Anna Karenina (Tập 2)
Phần 5 – Chương 05
11
Vào đến xưởng họa, Mikhailov lại liếc nhìn các vị khách một lần nữa và ghi thêm vào tâm trí vẻ mặt Vronxki, đặc biệt là đôi gò má. Trong khi quan năng nghệ thuật làm việc không ngừng, thu thập chất liệu và lòng mỗi lúc một thêm hồi hộp khi sắp tới giây phút người ta đánh giá tác phẩm của mình, ông vẫn có ngay một nhận định về ba nhân vật đó, dựa vào những dấu hiệu thoáng qua. Ông này (Golenitrsev) là một người Nga ngụ ở đây. Mikhailov không nhớ tên, cũng không nhớ đã gặp ông ta ở đâu và nói chuyện với nhau những gì. Ông chỉ còn nhớ mặt ông ta, như ông thường nhớ tất cả những khuôn mặt từng gặp một lần, đồng thời ông cũng nhớ là đã xếp nó, trong trí tưởng tượng vào loại nhiều vô kể những bộ mặt nghèo sắc thái với một vẻ độc đáo giả tạo. Mớ tóc dài và cái trán lồ lộ làm bộ mặt có tính cách hời hợt, nó chỉ biểu lộ một vẻ ấu trĩ tập trung trong khoảng sống mũi hẹp ngăn đôi hai con mắt. Theo ý họa sĩ, Vronxki và Carenina ắt là những người Nga giàu sang, không hiểu chút gì về nghệ thuật như tất cả bọn Nga giàu có vẫn làm ra vẻ sành sỏi. “Chắc chắn họ đã đi xem khắp lượt các thứ hội họa cổ và bây giờ đến thăm xưởng vẽ của các họa sĩ mới, của bọn Đức bịp bợm và bọn Anh ngu xuẩn theo chủ nghĩa Tiền Raphael; họ đến mình chỉ để hoàn thành nốt cuộc đi tua”, ông thầm nghĩ. Ông đã biết cái thói của bọn mê họa (và chính những tay thông minh nhất lại là bọn tệ nhất); họ thăm xưởng vẻ của các họa sĩ mới, người ta càng thấy các bậc thầy xưa kia vẫn không sao bắt chước được. Ông thấy trước mọi cái đó, đọc nó trên nét mặt họ, trong vẻ uể oải dửng dưng khi họ trò chuyện, ngắm xem những mô hình người cùng tượng bán thân và dạo chơi không chút e dè trong xưởng vẽ, chờ ông mở tranh cho xem. Nhưng mặc dầu mọi cái đó, trong khi giở phác thảo, cuốn rèm và cất vải phủ tranh, ông vẫn thấy xúc động mãnh liệt, càng mãnh liệt hơn vì ông thấy ưa thích Vronxki nhất là Anna, tuy vẫn thầm nhắc đi nhắc lại rằng tất cả cái bọn Nga giàu sang đó đều là đồ súc sinh và ngu ngốc.
