Anna Karenina (Tập 2)
Phần 5 – Chương 13
32
Khi Vronxki trở về, vẫn chưa thấy Anna ở nhà. Nghe nói có một phu nhân đến gặp nàng sau khi chàng đi được một lát, và cả hai cùng ra phố. Cách vắng mặt mà không nhắn lại là đi đâu (chưa bao giờ nàng làm như vậy), vẻ mặt xao xuyến, kì lạ của nàng sáng nay, giọng nói hằn học khi nàng gần như giật khỏi tay chàng những tấm hình con trai ngay trước mặt Yasvin, tất cả cái đó cộng lại khiến chàng phải suy nghĩ. Chàng định tâm yêu cầu nàng giải thích việc đó. Và chàng đợi ở buồng nàng. Nhưng Anna không trở về một mình, nàng dẫn về một bà cô, một bà già không chồng, quận chúa Oblonxcaia. Đó là cái bà đến đây hồi sáng và đã cùng Anna đi sắm sửa đồ dùng. Anna vờ như không thấy vẻ mặt lo lắng và dò hỏi của Vronxki mà vui vẻ liệt kê cho chàng nghe những thứ mua được. Chàng thấy nàng đã thay đổi: một vẻ chăm chú tập trung hiện trong đôi mắt long lanh khi dừng lại nhìn chàng giây lát, và lời nói cùng cử chỉ đều bộc lộ cái vẻ hoạt bát sôi nổi và cái duyên dáng mà xưa kia trong thời gian đầu gắn bó, đã làm chàng say mê, nhưng bây giờ lai làm chàng lo lắng và sợ hãi. Bữa ăn được bày cho bốn người. Mọi người sắp sang phòng ăn nhỏ thì Tuskievitr đến, do Betxi nhờ lại báo cho Anna một việc. Bà ta xin lỗi không đến từ biệt nàng được vì bị mệt. Nhưng bà mời Anna đến chơi nhà từ sáu rưỡi đến chín giờ. Vronxki liếc nhìn Anna ý muốn bảo cho nàng hiểu giờ đó được lựa chọn để nàng không phải gặp ai cả, nhưng Anna lờ đi làm như không thấy.
– Tôi rất tiếc lại mắc bận vào đúng từ sáu rưỡi đến chín giờ, – nàng khẽ mỉm cười nói.
– Nếu vậy quận chúa sẽ rất lấy làm tiếc.
– Cả tôi cũng vậy.
– Chắc bà đi nghe cô đào Patti hát? – Tuskievitr hỏi.
– Đào Patti à?… Ông gợi cho tôi một ý hay đấy. Nếu kiếm được một khoang ghế “lô” thì tôi sẽ đi.
– Tôi có thể kiếm được cho bà, – Tuskievitr nói.
– Tôi xin cảm tạ, rất cảm tạ ông, – Anna nói. – Nhưng mời ông ở lại ăn với chúng tôi nhé?
Vronxki khẽ nhún vai. Chàng quả tình không hiểu những việc Anna làm. Tại sao nàng lại dẫn cái bà quận chúa già này về, tại sao nàng lại giữ Tuskievitr ở lại ăn, và nhất là tại sao nàng lại nhờ ông ta đi lấy vé xem hát? Với hoàn cảnh hiện tại làm sao nàng có thể đến Ca kịch viện vào một ngày toàn khán giả thuê bao từ trước, một ngày mà những người nàng quen đều có mặt? Chàng nghiêm nghị nhìn nàng, nhưng nàng đáp lại bằng một cái nhìn khiêu khích, nửa giễu cợt nửa tuyệt vọng mà chàng không hiểu nổi. Trong bữa ăn, Anna vui vẻ quá đáng. Nàng như làm đỏm với Tuskievitr và Yasvin. Ăn xong, Tuskievitr liền đi lấy vé và Yasvin xuống nhà hút thuốc với Vronxki. Được một lát, Vronxki lại lên gác. Anna đã mặc chiếc áo lụa dài màu tươi viền nhung, hở cổ rất rộng, may ở Pari; hàng ren trắng quý giá ôm lấy khuôn mặt và đặc biệt làm tôn vẻ đẹp lộng lẫy.
