Anna Karenina (Tập 2)

Phần 6 – Chương 02



3

Kitti hết sức hài lòng có dịp được một mình với chồng, vì nàng đã nhận thấy một thoáng buồn phảng phất trên sắc mặt lồ lộ của Levin khi chàng bước lên sân thượng, hỏi mọi người nói chuyện gì mà không ai trả lời cả. Khi họ đã vượt lên trước trên con đường lầm bụi, rải rác những bông cùng hạt lúa mạch và đi khuất khỏi nhà, nàng bèn tì mạnh hơn xuống cánh tay chồng và đi nép hẳn vào người chàng. Chàng đã quên mất cái cảm giác nặng nề chỉ kéo dài chừng một phút kia, và còn lại một mình với Kitti, chàng vui thích được ở cạnh người vợ yêu, một niềm vui mới rất trong trắng và không vẩn chút dục tình, giờ đây, khi ý nghĩ nàng đang có mang không rời chàng một phút. Chàng không có chuyện gì cần nói với vợ, nhưng muốn được nghe tiếng nàng nói, cảm thấy mắt nàng đang nhìn mình, cái nhìn đã đổi khác từ khi nàng có thai. Trong giọng nói cũng như trong khóe mắt nàng, có cái vẻ êm ái và trang nghiêm riêng biệt của những người mà lòng chăm chút yêu thương đang tập trung vào một đối tượng duy nhất.

– Em có mệt không? Em hãy dựa mạnh nữa vào anh, – chàng bảo vợ.

– Không, em rất sung sướng được có dịp chuyện trò riêng với mình. Có mẹ, có chị ở cùng kể cũng tốt, nhưng phải thú thực là em rất tiếc những đêm đông của chúng mình.

– Dạo ấy thích thật, nhưng bây giờ còn vui hơn chứ. Mọi sự đều tốt đẹp, – chàng nói và siết chặt tay nàng.

– Anh có biết bọn em đang nói gì khi anh tới không?

– Nói về chuyện làm mứt?

– Vâng, nói cả về chuyện làm mứt nữa; nhưng rồi bọn em nói đến cách thức hỏi vợ.

– Thế à! – Levin nói, chăm chú nghe giọng Kitti hơn là lời nàng nói và nhìn kĩ mặt đường họ đang men theo trong rừng để tránh cho vợ khỏi trượt chân.

– Và nói đến cả Xergei Ivanovitr và Varenca nữa. Anh có để ý thấy chuyện đó không?… Em mong muốn như thế lắm, – nàng nói tiếp. – Anh thấy thế nào? – Và nàng nhìn vào mắt chồng.

– Anh cũng chẳng biết nên nghĩ thế nào, – Levin mỉm cười đáp. – Về phương diện này thì anh thấy anh Xergei rất kì lạ. Có phải anh đã nói với em rằng…

– Có, nói rằng anh ấy yêu một thiếu nữ đã chết rồi..

– Hồi đó, anh còn bé; anh chỉ được nghe người ta kể lại thôi. Anh vẫn còn nhớ dáng dấp anh ấy hồi đó. Anh ấy đẹp trai lắm. Từ đó đến nay, anh vẫn để ý xem thử anh ấy tiếp xúc với phụ nữ ra sao; anh ấy rất đáng yêu, cũng thích một số cô, nhưng xem chừng anh ấy vẫn coi họ như những con người nói chung mà thôi, chứ không phải là đàn bà.

– Nhưng bây giờ, đối với Varenca… em thấy hình như đã có một cái gì…

– Có lẽ… Tuy nhiên, cần phải biết tính anh ấy. Anh ấy là một người độc đáo, kì lạ. Anh ấy chỉ sống bằng tinh thần. Tâm hồn anh ấy trong trắng quá và cao cả quá.

– Thế nào kia? Thế anh cho rằng chuyện đó hạ thấp anh ấy xuống hay sao?

– Không phải thế, nhưng anh ấy quen sống bằng tinh thần quá đến nỗi không thể hòa hợp với thực tại được nữa và cô Varenca thì dù sao cũng vẫn là thực tại. Levin có thói quen mạnh dạn phát biểu ý nghĩ mình, không cần mất công khoác cho nó những từ ngữ thật cụ thể; chàng biết trong lúc âu yếm nhau, chỉ cần nói nửa câu là vợ hiểu và quả thực nàng hiểu hết.

