Anna Karenina (Tập 2)
Phần 6 – Chương 01
1
Daria Alecxandrovna cùng các con đến nghỉ hè tại nhà cô em Kitti Levina ở Pocrovxcoie. Nhà bà ở Ecgusôvô đã đổ nát, và hai vợ chồng Levin cố mời bà đến nghỉ hè với họ, Xtepan Arcaditr nhiệt liệt tán thành cách thu xếp đó. Ông ta nói vì việc bận nên rất tiếc không thể về nông thôn nghỉ hè cùng gia đình, một hạnh phúc tuyệt vời đối với ông; ông phải ở lại Moxcva và chỉ thỉnh thoảng mới về chơi một hai ngày. Ngoài gia đình Oblonxki, lũ trẻ và cô gia sư, vợ chồng Levin còn mời cả quận công phu nhân, bà tự coi mình có bổn phận trông nom cô con gái chưa từng trải đang có thai. Thêm vào đó, Varenca, cô bạn mà Kitti làm quen ở nước ngoài, đã giữ lời hứa: bao giờ Kitti cưới sẽ đến thăm, và hiện cũng đang là khách của nàng. Toàn là họ hàng, bè bạn của vợ Levin. Và mặc dầu quý mến tất cả bọn họ, chàng vẫn thấy hơi tiếc cái thế giới riêng cùng những thói quen của mình bị chìm nghỉm trong cái mà thâm tâm chàng vẫn gọi là “thành phần Trerbaxki”. Mùa hè năm ấy, ở đó chỉ có Xergei Ivanovitr là họ hàng bên chàng; mà ông này lại họ Coznưsev chứ không phải là họ Levin, thành thử cái tinh thần dòng họ Levin đâm lép vế hoàn toàn. Nhà này bấy lâu nay vắng vẻ, giờ đây đông đúc đến nỗi hầu hết các phòng đều có người ở và gần như ngày nào, khi ngồi vào bàn ăn, phu nhân cũng phải đếm lại số người ăn và xếp người thứ mười ba, một đứa cháu trai hoặc cháu gái, ngồi sang bàn nhỏ. Kitti vốn làm tròn nhiệm vụ rất chu đáo cũng phải vất vả lắm mới kiếm đủ gà giò, gà tây, vịt để làm vừa lòng khách, do ở nơi thoáng đằng này, họ càng ăn được.
Cả nhà đang ăn trưa. Các con Doli cùng cô gia sư và Varenca dự định sẽ đi hái nấm. Xergei Ivanovitr, người mà ai nấy đều kính phục trí tuệ và học vấn đến mức gần như sùng bái, cũng xen vào chuyện đi hái nấm khiến mọi người ngạc nhiên.
– Cho tôi đi với. Tôi rất thích hái nấm, – ông vừa nói vừa nhìn Varenca. – Tôi cho đó là một công việc lí thú.
– Vâng, xin mời ông cùng đi cho vui, – Varenca đỏ mặt trả lời. Kitti và Doli đưa mắt nhìn nhau. Lời đề nghị của nhà thông thái và trí thức Xergei Ivanovitr tỏ ý muốn đi hái nấm cùng Varenca đã khẳng định một số giả thuyết làm Kitti bận tâm trong thời gian gần đây. Nàng vội bắt chuyện với mẹ để mọi người khỏi thấy cái liếc mắt của mình. Sau bữa ăn, Xergei Ivanovitr cầm tách cà phê đến ngồi cạnh cửa sổ phòng khách, tiếp tục nói nốt câu chuyện dở chừng với em trai, thỉnh thoảng lại liếc nhìn về phía cửa, nơi bọn trẻ sẽ đi ra. Levin ngồi trên thành cửa sổ cạnh ông anh.
Kitti đứng bên chồng, rõ ràng đang chờ câu chuyện chẳng lí thú gì ấy chấm dứt để nói với chồng điều gì đó.
– Từ khi lấy vợ, chú thay đổi nhiều lắm, và thay đổi tốt lên kia, – Xergei Ivanovitr vừa nói vừa mỉm cười với Kitti và rõ ràng ông cũng chẳng tha thiết gì lắm với câu chuyện, – nhưng chú vẫn trung thành với thói ham thích những lí luận ngược đời.
– Catia, em đứng như vậy không tốt đâu, – Levin nói, kéo một cái ghế cho vợ và nhìn nàng, vẻ nghiêm trang.
– Nhưng tôi phải tạm kiếu vợ chồng chú thôi, – Xergei Ivanovitr nói khi thấy bọn trẻ con chạy lại.
