Anna Karenina (Tập 2)

Phần 6 – Chương 07



16

Daria Alecxandrovna thực hiện dự định của mình và đi thăm Anna. Bà rất sợ làm cô em khổ tâm hoặc làm em rể khó chịu. Bà hiểu gia đình Levin không muốn gần gũi thân cận với Vronxki là đúng, nhưng bà cho mình có nhiệm vụ phải đến thăm Anna và tỏ cho nàng rõ tình cảm bà không thể thay đổi mặc dầu tình thế đã đổi thay. Để khỏi phụ thuộc vào gia đình Levin, Daria Alecxandrovna sai người đi thuê ngựa ở trong làng; nhưng khi biết chuyện, Levin liền đến rầy la bà.

– Tại sao lại cho việc chị đến đó làm tôi khó chịu? Mà nếu có thế đi nữa, thì tôi sẽ càng giận hơn khi chị mượn ngựa khác chứ không dùng ngựa của tôi, – chàng nói. – Chị chưa hề nói với tôi là chị dứt khoát định đến đấy. Nếu chị thuê ngựa trong làng, thì trước nhất chị xúc phạm tôi, thứ nữa là chúng sẽ không đưa chị đến nơi đến chốn được đâu. Tôi có ngựa, nếu chị không muốn làm tôi mếch lòng thì xin chị hãy lấy ngựa của tôi.

Daria Alecxandrovna phải nhận lời và đến ngày đã định, Levin sai chuẩn bị cho bà một cỗ xe bốn ngựa và một trạm tiếp sức gồm những ngựa kéo và ngựa cưỡi không sang lắm nhưng có thể đưa Daria Alecxandrovna bình yên đến nơi đến chốn trong một ngày. Giữa lúc đang cần ngựa cho phu nhân ra đi và cho cả bà nữ hộ sinh nữa, điều này khiến Levin lúng túng, nhưng tính hiếu khách không cho phép chàng để Daria Alecxandrovna thuê ngựa ở ngoài, và hơn nữa, chàng biết số tiền hai mươi rúp chi phí về cuộc hành trình này rất cần cho Doli; tình cảnh của Daria Alecxandrovna rất eo hẹp về mặt tiền nong và vợ chồng Levin lo cho bà như cho chính mình. Theo ý kiến Levin, Daria Alecxandrovna khởi hành từ trước bình minh. Đường tốt, xe êm, ngựa vui vẻ phi nước kiệu và trên chiếc ghế ngồi đánh xe, ngoài gã xà ích ra, còn có người thứ ba do Levin phái đi làm tuỳ tùng cho bà chị vợ để thêm phần an toàn. Daria Alecxandrovna ngủ thiếp đi mãi tới khi đến gần quán hàng, nơi phải thay ngựa, bà mới thức giấc. Sau khi dùng trà ở chính người nông dân sung túc, nơi Levin đã dừng chân khi đến thăm Xviajxki, sau khi nói chuyện với nhóm phụ nữ về con cái và nghe ông già hết lời ca ngợi bá tước Vronxki, Daria Alecxandrovna tiếp tục lên đường vào lúc mười giờ. Ở nhà, quá bận bịu vì con cái, bà chẳng bao giờ có thì giờ suy nghĩ. Bù lại, trong chặng đường bốn tiếng đồng hồ này, tất cả những ý nghĩ trước đây bị dẹp xuống nay ùa vào tâm trí và bà ngẫm ngợi về cuộc đời như xưa nay chưa từng nghĩ thế bao giờ, quan sát nó dưới mọi khía cạnh. Những ý nghĩ đó làm cho chính bà ngạc nhiên. Thoạt tiên, bà nghĩ đến lũ con mà bà vẫn lo lắng tới, mặc dầu phu nhân và nhất là Kitti (bà đặt hi vọng vào nàng nhiều hơn) đã hứa trông nom: “Miễn là Masa đừng có lặp lại những trò dại dột, Grisa đừng bị ngựa đá và Lili đừng bị đầy bụng.” Nhưng sau đó, những vấn đề hiện tại nhường chỗ cho những vấn đề sắp tới trước mắt. Bà tự nhủ mùa đông tới phải kiếm một gian nhà khác, thay đổi đồ đạc trong phòng khách và may áo lông thú cho đứa con gái lớn. Rồi những vấn đề của một tương lai xa hơn hiện ra: bà sẽ làm thế nào cho các con nên người? “Con gái thì còn dễ, bà nghĩ, nhưng còn con trai?”.