– Thế nhưng thực tại ở chị ấy không giống như ở em, em chắc chắn anh ấy chẳng bao giờ lại đi yêu một người như em cả. Còn chị ấy, chị ấy hoàn toàn là tinh thần.

– Có chứ, em cứ như thế này, anh ấy vẫn yêu được, anh luôn sung sướng thấy những người thân của anh đều yêu em…

– Anh ấy rất tốt với em, nhưng mà…

– Tất nhiên anh ấy không như anh Nicolai đáng thương… Hồi đó, em và anh ấy rất quyến luyến nhau… – Levin nói nốt: – tại sao không nói thẳng điều ấy ra? Thỉnh thoảng anh vẫn tự trách: rồi mình đến quên mất anh ấy thôi. Chao! Thật là một người ghê gớm và tuyệt diệu… ừ, ta nói sang chuyện gì rồi nhỉ? – Levin nói sau một lúc im lặng.

– Anh cho rằng anh ấy không thể yêu được à? – Kitti nói lên ý nghĩ của chồng bằng ngôn ngữ của mình.

– Không, không phải thế, – Levin mỉm cười nói, – nhưng anh ấy không có những phút yếu lòng cần thiết cho… Xưa nay anh vẫn thèm được như anh ấy và cả đến bây giờ, tuy sung sướng thế này, anh vẫn ghen với anh ấy.

– Anh ghen với anh ấy về nỗi không thể yêu nổi ai à?

– Anh ghen với anh ấy vì anh ấy tốt hơn anh, Levin mỉm cười nói. – Anh ấy không sống cho riêng mình. Cả đời anh ấy đều thuộc về nhiệm vụ. Cho nên anh ấy có thể thanh thản và mãn nguyện.

– Thế còn anh? – Kitti hỏi với một nụ cười giễu cợt và âu yếm.

Nàng không tìm ra được mối liên tưởng nào đã khiến nàng mỉm cười; nhưng cuối cùng, nàng suy luận đó là chồng đã không thành thật khi đề cao ông anh và tự hạ mình xuống. Kitti hiểu sự thiếu thành thực đó là do chàng rất yêu anh trai, do chàng áy náy vì cảm thấy mình sung sướng quá và nhất là do chàng luôn mong mỏi cho mình ngày càng trở nên hoàn thiện hơn: nàng yêu thích cái tâm thế đó nên mỉm cười.

– Thế còn mình? Mình không mãn nguyện à? – nàng hỏi chồng, miệng vẫn tủm tỉm.

Việc Kitti ngờ vực điểm này làm chàng rất sung sướng và bất giác, chàng muốn gợi cho vợ bày tỏ lí do nỗi ngờ vực đó.

– Anh sung sướng, nhưng không bằng lòng mình… – chàng nói.

– Thì ra khi sung sướng anh cũng có thể không bằng lòng được à?

– Anh biết nói với em thế nào đây? Trong thâm tâm, lúc này, anh không mong muốn gì hơn là tránh cho em khỏi vấp ngã. Đấy! Không được nhảy lên như thế! – chàng ngừng lại vì nàng vừa cử động quá hấp tấp khi bước qua một cành cây chắn ngang đường mòn. – Nhưng khi so sánh anh với người khác và nhất là với anh mình, anh tự cảm thấy còn thấp kém.

– Nhưng thấp kém về cái gì chứ? – Kitti vẫn mỉm cười hỏi tiếp. – Cả anh nữa, anh chả nghĩ đến mọi người chung quanh là gì? Thế còn trang trại, việc canh tác và cuốn sách của anh thì sao?

– Không, anh vẫn tự cảm thấy còn thấp kém, nhất là bây giờ: lỗi tại em đấy, – chàng vừa nói vừa siết chặt tay vợ, – nhưng không phải thế đâu. Anh làm những việc ấy còn hời hợt lắm. Nếu anh có thể yêu mến tất cả những công việc này như anh yêu em… nhưng cả thời gian gần đây, anh chỉ làm việc như do nhiệm vụ bắt buộc.

– Nếu vậy thì anh sẽ nói về ba như thế nào? – Kitti hỏi. – Cả ba cũng xấu nốt vì cụ chả làm được gì cho lợi ích công cộng cả?

