Anna Karenina (Tập 2)

Phần 5 – Chương 04



8

Trong giai đoạn đầu sau khi ở cữ và khỏi bệnh, Anna cảm thấy sung sướng tột độ và tràn đầy niềm vui sống. Sự hồi tưởng nỗi bất hạnh của chồng không hề đầu độc hạnh phúc của nàng. Một mặt, kỉ niệm đó quá khủng khiếp làm nàng không muốn nghĩ tới nữa và mặt khác, nỗi bất hạnh của chồng đã đem lại cho nàng một hạnh phúc quá lớn khiến nàng không thể cảm thấy hối hận chút nào. Nhớ lại mọi việc xảy ra sau cơn bệnh như: việc làm lành, việc đoạn tuyệt với chồng, tin Vronxki bị thương, việc chàng trở lại, việc chuẩn bị li dị, việc bỏ nhà chồng ra đi, phút từ biệt con trai, nàng thấy mọi cái đó hình như là một cơn ác mộng mà chỉ sau khi ở nước ngoài một mình với Vronxki, nàng mới bừng tỉnh thoát ra được. Nhớ đến nỗi khổ gây cho chồng, nàng có cảm giác gần như ghê tởm và tương tự như cái cảm giác của một người sắp chết đuối đã gạt bỏ người bạn đang níu chặt lấy mình. Người bạn đó đã chết đuối. Tất nhiên, đó là việc xấu, nhưng là lối thoát duy nhất, và tốt hơn hết không nên gợi lại chi tiết khủng khiếp đó làm gì. Sự thanh thoát đến với nàng ngay từ phút đầu đoạn tuyệt và mỗi khi nhớ đến dĩ vãng, nàng lại nghĩ tới giây phút đó. Lúc đó nàng tự nhủ: “Việc mình làm khổ người đàn ông này là điều không tránh được, nhưng mình không hề lợi dụng nỗi bất hạnh của ông ta; chính mình, mình cũng đau khổ và còn tiếp tục đau khổ; mình đã mất những thứ mình yêu quý nhất đời: thanh danh người đàn bà đoan chính và con trai mình. Mình đã hành động sai lầm nên không muốn được hưởng hạnh phúc; mình từ chối li dị và sẽ đau khổ vì ô nhục và phải xa lìa con trai”. Nhưng dù có chân thành mong muốn chịu phần đau khổ đến đâu, Anna vẫn không đau khổ. Nàng không thấy hổ thẹn chút nào. Với sự tế nhị sẵn có của hai người, khi ở nước ngoài, họ tránh tất cả những cuộc gặp gỡ có thể đặt họ vào một nghịch cảnh và ở đâu cũng chỉ gặp những người giả tảng như hiểu rõ hoàn cảnh hơn cả bản thân họ. Cả việc phải xa cách đứa con trai yêu quý, lúc đầu cũng không làm nàng đau khổ. Đứa con gái nhỏ của Vronxki rất xinh, và từ khi Anna chỉ còn mình nó, nàng quyến luyến nó đến nỗi họa hoằn mới nghĩ đến con trai. Cái nhu cầu sống được kích thích sau khi nàng bình phục, trở thành rất mãnh liệt, cùng những điều kiện sinh hoạt rất mới mẻ và rất hấp dẫn khiến Anna sung sướng đến mức không thể dung thứ được. Càng hiểu thêm Vronxki, nàng càng yêu chàng hơn. Nàng yêu vì bản thân chàng và cả vì tình yêu của chàng đối với nàng. Việc chiếm hữu hoàn toàn người đàn ông đó thường xuyên tạo cho nàng nguồn vui. Bao giờ nàng cũng khoan khoái khi có mặt chàng. Mọi nét cá tính của chàng, ngày càng trở nên thân thuộc, đều làm nàng ưa thích. Sự thay đổi trang phục (chàng bỏ không mặc quân phục nữa) làm nàng say mê như một thiếu nữ si tình. Trong tất cả những cái chàng nói, nghĩ và làm, nàng đều thấy dấu hiệu của độc đáo, quý phái và cao thượng. Sự say mê bồng bột của chính nàng đồng thời cũng luôn luôn làm nàng lo sợ: nàng tìm kiếm và không hề thấy ở chàng có cái gì không đáng khâm phục. Nàng không dám để lộ cho chàng thấy ý thức về sự kém cỏi của bản thân so với chàng. Nàng thấy hình như nếu biết điều đó, chàng sẽ mau chóng xa lánh nàng, mà nàng thì không biết ơn thái độ đối xử của chàng và không thể không tỏ ra biết đánh giá đúng thái độ đó. Không bao giờ chàng lộ chút hối tiếc về nỗi đã vì nàng mà hi sinh cả cái sự nghiệp chính trị trong đó, theo ý nàng, chàng có thể giữ vai trò hàng đầu do thiên hướng rõ rệt của chàng