“Được lắm, hiện nay, mình còn chăm sóc Grisa, nhưng đó chỉ vì bây giờ mình còn rảnh rỗi, mình chưa có mang đấy thôi. Tất nhiên đừng trông mong gì Xtiva, vô ích. Có kẻ hầu người hạ tử tế, mình sẽ có thể lo liệu được cho chúng nó. Nhưng nếu mình lại có mang…”. Và bà nghĩ thật bất công thay, nỗi bất hạnh đè nặng trên cái kiếp đàn bà: mang nặng đẻ đau. “Đẻ thì không sao, nhưng mang cái thai mới là điều đáng sợ nhất!”, bà vừa nghĩ vừa nhớ đến lần có thai vừa rồi và cái chết của đứa con sau cùng ấy. Và bà nhớ lại câu chuyện với một thiếu phụ trẻ trong quán. Khi bà hỏi chị ta có con không, chị nông dân xinh đẹp ấy trả lời:

– Em có một đứa con gái nhỏ, nhưng Chúa đã giải thoát cho em khỏi phải nuôi nó, chúng em đã chôn nó trong tuần chay rồi.

– Chị có thương tiếc nó lắm không? – Daria Alecxandrovna hỏi.

– Thú thật là không. Ông cụ em cứ thế này cũng đã đông cháu rồi. Có con chỉ tổ lo thôi. Chẳng còn thì giờ làm việc gì cả. Đó là sợi chỉ buộc chân, thế thôi.