– Đây, – ông vừa nói vừa né sang bên với dáng đi lon ton và chỉ cho họ xem bức tranh. – Đây là cảnh Chúa Cứu Thế đứng trước Pilate, Matiơ, chương XXVII, – ông nói, cảm thấy đôi môi bắt đầu run lên vì xúc động. Ông lánh ra và đứng sau họ. Trong vài giây đồng hồ, các vị khách im lặng ngắm tranh, Mikhailov cũng nhìn nó bằng cặp mắt xa lạ, dửng dưng. Trong vài giây đó, ông chờ đợi một nhận định siêu việt và xác đáng ở các vị khách, mà trước đây một phút ông còn coi khinh đến thế. Ông đã quên tất cả những điều ông suy nghĩ về bức tranh trong ba năm trời vẽ ròng rã; ông quên tất cả giá trị hiển nhiên của nó đối với ông; cũng như họ, ông nhìn bức tranh bằng con mắt lạnh lùng và dửng dưng, và không thấy nó có ưu điểm nào. Ở tiền cảnh là bộ mặt quàu quạu của Pilate, bộ mặt bình thản của Jesu và đằng sau là bọn lính của Pilate cùng khuôn mặt thánh Tăng đang quan sát những việc xảy ra. Tất cả những khuôn mặt đó, kết quả của vô số lần tìm tòi, sửa chữa và sai sót, nảy sinh từ trong lòng ông với những tính cách riêng biệt, gây cho ông mọi nỗi vui sướng và day dứt, đã được sửa hàng ngàn lần để đúc lại tất cả những tranh Jesu của Titieng, Rafael, Ruyben. Cả bọn lính và Pilat cũng chỉ làm mẫu sao lại. Tất cả những cái đó đều nhạt nhẽo, nghèo nàn, cũ kĩ và thậm chí còn vẽ tồi, sặc sỡ và ẽo ợt nữa. Chắc họ sắp nói vài câu lịch sự khách sáo đây và khi chỉ còn một mình, hẳn họ sẽ rất có cớ để thương hại và nhạo báng ông. Không khí trở nên quá nặng nề đối với ông (tuy nhiên, điều đó chỉ kéo dài có một phút). Để phá tan im lặng và tỏ ra mình không hề xúc động, ông gắng tự chủ quay lại phía Golenicsev.
– Hình như tôi đã được hân hạnh gặp ông rồi, – ông vừa nói vừa lo lắng đưa mắt hết nhìn Anna lại đến Vronxki để khỏi bỏ sót nét thay đổi nào trên mặt họ.
– Đúng thế! Chúng ta đã gặp nhau ở nhà Rôxi, ông còn nhớ cái tối hôm cô tiểu thư Ý, nàng Rasen mới, ngâm thơ chứ, – Golenicsev ung dung trả lời, không chút luyến tiếc rời mắt khỏi bức tranh, quay sang nhìn họa sĩ.
Tuy nhiên, khi thấy Mikhailov đang chờ đợi một nhận xét về bức tranh, ông liền nói:
– So với lần tôi được xem gần đây thì bức tranh của ông đã tiến nhiều lắm. Hôm nay cũng như hôm đó, cái làm tôi chú ý nhất là bộ mặt Pilat. Ta thấy rõ con người trung thực và ưu tú đó, nhưng quan liêu đến tận xương tủy, không hề ý thức được việc mình làm. Nhưng tôi thấy hình như…
Bộ mặt linh hoạt của Mikhailov bỗng nhiên ngời sáng, đôi mắt long lanh. Ông muốn nói điều chi, nhưng bối rối, không thốt nên lời và vờ ho. Mặc dầu ông thấy sự hiểu biết nghệ thuật của Golenicsev rất tầm thường, mặc dầu điều nhận xét về bộ mặt Pilat thật vô nghĩa, mặc dầu lời bình phẩm đã bỏ qua điều chủ yếu khiến ông phật ý, Mikhailov vẫn lấy thế làm vui sướng. Chính ông cũng đã nghĩ về bộ mặt Pilat như lời Golenicsev nói. Dù đó chỉ là một trong muôn ngàn lời bình phẩm xác đáng có thể nêu ra đối với bức tranh, nhận xét của Golenicsev vẫn không vì thế mà kém phần quan trọng đối với ông. Ông bỗng thấy mến ông khách và đột nhiên từ chán nản trở nên phấn khởi. Lập tức, bức tranh sinh động hẳn lên trước mắt ông và mang theo vẻ phức tạp của tất cả những gì đang sống thật. Mikhailov một lần nữa định nói chính ông cũng hiểu Pilat theo cách đó, nhưng môi ông lại bắt đầu run bần bật và không sao thốt ra lời. Vronxki và Anna thì bàn tán bằng cái giọng rì rầm thường thấy ở các triển lãm hội họa, một phần để khỏi làm mếch lòng nghệ sĩ, một phần để khỏi nói to những lời ngớ ngẩn dễ buột miệng thốt ra khi bàn về nghệ thuật. Mikhailov ngỡ là chính họ cũng xúc động trước bức tranh. Ông bước đến gần hai người.