về mặt này. Chưa bao giờ chàng yêu say mê và kính trọng nàng đến như vậy và luôn lo lắng tránh cho nàng mọi khó chịu của hoàn cảnh. Con người đầy khí phách nam nhi đó không những không làm gì trái ý mà còn nhường nhịn nàng và hình như chỉ lo đoán trước mọi ý thích của nàng để chiều chuộng. Nàng không thể không cảm động trước việc đó, mặc dầu sự lo liệu và quan tâm thường xuyên đó, cái không khí chăm bẵm chàng bao bọc quanh người yêu đôi khi cũng làm phiền nàng. Còn Vronxki, mặc dầu thực hiện được điều hằng ao ước bấy lâu, vẫn không thể hoàn toàn sung sướng. Chẳng bao lâu, chàng cảm thấy sự thực hiện điều mong muốn đó chỉ mang lại một hạt cát trong cái núi hạnh phúc chàng đã mơ tưởng. Chàng hiểu ra cái sai lầm muôn thuở mọi người thường mắc phải khi tin rằng hạnh phúc có nghĩa là thực hiện được điều mình mong ước. Trong thời kì đầu cuộc đời chung sống với nàng, sau khi từ chức, chàng thưởng thức cái thứ tự do chưa bao giờ được hưởng và lấy làm mãn nguyện, nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Chẳng bao lâu, chàng cảm thấy nảy ra trong thâm tâm cái dục vọng muốn có những dục vọng: sự buồn chán. Ngoài ý muốn của mình, chàng bám lấy những thói ngông phù phiếm nhất, những tưởng tìm thấy trong đó một khát vọng và một mục đích. Mỗi ngày, chàng phải sử dụng những mười sáu giờ và hai người lại đang ở nước ngoài, hoàn toàn tự do, thoát khỏi những điều kiện sinh hoạt trong giới hạn thượng lưu từng chiếm hết thời giờ của chàng hồi ở Peterburg. Thậm chí, chàng cũng không thể nghĩ tới những thú vui của cuộc sống trai chưa vợ xưa kia đã nếm trong các cuộc du lịch, và chỉ một lần làm thử (một bữa tiệc với các bạn thân) đã gây cho Anna một nỗi buồn tủi bất ngờ và quá mức so với việc đó. Vì hoàn cảnh già nhân ngãi non vợ chồng, nên chàng không thể giao du với cả người địa phương lẫn người Nga. Còn danh lam thắng cảnh, ngoài việc chàng đã xem cả rồi, thì với tư cách là người Nga và tri thức, chàng không coi chúng quan trọng đến mức lạ lùng như người Anh thường quen như vậy. Như một con thú đói vồ tất cả những gì vừa tầm, với hi vọng vớ được miếng mồi, Vronxki bất giác lăn vào chính trị, hoặc đọc sách, hoặc hội họa. Vì hồi nhỏ đã có năng khiếu hội họa và không biết tiêu tiền vào việc gì, chàng bắt đầu sưu tập một bộ tranh, chàng quyết định chọn môn hội họa, dành một phần thời gian cho việc đó và dồn vào đó cả cái mớ khát vọng chưa toại nguyện đang đòi hỏi được thỏa mãn. Chàng vốn có khiếu hiểu biết và bắt chước; chàng tưởng mình có điều kiện để trở thành nghệ sĩ và sau một thời gian tự hỏi nên lựa chọn loại hội họa nào: hội họa tôn giáo, lịch sử, phong tục hay tả thực, chàng bắt đầu làm việc. Chàng hiểu biết tất cả mọi thể loại và có thể tìm cảm hứng ở cả loại này lẫn loại kia, nhưng lại không ngờ người ta có thể hoàn toàn không hề biết tới các thể loại hội họa khác nhau mà vẫn có thể trực tiếp cảm hứng từ cái có sẵn trong tâm hồn, không cần quan tâm xem cái mình vẽ có thuộc một trường phái nổi tiếng hay không. Vì không biết điều đó và không cảm hứng ở chính cuộc đời thật, mà lại cảm hứng theo cuộc đời đã thể hiện qua nghệ thuật, nên chàng nhanh chóng và dễ dãi tìm thấy các đề tài và cũng nhanh chóng và dễ dãi đạt tới một thứ hội họa rất giống với loại chàng muốn bắt chước. Trường phái Pháp uyển chuyển và gây ấn tượng, làm chàng ưa thích hơn cả, chàng bắt đầu vẽ một bức chân dung Anna mặc y phục Ý, theo phong cách đó. Và cũng như tất cả những người đã xem bức tranh, chàng thấy nó rất đạt.

