Anna Karenina (Tập 2)
Phần 6 – Chương 08
18
Anna nhìn bộ mặt gầy guộc, bơ phờ của Doli mà bụi đường càng làm nổi bật những nếp nhăn và định nói ra điều nàng nghĩ, nghĩa là bảo bà đã gầy đi: nhưng chợt nghĩ bản thân mình lại đẹp ra, mà cái nhìn của Doli cũng nói lên điều đó, nàng bèn thở dài và xoay ra nói chuyện mình.
– Chị nhìn em, – nàng nói, – và chị tự hỏi liệu em có thể sung sướng trong hoàn cảnh mình không chứ gì? Thế thì… em lấy làm xấu hổ mà thú thật với chị… thực tình em… em sung sướng một cách không thể tha thứ được. Những điều xảy đến với em đúng là do phép mầu vậy. Thật y như khi tỉnh dậy sau một cơn ác mộng gớm ghiếc và thấy mọi kinh hoàng đến qua hẳn. Em đã bừng tỉnh dậy. Em sống sót qua thời kì tàn khốc ấy và bây giờ, nhất là từ khi ở đây, em thật sung sướng vô cùng! – nàng vừa nói vừa nhìn Doli với nụ cười rụt rè, dò hỏi.
– Tôi rất mừng! – Doli mỉm cười nói, giọng lạnh lùng hơn trong ý định. – Tôi rất mừng cho cô. Tại sao cô không viết thư cho tôi?
– Tại sao ư?… Vì em không dám… chị quên mất hoàn cảnh em rồi sao.
– Cô không dám viết thư cả cho tôi ư! Giá cô biết là tôi… Tôi cho rằng…
Daria Alecxandrovna định kể lại những cảm nghĩ ban sáng nhưng không hiểu sao lại thấy không đúng lúc.
– Thôi, ta sẽ bàn chuyện đó sau. Những nhà gì thế kia? – bà hỏi, muốn lái sang chuyện khác và chỉ những mái nhà xanh, đỏ, thấp thoáng sau hàng giậu dạ hợp và tử đinh hương còn tươi.
– Trông như một thành phố nhỏ ấy.
Nhưng Anna không trả lời câu bà hỏi.
– Không, không, chị nghĩ thế nào về hoàn cảnh em? nàng hỏi.
– Tôi đồ rằng… – Daria Alecxandrovna định nói thì vừa lúc ấy Vaxia Vexlovxki đã luyện được cho ngựa của Anna phi chân phải, phóng vèo qua rất nhanh cạnh họ, người nhún nhẩy nhịp nhàng trên chiếc yên phụ nữ bằng da thuộc.
– Được rồi, Anna Arcadievna ạ! – anh ta nói.
Anna không buồn nhìn anh ta; nhưng, một lần nữa Daria Alecxandrovna lại cảm thấy khó lòng mở đầu câu chuyện dài dòng này trên xe ngựa, nên đành tóm tắt những ý nghĩ của mình.
– Tôi chẳng cho là thế nào cả, – bà nói tiếp, – bao giờ tôi cũng yêu mến cô, mà khi yêu một người, ta yêu trọn vẹn con người đó y nguyên như trong thực tế chứ không phải như trong ước muốn của ta.
Anna quay đi không nhìn vào mặt bà bạn nữa và hấp háy mắt (một thói quen mới của nàng mà Doli chưa từng thấy), bắt đầu suy nghĩ, muốn hiểu thấu hoàn toàn ý nghĩa lời nói đó. Rồi hẳn là đã hiểu như ý mình muốn, nàng nhìn thẳng vào Doli.
– Ví thể chị có tội lỗi trong lương tâm, – nàng nói, – thì việc chị đến thăm và nói với em những lời này cũng sẽ chuộc lại được tất cả.
Và Doli thấy nàng rơm rớm nước mắt. Bà xiết chặt tay Anna không nói gì.
– Thế những nhà này là nhà gì đây? Sao nhiều đến thế! bà nhắc lại sau một phút im lặng.