– Em đi xem hát thực đấy à? – chàng nói và cố không nhìn nàng.
– Tại sao anh lại hỏi tôi với cái vẻ khiếp hãi như vậy? – nàng nói, giận dỗi thấy chàng tránh nhìn mình. – Tại sao tôi lại không đi xem được kia chứ?
Nàng làm như không hiểu ý chàng muốn nói.
– Tất nhiên là chẳng tại sao cả! – chàng cau mày nói.
– Thì chính tôi cũng muốn nói vậy, – nàng nói, vờ như không thấy giọng nhạo báng trong câu chàng trả lời và ung dung xỏ chiếc găng tay dài xức nước hoa.
– Anna, lạy Chúa tôi, em làm sao thế? – chàng nói, muốn thức tỉnh nàng, y như xưa kia chồng nàng đã từng làm thế.
– Tôi không hiểu anh muốn nói gì.
– Em cũng biết em không thể đến đó được.
– Tại sao? Tôi không đi một mình. Quận chúa cùng đi với tôi.
Chàng nhún vai thất vọng:
– Thế em không hiểu là… – chàng nói.
– Mà tôi không muốn hiểu gì cả! – nàng nói gần như thét lên. – Tôi không muốn. Thử hỏi tôi có hối hận vì những việc tôi làm không? Không, không và không! Nếu cần làm lại thì tôi sẽ làm lại như cũ. Đối với chúng ta, đối với tôi và đối với anh, chỉ có một chuyện duy nhất quan trọng thôi: là chúng ta yêu nhau. Những cái khác đều không đáng đếm xỉa tới. Tại sao ở đây chúng ta lại sống cách biệt nhau, không gặp mặt nhau? Tại sao tôi không thể đến đó được! Em yêu anh và em bất chấp tất cả, miễn là anh không thay lòng đổi dạ, – nàng nói bằng tiếng Nga và nhìn chàng với một ánh mắt kì dị mà chàng không hiểu nổi. – Tại sao anh lại không nhìn em? – Chàng ngước mắt nhìn nàng. Chàng thấy tất cả vẻ đẹp của khuôn mặt và bộ đồ trang sức vẫn rất thích hợp với nàng, nhưng giờ đây chính vẻ đẹp và thanh lịch đó lại khiến chàng tức giận.
– Tôi không hề thay đổi lòng dạ, em cũng biết đấy, nhưng tôi xin em, tôi van em đừng đi, – chàng nói tiếp bằng tiếng Pháp, giọng tuy dịu dàng nhưng cái nhìn vẫn lạnh lùng.
Nàng không nghe thấy chàng nói gì, chỉ nhìn thấy vẻ lạnh lùng trong khóe mắt, và nàng trả lời, giọng tức tối:
– Còn tôi, tôi xin anh cắt nghĩa cho tôi hiểu tại sao tôi không nên đi?
– Vì cái đó có thể gây cho em những… – chàng ngập ngừng nói.
– Tôi không hiểu. Yasvin không thể làm ai mang tiếng và quận chúa Vacvara thì cũng không thua kém ai cả. Bà ấy kia rồi.
33
Lần đầu tiên, Vronxki thấy một cảm giác oán giận gần như hằn học đối với Anna, vì nàng cố ý không chịu hiểu hoàn cảnh mình. Cảm giác đó càng tăng thêm vì chàng không thể giải thích nguyên nhân nỗi bực tức của mình cho nàng hiểu. Nếu có thể nói thẳng tuột những điều suy nghĩ thì chàng sẽ nói thế này: “Mặc bộ cánh ấy đến rạp hát cùng với một người tiếng tăm bất hảo như quận chúa, không những em thừa nhận mình là người hư hỏng mà còn khiêu khích cả xã hội thượng lưu, tức là vĩnh viễn tự tách mình khỏi xã hội đó.” Chàng không thể nói điều đó ra với nàng. “Nhưng tại sao nàng không hiểu nổi điều đó và có gì đang xảy ra trong lòng nàng vậy?…, chàng tự hỏi. Chàng cảm thấy mình đánh giá nàng thấp đi, đồng thời càng nhận ra nàng đẹp biết bao. Chàng đăm chiêu lo lắng quay về phòng, ngồi xuống cạnh Yasvin đang uống rượu cô nhắc pha nước suối, hai chân duỗi thẳng lên ghế tựa và chàng cũng pha cho mình một cốc như vậy.