Daria Alecxandrovna thấy câu trả lời thật ghê tởm mặc dầu người thiếu phụ nom đầy vẻ duyên dáng hồn hậu; nhưng giờ đây, lời nói bất giác trở lại trong trí bà. Những câu nói trắng trợn chứa đứng một phần sự thật. “Tóm lại, Daria Alecxandrovna vừa nghĩ vừa điểm lại mười lăm năm ăn ở với chồng: có mang, nôn mửa, đâm ra đần độn, dửng dưng với tất cả và nhất là xấu đi. Ngay cả Kitti, trẻ và xinh như thế, mà cũng xấu đi nhiều, còn mình, khi có chửa thì trông đến gớm ghiếc, mình biết lắm. Sinh nở, đau đớn, cái cực hình của phút cuối cùng trở dạ… rồi cho con bú, những đêm không ngủ, những cơn đau kinh khủng ấy…” Chỉ nhớ lại những vết nứt nẻ đầu vú mà hầu như đẻ đứa con nào cũng thấy xuất hiện, Daria Alecxandrovna đã rùng mình. “Tiếp đó là tật bệnh của lũ trẻ, phải luôn luôn lo lắng; rồi nào là việc giáo dục, nào những thói xấu (bà nhớ lại cái tội của con bé Masa ở vườn phúc bồn tử), việc học hành, môn la tinh: tất cả những cái đó thật khó hiểu và khó khăn biết mấy. Và đáng sợ hơn cả là những đứa trẻ ấy lăn ra chết.” Và một lần nữa lại hiện lên trong tâm trí cái kỉ niệm tàn nhẫn không ngừng nhói buốt trong tấm lòng người mẹ của bà: cái chết của đứa bé sơ sinh vừa đây của bà bị bệnh yết hầu cưới đi, đám tang nó, sự thờ ơ của mọi người quanh chiếc quan tài nhỏ màu hồng và nỗi đau thương đơn chiếc của bà trước vầng trán nhỏ trắng muốt với những mớ tóc mai loăn xoăn cùng cái miệng xinh xinh hé mở, ngỡ ngàng, mà bà thoáng thấy lần cuối, lúc nắp quan tài hồng hồng điểm một hình thập tự ren sập xuống. “Và vì sao lại có tất cả những cái ấy! Nó dẫn đến kết quả gì? Mình chẳng có được lấy một phút nào thảnh thơi: khi thì chửa, khi thì nuôi con, lúc nào cũng cau có, mệt rũ, khả ố với mọi người xung quanh và với chồng; và chịu tất cả những cái đó để sinh ra đời những đứa trẻ xấu số, kém giáo dục và nghèo hèn ư? Nếu hè này không kéo cả nhà đến ở với Levin thì không biết mình sẽ xoay xở thế nào. Tất nhiên Kitti và Coxtia rất tế nhị, khiến ta không thấy ngượng gì cả; nhưng không thể cứ kéo dài thế mãi. Khi có con, họ sẽ không thể giúp đỡ ta được nữa: ngay bây giờ họ cũng không còn phong lưu lắm đâu: Ba thì hầu như chẳng còn giữ lại gì cho bản thân ba nên cũng không thể đỡ đần mình được. Vậy mình không thể đơn độc nuôi các con, đành nhờ cậy người khác, thật nhục nhã. Cứ cho rằng mọi việc đều chu toàn, mình không mất đứa con nào nữa và mình lo được tàm tạm cho chúng học hành. Chỉ mong ước nhiều nhất là chúng đừng trở nên hư hỏng. Mình chỉ muốn có thế thôi. Biết bao đau khổ, cực nhọc để đạt tới đó!… Đời mình thế là bỏ đi rồi!”. Bà lại nhớ đến lời người thiếu phụ đã nói và một lần nữa, thấy phẫn nộ khi ôn chuyện đó; nhưng bà vẫn công nhận trong những lời đó có một phần sự thật chua chát.

– Còn xa không, Mikhailo? – Daria Alecxandrovna hỏi người thủ hạ để tránh những ý nghĩ làm bà sợ hãi.

– Người ta bảo đi hết cái làng kia thì còn bảy dặm nữa.