Đi đầu là Tania, bít tất phẳng phiu, chạy nghiêng người một bên. Tay nó đong đưa cái lẵng và cái mũ của Xergei Ivanovitr.
Nó mạnh dạn chạy đến chỗ ông và đưa mũ, vẻ như muốn đội lên đầu ông; một nụ cười dịu dàng và rụt rè khiến cử chỉ nó bớt phần quá trớn và cặp mắt đẹp giống bố như đúc, ngời lên rực rỡ.
– Cô Varenca đang đợi đấy, – nó nói và thận trọng đội mũ lên đầu ông, vì thấy Xergei Ivanovitr mỉm cười; nó đoán ông cho phép làm thế.
Varenca đứng trên ngưỡng cửa ra vào. Cô mặc áo vải hoa màu vàng và đầu bịt khăn trắng.
– Tôi đi ngay, đi ngay đây, Varenca Andreievna, – Xergei Ivanovitr vừa nói vừa uống cạn tách cà phê và đút mùi soa cùng hộp xì gà vào túi.
– Cô bạn Varenca của em đáng yêu đấy chứ, phải không anh? – Kitti nói với chồng khi Xergei Ivanovitr vừa đi khỏi. Rõ ràng nàng cố nói để cho Xergei Ivanovitr nghe thấy. – Và đẹp, đẹp một cách quý phái làm sao! Varenca ơi! – Kitti gọi to, – chị đến khu rừng cối xay phải không? Chúng tôi sẽ tới gặp chị sau.
– Kitti ạ, con quên đứt là con có thai rồi à, – phu nhân vội bước vào nói. – Không được kêu ầm lên thế.
Khi nghe thấy tiếng Kitti và lời trách mắng của mẹ nàng, Varenca bèn nhẹ bước lại gần bạn. Cử chỉ hoạt bát, vẻ mặt linh lợi đỏ bừng, tất cả đều chứng tỏ trong lòng cô đang xảy ra điều gì khác thường. Kitti hiểu đó là cái gì và chăm chú theo dõi bạn. Sở dĩ nàng gọi Varenca giữa lúc này, đó là để cầu phúc thầm cho cô bạn trước cái sự kiện quan trọng mà Kitti cho là sẽ xảy ra ngoài rừng sau bữa trưa.
– Varenca, tôi sẽ sung sướng vô cùng nếu thành chuyện gì, – nàng nói nhỏ và ôm hôn bạn.
– Anh có đi với chúng tôi không? – Varenca bối rối nói với Levin, làm như không nghe thấy gì.
– Có, nhưng chỉ đi tới kho lúa thôi; tôi sẽ dừng lại ở đấy.
– Anh đến đấy có việc gì? – Kitti hỏi.
– Anh phải xem những xe bò mới và soát lại sổ sách. Còn em, lát nữa em ở đâu?
– Ở ngoài sân thượng.
2
Tất cả phụ nữ đều tụ tập ở sân thượng. Nói chung họ thích ngồi đấy sau bữa ăn trưa, nhưng hôm đó họ ra sân thượng vì một lí do đặc biệt. Ngoài việc tất cả đều cặm cụi, may tã và yếm dãi, hôm nay họ còn nấu mứt theo một cách mới không chế thêm nước mà Agafia Mikhailovna chưa từng biết. Chính Kitti là người du nhập phương pháp mới này, vốn đã được áp dụng ở nhà cha mẹ nàng. Khi được giao làm việc đó, Agafia Mikhailovna đã cho thêm nước vào dâu tây, vì ở gia đình Levin vẫn làm thế, và dĩ nhiên làm thế không phải là dở; nhưng bà ta đã bị bắt quả tang không chịu nghe lời và bây giờ một mẻ mứt phúc bồn tử được làm trước mặt đông đủ mọi người để thuyết phục Agafia Mikhailovna về cách nấu mới rất tốt này. Agafia Mikhailovna, vẻ phật ý và cáu kỉnh, tóc rối bù, tay áo xắn lên đến khuỷu, đôi cánh tay gầy gò vần chậu mứt trên cái hỏa lò nhỏ, đang lầm lầm nhìn món mứt phúc bồn tử, hết lòng cầu mong sau cho nó bết xuống đáy chậu. Phu nhân cảm thấy có lẽ Agafia Mikhailovna cáu với bà vì bà là người chịu trách nhiệm chính, bèn cố giả vờ như đang bận, không chú ý gì đến món phúc bồn tử cả, nhưng vừa nói chuyện con cà con kê, bà vừa liếc mắt theo dõi việc nấu mứt.