– Thế cậu bảo là con Dũng Mãnh của Lancovxki à? Con ngựa ấy tốt và mình khuyên cậu nên mua, – Yasvin nói, sau khi nhìn vẻ mặt u ám của bạn. – Cái mông nó thon, nhưng chân và đầu thì… không thể ước ao có con nào tốt hơn nữa.
– Có lẽ mình sẽ mua con đó, – Vronxki trả lời.
Câu chuyện về ngựa làm chàng thích thú, nhưng chàng không phút nào lãng quên Anna. Bất giác, chàng lắng tai nghe ngóng tiếng chân ngoài hành lang và thỉnh thoảng lại nhìn lên đồng hồ treo trên lò sưởi.
– Anna Arcadievna cho đến thưa với ông là bà đã đi đến rạp hát, – một gã đầy tớ vào báo.
Yasvin rót thêm một li nhỏ cô nhắc vào cốc nước suối, uống cạn và đứng dậy cài khuy áo ngoài.
– Thế nào, ta đi chứ? – chàng nói, hơi nhếch mép mỉm cười dưới hàng ria, bằng nụ cười đó, tỏ ra mình đã hiểu rõ nguyên nhân bực tức của Vronxki, nhưng không coi là quan trọng.
– Mình không đi đâu! – Vronxki rầu rầu trả lời.
– Còn mình, mình trót hẹn rồi, đành phải đi thôi. Tạm biệt. Nếu cậu thay đổi ý kiến thì cứ đến chỗ dàn nhạc, ngồi vào ghế của Craxinxki, – Yasvin nói thêm và đi ra.
– Không, mình bận.
“Có vợ đã là phiền, nhưng với tình nhân lại càng khổ hơn”, Yasvin thầm nghĩ khi ra khỏi khách sạn. Còn lại một mình, Vronxki đứng dậy và đi bách bộ quanh phòng. “Hôm nay chương trình gì nhỉ? Tối diễn thứ tư cho khán giả thuê bao. Anh mình sẽ có mặt ở đó với bà vợ, có lẽ cả mẹ mình nữa. Nghĩa là tất cả Peterburg! Bây giờ, nàng đã vào đến nơi, đã cởi áo lông, thế là ngồi phơi mặt ra trước mọi con mắt. Tuskievitr, Yasvin, quận chúa Vacvara… chàng thầm nghĩ, thử hình dung cảnh tượng đó. Thế còn mình thì sao? Mình sợ hay là mình đã trao cho Tuskievitr quyền che chở nàng? Việc này, dù muốn nhìn nhận dưới góc độ nào, cũng thật là phi lí, phi lí… Và tại sao nàng lại dồn mình vào cái thế như vậy?”, chàng nói và vung tay giận dữ. Cử chỉ này khiến chàng chạm phải cái bàn tròn có đặt cốc nước suối cùng chai rượu cô nhắc và suýt nữa xô đổ. Chàng định giữ cái bàn lại, nhưng lại hất nó đổ nhào và chàng cáu kỉnh đá một cái vào bàn, rồi giật chuông.
– Nếu anh còn muốn làm với tôi, – chàng nói với gã hầu phòng đang bước vào, – thì đừng có làm ăn chểnh mảng thế. Từ này đừng để xảy ra thế nữa. Cất cái này đi. – Gã hầu phòng thấy bị mắng oan, toan cãi lại, nhưng nhìn mặt chủ, hắn hiểu im đi là tốt hơn; hắn vội xin lỗi và quỳ xuống thảm nhặt những mảnh chai cốc vỡ.