Sau khi qua làng, xe đi vào một cái cầu nhỏ. Một tốp phụ nữ, mang những bó dây trên lưng, chuyện trò vui vẻ, lúc đó cũng qua cầu. Họ dừng lại tò mò nhìn cỗ xe ngựa đi qua. Daria Alecxandrovna thấy tất cả những bộ mặt ấy hướng về phía bà đều lành mạnh, linh hoạt và như trêu chọc bà do niềm vui sống toát ra từ đó. “Ai nấy đều sống và hưởng thụ cuộc đời, Daria Alecxandrovna tiếp tục nghĩ khi xe đã vượt qua những chị nông dân, leo lên một sườn dốc và khi bà lại khoan khoái lắc lư người theo nhịp ngựa phi nước kiệu, trên lò xo mềm mại của cỗ xe cũ kĩ. Còn mình thì vừa thoát khỏi cái thế giới làm mình chết mòn như thoát khỏi một nhà tù: mãi bây giờ mình mới có thể bình tâm lại một lúc ngắn ngủi. Tất cả phụ nữ: cả những người đàn bà nọ, cả cô em Natalya của mình, cả Varenca lẫn Anna, mà mình đang trên đường đến thăm, đều biết thế nào là sống, tất cả, trừ mình ra…” “Họ đổ xô vào công kích Anna. Tại sao? Liệu mình có hơn gì cô ấy không? Mình đây, ít ra mình còn có người chồng mà mình yêu. Không phải đã như ý muốn, nhưng mình yêu anh ấy, còn Anna, cô ta không yêu chồng. Vậy cô ấy có tội gì kia chứ? Cô ấy muốn sống. Chính Chúa đặt trong tâm hồn cô ta nhu cầu đó. Có thể vào địa vị ấy, mình cũng sẽ hành động như cô ta. Cho đến nay mình vẫn còn băn khoăn không biết là vào cái đận kinh khủng khi cô ấy đến gặp mình ở Moxcva, mình nghe theo cô ấy như thế có đúng không. Đáng lẽ bấy giờ mình phải bỏ chồng và bắt đầu lại từ đầu. Giá như thế mình sẽ có thể yêu và được yêu thật sự. Bây giờ liệu có hơn gì không? Mình không trọng anh ấy, mình chỉ cần đến anh ấy, bà tự nhủ khi nghĩ đến chồng, và mình phải chịu đựng anh ta. Có hơn gì không? Dạo ấy, ắt còn có người ưa mình, mình hãy còn đẹp”, Daria Alecxandrovna tiếp tục nghĩ và bỗng thèm soi gương. Bà có một tấm gương nhỏ đi đường để trong bọc và rất muốn lấy ra; nhưng nhìn vào lưng gã xà ích và người thủ hạ lắc lư trên ghế, bà cảm thấy nếu một trong hai người quay lại thì bà sẽ xấu hổ lắm, nên đành thôi. Nhưng dù không soi gương, bà vẫn nghĩ bây giờ cũng chưa phải đã quá muộn; và bà nhớ đến Xergei Ivanovitr đã tỏ ra đặc biệt ưu ái đối với bà, ông bạn Turovxưn tốt bụng của Xtiva đã giúp bà chăm nom các con khi chúng sốt phát ban và đã mê bà. Lại còn một gã rất trẻ cho là bà đẹp nhất trong ba chị em, theo lời chồng bà bông lơn kể lại. Và những chuyện tình duyên say đắm nhất, không tưởng nhất cứ dựng lên trong tâm trí bà, “Anna đã làm đúng, mình sẽ không bao giờ kết tội cô ấy. Bản thân cô ấy hạnh phúc, cô ấy lại làm cho một người khác hạnh phúc, cô ấy không ngu độn đi như mình và hẳn cô ấy vẫn tươi trẻ, vẫn sắc sảo, vẫn cởi mở như xưa”, Daria Alecxandrovna nghĩ thầm và thoáng nở một nụ cười ranh mãnh trong khi dựng lên, song song với thiên diễm tình của Anna, một chuyện gần giống như thế với một người đàn ông tưởng tượng, sẽ yêu bà. Cũng như Anna, bà thú hết với chồng. Rồi vẻ ngạc nhiên và bối rối của Xtepan Arcaditr khi nghe tin đó, khiến bà mỉm cười.

Bà tới chỗ ngoặt từ đường cái lớn rẽ vào con đường dẫn tới Vozdvijenxcoie, trong tâm trạng mơ mộng triền miên đó.

17

Gã xà ích dừng ngựa và nhìn sang bên phải, về phía cánh đồng lúa lõa mạch có toán nông dân đang ngồi cạnh một chiếc xe tải. Người thủ hạ định nhảy xuống khỏi ghế nhưng lại thay đổi ý kiến, và hách dịch quát gọi một nông dân, vẫy bác lại gần. Cơn gió nhẹ, lúc đi đường còn thấy hây hẩy, giờ tắt hẳn khi họ dừng lại; ruồi trâu sà đến bâu chi chít vào bầy ngựa đầm đìa mồi hôi đang tức tối xua chúng đi. Tiếng lưỡi hái lanh tanh bên xe tải bỗng ngừng bặt. Một nông dân đứng lên và lại gần cỗ xe ngựa.