9

Tòa biệt thự, hoang phế cũ kĩ với trần nhà cao chạy đường chỉ, với những bích họa, sàn đá khảm, những rèm gấm vàng dày trước cửa sổ cao, những chậu hoa trên chân quỳ lan can và lò sưởi, những cửa ra vào chạm trổ và những hành lang tối trang trí tranh ảnh, khi họ đến ở, nuôi dưỡng trong Vronxki một ảo tưởng khoan khoái rằng mình không phải chỉ là một lãnh chúa Nga, một đại tá hồi hưu, mà chính là một người có học thức say mê và bảo vệ nghệ thuật, một họa sĩ khiêm tốn vì yêu một người đàn bà mà từ bỏ xã hội thượng lưu, từ bỏ mọi giao du cùng tham vọng. Vai trò Vronxki tự chọn cho mình sau khi đến ở biệt thự, làm chàng hoàn toàn mãn nguyện, và khi, do Golenicsev, giới thiệu chàng làm quen được với vài nhân vật lí thú, chàng đã yên tâm khoảng thời gian đầu. Nhờ một giáo sư người Ý hướng dẫn, chàng tập vẽ, kí họa theo tự nhiên và nghiên cứu thời Trung cổ Ý. Thời đại đó làm chàng say mê đến nỗi gần đây chàng đội mũ khoác áo choàng theo thời trang Trung cổ, rất hợp với chàng.

– Chúng ta sống mà chẳng biết gì quanh ta cả, – một buổi sáng Vronxki nói với Golenicsev, khi ông đến chơi. – Anh đã xem tranh của Mikhailov chưa? – chàng nói và đưa cho ông một tờ báo Nga vừa nhận được và chỉ cho xem bài báo nói về một họa sĩ Nga ở cùng thành phố vừa vẽ xong một bức tranh được bàn tán rất nhiều và đã có người đặt mua trước. Bài báo trách chính phủ và Viện hàn lâm đã không giúp đỡ gì nhà nghệ sĩ xuất sắc đó.

– Phải, tôi gặp ông ta rồi, – Golenicsev trả lời. – Tất nhiên không phải ông ta bất tài, nhưng khuynh hướng của ông ta sai về căn bản. Vẫn là quan niệm về Chúa Cứu Thế và đời sống tôn giáo mà người ta thấy ở Ivanov, Xtraux và Renang6.

(6): D.F.Strauss (1808-1874) nhà thần học người Đức, E.Renan (1823-1892) nhà văn và là nhà sử học người Pháp.

– Bức tranh đó vẽ gì? – Anna hỏi.

– Chúa Cứu Thế trước mặt Pilat, Đấng Cứu Thế được vẽ theo mẫu người Do Thái, được thể hiện hoàn toàn theo chủ nghĩa tả thực của trường phái mới.