– Đấy không phải công việc của anh, đi gọi bồi lại và chuẩn bị quần áo cho tôi. – Vronxki bước vào rạp hát lúc tám giờ rưỡi. Vở kịch đã đến đoạn cao trào. Lão gia đưa chỗ cởi áo choàng lông cho Vronxki và khi nhận ra chàng, liền bẩm “Quan lớn”; rồi lão nói là chàng không cần số ghế mà chỉ việc gọi Fedor là được. Trong hành lang sáng đèn, không có ai, ngoài lão xếp chỗ và hai tên hầu trông áo khoác đứng nghe hóng cạnh cửa ra vào. Từ cánh cửa hé mở, vẳng ra tiếng dàn nhạc đệm theo tiết tấu staccato êm nhẹ và một giọng nữ hát uyển chuyển rành rọt một câu nhạc. Cửa mở ra một lát để một gã xếp chỗ đi vào và câu nhạc sắp kết thúc, đập rõ vào tai Vronxki. Cửa lập tức đóng lại: Vronxki không nghe thấy đoạn cuối câu nhạc, nhưng nghe tiếng vỗ tay, chàng biết khúc ca đã hết. Khi chàng bước vào rạp sáng trưng những chùm đèn treo và đèn đất bằng đồng đen, tiếng vỗ tay vẫn kéo dài. Trên sân khấu, cô đào hát, mặc áo hở ngực và đeo đầy kim cương, mỉm cười cúi chào; và với sự giúp đỡ của ca sĩ giọng nam cao đang cầm tay mình, cô nhặt những bó hoa vụng về tung lên qua hàng biên sân khấu. Cô bước đến gần một vị tóc chải bóng mượt và bôi sáp rẽ ngôi giữa, đang giơ hai cánh tay dài ngoẵng qua hàng biên sân khấu để đưa cô một tặng vật, trong khi toàn thể công chúng ngồi hàng nghế giữa và ghế “lô” náo động, nhô mình ra trước, hò reo và vỗ tay. Nhạc trưởng đứng trước giá nhạc chuyển giúp tặng phẩm lên và sửa lại cà vạt. Vronxki tiến tới giữa hàng ghế gần dàn nhạc và dừng lại, nhìn quanh. Hơn bao giờ hết, hôm nay chàng càng ít chú ý tới khung cảnh quen thuộc, sân khấu, tiếng động, tất cả lũ khán giả quần áo sặc sỡ và tẻ ngắt ngồi chật ních trong rạp. Vẫn những phu nhân ấy trong hàng ghế “lô” với vẫn những sĩ quan ấy ngồi sau; vẫn những phụ nữ quần áo sặc sỡ, vẫn những bộ triều phục, những áo đuôi tôm ấy, vẫn đám quần chúng bẩn thỉu ngồi trên tít dãy ghế chuồng gà ấy, và trong tất cả đám người ngồi ở dãy ghế “lô” và dãy ghế đầu, chỉ có khoảng bốn chục nhân vật thượng lưu thực sự. Vronxki chú ý ngay tới những ốc đảo đó và tiến lại gần.
Khi chàng bước vào thì màn vừa hạ, do đó chàng không vào dãy ghế “lô” của ông anh mà đi lên dãy ghế đầu và dừng lại trước hàng biên sân khấu cạnh Xerpukhovxkoi, ông này co gối, lấy gót giày gõ vào hàng biên sân khấu, từ xa ông đã trông thấy và mỉm cười gọi chàng. Vronxki vẫn chưa trông thấy Anna; chàng tránh không nhìn về phía nàng. Nhưng theo hướng những cặp mắt, chàng biết nàng ngồi đâu rồi. Chàng kín đáo liếc nhìn chung quanh nhưng không phải để tìm nàng, lo ngay ngáy điều tệ hại nhất có thể xảy ra, chàng đưa mắt tìm Alecxei Alecxandrovitr. Vừa may, tối nay, ông ta không có mặt ở rạp hát.
– Trông anh chẳng còn có vẻ gì là sĩ quan nữa! – Xerpukhovxkoi nói. – Một nhà ngoại giao, một nghệ sĩ thì đúng hơn.
