cho con đàn cháu đống. Làm sao con có thể dạy dỗ Được con cái nếu không thắng nổi cám dỗ của ma quỷ đang muốn lôi kéo con vào vòng hoài nghi? – cha nói, giọng trách móc đầy vẻ nhân từ. – Nếu con yêu con cái như một người cha tốt thì con sẽ không chỉ mong cho chúng giàu có, sang trọng, danh giá, con còn muốn chúng được rỗi linh hồn và được giáo dục tinh thần dưới ánh sáng chân lí. Có phải không? Con sẽ trả lời đứa bé ngây thơ như thế nào khi nó hỏi: “Bố ơi, ai là người sinh ra tất cả những cái làm con vui thích trên đời này: đất đai, sông nước, mặt trời, hoa cỏ?”. Con sẽ không thể trả lời nó là: “Bố không biết!”. Con không thể không biết đến những điều mà Đức Chúa Trời vì lòng từ bi vô cùng đã chỉ ra cho con thấy. Hoặc nếu đứa bé hỏi: “Cái gì sẽ chờ đợi con sau khi chết?” Con sẽ nói thế nào, nếu không biết gì cả? Con sẽ trả lời nó ra sao? Con sẽ bỏ mặc nó cho sự mê hoặc của thế gian và ma quỷ chăng? Thế không được đâu! – Ông nói rồi ngừng lại, nghiêng nghiêng đầu nhìn Levin bằng đôi mắt hiền từ. Lần này, Levin không trả lời nữa, không phải vì muốn tránh tranh cãi, mà vì chưa ai hỏi chàng những câu như vậy. Khi nào đến lượt con cái hỏi như vậy, chàng cũng còn chán thời giờ suy nghĩ những câu trả lời thỏa đáng.

– Con đang bước vào một giai đoạn của cuộc đời mà con phải lựa chọn lấy đường đi và theo đúng đường đó, – linh mục nói tiếp. – Con hãy cầu Chúa cứu giúp và xá tội cho con, – ông kết luận. – Đức Chúa Jesu Chrits lòng lành vô cùng sẽ xá tội cho con… – và, đọc xong câu kinh xá tội, linh mục ban phước lành và cho chàng ra về. Về tới nhà, Levin lấy làm sung sướng thấy cái chuyện phiền toái đó đã kết thúc mà chàng không buộc phải nói dối. Hơn nữa, chàng còn mơ hồ giữ lại cái cảm tưởng là những điều ông già bé nhỏ hồn hậu đó nói, không phải hoàn toàn ngớ ngẩn như lúc đầu chàng tưởng và trong đó cũng có một cái gì đáng suy nghĩ kĩ. “Tất nhiên không phải bây giờ, mà sau này kia”, Levin thầm nghĩ. Giờ đây, Levin cảm thấy rõ hơn trước là tâm hồn chàng cũng có nhiều vùng tối tăm và vẩn đục, và, đối với tôn giáo, chàng cũng có thái độ giống hệt cái thái độ chàng đã nhận thấy và chê trách ở người khác, đặc biệt là ở ông bạn Xviajxki. Tối hôm đó, Levin cùng vị hôn thê ở chơi nhà Doli, chàng rất hoan hỉ, và, để giải thích cho Xtepan Arcaditr rõ, chàng ví tâm trạng phấn khởi đó với nỗi vui thích của một con chó được dạy nhảy vòng, cuối cùng, sau khi hiểu và làm được cái trò người ta đòi hỏi, nó mừng rỡ sủa khe khẽ rồi vẫy đuôi, nhảy tót lên bàn, lên thành cửa sổ.

2

Ngày hôm cưới, theo tục lệ (phu nhân và Daria Alecxandrovna đòi phải triệt để giữ đúng mọi tục lệ), Levin không gặp cô dâu và ăn trưa ở khách sạn cùng ba gã chưa vợ tình cờ tụ tập ở buồng chàng: Xécgây Ivanôvich, Catavaxov – một người bạn từ hồi cùng học Đại học, hiện làm giáo sư khoa học tự nhiên, mà Levin bắt gặp ngoài phố và kéo về chỗ mình – và Tsiricov, phù rể, thẩm phán hòa giải ở Moxcva và là bạn săn gấu của chàng. Bữa ăn rất vui, Xergei Ivanovitr, đang lúc phởn, rất khoái tính tình độc đáo của Catavaxov. Catavaxov thấy được coi trọng và có người hiểu mình, lại càng thao thao bất tuyệt. Tsiricov cũng vui vẻ tiếp chuyện.