– Vẻ mặt Jêxe thật tuyệt! – Anna nói. Trong tất cả những cái nhìn thấy, vẻ mặt đó làm nàng chú ý nhiều nhất. Nàng cảm thấy đó là trung tâm bức tranh và cho rằng lời khen ngợi sẽ làm vui lòng họa sĩ.
– Ta thấy rõ là Người thương hại cho Pilat. Đó cũng lại là một trong vô số nhận xét xác đáng có thể nêu ra đối với bức tranh và đối với bộ mặt Jesu. – Nàng đã nói là Người thương hại cho Pilat. Bộ mặt của Đấng Cứu Thế phải biểu lộ cả lòng nhân từ cũng như tình thương, vẻ bình thản siêu phàm, sự đón nhận cái chết và ý thức về sự hão huyền của lời nói. Hiển nhiên là Pilat có vẻ một viên quan lại, còn Jesu biểu lộ lòng thương hại vì một đằng là hiện thân của đời sống xác thịt, một đằng là hiện thân của đời sống tinh thần. Tất cả những điều đó xen lẫn với một mớ liên tưởng khác, vụt qua trí óc Mikhailov. Và một lần nữa khuôn mặt ông lại sáng ngời lên phấn khởi.
– Phải, hình ảnh đó thể hiện rất cừ, không khí tạo ra thật mênh mông! Có thể đi quanh một vòng được, – Golenicsev nói, bằng nhận xét đó tỏ ý không tán thành nội dung và cách quan niệm nhân vật.
– Bút pháp thật vững vàng kì lạ! – Vronxki nói. – Những hình dáng ở bối cảnh nổi bật hẳn lên! Đó mới là kĩ thuật, – chàng quay lại nói với Golenicsev, hàm ý muốn nhắc tới một cuộc nói với Golenicsev, hàm ý muốn nhắc tới một cuộc nói chuyện trong đó chàng thú nhận không hi vọng gì đạt được kĩ thuật đó.
– Vâng, vâng, thật là đặc sắc! – Golenitrsev và Anna họa theo.
Mặc dầu Mikhailov đang ở trong tâm trạng khoan khoái, chữ “kĩ thuật” vẫn làm tim ông đau nhói. Ông tức giận nhìn Vronxki và cau mày. Ông vẫn thường nghe thấy chữ “kĩ thuật” đó và quả tình không hiểu nghĩa chữ đó như thế nào. Ông biết người ta dùng chữ đó để chỉ năng khiếu máy móc về vẽ màu và vẽ hình không dính dáng gì đến nội dung. Cũng như trong lời họ vừa tán tụng ông xong, ông nhận thấy người ta thường đối lập kĩ xảo với chân giá trị nội tại của một tác phẩm, làm như có thể vẽ đẹp những điều chưa được quan niệm thật đầy đủ. Ông biết rằng phải rất chú ý và khéo léo mới nhấc được từng tấm màn che mà không làm hỏng bản thân tác phẩm và nhấc được tất cả màn che ra khỏi tranh, nhưng nghệ thuật hội họa không dính dáng gì đến kĩ thuật. Nếu một đứa bé hoặc một bà nấu bếp nhìn thấy được cái ông nhìn thấy, hẳn họ cũng có thể ghi được những điều quan sát đó. Nhưng nhà kĩ thuật hội họa giàu kinh nghiệm và khéo léo nhất, nếu không tiên lượng thấy nội dung tác phẩm mà chỉ bằng vào năng khiếu máy móc đơn thuần, thì không thể vẽ được gì hết. Hơn nữa, nếu đã bàn về kĩ thuật, ông cảm thấy đúng ra không thể khen ngợi kĩ thuật của ông được. Trong mọi tác phẩm của mình, ông đều thấy những khuyết điểm đập vào mắt, do vụng về khi nhắc màn che ra: ông không thể sửa chữa mà không làm hỏng toàn bộ tác phẩm. Và trên tất cả hình dáng, nét mặt, ông thấy vẫn còn dấu vết sót lại của màn che chưa bóc hết và làm tổn hại đến toàn thể.