– Bao giờ tôi cũng thân hành đi mua được với giá rẻ những áo dài cho bọn đầy tớ gái, – phu nhân nói, tiếp tục câu chuyện bỏ dở. – Đã đến lúc hớt bọt rồi phải không vú? – bà nói với Agafia Mikhailovna. – Không ai khiến con phải mó tay vào, nóng lắm đấy, – bà vừa nói vừa ngăn Kitti.
– Để tôi làm cho, – Doli nói và lại gần chậu mứt thận trọng lấy thìa quấy vào nước đường sủi bọt; thỉnh thoảng bà lại rút thìa ra và gỡ cái chất quánh dính quanh thìa bằng cách đập nhẹ vào một cái đĩa đã phủ đầy bọt màu vàng hồng nhạt, từ đó chảy ra một thứ nước ngọt đỏ như máu. “Đến bữa trà, chúng nó sẽ được chén thỏa thích”, bà thầm nghĩ, vừa nhớ đến các con, vừa hồi tưởng lại khi còn nhỏ, bao giờ bà cũng ngạc nhiên thấy người lớn không thích cái chất ngon nhất là váng bọt.
– Theo ý Xtiva thì cứ đưa tiền cho chúng là hơn cả! – Doli nói tiếp, trở lại câu chuyện ai nấy đang chú ý: – những món quà tốt nhất cho đầy tớ. Nhưng…
– Tiền ấy à! – cả phu nhân và Kitti đồng thanh thốt lên. Không, mua cho họ cái gì thì họ vẫn cảm động hơn.
– Chẳng hạn như mẹ đây, năm ngoái mẹ mua cho Matriôna Xemionovna nhà ta chiếc áo pôpơlin đấy, – phu nhân nói.
– Con nhớ là u ấy đã mặc áo đó vào dịp sinh nhật mẹ.
– Vải in hoa rất đẹp, giản dị và nhã. Vì mụ ta dùng hàng đó rồi, nếu không mẹ cũng may một chiếc như thế. Đại loại như kiểu áo của Varenca ấy. Thật đẹp mà chả đắt tí nào.
– Có lẽ được rồi đấy, – Doli vừa nói vừa nghiêng thìa cho nước đường chảy xuống.
– Khi nó đóng cục là vừa chín tới đấy. Cứ để nó sôi thêm tí nữa, Agafia Mikhailovna ạ.
– Dào ôi! Cái lũ ruồi này! – Agafia Mikhailovna càu nhàu nói. – Rồi kết quả cũng thế thôi, – bà ta nói.
– Ồ! Con chim xinh quá, đừng làm nó sợ! – Kitti bỗng nói khi thấy một con chim sẻ đến đậu trên lan can, lật ngửa cuống một quả phúc bồn tử lên, rồi bắt đầu mổ.
– Ừ được, nhưng con đừng có đến gần hỏa lò quá, – mẹ nàng nói.
– Lại nói về Varenca, – Kitti nói tiếng Pháp, thứ tiếng họ thường dùng để Agafya không hiểu được. – Mẹ ạ, chắc mẹ cũng biết hôm nay con chờ đợi một sự quyết định. Mẹ hiểu đó là quyết định gì rồi chứ. Nếu được như vậy thì thật hay quá!
– Cô ấy làm bà mối khá lắm, – Doli nói. – Cô ấy xử sự thật khôn ngoan, khéo léo…
– Không, mẹ ơi, mẹ nói cho con biết mẹ nghĩ thế nào về chuyện này.
– Con bảo mẹ còn nghĩ thế nào nữa? Ông ta (ông ta đây là Xergei Ivanovitr) lúc nào cũng có thể với được những đám xộp nhất nước Nga, và ngay bây giờ, mặc dầu ông ấy không còn trẻ, mẹ cũng biết khối cô sẵn sàng lấy ông ta… Cô ấy thì tốt lắm, nhưng có thể là…
– Mẹ ạ, mẹ nên hiểu là cả ông ấy lẫn cô ta đều không thể mơ ước gì hơn thế nữa. Trước hết, cô ấy thật dịu dàng, – Kitti vừa nói vừa bẻ gập một ngón tay lại.
– Ông ta mến cô ấy lắm, – Doli tán thành.
– Lại nữa, cô ấy giữ một địa vị cao trong xã hội, nên không cần gì đến tiền tài và danh giá. Ông ấy chỉ cần một người vợ hiền, xinh đẹp và dịu dàng.
– Ừ, lấy cô này thì có thể yên tâm được, – Doli nói.
– Sau hết, điều cần thiết là cô ấy phải yêu ông ta… Mà cô quả có yêu ông ta!… Thật tuyệt diệu biết bao! Con tin chắc khi họ ở rừng bước ra là mọi sự xong xuôi cả. Con chỉ cần nhìn mắt họ là biết ngay tức khắc. Con sẽ mừng biết chừng nào! Chị nghĩ sao, chị Doli?