– Cụ ấy à? Không. Chính ra, phải có cái giản dị, cái trong sáng, cái lòng tốt của ba em: tất cả những cái ấy anh đều không có. Anh chẳng làm gì cả và anh băn khoăn. Như vậy là tại em tất cả. Khi em chưa ở bên anh và cũng chưa có cái này – chàng vừa nói vừa đưa mắt nhìn vào mình vợ khiến nàng hiểu ý ngay – anh đã để tất cả sức lực vào công việc; giờ đây anh không làm thế được nữa, và anh lấy đó làm hổ thẹn; chỉ còn là một nhiệm vụ bắt buộc, một sự vờ vĩnh giả tạo mà thôi…

– Nhưng anh có muốn đổi ngay lập tức lấy địa vị của Xergei Ivanovitr không? – Kitti hỏi. – Anh có muốn hiến mình cho lợi ích công cộng, yêu mến nhiệm vụ đó như anh ấy và đứng vững ở cương vị đó không?

– Tất nhiên là không rồi, – Levin nói. – Với lại anh sung sướng quá đến nỗi chẳng còn hiểu đâu vào đâu nữa. Như thế là em cho rằng anh ấy hỏi Varenca ngay hôm nay à? – chàng hỏi thêm sau một lúc im lặng.

– Em cũng không chắc lắm. Nhưng em hết lòng cầu mong như vậy. Khoan đã anh. – Nàng cúi xuống và hái ở bên đường một bông cúc dại.

– Này, anh bói đi: anh ấy sẽ hỏi vợ, anh ấy không hỏi(10), – nàng vừa nói vừa đưa hoa cho chồng.

(10) Một kiểu bói hoa của người châu Âu. Câu nào trúng vào cánh hoa cuối cùng là ứng với quẻ bói.

– Anh ấy sẽ hỏi, anh ấy không hỏi, – Levin vừa nói vừa bứt từng cánh hoa trắng hẹp và có khía.

– Không, không! – Kitti hồi hộp theo dõi cử chỉ của chồng, giữ tay chàng lại và nói. – Anh vừa ngắt những hai cánh!

– Ừ, nhưng cái cánh nhỏ kia thì không tính, – Levin vừa nói vừa bứt ra một cánh hoa nhỏ xíu chưa hết độ nở. – Xe ngựa kia rồi, nó đã đuổi kịp chúng ta!

– Con không mệt chứ, Kitti? – phu nhân hỏi to.

– Không mệt tí nào ạ.

– Nếu mệt thì trèo lên đây, ngựa hiền lắm: chỉ đi bước một thôi. Nhưng chẳng cần lên xe nữa vì đã gần tới nơi. Mọi người tiếp tục đi bộ.

4

Varenca, mớ tóc đen bịt dưới chiếc khăn quàng trắng, đang vui vẻ dịu dàng trông coi lũ trẻ vây quanh và xúc động ra mặt trước triển vọng một cuộc tỏ tình có thể sắp diễn ra với người đàn ông cô ưa thích. Trông cô rất quyến rũ. Xergei Ivanovitr đi bên cạnh, lòng ngây ngất cảm mến. Nhìn cô, ông nhớ đến tất cả mọi điều người ta kể cùng mọi chuyện cảm động ông được biết về cô, và mỗi lúc một cảm thấy mãnh liệt rằng tình cảm của mình đối với Varenca chính là thứ tình cảm đặc biệt mà xưa kia ông đã thấy và chỉ thấy có một lần hồi còn trẻ măng. Niềm vui có người thiếu nữ ấy ở bên mình mỗi lúc một tăng lên. Khi đặt vào trong lẳng một cái nấm to tướng chân mảnh cụp xuống và thấy vẻ mặt cô xúc động ửng hồng lên vừa vui thích vừa sợ sệt, ông đâm bối rối và lặng lẽ mỉm cười với cô, một nụ cười nói lên rất nhiều.

“Đã vậy, ông tự nhủ, ta phải cân nhắc và quyết định thôi. Không được buông thả mình trong giây phút cám dỗ như một đứa con nít.”