– Nếu ông cho phép được nhận xét, thì tóm lại, chỉ có thể nói là… – Golenicsev nói.
– Ồ! Tôi rất lấy làm vui lòng, xin ông cứ nói, – Mikhailov cười gượng, nói:
– Đó là trong tác phẩm ông, Đấng Cứu Thế là một Con người – Thần thánh chứ không phải Thần thánh nhân hóa. Vả lại, tôi biết đó là ý định của ông.
– Tôi không thể vẽ Đấng Cứu Thế khác với hình ảnh của Người trong tâm hồn tôi, – Mikhailov trả lời, vẻ lầm bầm.
– Vâng, nhưng trong trường hợp đó, nếu ông cho phép tôi được bày tỏ ý nghĩ… bức tranh của ông đẹp đến nỗi nhận xét của tôi không thể có ảnh hưởng gì và vả lại, đây cũng chỉ là một ý kiến hoàn toàn cá nhân mà thôi. ý kiến ông lại khác. Bản thân đề tài cũng khác. Nhưng ta hãy lấy Ivanov, làm thí dụ. Tôi cho rằng khi ông ta đã hạ Đấng Cứu Thế xuống hàng nhân vật lịch sử thì tốt hơn là ông ta hãy chọn một chủ đề mới hơn, chưa ai khai thác cả.
– Nhưng nếu đó lại là chủ đều cao cả nhất đối với nghệ thuật thì sao?
– Nếu chịu tìm tòi thì vẫn có thể thấy những chủ đề khác. Nhưng quả thật, nghệ thuật là chuyện không thể bàn cãi. Đứng trước bức tranh của Ivanov, một câu hỏi chung đặt ra cả cho những tín đồ lẫn người không tín ngưỡng: đây có phải là Chúa hay không phải Chúa?, và thế là sự nhất quán về ấn tượng bị phá vỡ.
– Tại sao lại như thế được? Tôi cho là câu hỏi đó không hề đặt ra với người có học, – Mikhailov nói.
Golenicsev không đồng ý và vẫn giữ ý kiến ban đầu của mình về sự nhất quán trong ấn tượng, – cần thiết với nghệ thuật, làm Mikhailov đuối lí. Mikhailov bị khích động mạnh nhưng không biết nói gì để bảo vệ quan điểm của mình.
12
Anna và Vronxki hồi lâu đã đưa mắt nhìn nhau, khó chịu vì những lời huênh hoang của ông bạn, cuối cùng Vronxki không đợi chủ nhân mời, đi sang căn phòng nhỏ ngay cạnh xưởng vẽ.
– Ôi! Đẹp quá, thật tuyệt vời! Thật thú vị! – cả hai đồng thanh nói.
“Cái gì mà làm họ thích thú đến thế?”, Mikhailov thầm nghĩ. Ông đã quên bẵng bức tranh đó, vẽ từ ba năm trước. Ông đã quên tất cả những đau khổ và vui sướng do bức tranh đem lại trong mấy tháng ròng rã làm việc ngày đêm. Ông cũng quên là mình thường quên bẵng những tác phẩm đã hoàn thành. Ông không buồn nhìn đến những bức đó nữa và sở dĩ còn treo đấy, chỉ là để chờ một người Anh hỏi mua.
– Ồ, có gì đâu, đấy chỉ là một phác họa cũ thôi, – ông nói.