– Nhưng con đừng có cuống lên thế, con không việc gì phải khích động, – mẹ nàng nói.
– Mẹ ơi, con có khích động gì đâu. Con có cảm tưởng là hôm nay, ông ấy sẽ hỏi cô ta làm vợ.
– Chao! Kì lạ sao, khi có một người đàn ông đến hỏi mình làm vợ… Một cái gì đang ngăn cách tự dưng đổ xuống, – Doli vừa nói vừa mỉm cười, vẻ tư lự; bà hồi tưởng lại quá khứ của mình với Xtepan Arcaditr.
– Mẹ ơi, trước kia ba hỏi mẹ thế nào? – Kitti đột nhiên hỏi.
– Không có gì là khác thường cả, chuyện rất giản dị thôi, – phu nhân đáp, nhưng mặt bà sáng ngời lên, khi nhớ lại chuyện ấy.
– Vâng, nhưng như thế nào kia? Mẹ yêu ba từ trước khi được phép nói chuyện với ba phải không ạ?
Kitti cảm thấy đặc biệt thích thú giờ đây được nói chuyện ngang hàng với mẹ về mọi vấn đề loại này, những vấn đề quan trọng nhất trong đời người đàn bà.
– Tất nhiên rồi. Ba con về thăm nhà mẹ ở thôn quê
– Nhưng rồi chuyện được giải quyết thế nào, hở mẹ!
– Vậy ra cô tưởng các cô đã phát minh được cái gì mới mẻ hơn à? Chuyện đó bao giờ chả thế, nó được quyết định bằng những cái nhìn, những nụ cười…
– Thật mẹ nói đúng quá, mẹ ạ! Đúng như vậy thật! Những cái nhìn và những nụ cười, – Doli xác nhận thêm.
– Nhưng ba đã nói với mẹ những gì?
– Thế còn con, Coxtia đã nói với con những gì?
– Anh ấy viết bằng phấn… Thật kì lạ! Sao mà con thấy chuyện đó đã xa xôi thế, – nàng nói.
Và cả ba đều triền miên trong những ý nghĩ chung. Kitti là người đầu tiên phá tan im lặng. Nàng nhớ lại mùa đông cuối cùng trước ngày cưới và mối tình của nàng với Vronxki.
– Chỉ có một trở ngại thôi… đó là mối tình đầu của Varenca, – nàng nói và trở lại câu chuyện này do một liên tưởng tự nhiên. Tôi muốn nói điều đó với Xergei Ivanovitr, chuẩn bị tư tưởng cho ông ta. Đàn ông người nào cũng ghen tuông kinh khủng về quá khứ của chúng ta, – nàng nói thêm.
– Không phải tất cả đâu, – Doli nói. – Cô lại đem chú ấy ra mà suy rồi. Chú ấy vẫn còn đau khổ vì nghĩ tới Vronxki. Có đúng thế không?
– Đúng thế, – Kitti đáp và đôi mắt nheo cười, tư lự.
– Nhưng mẹ thấy quá khứ của con chẳng có gì khiến nó phải băn khoăn cả, – phu nhân nói xen vào, cảm thấy việc mình trông nom con cái đang bị chỉ trích. – Bảo là Vronxki đã theo đuổi con, chuyện đó là thường đối với mọi thiếu nữ.
– Chúng con có nói tới chuyện ấy đâu, – Kitti đỏ mặt nói.
– Để yên cho mẹ nói đã, – mẹ nàng tiếp, – chính con đã ngăn không cho mẹ nói chuyện với Vronxki. Con còn nhớ không?
– Chao! Mẹ ơi! – Kitti nói, vẻ đau đớn.
– Thời buổi này, không ai giữ nổi các cô nữa rồi… Nhưng quan hệ của các cô không thể vọt quá một giới hạn nào đó, lẽ ra tôi phải cho triệu hắn ta đến mới đúng. Với lại, nàng tiên của mẹ, con không nên kích động thế. Mẹ xin con nên nhớ lấy điều đó, phải bình tĩnh lại.
– Nhưng con vẫn hoàn toàn bình tĩnh, thưa mẹ.
– May thay cho Kitti là có Anna chen vào và cũng bất hạnh thay cho cô ta! – Doli nói. – Thay bậc đổi ngôi tất cả, – bà ta nói tiếp, – kinh ngạc vì ý nghĩ đó. Dạo ấy, Anna sung sướng bao nhiêu, thì Kitti tự cho mình là khổ sở bấy nhiêu. Bây giờ thì hoàn toàn ngược lại! Tôi vẫn nghĩ đến cô ta luôn.