– Đó là nhà người làm, trại nuôi ngựa, chuồng ngựa, – Anna trả lời. – Bãi cỏ cho gia súc bắt đầu từ đây. Tất cả chỗ này trước đây đều bỏ hoang, nhưng Alecxei đã khôi phục lại hết. Anh ấy yêu trang trại này lắm và em rất ngạc nhiên thấy anh ấy đâm ra say mê khai khẩn ruộng đất. Với lại, đây là một con người có bản chất hết sức phong phú! Bất cứ bắt tay vào việc gì, anh ấy cũng làm rất trội. Không những anh ấy không bao giờ chán mà còn say mê với việc mình làm nữa kia. Theo như em biết, anh ấy trở nên tiết kiệm, thành điền chủ xuất sắc, thậm chí còn hà tiện nữa… Nhưng chỉ trong công việc canh tác thôi, vì anh ấy vẫn tiêu hàng vạn rúp không cần tính toán, – nàng nói với nụ cười vừa sung sướng vừa tinh quái thường thấy ở phụ nữ khi nhắc đến những cá tính sâu kín của người yêu mà chỉ riêng họ nhìn thấy. – Chị có thấy tòa nhà to kia không? Đó là bệnh viện mới. Em chắc xây cũng đến hơn mười vạn rúp. Đó là cáithích thú hiện nay của anh ấy. Và chị có biết do đâu anh ấy lại thế không? Nông dân xin anh ấy nhượng lại theo giá rẻ mấy cánh đồng cỏ; anh ấy từ chối và em trách anh ấy keo kiệt. Tất nhiên, không phải chỉ vì thế thôi, đó là cả một mớ nguyên nhân gộp lại; anh ấy liền làm nhà thương này để chứng tỏ mình không phải là đồ keo kiệt, chị hiểu chứ. Đó là chuyện nhỏ nhen, nếu chị muốn cho là thế cũng được; nhưng chính vì thế em càng yêu anh ấy hơn. Bây giờ, chị sắp sửa thấy nhà chúng em đấy. Nhà xây từ đời ông nội và anh ấy không thay đổi gì ở bên ngoài cả.
– Đẹp thật! – Doli trầm trồ ngắm ngôi nhà có hàng cột chạy quanh, nổi bật trên vòm lá xanh óng của những cây cổ thụ.
– Phải không chị? Và đứng trên gác hai mà ngắm phong cảnh thì tuyệt.
Họ đi vào sân rải sỏi điểm một khoảnh đất trồng hoa mà hai người làm vườn đã viền đá bọt xung quanh và dừng lại trước thềm nhà rải thảm.
– À, họ đã về đến nơi rồi! – Anna thốt lên khi thấy có người dẫn ngựa cưỡi về chuồng. – Con vật mới đẹp làm sao, chị nhỉ? Nói “cóp” đấy. Nó là con ngựa cưng của em đấy. Dẫn nó lại đây và cho tôi ít đường. Bà tước đâu? – nàng hỏi hai người hầu mặc quần áo nâu đang chạy tới. – À, anh ấy kia rồi! – nàng nói khi trông thấy Vronxki đến đón họ.
– Mình định xếp quận chúa nghỉ đâu? – Vronxki hỏi Anna bằng tiếng Pháp và không chờ trả lời, chàng lại chào Daria Alecxandrovna và lần này hôn tay bà. – Có lẽ ở phòng lớn có bao lơn chăng?.
– Ồ, không, xa quá! Phòng trong góc tiện hơn, để chị em tôi còn gặp nhau luôn chứ. Ta đến đấy đi, – Anna nói và cho con ngựa cưng miếng đường người hầu vừa mang đến.
– Thế là ông quên nhiệm vụ rồi, – nàng bảo Vexlovxki đang bước lên thềm nhà.
– Xin lỗi, tôi có đường đầy túi đây, – anh ta mỉm cười đáp và luồn hai ngón tay vào túi gi lê.