Và vì vấn đề đã đưa ông tới một trong những luận đề ưa thích. Golenicsev nói tiếp:

– Tôi không hiểu sao họ lại có thể nhầm lẫn một cách kệch cỡm như vậy. Chúa Cứu Thế đã có khuôn mẫu được xác định dứt khoát trong nghệ thuật các bậc thầy xưa kia rồi. Nếu họ không định thể hiện Chúa mà là một nhà cách mạng hoặc hiền triết, thì cứ việc chọn Socrate, Franklin, Saclot Cordei chứ đừng có chọn Jesu. Họ đã chọn nhân vật duy nhất mà nghệ thuật không nên đụng chạm tới, và sau đó…

– Có thực là ông Mikhailov đó nghèo túng đến thế không? – Vronxki hỏi, thầm nghĩ với tư cách là Mạnh thường quân Nga, chàng cần giúp người đó, bất kể tranh ông ta đẹp hay xấu.

– Cũng chưa chắc. Ông ta là một họa sĩ chân dung xuất sắc. Anh đã thấy bức chân dung bà Vaxintsicova của ông ta chưa? Nhưng hình như ông ta không muốn vẽ chân dung nữa; có lẽ vì thế mà túng quẫn. Tôi nói là…

– Liệu có thể nhờ ông ta vẽ chân dung Anna Arcadievna được không? – Vronxki hỏi.

– Tại sao lại vẽ chân dung em? Sau bức chân dung anh vẽ thì em không muốn bức nào khác nữa. Có vẽ chân dung Ani thì vẽ (nàng đặt tên con gái như vậy). Con nó kia kìa, – nàng nói thêm khi nhìn qua cửa sổ thấy chị vú nuôi xinh đẹp người Ý đang cho đứa trẻ dạo chơi trong vườn và liền đó liếc trộm Vronxki. Người đàn bà đẹp đó mà Vronxki đã vẽ cái đầu vào tranh, là nỗi buồn phiền thầm kín duy nhất trong cuộc sống của Anna. Vronxki thán phục nhan sắc và phong thái Trung cổ của chị ta và Anna, chính vì không dám thú nhận rằng mình sợ đâm ghen cả với vú nuôi, lại càng hết sức chăm sóc và nuông chiều chị ta cùng đứa con trai nhỏ của chị.

Vronxki cũng nhìn qua cửa sổ và, bắt gặp cái nhìn của Anna, liền quay ngay lại phía Golenicsev:

– Anh có quen ông Mikhailov đó không?

– Tôi đã gặp ông ta. Đó là một gã lập dị, không có chút giáo dục nào cả. Anh ạ, ông ta thuộc vào cái loại người man rợ mà ngày nay ta vẫn thường gặp thuộc các loại người tự do tư tưởng mà ngay từ đầu đã tự nuôi dưỡng bằng những nguyên lí của chủ nghĩa vô thần, của chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa phủ định. Ngày xưa, – Golenicsev nói tiếp, không để cho cả Anna lẫn Vronxki xen vào câu nào, – ngày xưa một người tự do tư tưởng là người được giáo dục trong sự tôn trọng tôn giáo, pháp luật, đạo đức, và do đấu tranh và lao động mà anh ta đạt tới tự do tư tưởng; nhưng ngày nay lại xuất hiện một kiểu người tự do tưởng tưởng mới, tự nhiên nảy nòi ra từng bầy, thậm chí họ chưa hề nghe nói đến những quy tắc đạo đức và tôn giáo cùng uy quyền, tự mình tiến tới phủ nhận hết thảy, tóm lại, đó là bọn người man rợ. Ông ta thuộc loại đó. Nếu tôi nhớ đúng thì ông ta là con một viên thị vệ ở Moxcva và không được học hành gì cả. Sau khi vào Hàn lâm viện Mỹ thuật và tiếng tăm lừng lẫy rồi, ông ta muốn học tập thêm vì ông ta đâu phải đồ ngốc. Và ông ta nhớ đến cái ông tưởng là nguồn gốc của văn hoá: các tạp chí. ở thời buổi tốt đẹp xưa kia, một người muốn học tập, một người Pháp chẳng hạn, hẳn sẽ bắt đầu nghiên cứu tất cả những nhà kinh điển: các nhà thần học, bi kịch, sử học, triết học, anh cũng thừa biết cái khối lượng lao động trí óc to lớn chờ đợi họ là như vậy. Nhưng thời buổi này, ông ta chỉ việc nhảy vào đám sách báo tiêu cực, rất nhanh chóng hấp thụ ngay lấy một ít chất gạn lọc từ khoa học phủ định đó và thế là xong. Nếu là hai mươi năm trước đây, hẳn ông ta còn tìm thấy được trong thứ văn chương đó những dấu vết của sự đấu tranh chống uy quyền, chống lại những tập quán nghìn đời, qua đó ông ta có thể hiểu còn có cái gì khác nữa, nhưng ngày nay thậm chí người ta cũng không thèm tranh luận về những quan niệm thời trước, người ta chỉ nói gọn lỏn: không có gì cả; tiến hóa, tự nhiên đào thải, đấu tranh sinh tồn đã thay thế tất cả. Trong bài viết của tôi…