– Bây giờ tôi phải đi tách ra tìm riêng cho mình kẻo rồi không ai biết là tôi cũng kiếm được nấm, – ông nói và rời khỏi ven rừng họ vừa men theo trên thảm cỏ ngắn và mượt, giữa đám bạch dương già lưa thưa lá, rồi đi sâu vào cánh rừng um tùm những hoàn diệp liễu cùng bụi hạt dẻ lốm đốm xám và đen mọc giữa những hàng bạch dương trắng. Xergei Ivanovitr lánh xa chừng bốn mươi bước và đi vòng quanh một khóm cây chì đầy hoa óng ánh như mặt trời và đỏ sẫm đang nở rộ, rồi dừng lại khi biết không còn ai trông thấy mình. Chung quanh là im lặng. Chỉ có đàn ruồi bay vo vo không biết mỏi như ong, gần những ngọn bạch dương nơi ông đứng và đôi lúc tiếng bọn trẻ vẳng lại. Đột nhiên, gần đó, chỗ rìa rừng, vang ngân giọng nữ trầm của Varenca gọi Grisa và một nụ cười vui sướng làm khuôn mặt Xergei Ivanovitr rạng rỡ lên. Ông hiểu vì sao mình cười, bèn lắc đầu ra vẻ không tán thành và rút một điếu xì gà ra châm hút. Diêm đánh vào thân cây bạch dương không bén lửa ngay. Những lá to mởn mởn ở vỏ cây trắng dính cả vào lân tinh làm lửa tắt mất. Cuối cùng, một que diêm bén lửa, và khói xì gà thơm lừng tỏa thành từng đám rung rinh trước mặt ông và trên bụi cây, dưới những cành bạch dương rủ xuống. Xergei Ivanovitr đưa mắt nhìn theo dải khói thuốc, thong thả bước đi và ngẫm nghĩ về hoàn cảnh hiện nay của mình. “Tại sao lại không nhỉ?”, – ông thầm nghĩ. “Đây không phải là một thích thú nhất thời hay cuồng si mà là yêu thương lẫn nhau (mình có thể nói là lẫn nhau); trong khi lao vào mối tình này, nếu mình cảm thấy sai sót với thiên chức, với bổn phận mình, thì đó là đi ngược lại lối sống của mình… Thế nhưng tuyệt nhiên không phải như vậy. Mình thấy chỉ có mỗi một trở ngại là khi mất Mari, mình đã thề sẽ trung thành trước vong linh nàng. Đó là trở ngại duy nhất cho tình cảm này… Điều này quan trọng lắm”, Xergei Ivanovitr tự nhủ vậy đồng thời lại cảm thấy, với bản thân ông, nguyên cớ đó không có gì quan trọng, mà chỉ làm tổn hại đến cách nhìn nhận của người khác đối với vai trò thơ mộng của ông mà thôi. “Ngoài cái ấy ra, dù có moi óc mãi, cũng không thấy gì để trách cứ tình cảm mình cả. Nếu chỉ là chuyện chọn lựa theo lí trí đơn thuần thì mình không thể tìm đâu được người tốt hơn nữa”. Ông đã điểm lại trong kí ức những thiếu phụ, thiếu nữ quen biết mà vẫn không sao tìm ra người nào có thể tập trung đúng được đến mức độ như vậy tất cả những đức tính mà khi bình thản suy tính, ông thường mong tìm thấy ở người sẽ là vợ mình. Nàng có tất cả cái duyên dáng và tươi mát của tuổi trẻ mà không phải là một cô bé, và nếu nàng yêu ông, thì đó là yêu một cách có ý thức như một người đàn bà cần phải yêu: đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai: không những nàng không hề có thói đàng điếm mà rõ ràng còn ghét giới xã giao, nhưng đồng thời lại hiểu rõ nó, và có phong thái phụ nữ quý phái vốn cần thiết cho người bạn đời của ta, Xergei Ivanovitr thầm nghĩ. Điểm thứ ba: nàng mộ đạo, không phải mù quáng như kiểu đứa bé, chẳng hạn như Kitti, mà bởi đời nàng chỉ dựa trên niềm tin đạo giáo. Ngay trong những chi tiết nhỏ, Xergei Ivanovitr cũng tìm thấy ở nàng tất cả những gì ông mong ước thấy ở một người vợ: nàng vốn nghèo, không có gia đình, do đó, sẽ không buộc chồng phải chịu đựng sự có mặt và ảnh hưởng của một đống họ hàng như Kitti. Ngược lại, nàng sẽ là người chịu ơn chồng về mọi mặt, điều xưa nay ông vẫn mong muốn trong đời sống vợ chồng sau này của mình. Và cô thiếu nữ có đầy đủ những đức tính ấy lại đang yêu ông. Dù khiêm tốn đến mức nào, cũng không thể không nhận thấy điều đó. Và ông cũng yêu nàng. Chỉ có lí do phiền phức duy nhất là tuổi ông. Nhưng vốn tạng người khỏe mạnh, ông chưa hề có đến một sợi tóc bạc và không ai đoán ông đến bốn mươi tuổi; hơn nữa, ông còn nhớ một hôm Varenca có nói chỉ ở nước Nga mới có những người năm mươi tuổi đã tự coi là già, còn ở bên Pháp, một người đàn ông năm mươi tuổi vẫn tự cho là đang tuổi cường tráng và người bốn mươi tuổi thấy mình là một thanh niên. Mà tuổi tác có nghĩa lí gì khi ông cảm thấy tâm hồn vẫn trẻ trung như hai mươi năm về trước. Khi trở lại ven rừng theo con đường khác, trong ánh sáng rực rỡ của những tia nắng xiên khoai, ông nhìn thấy bóng dáng uyển chuyển của Varenca mặc áo vàng, tay cầm lẵng, đang nhẹ nhàng bước qua một thân cây bạch dương già, và khi cảm giác đó hòa lẫn với cảnh cánh đồng lúa kiều mạch vàng hoe tràn ngập ánh mặt trời chênh chếch, đẹp đến mức làm ông sửng sốt, và bên kia cánh đồng thì hòa với cảnh khu rừng già lốm đốm vàng mất hút trong màu xanh lơ xa tít, thì cái cảm giác ông chợt thấy bấy giờ, đó chẳng phải tuổi thanh xuân là gì? Tim ông thắt lại vì sung sướng, một niềm xúc động tràn ngập trong lòng. Ông cảm thấy mình đã quyết định. Varenca vừa mềm mại cúi xuống hái nấm đã đứng lên và quay lại. Xergei Ivanovitr bèn vứt điếu xì gà và quả quyết đi về phía cô.