– Nhưng ông đến chậm quá, – nàng nói tiếp và lấy khăn lau bàn tay bị ướt vì cho ngựa ngoạm đường. Anna quay về phía Doli. – Chị ở chơi lâu không? Một ngày thôi ư? Không được!
– Tôi đã hẹn thế rồi! Với lại còn các cháu… – Doli nói, ngượng ngùng vì phải lôi cái túi đi đường xoàng xĩnh ra khỏi xe và vì biết chắc mặt mình đầy bụi.
– Không, chị Doli, chị thân mến của em… Nhưng ta sẽ liệu sau. Đi nào, đi nào! – và Anna dẫn Doli vào buồng dành cho bà.
Buồng này không lộng lẫy bằng căn buồng Vronxki định xếp cho bà và Anna xin lỗi về điều đó. Nhưng nó vẫn sang trọng hơn mọi thứ buồng Doli từng ở và gợi cho bà nhớ tới những khách sạn đẹp nhất ở nước ngoài.
– Ôi, chị thân mến, em sung sướng quá! – Anna nói và ngồi xuống cạnh Doli một lát, nàng vẫn mặc bộ đồ kị sĩ. – Chị kể em nghe về gia đình chị đi. Em có thoáng gặp anh Xtiva một lát. Nhưng anh ấy không biết kể về các cháu. Tania, đứa cháu gái cưng của em ra sao rồi! Chắc nó lớn lắm rồi nhỉ?
– Ừ, cháu lớn lắm, – Daria Alecxandrovna đáp gọn lỏn, bà ngạc nhiên thấy mình nói đến con cái một cách lạnh lùng đến thế. – Chúng tôi ở nhà Levin dễ chịu lắm, – bà nói tiếp.
– Giá trước kia em biết chị không khinh em, – Anna nói… – Biết thế thì em đã mời cả gia đình chị đến ở với chúng em. Xtiva là bạn cũ của Alecxei, – nàng nói tiếp và bỗng nhiên đỏ mặt.
– Vâng, nhưng chúng tôi ở đằng ấy cũng dễ chịu lắm, – Doli bối rối đáp lại.
– Đúng thế đấy, em mừng quá nên đâm ra ăn nói nhảm nhí. Em rất sung sướng được gặp chị, chị thân yêu của em! – Anna vừa nói vừa hôn chị dâu lần nữa. – Chị vẫn chưa nói cho em biết chị nghĩ gì về em và em muốn biết tất cả. Nhưng em hài lòng vì chị thấy em như thế này. Em mong hơn hết là người ta đừng cho là em định chứng minh cái gì. Em chẳng muốn chứng minh gì hết, em chỉ muốn sống, thế thôi; không làm hại ai kể cả bản thân mình. Em rất có quyền như thế, phải không chị? Với lại, chuyện dài lắm, chúng ta sẽ còn tha hồ hàn huyên. Em đi thay quần áo đây; em sẽ phái hầu phòng đến cho chị.
19
Còn lại một mình, Daria Alecxandrovna xem xét căn buồng với con mắt người nội trợ. Tất cả mọi thứ bà nhìn thấy khi đến gần ngôi nhà này, khi đi thăm suốt lượt, cũng như ở căn phòng này đều mang dấu vết sang trọng và vẻ xa hoa của phương Tây mà bà chỉ biết qua các tiểu thuyết Anh; chưa bao giờ bà thấy cái gì tương tự như thế ở nông thôn Nga. Mọi thứ đều mới, từ giấy sơn Pháp đến tấm thảm phủ kín sàn nhà. Cái giường lò xo với nệm nhỏ, cái gối dài kì quặc và những gối nhỏ bọc áo gối bằng tơ sống. Bàn rửa mặt bằng đá hoa, ghế tựa dài, bàn tròn, đồng hồ bằng đồng đen trên lò sưởi, rèm cửa sổ, màn cửa ra vào, mọi thứ đều mới và đắt tiền.