– Đẹp quá! – Golenicsev cũng họa theo, có vẻ thích thú bức tranh. Hai chú bé đang câu cá dưới bóng cây kim tước. Đứa lớn vừa quăng dây câu xuống và thận trọng gỡ chiếc phao vướng vào bụi cây; nó như đang để hết tâm trí vào việc đó; đứa nhỏ chống tay nằm trên bãi cỏ, mái tóc vàng rối bù, đang ngắm nhìn mặt nước bằng đôi mắt xanh tư lự. Nó nghĩ gì vậy? Sự hứng thú do bức tranh gây ra lại làm bừng dậy trong lòng Mikhailov mối xúc động xưa kia; nhưng ông sợ cái tình cảm phù phiếm đối với dĩ vãng đó, cho nên, mặc dầu lời khen ngợi làm ông vui thích, ông vẫn muốn lưu ý các vị khách đến một bức thứ ba.
Vronxki hỏi ông có bán bức kia không. Việc đả động đến tiền nong giữa lúc trong lòng đang xúc động, làm Mikhailov khó chịu.
– Tranh bày là để bán đấy, – ông cau mày trả lời, vẻ ủ ê.
Khách đi rồi, Mikhailov ngồi xuống trước bức tranh Đấng Cứu thế và Pilat, ôn lại trong trí óc những điều khách đã nói hoặc ít nhất đã ám chỉ. Thật lạ lùng: khi họ còn ở đây và khi ông thầm đặt mình vào quan điểm của họ, cái điều lúc đó đối với ông trọng yếu là thế, giờ đây bỗng nhiên mất hết ý nghĩa. Ông lại bắt đầu ngắm tranh với con mắt nghệ sĩ chân chính và lại vững tin rằng tác phẩm của mình thật hoàn hảo và do đó, thật quan trọng – cái niềm tin cần thiết cho ông để duy trì tình trạng căng thẳng vượt lên mọi hứng thú khác và thiếu nó thì không thể làm việc được. Cái chân thu ngắn lại của Đấng Cứu thế tuy nhiên còn sai sót. Ông cầm bảng bôi màu và bắt tay vào làm việc. Trong khi chữa lại cái chân, ông không rời mắt khỏi hình dáng thánh Jăng ở bối cảnh mà thậm chí các vị khách không hề để ý tới nhưng ông thì ông biết nó hết sức hoản hảo. Sửa xong cái chân, ông định sửa luôn hình đó, nhưng cảm thấy quá xúc động. Cả những lúc quá dửng dưng lẫn khi cảm kích và dễ rung động trước mọi vật, ông đều bất lực mà chỉ có thể làm việc trong trạng thái trung gian giữa lạnh lùng và phấn khởi. Lúc này, ông đang quá cảm động. Ông muốn che bức tranh đi, nhưng dừng lại, một tay cầm màn che, ngắm nghía hồi lâu hình dáng thánh Jăng với một nụ cười ngây ngất. Cuối cùng, như luyến tiếc không nỡ dứt ra, ông buông màn che xuống và quay về nhà, mệt mỏi nhưng sung sướng. Trên đường về, Vronxki, Anna và Golenicsev hết sức vui vẻ và hoạt bát. Họ nói đến Mikhailov và tranh của ông ta. Trong câu chuyện, họ luôn nhắc đến chữ “tài năng” mà họ dùng để chỉ một thứ năng khiếu bẩm sinh, gần như thuộc về thể xác, độc lập với tâm hồn và trí tuệ, cũng như để gọi tên tất cả những gì người nghệ sĩ cảm thụ: chữ đó cần cho họ để xác định điều muốn nói mặc dầu họ không hiểu gì về điều đó cả. Họ nói: Không thể phủ nhận tài năng ông ta, nhưng vì thiếu giáo dục nên tài năng đó không phát triển được, đó là nỗi bất hạnh chung cho tất cả nghệ sĩ Nga của ta. Nhưng bức tranh hai chú bé đã khắc sâu vào kí ức họ và suýt nữa họ còn định quay lại xem lần nữa. “Thật là đẹp! Rất thành công mà lại rất giản dị! Chính ông ta cũng không thấy hết nó đẹp đến thế nào! Không thể để lỡ dịp này, tôi phải mua ngay thôi”, Vronxki nói.
13
Mikhailovna bán bức tranh cho Vronxki và nhận lời vẽ chân dung Anna. Đúng ngày hẹn, ông đến và bắt đầu làm việc.