– Phải, về đến nhà là tôi mặc thường phục ngay, – Vronxki mỉm cười trả lời và thong thả rút ống nhòm ra.
– Về mặt đó, thú thực là tôi thèm được như anh đấy. Khi ở nước ngoài về và mặc cái này vào, – ông nói và sờ lên cầu vai ra hiệu, – tôi thấy luyến tiếc tự do. – Xerpukhovxcoi đã từ lâu không giục Vronxki đi vào con đường sự nghiệp nữa, nhưng vẫn quý chàng như xưa và lúc này càng tỏ ra đặc biệt hòa nhã.
– Đáng tiếc anh đến chậm quá không được xem màn thứ nhất.
Vronxki chỉ lơ đãng nghe có một bên tai, chàng lia ống nhòm từ khoang ghế dưới nhà lên dãy bao lơn tầng thượng và ngó một lượt khắp hàng ghế “lô”. Bên cạnh một phu nhân chít khăn và ông già thấp bé hói trán, đang hấp háy mắt, vẻ giận dữ sau chiếc ống nhòm, chàng bỗng trông thấy đầu Anna, kiêu hãnh, tươi cười và đẹp mê hồn giữa đường ren cuốn quanh. Nàng ngồi trong khoang thứ năm, cách chàng khoảng hai mươi bước. Nàng ngồi hàng ghế “lô” trước, hơi quay người lại và nói chuyện với Yasvin. Cái ngấn cổ, đôi vai rộng xinh đẹp, cái ánh rạng rỡ vừa phấn khởi vừa dè dặt của khóe mắt và tất cả khuôn mặt làm chàng thấy nàng giống hệt khi ở cuộc khiêu vũ trước kia tại Moxcva. Nhưng bây giờ chàng cảm thụ sắc đẹp nàng hoàn toàn khác hẳn. Giờ đây mối tình chàng dành cho nàng không còn có gì bí ẩn, cho nên sắc đẹp nàng vừa quyến rũ mãnh liệt hơn xưa, lại gần như xúc phạm tới chàng. Nàng không nhìn về phía chàng, nhưng Vronxki có cảm giác là nàng đã thấy mình rồi. Khi Vronxki xoay ống nhòm nhìn về phía đó lần nữa, chàng thấy quận chúa Varvara mặt đỏ tía tai, đang cười gượng và luôn quay nhìn sang dãy ghế “lô” bên cạnh; Anna cầm quạt gấp lại gõ vào thành ghế “lô” bọc nhung và nhìn đăm đăm vào một điểm, với dụng ý rõ ràng không thèm để ý tới những việc xảy ra bên cạnh. Còn Yasvin, anh ta vẫn có vẻ mặt như thua bạc. Anh cau mày, ấn sâu mãi ria mép trái vào mồm và liếc nhìn sang hàng ghế “lô” bên cạnh. Trong dãy ghế “lô” phía bên trái nàng là vợ chồng Cartaxov, Vronxki quen họ và biết Anna cũng có giao thiệp với họ. Cartaxova, một bà bé nhỏ gầy gò, đứng trong hàng ghế “lô”, nhưng quay lại Anna và đang xỏ tay vào chiếc áo khoác thường mặc sau khiêu vũ do chồng đưa cho. Khuôn mặt bà ta tái xanh, giận dữ và bà vùng vằng nói. Cartaxov, một ông to béo hói trán, luôn đưa mắt về phía Anna, cố dỗ dành vợ. Khi bà ta đã đi ra, ông chồng còn nán lại hồi lâu để tìm gặp cái nhìn của Anna, rõ ràng muốn chào nàng. Nhưng rõ ràng Anna làm ngơ không muốn biết tới việc đó, quay mặt đi và nói chuyện với Yasvin đang cúi cái đầu húi ngắn xuống phía nàng. Cartaxov đi ra không chào được nàng và khoang ghế “lô” bỏ trống. Vronxki không biết đích xác chuyện gì xảy ra giữa vợ chồng Cartaxov và Anna, nhưng đoán là nàng vừa bị làm nhục. Chàng biết vậy qua những điều trông thấy và nhất là qua vẻ mặt Anna mà chàng thấy