– Thế nào, anh mọc rễ ra đấy à! – người thủ hạ cất giọng cáu kỉnh quát bác nông dân đang thong thả tiến đến, đôi chân đất bước trên con đường gồ ghề và khô nẻ. – Anh có đến hay không? Người đó – một ông già tóc xoăn chít bằng dây vỏ cây, lưng còng đen xạm mồ hôi – vội rảo bước đến chỗ xe đỗ và vịn bàn tay rám nắng vào cái chắn bùn.

– Vozdvijenxcoie, nhà các quan chủ ư? Nhà bá tước à? – lão nhắc lại: – chỉ việc leo lên cái dốc kia rồi rẽ tay trái là vào ngay lối đi và tới nơi thôi. Các vị muốn gặp ai? Đích thân bá tước à?

– Họ có nhà không, hở bác? – Daria Alecxandrovna nói, không chỉ đích danh ai vì bà không biết hỏi lão nông dân này về Anna như thế nào cho phải.

– Chắc là có, – lão vừa nói vừa lạch bạch dậm bước tại chỗ, làm hằn vết chân trần năm ngón trên lớp bụi đường. – Tôi chắc có, – lão nhắc lại, rõ ràng muốn kể lể dài dòng hơn. – Mới hôm qua, họ còn có khách. Họ toàn tiếp khách sang… Chú mày muốn gì chứ? – lão vừa hỏi vừa quay về phía một gã thanh niên ngồi cạnh xe tải đang lớn tiếng nói với lão. – À, phải rồi! Lúc nãy, họ cưỡi ngựa qua đây để đến xem máy gặt. Bây giờ, hẳn họ về nhà rồi. Thế các vị ở đâu đến?

– Ồ xa lắm, – gã xà ích vừa nói vừa trèo lên ghế. – Vậy thì cũng không bao xa nữa phải không?

– Thì tôi đã bảo chú là đến nơi rồi mà. Chú cứ đi quá cái dốc… – ông lão vừa nói vừa lấy ngón tay gõ gõ vào cái chắn bùn. Đến lượt một nông dân trẻ tuổi lực lưỡng tiến lại gần.

– Liệu đến khi gặt lúa về có việc làm không? – anh ta hỏi.

– Lão không biết, anh bạn trẻ ạ.

– Thế là chú hiểu rồi đấy, chú rẽ sang trái là vào đúng ngay đó, – lão nông dân nói, rõ ràng miễn cưỡng phải chia tay giữa lúc còn muốn chuyện gẫu thêm lát nữa.

Gã xà ích khẽ quất đàn ngựa nhưng vừa đi vào đường rẽ, lão nông dân đã lớn tiếng gọi họ:

– Dừng lại! Này, anh bạn, dừng lại! – có tiếng hai người kêu. Gã xà ích làm theo.

– Họ kia rồi! Kia kìa! – lão nông dân kêu to. – Họ đi cả đoàn! – lão nói tiếp và chỉ bốn người cưỡi ngựa cùng một chiếc xe ghế dài đang tiến lại gần đường cái. Đó là Vronxki, gã giô kê, Anna và Vexlovxki cưỡi ngựa, quận chúa Vacvara và Xviajxki ngồi xe. Họ đi xem những máy gặt mới mua hoạt động ra sao. Khi cỗ xe dừng lại, các kị sĩ bèn cho ngựa đi bước một. Anna cùng Vexlovxki đến trước tiên. Nàng cưỡi một con ngựa Anh nòi “cóp”(20), tầm vóc trung bình, chắc nịch, đuôi ngắn và bờm xén, ung dung tiến lại. Cái đầu xinh xắn đội mũ đứng thành lòa xòa những búp tóc đen nhánh, đôi vai tròn trặn, thân hình bó gọn trong xiêm áo nữ kị sĩ màu đen cùng dáng ngồi ngựa bình tĩnh và duyên dáng của nàng khiến Doli ngỡ ngàng. Thoạt đầu, bà thấy Anna cưỡi ngựa khí khó coi. Trong ý nghĩ Daria Alecxandrovna, việc phụ nữ cưỡi ngựa là một kiểu làm đỏm trẻ trung và phóng túng mà bà cho là không hợp với tình cảnh hiện tại của Anna; nhưng khi nhìn gần nàng, bà lập tức thay đổi ý kiến. Trong cả tư thế, y phục lẫn cử chỉ của Anna, mọi nét đều thanh lịch mà vẫn bình dị, điềm đạm và đường hoàng đến mức không có gì để tự nhiên hơn. Bên cạnh Anna, trên một con ngựa kị binh màu xám rất hăng, Vaxia Vexlovxki đầu đội mũ nồi Ecot, phất phơ những dải băng, hai bắp chân to tướng duỗi thẳng ra đằng trước, ngạo nghễ đi tới, và Daria Alecxandrovna không thể nén được một nụ cười tinh quái khi nhận ra anh ta. Vronxki đi sau hai người. Chàng cưỡi một con ngựa nòi màu hồng nâu rõ ràng bị khích động trong lúc phóng nước đại. Chàng giật dây cương ghìm nó lại.