– Phải, – Catavaxov nói rề rà từng tiếng theo thói quen mắc phải khi dạy học, – anh bạn trẻ Conxtantin Dimitrievic của chúng ta trước kia là một thanh niên đầy khả năng. Đây là tôi nói đến người vắng mặt vì hiện nay gã trai đó không còn nữa. Khi rời trường Đại học, anh ta ham mê khoa học, anh ta quan tâm đến con người, còn bây giờ anh ta dùng một nửa khả năng để lừa dối mình và dùng nốt nửa kia để biện hộ cho ảo tưởng đó.

– Tôi chưa bao giờ gặp một kẻ thù địch hôn nhân nào kiên định như ông, – Xergei Ivanovitr nói.

– Không phải, tôi chỉ là một… người tán thành phân công lao động. Những người không biết làm gì cả thì phải tái sản sinh nòi giống, còn người khác thì góp phần vào mở mang trí tuệ và xây dựng hạnh phúc cho đồng loại. Đó là quan điểm của tôi. Có vô số người muốn lẫn lộn hai thứ hoạt động đó, tôi không ở trong số đó.

– Khi nào được biết anh yêu ai thì tôi sẽ sung sướng biết mấy! – Levin nói. – Xin nhớ mời tôi đến dự đám cưới anh nhé.

– Tôi đã yêu rồi.

– Phải, yêu cá mực chứ gì. Anh biết không, – Levin quay sang nói với anh trai, – Mikhail Xemionitr viết một cuốn sách bàn về dinh dưỡng và…

– Thôi đi, đừng có rắc rối tơ! Tôi viết gì mặc tôi. Nhưng quả thực tôi có mê cá mực.

– Điều đó không ngăn anh yêu đàn bà.

– Cá mực không ngăn tôi yêu đàn bà, chính đàn bà mới ngăn tôi yêu cá mực.

– Tại sao vậy?

– Rồi anh sẽ thấy. Anh thích công việc đồng áng, săn bắn phải không, ấy đấy, rồi anh sẽ thấy!

– Hôm nay, Ackhip có đến thăm tôi. Ông ta bảo tôi ở Prunoie có vô số hươu và cả hai con gấu nữa, – Tsiricov nói.

– Các anh cứ đi săn, tôi không đi đâu.

– Thấy chưa? – Xergei Ivanovitr nói. – Ngay từ giờ chú đã có thể vĩnh biệt cái thú săn gấu rồi đấy. Vợ chú sẽ cấm.

Levin mỉm cười. Chàng khoái cái ý nghĩ là vợ sẽ cấm đi săn gấu đến nỗi sẵn sàng mãi mãi từ bỏ thú vui đó.

– Đi săn hai con gấu này mà không có anh thì thật đáng tiếc. Anh còn nhớ cái lần vừa rồi ở Khapilovo không? Chuyến săn này sẽ thú vị lắm đấy! – Tsiricov nói.

Levin không muốn giải thích cho anh ta vỡ lẽ rằng bất cứ nơi nào không có Kitti đều không thể có gì vui thú, vì thế nên chàng nín lặng.

– Thật không phải vô cớ mà người ta đặt ra tục lệ từ biệt cuộc đời trai chưa vợ, – Xergei Ivanovitr nói. – Dù hạnh phúc đến đâu, người ta vẫn luyến tiếc tự do.

– Anh cứ thú thực là muốn nhảy qua cửa sổ như chú rể của Gogol1 đi!

(1) Trong truyện “Đám cưới” của Nicolai Gôgôn, chú rể đã nhảy qua cửa sổ và chạy trốn đúng lúc sắp ra nhà thờ.

– Tất nhiên, nhưng không bao giờ anh ta chịu thừa nhận đâu, – Catavaxov nói và cười phá lên.

– Nếu thế thì cửa sổ mở rồi đấy… Chúng ta đi ngay Tve thôi. Ta có thể tìm thấy con gấu cái trong hang. Ta sẽ đi chuyến tàu năm giờ, thật nhé? Còn ở đây, mặc họ xoay xở với nhau. – Tsiricov mỉm cười nói.

– Không, lạy Chúa chứng giám, – Levin mỉm cười nói, lòng tôi không hề luyến tiếc tự do chút nào.

– Nhưng bây giờ lòng anh đang rối như tơ vò nên còn thấy gì nữa, – Catavaxov nói. – Hãy chờ nó lắng xuống một chút, rồi anh sẽ thấy.

– Không, tôi thấy hình như ngoài tình cảm (chàng không muốn dùng chữ: tình yêu)… và hạnh phúc, đáng lẽ tôi phải cảm thấy luyến tiếc tự do mới đúng, dù chỉ một tí thôi… Trái lại, chính sự mất tự do đã đem lại cho tôi niềm vui sướng này!