đang tập trung tất cả sức lực cuối cùng để đảm đương vai trò của mình đến phút chót. Nàng vẫn giữ thái độ ngang nhiên lãnh đạm. Những ai không quen biết nàng, không nghe thấy tất cả những lời thương cảm, bất bình và kinh ngạc của bạn bè cũ của nàng trước cái gan dám lộ diện ở chốn thượng lưu xã hội một cách ngang nhiên với tấm khăn quàng viền ren và hào quang sắc đẹp của mình, những kẻ đó hẳn phải khâm phục sự bình tĩnh và vẻ duyên dáng của người đàn bà đó và không thể ngờ là nàng đang chịu đựng những cảm giác của người bị bêu trên giá nhục hình. Biết có việc chẳng lành xảy ra nhưng không hiểu đích xác việc gì, Vronxki cảm thấy lo sợ vô cùng, và với hi vọng biết rõ thêm, chàng đến khoang ghế “lô” của ông anh. Sau khi chủ tâm đi ngang qua hàng ghế gần dàn nhạc đối diện với khoang ghế “lô” của Anna, lúc ra đến cửa, chàng chạm trán với đại tá cũ của mình đang trò chuyện với hai người khác, Vronxki nghe thấy nhắc đến Carenin và thấy đại tá vừa vội vàng lớn tiếng gọi chàng, vừa liếc nhìn những người tiếp chuyện với một vẻ bao hàm đầy ý nghĩa.
– A! Vronxki! Bao giờ thì anh tới trung đoàn? Chúng tôi chưa chiêu đãi tiễn biệt thì chưa để anh đi đâu. Bây giờ anh là khách của chúng tôi rồi đấy, – đại tá nói.
– Rất tiếc tôi không có thời giờ, xin để đến lần khác, – Vronxki nói và chạy lên cầu thang dẫn tới khoang ghế “lô” của ông anh.
Bà bá tước già, mẹ Vronxki, với những búp tóc xoăn màu thép, đang ngồi trong khoang ghế “lô”. Varya và tiểu thư Xorokina ở trong hành lang đi lại gặp chàng. Sau khi dẫn tiểu thư Xorokina đến với mẹ chàng, Varia liền bắt tay em chồng và nói ngay về việc chàng đang quan tâm. Không mấy khi chàng thấy bà ta bị khích động thế.
– Tôi cho thế là hèn và đê tiện. Cartaxova không có quyền làm như vậy, Carenina… – bà nói…
– Nhưng có chuyện gì thế? Tôi không biết gì cả.
– Sao kia, chú không nghe thấy à?
– Chị hiểu cho, tôi là người nghe thấy sau rốt.
– Còn có người nào độc địa hơn cái mụ Cartaxova nữa kia chứ!
– Nhưng bà ta làm gì vậy?
– Nhà tôi kể lại là… mụ ta đã sỉ nhục Carenina. Chồng mụ từ khoang ghế mình nói chuyện với cô ấy ở khoang ghế bên kia và mụ Cartaxova đã rầy la ông ta. Hình như mụ lớn tiếng nói một câu lăng mạ rồi bỏ đi.
– Bá tước, cụ nhà gọi anh đấy, – tiểu thư Xorokina thò đầu khỏi cửa buồng ghế “lô” và gọi.
– Tôi chờ anh mòn con mắt, – mẹ chàng nói với một nụ cười mỉa mai. – Không còn thấy anh ở đâu nữa. – Con trai bà thấy rõ bà không nén được một nụ cười vui thích.
– Chào mẹ. Con đã đến gặp mẹ, – chàng lạnh lùng trả lời.
– Thế con không đi ve vãn Carenin phu nhân nữa à? – bà nói thêm khi tiểu thư Xorokina đã ra ngoài. – Bà ta làm xôn xao dư luận. Vì bà mà người ta quên bẵng cả đào Patti.
– Mẹ, con đã xin mẹ đừng nói chuyện đó với con, – chàng cau mày trả lời.
– Mẹ chỉ nói điều mọi người đều nói.