(20) Loại ngựa cưỡi chân ngắn, thân mập,

Tiếp đến một Gã nhỏ bé mặc quần áo giôkê. Theo sau các kị sĩ là Xviajxki và quận chúa ngồi trong cỗ xe ghế dài mới tinh do một con ngựa đen khỏe mạnh kéo. Mặt Anna ngời lên một nụ cười sung sướng khi nàng nhận ra Doli trong cái dáng dấp nhỏ bé nép trong góc cỗ xe ngựa cũ kĩ. Nàng reo lên, giật thót mình trên yên ngựa và giục ngựa phi tới. Đến ngang tầm xe, nàng nhảy xuống không cần ai đỡ, và vén cao váy nữ kị binh, nàng chạy tới Doli.

– Quả đúng như em đoán, nhưng em vẫn chưa dám tin là thực. Thật vui quá! Chao, chị không thể tưởng tượng là em sung sướng biết bao, – nàng nói, lúc áp mặt vào mặt Doli mà hôn, lúc nhích ra, mỉm cười ngắm bà. – Alêxây, anh hãy xem này, hạnh phúc biết bao! – nàng vừa nói vừa ngảnh về phía Vronxki lúc đó đã xuống ngựa và đang đi lại chỗ họ.

Sau khi ngả chiếc mũ đứng thành màu xám ra chào, Vronxki đến bên Doli.

– Chị đến chơi thế này, chúng tôi rất vui sướng, chàng nói nhấn mạnh từng tiếng thốt ra và mỉm cười để lộ hàm răng trắng khỏe mạnh Vaxia Vexlovxki không xuống ngựa, ngả mũ chào bà khách mới tới và vui vẻ vẫy mũ trên đầu.

– Đó là quận chúa Vacvara, – Anna nói để trả lời cái nhìn dò hỏi của Doli khi chiếc xe ghế dài tới gần.

– À! – Doli nói, và mặt bà bất giác lộ vẻ khó chịu. Quận chúa Vacvara là một bà cô chồng; bà biết bà ta từ lâu và vẫn coi khinh. Bà biết suốt đời quận chúa Vacvara chỉ ăn bám những bà con giàu có; việc bà hiện sống ở nhà Vronxki, vốn chẳng có họ hàng gì khiến Doli thấy nhục cho gia đình nhà chồng. Anna nhận thấy vẻ mặt đó của Doli; nàng bối rối, đỏ mặt, buông váy xuống và vướng chân vào đó.

Daria Alecxandrovna đến bên xe ghế dài và lạnh lùng chào quận chúa. Bà cũng quen Xviajxki. Ông này hỏi thăm sức khỏe anh bạn độc đáo cùng cô vợ trẻ và sau khi nhìn thoáng chiếc xe cũ kĩ với cỗ ngựa thắng xộc xệch cùng những chắn bùn vá víu, ông bèn mời các bà lên xe ghế dài.