– Này, – Anna nói, từ nãy vẫn đưa mắt kín đáo trao đổi với Vronxki và hiểu là chàng không cần biết họa sĩ đó được đào tạo như thế nào mà chỉ bận tâm suy nghĩ đến việc giúp đỡ ông ta và đặt vẽ chân dung. – Này, – nàng nói, quả quyết cắt đứt những lời thao thao bất tuyệt của Golenicsev, – hay là ta đến nhà ông ta đi?

Golenicsev bình tĩnh lại và vui lòng nhận lời. Vì họa sĩ ở tận một khu phố xa nên họ phải thuê xe.

Một giờ sau, Anna, Golenicsev và Vronxki đi xe ngựa tới một căn nhà mới xấu xí ở một khu phố xa. Được vợ người gác cổng cho biết Mikhailov thường tiếp khách trong xưởng vẽ, nhưng ông ta hiện đang ở nhà cách đấy mấy bước, họ liền nhờ bà cầm danh thiếp đưa đến và xin phép được xem tranh.

10

Mikhailov đang làm việc như thường lệ thì nhận được danh thiếp của bá tước Vronxki và của Golenicsev đưa tới. Buổi sáng, ông vẽ bức tranh lớn ở xưởng hoạ. Về đến nhà, ông cáu với vợ đã không biết cách khất bà chủ đến đòi tiền nhà.

– Tôi đã bảo mình hàng chục lần là không phân trần lôi thôi gì với họ cả. Mình vốn khá ngu ngốc rồi, nhưng khi bắt đầu phân trần bằng tiếng Ý thì mình càng ngu ngốc gấp ba, – ông ta nói vậy sau hồi lâu cãi cọ.

– Này đừng có vặc với tôi, đó không phải lỗi tại tôi. Nếu như tôi có tiền…

– Trời ơi, để cho tôi yên thân! – Mikhailov quát lên, giọng nghẹn ngào nước mắt và bịt tai, chạy trốn sang phòng làm việc bên cạnh, khóa chặt cửa lại. “Sao mà nó ngu thế!” ông nghĩ thầm và ngồi vào bàn, mở kẹp giấy ra, hăm hở bắt tay ngay vào một bức hình vẽ dở.

Không bao giờ ông làm việc tốt hơn khi cuộc sống gặp khó khăn và đặc biệt khi cãi nhau với vợ.

“Chao! Giá mà ta có thể ở tít một xó nào nhỉ!”. Ông tự nhủ và tiếp tục làm việc. Ông vẽ một cái đầu đàn ông đang nổi cơn thịnh nộ. Bức hình họa phác xong rồi, nhưng ông không vừa ý. “Không, cái kia khá hơn… Nó đâu rồi nhỉ? “. Ông sang buồng vợ, mặt mày nhăn nhó, không buồn nhìn bà ta, và hỏi con gái lớn để đâu bức hình họa ông đã đưa cho vợ con xem. Bức vẽ đã tìm thấy nhưng bẩn hết và giây đầy vết mỡ sáp. Tuy nhiên, ông vẫn cầm lấy, đặt lên bàn, đứng lùi lại và nheo mắt ngắm nghía. Bỗng nhiên ông mỉm cười và khoát tay ra chiều mãn ý.

– Phải rồi, phải rồi! – ông tự nhủ; ông vớ ngay bút chì và vẽ như mê cuồng. Một vết mỡ sáp đã làm hình vẽ có một dáng mới.