Ngay từ buổi vẽ thứ năm, bức chân dung đã làm mọi người và nhất là Vronxki phải kinh ngạc vì không những nó giống mà còn đẹp lạ lùng. Kì lạ thay, Mikhailov đã nắm được tất cả đặc điểm vẻ đẹp của người mẫu. “Phải hiểu nàng và yêu nàng như mình mới có thể khám phá được vẻ duyên dáng tuyệt vời đó, nó là một phản ánh của tâm hồn nàng”, Vronxki thầm nghĩ. Nhưng thực ra, chính bức chân dung đã chỉ cho chàng thấy vẻ duyên dáng tuyệt vời đó, phản ánh tâm hồn Anna. Nhưng cái vẻ đó xác thực đến nỗi những người khác, cũng như chàng, đều tưởng đã biết từ lâu rồi.
– Tôi hì hục bao lâu nay mà không đi đến đâu cả, – Vronxki nhắc đến bức chân dung chàng vẽ, – còn ông ta chỉ cần nhìn qua một cái là thể hiện được ngay. Thế mới thật sự là kĩ thuật.
– Cái đó rồi sẽ đạt được thôi, – Golenicsev nói để khuyến khích Vronxki, ông cho rằng chàng có tài năng và nhất là có trình độ văn hóa giúp chàng nâng cao quan điểm nghệ thuật. Golenicsev càng tin chắc như vậy, vì ông đang cần Vronxki đồng tình và khen ngợi công việc của chính mình, và theo ông, việc khen ngợi và ủng hộ phải có đi có lại. Khi ở nhà người khác, và đặc biệt là trong biệt thự của Vronxki, Mikhailov là một người khác hẳn khi ở xưởng vẽ. Ông tỏ ra lễ độ một cách gườm gườm như sợ gần gũi thân mật với những người mà ông không coi trọng. Ông gọi Vronxki là “Quan lớn”, và bất kể lời mời mọc của Anna và Vronxki, không bao giờ ông ở lại ăn uống hoặc đến thăm ngoài những buổi Anna ngồi làm mẫu vẽ. Anna đặc biệt ân cần và biết ơn ông về bức chân dung, Vronxki lại càng lịch thiệp hơn đối với ông và rõ ràng muốn biết ý kiến của nghệ sĩ về bức tranh của mình. Golenicsev không bỏ lỡ dịp nào để nhồi vào đầu óc ông ta những ý kiến lành mạnh về nghệ thuật. Nhưng Mikhailov đều lạnh lùng với mọi người. Xem cách nhìn, Anna cảm thấy ông thích ngắm nàng; nhưng ông tránh không chuyện trò. Khi Vronxki nói với ông về bức tranh của mình, ông một mực làm thinh và vẫn giữ nguyên vẻ trầm lặng cố tình đó khi bức tranh được đưa ra cho ông xem; và rõ ràng ông chán ngấy những câu chuyện của Golenicsev nhưng không hề cãi lại. Tóm lại, khi hiểu kĩ Mikhailov hơn, họ đâm phật ý vì thái độ dè dặt và không thân thiện, gần như thù địch của ông. Họ lấy làm bằng lòng khi các buổi vẽ kết thúc: họ đã có một bức chân dung đẹp và Mikhailov thôi không đến nữa…
Golenicsev là người đầu tiên nói đến cái ý kiến mà mọi người đều đồng tình, tức là Mikhailov ghen ghét với Vronxki, có thế thôi.