– Còn tôi thì đi xe này, – ông nói. – Con ngựa này thuần tính và quận chúa lái khéo lắm.

– Không, ông cứ ngồi đấy, Anna vừa tới chỗ họ bèn nói, – hai chúng tôi sẽ đi xe đó. Và nàng khoác tay Doli kéo đi.

Daria Alecxandrovna choáng mắt vì cỗ xe sang trọng đàn ngựa đẹp đẽ và những bộ mặt thanh lịch và rờ rỡ vây quanh bà. Nhưng bà ngạc nhiên nhất về sự thay đổi ở nàng Anna yêu quý và thân thuộc. Một phụ nữ khác, ít chú tâm hơn, trước đây chưa biết Anna và nhất là chưa từng băn khoăn với những ý nghĩ đã khuấy động tâm hồn Daria Alecxandrovna trên đường tới đây, ắt sẽ không nhận thấy có gì đặc biệt ở Anna. Nhưng Doli thì sửng sốt về cái đẹp thoáng qua chỉ lộ ra ở người phụ nữ trong những phút yêu đương, mà lúc này bà thấy trên mặt Anna. Mọi nét trên mặt nàng: từ những lúm đồng tiền hằn rõ trên má và trên cằm, từ nếp môi đến nụ cười như phảng phất bay quanh mặt, từ ánh mắt, cử chỉ duyên dáng và nhanh nhẹn, giọng nói đầy đặn, cho đến cả cái cách nàng trả lời Vronxki nửa bực dọc nửa thân mật, khi anh ta xin phép cưỡi con ngựa của nàng, luyện cho nó phi chân phải, tất cả đều quyến rũ vô cùng; hình như nàng cũng biết thế và lấy làm vui thích. Ngồi lên xe rồi, hai người đột nhiên thấy lúng túng. Anna ngượng nghịu dưới con mắt chăm chú, dò hỏi của Doli đăm đăm nhìn nàng. Về phía Doli, sau câu nói của Xviajxki, bà đâm xấu hổ vì cỗ xe cũ kĩ đầy bụi mà Anna đã lên ngồi cùng. Gã xà ích Filip và người thủ hạ cũng có cảm giác đó. Anh chàng thủ hạ, để che giấu nỗi bối rối của mình, cứ xun xoe với các bà, nhưng gã xà ích Filip thì lộ vẻ hầm hầm và chuẩn bị tư tưởng không để cái hào nhoáng kia làm lóa mắt. Gã cười mỉa con ngựa đen nhánh và cả quyết trong thâm tâm rằng cái thứ ngựa như thế giỏi lắm chỉ thắng vào xe ghế dài để đi “du ngạn” là tốt, chứ không bao giờ chạy nổi một mạch bốn mươi dặm giữa trời nóng nực.

Đám nông dân ngồi quanh xe tải đứng dậy cả và vừa tò mò ngắm cuộc gặp gỡ vừa bàn tán:

– Họ hài lòng lắm, đã lâu chưa gặp nhau mà, – ông lão tóc xoăn buộc dây vỏ cây nói.

– Này, bác Ghêraximôp, giá được con ngựa giống đen kia mà chở cỏ về thì được việc quá, hẳn là chẳng lâu la gì!

– Ô! Xem kìa, có phải là một phụ nữ mặc quần không? – một người trong bọn chỉ Vaxia Vexlovxki đang cưỡi con ngựa có bộ yên dùng cho phụ nữ.

– Không phải, đàn ông đấy chứ. Chú xem, anh ta nhẩy lên nhẹ nhàng thế kia mà!

– Thế nào, các cậu, ta không ngủ trưa à?

– Đến giờ rồi! – ông lão nói và liếc nhìn mặt trời. – Quá trưa rồi đấy. Cầm hái làm đi!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.