Ông vẽ lại cái dáng mới đó và đột nhiên nhớ tới khuôn mặt cương nghị có cằm nhô ra của gã lái buôn thường bán xì gà cho ông và ông lấy khuôn mặt cùng cái cằm đó làm đề tài. Ông cười sung sướng. Bức phác họa đến nay mới chỉ xuất phát từ tưởng tượng và thiếu sức sống, bỗng trở nên sinh động, dứt khoát. Nó đã có hồn, rõ ràng phân minh. Còn có thể sửa lại hình vẽ cho hợp yêu cầu nhân vật, còn có thể và cần cho dạng đôi chân một cách khác, thay đổi hẳn dáng cánh tay trái, vẽ lật tóc ra sau. Trong khi sửa lại, ông không hề thay đổi nhân vật, chỉ tước bỏ những gì che lấp nhân vật. Có thể nói ông đã cởi bỏ những tấm màn che từng bộ phận nhân vật; mỗi nét bút mới góp phần làm cho bóng dáng nhân vật tăng thêm vẻ cương nghị mà vết mỡ sáp đột nhiên gợi ý. Ông đang thận trọng hoàn thành nốt bức hình thì danh thiếp đưa tới.

– Tôi ra ngay, ra ngay đây! – Ông sang buồng vợ.

– Thôi, Xasa, đừng giận nữa! – ông dịu dàng và rụt rè mỉm cười bảo vợ. – Cả hai chúng ta đều có lỗi. Rồi anh sẽ thu xếp việc đó. – Và sau khi dàn hòa với vợ, ông khoác chiếc áo bành-tô màu lam sẫm cổ nhung, đội mũ và ra xưởng hoạ. Ông đã quên bức hình họa rồi. Giờ đây ông chỉ nghĩ tới các quý khách người Nga đi xe ngựa đến thăm. Trong thâm tâm, khi nghĩ về bức tranh hiện đang đặt trên giá vẽ, ông cho rằng chưa ai vẽ được một bức như vậy. Ông không nghĩ tranh mình đẹp hơn tất cả các tranh Rafael đâu, nhưng ông biết chưa ai thể hiện nổi điều đó, ông biết thế từ lâu, từ lúc bắt đầu vẽ; nhưng nhận xét của người khác dù sao cũng rất quan trọng và làm ông xúc động tận đáy lòng. Lời phê bình tầm thường nhất, chứng tỏ sự hiểu biết ít ỏi nhất đối với cái mà ông thể hiện trên tranh, cũng làm tâm hồn ông xao xuyến. Bao giờ ông cũng cho là những người bình phẩm có tầm hiểu biết sâu sắc hơn mình và bao giờ cũng chờ đợi họ phát hiện cho ông thấy một khía cạnh bất ngờ của tranh. Và thường thường, ông tưởng như chính sự nhận xét của khách xem đã phát hiện cho ông hiểu tranh mình. Ông nhanh nhẹn bước tới cửa xưởng họa. Mặc dầu đang hồi hộp, ông vẫn sững sờ trước hình dáng Anna trong làn ánh sáng dìu dịu bao quanh. Lúc đó nàng đang đứng ở một chỗ tranh tối tranh sáng, vừa nói chuyện với Golenicsev vừa nhìn họa sĩ lại gần. Bất giác, ông vừa đi vừa chộp lấy, nuốt lấy cái ấn tượng đó, như đối với chiếc cằm gã lái buôn thuốc lá, và giấu kín trong một góc tâm trí để khi cần sẽ moi ra. Các vị khách, tuy đã Được Golenicsev mô tả trước để khỏi ảo tưởng, vẫn thất vọng vì bề ngoài của họa sĩ. Với khổ người tầm thước, béo mập, dáng đi lon ton, với chiếc mũ nâu, áo khoác màu lam sẫm và quần hẹp ống (từ lâu người ta đã mặc quần rộng ống), sự phàm tục của bộ mặt bè bè cùng vẻ rụt rè hiện rõ trên đó lẫn với ý muốn giữ cho trịnh trọng, Mikhailov tạo ra một ấn tượng khó chịu.

– Xin mời các ngài vào, – ông nói, cố làm ra vẻ lãnh đạm bước vào phòng chờ, rút trong túi ra chiếc chìa khóa và mở cửa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.