Chị hầu phòng chỉnh tề đến giúp việc, kiểu tóc và áo còn “mốt” hơn tóc và áo Doli, chị ta cũng mới và đắt tiền như mọi thứ trong phòng này. Daria Alecxandrovna ưng thái độ lễ phép và ân cần chị ta, nhưng vẫn ngường ngượng khi có chị ta ở bên; bà xấu hổ vì chiếc áo ngủ mạng chi chít mang nhầm theo; bà đỏ mặt vì những miếng vá và những chỗ mạng mà ở nhà thì bà hãnh diện biết bao. ở nhà rõ ràng là sáu chiếc áo ngủ cần có hăm bốn arsin21 vải năngxuc22, mỗi arsin giá sáu mươi lăm kôpênh, vị chi là hơn mười lăm rúp chưa kể công may lẫn khuy cài, và như vậy tiết kiệm được khối tiền. Nhưng trước mặt chị hầu phòng, nếu bà không cảm thấy tủi nhục thì ít ra cũng ngượng ngùng. Daria Alecxandrovna nhẹ hẳn người khi Annuska23 mà bà quen từ lâu, bước vào phòng. Nữ chủ nhân cho gọi chị hầu phòng người Pháp và Anna ở lại hầu Daria Alecxandrovna. Rõ ràng Annuska rất mừng thấy Doli tới nên chuyện trò không dứt. Doli nhận thấy chị ta muốn bày tỏ ý kiến về hoàn cảnh nữ chủ nhân và đặc biệt về mối tình cùng sự tận tâm của bá tước với Anna Arcadievna, nhưng Doli khôn khéo lái đi khi chị ta vừa mới đả động đến vấn đề này.
(21) Một đơn vị đo chiều dài bằng 0m71.
(22) Một loại vải bông thô.
(23) Tên gọi thân mật của Anna. Chú ý đừng lầm Anna hầu phòng với Anna nữ chủ nhân.
– Cháu được nuôi lớn lên cùng với cô Anna Arcadievna, cháu quý cô nhất trên đời, việc phán xét đâu đến phận chúng ta, phải không ạ? Và xem ra bá tước yêu cô ghê lắm…
– Này, tôi nhờ chị nhé, nếu tiện chị bảo giặt hộ tôi cái này, – Daria Alecxandrovna ngắt lời.
– Thưa bà được ạ. Ở đây có hai chị lo liệu riêng việc ấy và quần áo đều giặt bằng máy. Đích thân bá tước sắp đặt tất cả. Một người chồng như vậy… – Doli hài lòng thấy Anna bước vào và do đó, chấm dứt câu chuyện phiếm của Annuska.
Anna mặc áo dài vải gai nõn rất giản dị. Doli chăm chú ngắm nghía chiếc áo. Bà hiểu rõ ý nghĩa và cái giá của sự giản dị ấy.
– Người quen cũ đấy, – Anna chỉ Annuska. Anna đã hết bối rối. Nàng hoàn toàn thoải mái và bình thản. Doli thấy rõ nàng đã trấn tĩnh hẳn sau nỗi xúc động do thấy bà tới thăm và giờ đây nàng lại giở cái giọng hời hợt và ơ thờ, có thể nói nó khép lại cánh cửa khoang lòng chứa đựng những tình cảm và ý nghĩ sâu kín.
– Cháu gái bé của cô ra sao, cô Anna? – Doli hỏi.
– Anni ấy à? (nàng gọi bé Anna, con gái mình như vậy). Cháu khỏe lắm. Cháu xinh ra nhiều. Chị có muốn xem cháu không? Ta đi đi, em sẽ đưa nó cho chị coi. Bọn em gặp nhiều cái rầy rà về chuyện vú bõ quá. Chúng em đã thuê một vú nuôi người ý. Một người thật thà nhưng đần quá! Chúng em định cho ra, nhưng con bé quen hơi chị ta quá rồi, nên đành phải giữ lại.