– Đây là một trường hợp nguy kịch, – Catavaxov nói. – Chúng ta cạn chén chúc anh ta hồi phục hoặc chúc anh ta nhìn thấy, dù chỉ là một phần trăm, những mơ ước của anh ta được thực hiện. Thế cũng đã là một hạnh phúc chưa hề có trên đời này rồi.

Sau bữa ăn một lát, khách ra về để còn có thời giờ thay quần áo trước buổi hôn lễ.

Còn lại một mình và nhớ tới lời bọn chưa vợ, một lần nữa, Levin tự hỏi lòng mình có chút nào luyến tiếc tự do không.

Chàng mỉm cười tự đặt câu hỏi đó. “Tự do? Tại sao cần có tự do? Hạnh phúc đối với mình là yêu thương, ao ước, là không có tư tưởng và khát vọng nào ngoài tư tưởng, khát vọng của nàng, như thế nghĩa là thủ tiêu tự do… và đó là hạnh phúc!”.

“Nhưng liệu mình có biết được những tư tưởng, khát vọng, tình cảm của nàng không?”, một tiếng nói đột nhiên thầm thì với chàng. Nụ cười biến khỏi đôi môi và chàng triền miên mơ mộng sâu xa. Bỗng nhiên, một cảm giác kì lạ đến với chàng. Chàng thấy khiếp sợ, nghi ngờ… nghi ngờ hết thảy. “Thế nhỡ nàng không yêu mình thì sao? Nhỡ nàng lấy mình chỉ để có chồng? Nhỡ chính nàng cũng không hiểu việc đang làm là thế nào? Chàng tự hỏi. Nàng có thể tỉnh ngộ, và mãi sau khi cưới mới hiểu nàng không yêu mình, không thể nào yêu mình được.” Và những ý nghĩ xấu nhất về Kitti vụt đến trong đầu chàng. Chàng ghen với Vronxki cũng mãnh liệt như một năm trước đây, tựa hồ cái tối chàng gặp nàng với Vronxki mới xảy ra hôm qua. Chàng ngờ nàng đã không nói hết với chàng. Chàng đứng phắt dậy. “Không, không thể như thế được! Chàng tuyệt vọng tự nhủ. Ta sẽ tới nhà nàng; ta sẽ hỏi nàng, ta sẽ nói với nàng một lần nữa: Chúng ta đang tự do; cứ giữ nguyên thế này thôi có hơn không? Bất kể cái gì cũng còn hơn là đau khổ vĩnh viễn, còn hơn là hổ thẹn, bội bạc!”. Đầy tuyệt vọng, đầy oán thù với toàn thể nhân loại, với bản thân mình, với Kitti, chàng ra khỏi khách sạn và đến nhà Trerbaxki. Chàng gặp nàng ở gian phòng trong cùng. Nàng ngồi trên một chiếc rương, đang cùng chị hầu phòng chọn những áo dài đủ màu bày la liệt trên sàn, và lưng ghế tựa.

– A! – nàng hớn hở vui sướng reo lên khi thấy chàng. – Mình đấy à, anh đấy à? (cho đến hôm nay, nàng vẫn gọi chàng khi là “mình”, khi là “anh”). Em không ngờ anh đến đấy! Em đang chọn những áo thời thiếu nữ để phân phát.

– À! Tốt lắm! – chàng nói và nhìn chị hầu phòng, vẻ lầm lầm.

– Duniasa, thôi chị đi ra, tôi sẽ gọi sau, – Kitti nói. – Mình làm sao thế? – nàng hỏi, quả quyết gọi chàng là “mình”, lúc chị đầy tớ đã ra ngoài. Nhìn nét mặt kì lạ, u uất và nhớn nhác của chàng, nàng bỗng hốt hoảng.

– Kitti, anh rất đau khổ. Anh không chịu đựng được một mình nữa, – chàng nói giọng tuyệt vọng, vừa dừng lại trước mặt nàng vừa nhìn nàng bằng đôi mắt cầu khẩn. Chỉ nhìn nét mặt chân thực và đầy yêu thương của nàng, chàng đã thấy điều định nói ra sẽ không đưa đến kết quả gì, tuy vậy chàng vẫn cần được chính nàng xua tan nỗi lo sợ. Anh đến để nói với em rằng hiện giờ vẫn chưa muộn quá đâu. Mọi cái vẫn còn cứu vãn được.

– Sao kia? Em không hiểu gì hết. Mình làm sao thế?