– Ta không dùng chữ ganh tị, vì ông ta có tài năng: nhưng ông ta tức tối vì một người giàu có, địa vị cao sang, lại là bá tước nữa (anh chị cũng biết bọn họ ghét tất cả cái đó) không phải vất vả quá đáng mà cũng làm được, nếu không hơn, thì cũng bằng ông ta, trong khi ông ta phải bỏ cả cuộc đời vào việc đó. Cái chính là trình độ văn hóa, mà ông ta lại không có văn hóa. – Vronxki bênh vực Mikhailov, nhưng trong thâm tâm, chàng cũng đồng ý, vì theo chàng, một người ở tầng lớp thấp hèn hơn thì tất phải ghen ghét. Hai bức chân dung Anna, bức của chàng và bức của nghệ sĩ, đáng lẽ phải chỉ cho Vronxki thấy sự cách biệt giữa chàng và Mikhailov, nhưng chàng không nhìn thấy. Tuy nhiên, sau Mikhailov, chàng thôi không vẽ tiếp chân dung Anna nữa, viện cớ nay nó thành ra thừa rồi. Chàng vẽ tiếp bức tranh lấy đề tài ở thời Trung cổ. Cũng như Golenicsev, và nhất là Anna, chàng thấy bức này rất đẹp vì so với những bức của Mikhailov, nó giống những tác phẩm lớn thuở xưa hơn rất nhiều. Về phía Mikhailov, mặc dầu rất thích được vẽ chân dung Anna, ông còn hài lòng hơn cả họ khi các buổi vẽ chấm dứt, khi không còn phải nghe những lời bình luận của Golenicsev về nghệ thuật và có thể quên đi cái trò vẽ vời của Vronxki. Ông biết không thể cấm Vronxki tiêu khiển, ông biết Vronxki cũng như tất cả những kẻ mê họa khác đều có quyền vẽ gì tuỳ thích, nhưng ông vẫn lấy thế làm khó chịu. Ta không thể ngăn cấm một người nặn một con búp bê lớn bằng sáp và ôm ấp hôn hít nó. Nhưng nếu người đó lại ôm con búp bê đến ngồi trước một cặp tình nhân mà vuốt ve nó như anh chàng si tình vuốt ve người yêu, thì thật khó chịu cho chàng si tình kia. Mikhailov cũng có cảm giác khổ tâm như vậy khi phải xem tranh Vronxki: ông thấy nó thật lố bịch, đáng bực, thảm hại và chướng mắt. Vronxki ham mê hội họa và thời Trung cổ không được bao lâu. Chàng cũng tạm đủ ý thức thẩm mĩ để dừng lại không vẽ nốt bức tranh nữa. Thế là nó bị dở dang. Vronxki mơ hồ cảm thấy rằng những chỗ kém của mình lúc đầu còn chưa rõ rệt, sẽ càng hiển nhiên, nếu vẽ tiếp. Chàng cũng giống Golenicsev, ông này cảm thấy mình không có gì đáng nói ra, bèn tiêu thời giờ để tự lừa dối bằng cách thầm nhủ là tư tưởng mình chưa đạt tới trình độ chín muồi đầy đủ và còn phải bồi dưỡng đến nơi đến chốn, đồng thời thu thập tài liệu. Nhưng điều đó làm Golenicsev tức tối và đau khổ, còn Golenicsev thì không thể tự lừa dối, tự giày vò mình và nhất là không thể vì thế mà cay cú được. Với tính quả quyết sẵn có, chàng liền ngừng không vẽ nữa, chẳng cần giải thích, hoặc thanh minh gì cả. Nhưng thiếu sự bận bịu đó (Anna ngạc nhiên về sự tỉnh ngộ của chàng), cuộc sống của chàng và nàng hình như vô vị trong cái thành phố ý này; chàng thấy cái biệt thự đột nhiên trở nên bẩn thỉu và điêu tàn; những vết bẩn ở màn cửa, những kẽ nứt sàn nhà, những gờ tường rạn lở bỗng có vẻ nhớp nhúa; quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có độc Golenicsev và vị giáo sư người ý cùng nhà du lịch người Đức làm bạn, tất cả đều chán ngấy không chịu được: phải thay đổi cuộc sống thôi. Họ quyết định trở lại nước Nga, về ở nông thôn. Tại Peterburg, Vronxki dự định sẽ chia gia tài với anh, còn Anna thì muốn đến thăm con trai. Họ sẽ ở một trang trại lớn của Vronxki đến hết mùa hè.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.