5

“Varenca Andreievna ạ, từ khi còn rất trẻ, tôi đã mường tượng về người đàn bà lí tưởng mà tôi sẽ yêu và sẽ sung sướng được kết bạn trăm năm. Tôi đã sống bao năm trường và giờ đây, lần đầu tiên, tôi thấy ở em những điều tôi tìm kiếm mãi. Tôi yêu em và muốn lấy em làm vợ.” Xergei Ivanovitr thầm nói một mình như vậy, khi đến cách Varenca chừng mười bước. Cô đang quỳ trên cỏ, ngăn không cho Grisa hái mất nấm và gọi em bé gái Masa.

– Lại đây, lại phía này, các cháu! Đây nhiều nấm lắm! – cô cất tiếng êm ái, giọng trầm trầm.

Thoáng thấy Xergei Ivanovitr lại gần, cô không đứng dậy và vẫn giữ nguyên tư thế cũ; nhưng tất cả dáng điệu chứng tỏ với Coznưsev rằng cô vui sướng cảm thấy rõ ông đang tới gần.

– Ông có hái được cái nấm nào không ạ? – cô hỏi và quay mặt về phía ông, khuôn mặt đẹp sáng lên một nụ cười hiền dịu.

– Chẳng được cái nào, – Xergei Ivanovitr nói, – còn cô?

– Cô đang tíu tít vì lũ trẻ xúm quanh nên không đáp.

– Còn một cái kia, ở cạnh cành cây ấy, – cô nói và chỉ cho Masa một cây nấm nhỏ nhú ra khỏi một túm cỏ khô, – có một ngọn cỏ xuyên qua chóp nấm hồng hồng và chun. Varenca đứng dậy khi Masa đem đến cho cô cây nấm em đã bẻ đôi – trông thấy thế này, tôi lại nhớ hồi còn bé, – cô nói thêm và cùng sánh đôi với Xergei Ivanovitr bước đi. Họ im lặng đi vài bước. Varenca thấy rõ ông đang muốn trò chuyện, và đoán được đó là chuyện gì rồi, cô bồi hồi vui sướng và lo sợ. Họ đi xa đến nỗi không ai còn nghe thấy tiếng họ, nhưng ông vẫn chưa dám nói. Varenca thì muốn nín lặng. Giá cứ im lặng một lúc rồi hãy bảy tỏ những điều cần thổ lộ có lẽ còn dễ hơn là bắt đầu ngay sau câu chuyện về nấm; nhưng ngược lại với ý định của mình, và gần như bất thình lình, – cô nói:

– Thế ông không hái được gì ạ? Với lại, ở phía bên trong rừng thường vẫn ít nấm hơn.