– Anh đã… điều này anh từng nói với em hàng trăm lần rồi và anh không thể gạt bỏ khỏi tâm trí được… Anh không xứng với em. Em không thể thuận tình lấy anh được: Hãy suy nghĩ đi. Em lầm rồi. Hãy suy nghĩ thật kĩ đi. Em không thể yêu anh được… Nếu như… thà em nói thật ra với anh còn hơn, – chàng nói và không nhìn nàng. – Anh sẽ đau khổ… Thiên hạ họ muốn nói gì thì nói… Bất kể cái gì cũng còn hơn là đau khổ… Bây giờ, trong khi hãy còn kịp…

– Em không hiểu gì cả, – nàng sợ hãi trả lời. – Mình muốn hối hôn à?

– Phải, nếu em không yêu anh.

– Mình phát điên rồi à! – nàng kêu lên, đỏ mặt tức giận. Nhưng vẻ mặt Levin thiểu não đến nỗi nàng cố nén giận, và dọn đống áo xếp đầy trên ghế bành, nàng ngồi xuống sát cạnh chàng. – Mình nghĩ những gì nào? Mình nói hết với em đi.

– Anh nghĩ em không thể yêu anh được. Tại sao em lại có thể yêu anh được chứ?

– Trời ơi, thế thì em biết làm thế nào bây giờ? – nàng nói và òa lên khóc.

– Ôi! Anh đã làm gì thế này? – chàng kêu lên và quỳ xuống trước mặt nàng hôn khắp hai bàn tay. Năm phút sau, khi phu nhân bước vào phòng thì hai người đã hoàn toàn làm lành với nhau. Kitti không những quả quyết nói là yêu chàng, mà khi chàng hỏi tại sao lại yêu, còn giải thích rõ nguyên do nữa. Nàng nói nàng yêu vì hoàn toàn hiểu chàng, vì biết chàng yêu thích những gì và tất cả những cái chàng yêu thích đều tốt cả. Và chàng thấy điều đó thật rõ như ban ngày. Khi phu nhân bước vào, họ đang ngồi cạnh nhau trên chiếc rương, cùng chọn áo và bàn cãi, vì Kitti muốn cho Duniasa cái áo nâu nàng mặc hôm Levin đến cầu hôn, còn chàng nằng nặc đòi không được cho ai cái áo đó và bảo nàng cho Duniasa cái áo xanh nhạt.

– Sao mà anh chả hiểu cái gì cả? Tóc nó nâu, cái áo đó không hợp… Em nghĩ cả rồi.

Khi phu nhân đã biết tại sao chàng đến đây, bà liền nửa đùa nửa thật nổi giận và đuổi Levin về thay quần áo, đừng có quấy rầy Kitti vì Saclơ chỉ lát nữa sẽ tới làm đầu cho nàng.

– Nó chẳng ăn uống gì cả, mỗi ngày một xấu đi, thế mà anh còn đến làm nó rối ruột vì những chuyện không đâu, – bà nói.

– Thôi con đi đi, đi đi. – Levin, ngượng ngùng nhưng yên tâm, trở về khách sạn. Ông anh chàng, Daria Alecxandrovna và Xtepan Arcaditr, tất cả đều đã lễ phục chỉnh tề, đang chờ để cầu phúc cho chàng với chiếc tượng thánh. Không còn thì giờ đâu mà bỏ phí. Daria Alecxandrovna còn phải ghé qua nhà đón con trai đã được uốn tóc và chải sáp để cầm tượng thánh đi trước cô dâu. Sau đó, lại phải sai đánh xe đi đón phù rể, còn chiếc xe kia, sau khi đưa Xergei Ivanovitr, sẽ quay trở lại khách sạn… Tóm lại, đủ mọi thứ lo. Có điều chắc chắn là không thể chậm trễ được nữa vì lúc đó đã sáu rưỡi rồi. Cuộc lễ cầu phúc thiếu trang nghiêm. Xtepan Arcaditr đứng cạnh vợ, điệu bộ hài hước, ông trang trọng cầm tượng thánh, và sau khi bảo Levin phủ phục sát đất, liền cầu phúc cho chàng với một nụ cười vừa hiền từ vừa giễu cợt và hôn chàng ba lần. Daria Alecxandrovna cũng làm như vậy, bà đang vội đi và rối lên vì chuyện bố trí xe đi xe về.

– Bây giờ ta phải làm thế này: anh sẽ đi đón phù rể bằng xe của ta, còn Xergei Ivanovitr sau khi đến nhà thờ, xin ông vui lòng cho xe của ông quay lại đây.

– Xin vâng, rất vui lòng.

– Còn tôi, tôi sẽ đến ngay, sau đó cùng với Coxtia. Hành lí gửi đi cả chưa? – Xtepan Arcaditr hỏi.

– Rồi, – Levin trả lời và gọi Kuzma đến giúp chàng mặc quần áo.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.