Vronxki không trả lời và chuyện trò vài câu với tiểu thư Xorokina rồi đi ra. Chàng gặp ông anh trên ngưỡng cửa.
– A! Alecxei! – anh chàng nói. – Thật là đê tiện! Nó chỉ là một con mụ ngu xuẩn, có thế, thôi… Tôi đang định đến gặp Carenina đây, chúng ta cùng đi đi. – Vronxki không nghe anh chàng nói. Chàng vội chạy xuống cầu thang; chàng cảm thấy mình phải hành động nhưng lại không biết làm thế nào; chàng vừa tức Anna đã dồn cả hai vào hoàn cảnh éo le như vậy, vừa thương nàng vì những đau khổ đang phải chịu đựng. Chàng xuống dãy ghế gần dàn nhạc và đi thẳng vào khoang ghế Anna. Xtremov đứng trước khoang ghế, đang nói chuyện với Anna.
– Bây giờ không có giọng nam cao nữa, – ông nói. – Khuôn đúc vỡ rời. – Vrônxki cúi chào Anna và dừng lại để lên tiếng chào Xtremov.
– Tôi thấy hình như ông đến muộn nên đã để lỡ bài ca hay nhất, – Anna nói với Vronxki và chàng cảm thấy nàng nhìn mình giễu cợt.
– Tôi không phải người sành thưởng thức, – chàng trả lời và nghiêm khắc nhìn nàng.
– Giống như hoàng thân Yasvin, ông ta cho là nàng Patti hát to quá, – nàng mỉm cười nói. – Cảm ơn, – nàng nói thêm và giơ bàn tay nhỏ nhắn đi găng cầm lấy tờ chương trình Vronxki đưa cho và đột nhiên, khuôn mặt xinh đẹp run lên. Nàng đứng dậy và lui vào mãi trong cùng khoang ghế. Nhận thấy, khi bắt đầu màn sau, khoang ghế “lô” của Anna bỏ trống, Vronxki, bất chấp lời phản đối của khán giả đang trầm lặng lắng nghe khúc độc xướng, ra khỏi dãy ghế giữa rạp và trở về. Anna đã về tới nhà. Khi Vronxki bước vào buồng, nàng vẫn còn mặc chiếc áo dài đi xem hát. Nàng ngồi ngay ở cái ghế đầu tiên kê sát tường và nhìn thẳng về phía trước. Nàng ngước mắt nhìn chàng rồi trở lại ngay dáng ngồi cũ.
– Anna… – chàng nói.
– Chính anh, anh đã gây nên mọi sự! – nàng đứng dậy thét lên, giọng nghẹn ngào nước mắt, tuyệt vọng và giận dữ.
– Anh đã xin em, van em đừng đến đấy! Anh biết là sẽ khó chịu cho em…
– Khó chịu à! – nàng kêu lên, – kinh khủng ấy chứ lại! Chừng nào còn sống, em vẫn không bao giờ quên việc này. Nó bảo ngồi cạnh em là ô nhục.
– Đó là lời một con mụ ngu ngốc, – chàng nói, – nhưng tại sao lại cứ liều lĩnh, khiêu khích…
– Em ghét cái tính trầm tĩnh của anh. Lẽ ra anh không nên đẩy em đến bước này… Nếu anh yêu em…
– Anna! Tình yêu của anh thì có quan hệ gì đến việc này kia chứ?
– Phải, nếu anh yêu em như em yêu anh, nếu anh đau khổ như em… – nàng nói và nhìn chàng, vẻ khiếp hãi.
Chàng thấy thương nhưng vẫn giận nàng. Chàng thề thốt thanh minh về tình yêu của mình vì thấy đó là phương pháp duy nhất để an ủi và tránh không trách nàng, nhưng trong thâm tâm, chàng vẫn trách nàng. Nàng uống những lời thanh minh yêu đương dường như quá nhạt nhẽo đối với Vronxki, đến nỗi chàng nói lên mà thấy ngượng mồm, và nàng nguôi dần. Hôm sau, cả hai hoàn toàn làm lành với nhau và về nông thôn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.