Xergei Ivanovitr thở dài và không trả lời gì cả. Ông lấy làm buồn vì cô lại nói chuyện nấm. Ông muốn lái trở lại mấy lời đầu tiên cô nói về thời thơ ấu, nhưng sau một lúc im lặng, ông gần như miễn cưỡng đáp lại câu sau cùng của cô:

– Tôi nghe nói nấm thông hay mọc nhất ở rìa rừng, nhưng tôi không phân biệt được nó với các loại nấm khác.

Mấy phút nữa lại trôi qua; họ lại đi xa thêm, và lúc này hoàn toàn chỉ còn có hai người với nhau. Tim Varenca đập mạnh đến nỗi cô nghe thấy rõ mồn một; cô cảm thấy mặt mình đỏ bừng, tái đi rồi lại đỏ bừng lên. Được làm vợ một người như Coznưsev sau cái cảnh ở với bà Stan, đối với cô thật là điều hạnh phúc tối cao. Hơn nữa, cô gần như chắc chắn mình đã yêu ông. Và chuyện này sắp được quyết định trong giây lát. Cô thấy điều đó thật kì lạ. Cô sợ tất cả những điều ông sẽ nói và cả những điều ông không nói. Cần phải tỏ tình ngay bây giờ, hoặc không bao giờ nữa: Xergei Ivanovitr cảm thấy như vậy. Tất cả: từ cái nhìn, vẻ mặt đỏ bừng đến cặp mắt Varenca cụp xuống đều chứng tỏ một sự chờ đợi đau đớn. Xergei Ivanovitr thấy rõ điều đó và thương cô. Thậm chí, ông còn cảm thấy bây giờ mà không nói gì, tức là cũng như xúc phạm tới cô. Ông bèn ôn nhanh trong đầu mọi lí lẽ đã khiến ông đi tới quyết định. Ông ôn lại cả những chữ định dùng để hỏi cô làm vợ; nhưng đáng lẽ nói ra mọi điều ấy, đầu óc ông bất ngờ lại nghĩ sang chuyện khác và ông hỏi cô:

– Nấm hương và nấm thông khác nhau ở chỗ nào? – Môi Varenca run lên khi cô trả lời:

– Chóp của hai loại nấm này gần giống nhau, chỉ có chân là khác thôi.

Vừa dứt tiếng, cả hai đều hiểu thế là hết, thế là câu cần nói sẽ không được thốt ra và nỗi hồi hộp lên tới cực độ của họ lúc này dịu đi dần dần.

– Chân cây nấm thông màu nâu giống như bộ râu hai ngày không cạo, – Xergei Ivanovitr thản nhiên nói.

– Vâng, đúng thế, – Varenca mỉm cười đáp, và bất giác, họ lại đi về hướng khác. Họ đến gần bọn trẻ con. Varenca buồn và ngượng ngùng, nhưng đồng thời lại cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng.

Trên đường trở về nhà, Xergei Ivanovitr duyệt lại mọi lí lẽ và nhận ra mình đã lập luận sai. Ông không thể phản bội hương hồn Mari.

– Từ từ thôi, các cháu, đi từ từ thôi! – Levin bước lên trước Kitti, bực dọc kêu lên để cho cho vợ chặn lũ trẻ đang hò reo vui vẻ, đổ xô về phía họ. Xergei Ivanovitr và Varenca ra khỏi rừng sau bọn trẻ. Kitti không cần hỏi bạn: nhìn thấy nét mặt bình thản và hơi bối rối của hai người, nàng hiểu kế hoạch của mình thế là đã hỏng kiểu.

– Thế nào? – chồng nàng hỏi khi họ ra về.

– Không cắn câu rồi, – Kitti nói bằng cái giọng và nụ cười giống hệt bố, những nét mà Levin vui thích bắt gặp thường xuyên ở nàng.

– Sao kia?

– Thế đấy, – nàng nói và cầm tay chàng, đưa lên môi, miệng ngậm lại khẽ chạm vào tay chồng. – Người ta vẫn hôn tay đức giám mục như thế đấy.

– Ai không cắn câu? – chàng cười hỏi.

– Cả đôi bên. Và phải cắn câu như thế này này…

– Có toán nông dân đến kia kìa…

– Không, họ không nhìn thấy gì đâu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.