– Hoài hơi mà nghĩ đến nó! Còn nghĩ tới con người xấu xa ấy, cái đồ phụ nữ vô lương tâm ấy làm gì! – bà mẹ nói, vẫn không thể nguôi được vì nỗi Kitti đã lấy Levin chứ không phải Vronxki.
– Thôi, đừng nói chuyện ấy nữa, – Kitti sốt ruột nói, – tôi không hề nghĩ và cũng không muốn nghĩ tới chuyện đó… – nàng nhắc lại, lắng tai nghe tiếng chân quen thuộc của chồng đang bước lên cầu thang sân thượng.
– Em không muốn nghĩ tới chuyện gì kia? – Levin bước ra sân thượng và hỏi vợ. Nhưng không ai trả lời và chàng cũng không nhắc lại câu hỏi.
– Tôi xin lỗi đã đột nhập vào thế giới phụ nữ của các bà, – chàng nói và đưa mắt nhìn mọi người, vẻ không bằng lòng. Chàng hiểu họ không thể tiếp tục câu chuyện kia trước mặt mình.
Trong giây lát, chàng cảm thấy mình cũng đồng tình với Agafia Mikhailovna đang bực bội vì phải làm món mứt phúc bồn tử không trộn nước và phải chịu sự áp chế ngoại lai của họ nhà Trerbaxki. Tuy nhiên chàng vẫn mỉm cười và lại gần Kitti.
– Thế nào? – chàng hỏi và nhìn vợ với cái vẻ thăm nom mà hiện giờ ai nấy đều tỏ ra mỗi khi nói với nàng.
– Em khỏe lắm, – Kitti mỉm cười nói. – Thế còn khoản xe tải của anh?
– Nó chở nặng hơn xe têlegơ gấp ba lần. Ta đi đón bọn trẻ nhé? Anh sai thắng ngựa rồi.
– Thế nào, anh định đưa Kitti đi xe ghế gỗ à, – phu nhân hỏi chàng, giọng trách móc.
– Con sẽ cho ngựa đi bước một, thưa phu nhân. – Levin không bao giờ gọi phu nhân bằng mẹnhư các chàng rể thường gọi và bà nhạc lấy thế làm mếch lòng. Tuy yêu mến và kính trọng phu nhân, chàng vẫn không thể quyết định gọi bà như vậy vì cho rằng làm thế sẽ xúc phạm đến hương hồn mẹ chàng.
– Mẹ đi với chúng con, mẹ nhé, – Kitti nói.
– Mẹ không muốn nhìn thấy những trò dại dột của các con.
– Thôi, con đi bộ vậy. Như thế sẽ tốt hơn cho con. – Kitti đứng dậy, đến bên chồng và khoác tay chàng.
– Đi bộ thì tốt, nếu không quá sức, – phu nhân nói.
– Thế nào, Agafia Mikhailovna, mứt chín tới chưa? – Levin nói và mỉm cười với Agafia Mikhailovna, muốn cho bà ta tươi tỉnh lên. Cách làm mới có gì tốt hơn không?
– Hình như có. Nhưng theo tôi, mứt chín quá đấy.
– Thế thì càng tốt, Agafia Mikhailovna ạ; ít ra, cũng không mau hỏng: đá nhà mình chảy hết rồi, chả còn gì để ướp nữa, – Kitti nói, nàng đoán ngay được ý chồng và nói với bà già cũng với vẻ trìu mến như vậy. – Còn món dưa góp của u thì mẹ tôi nói cụ chưa bao giờ được ăn ngón đến thế, – nàng nói thêm, mỉm cười với bà già và sửa lại khăn quàng cho bà ta.
Agafia Mikhailovna bực bội nhìn Kitti.
– Mợ đừng có an ủi tôi. Tôi chỉ cần thấy mợ đứng với cậu ấy là tôi bằng lòng rồi, – bà ta nói và cách nói thô kệch tiếng “cậu ấy” làm Kitti cảm động.
– U đi hái nấm với chúng tôi đi; chúng tôi sẽ chỉ chỗ tốt cho.
Agafia Mikhailovna mỉm cười và lắc đầu, vẻ như nói “Nếu cáu được với cô cậu thì tôi đã hả dạ, nhưng thật không thể nào cáu nổi.”
– U cứ nghe theo lời tôi, – phu nhân nói: – u cứ lấy mảnh giấy tròn tẩm rượu rum phủ lên mỗi chậu, và không cần ướp đá, mứt cũng không thối được.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.