– Cô chú định thu xếp ra sao,.. – Doli mào đầu, định hỏi đứa trẻ sẽ mang họ ai; nhưng nhận thấy nét mặt Anna lập tức sa sầm, bà liền hỏi khác đi. – Cô chú cho cháu cai sữa chưa?
Nhưng Anna đã hiểu ra.
– Chị không định hỏi thế, có phải không? Chị muốn ám chỉ đến họ của cháu, đúng không? Điều đó đang giày vò Alecxei. Cháu không có họ. Em muốn nói cháu lấy họ… Carenin, – nàng nói tiếp và nheo mắt lại, chỉ còn thấy hai hàng mi chập vào nhau. – Vả lại (mặt nàng đột nhiên sáng lên) ta sẽ trở lại chuyện này sau. Ta đi đi, em sẽ đưa cháu cho chị coi. Cháu nó kháu lắm. Nó biết bò rồi kia.
Tại phòng trẻ, sự sang trọng từng làm Doli ngạc nhiên trong khắp ngôi nhà, tới đây càng khiến bà sững sờ hơn. ở đây, có xe nôi đặt mua tận bên Anh, dụng cụ tập đi, một cái đi văng dụng ý làm theo kiểu bàn bi a để tập bò, những cột đu và bồn tắm mới, lạ kiểu. Tất cả đều của Anh, thuộc loại thượng hảo hạng và rõ ràng rất đắt tiền. Phòng rộng thênh thang rất cao và sáng sủa. Khi họ bước vào, đứa bé mặc sơ mi đang ngồi trong một chiếc ghế bành nhỏ kê trước bàn, ăn canh để rớt ướt bộ ngực nhỏ xíu. Một cô hầu gái người Nga được cắt đặt làm ở phòng trẻ đang cho nó ăn và cùng ăn với nó. Cả vú nuôi lẫn bảo mẫu đều không có đó, họ đang ở phòng bên cạnh và người ta nghe thấy họ chuyện trò bằng một thứ tiếng Pháp kì cục, thứ ngôn ngữ độc nahát qua đó họ có thể hiểu nhau. Nghe tiếng Anna, một phụ nữ Anh cao lớn, sang trọng, mặt khó coi, vẻ xảo trá, hối hả bước vào, lắc lư những mớ tóc xoăn và lập tức xin lỗi ngay mặc dầu Anna không hề trách mắng lời nào. Cứ mỗi câu Anna nói, chị ta lại vội vã trả lời liên chi hồ điệp: “Vâng, thưa bà”. Con bé nước da hồng hào, lông mày và tóc đen nhánh, thân hình nhỏ nhắn khỏe mạnh và đỏ đắn với làn da gà giò, làm Daria Alecxandrovna thích mê, mặc dầu nó rất nghiêm nghị nhìn chằm chằm vào mặt bà khách lạ; Doli thấy thèm cả cái vẻ lành mạnh của nó. Cách bò toài của con bé cũng khiến bà rất thú vị. Không đứa con nào của bà dạo trước bò khéo như nó. Đặt lên thảm với chiếc váy vạt sau tốc lên, con bé nom đáng yêu lạ lùng. Tựa một con vật nhỏ, nó nhìn người lớn bằng đôi mắt đen láy, coi bộ đắc ý ra mặt vì thấy mình được chiêm ngưỡng. Nó cười rất tươi, chân dạng ra, tì thật mạnh lên hai tay, thoăn thoắt đẩy cả mông đít lên, rồi lại quăng hai tay về phía trước. Nhưng không khí phòng trẻ và nhất là chị người Anh khiến Daria Alecxandrovna rất khó chịu. Bà thầm nghĩ sở dĩ Anna, vốn biết người biết của, mà phải nuôi một người đàn bà đáng ghét và đáng bỉ đến thế để trông nom con nhỏ, hẳn là vì người đứng đắn ắt từ chối không chịu vào làm ở một gia đình bất chính như gia đình Anna. Hơn nữa, qua vài câu, Doli còn hiểu rằng Anna, cùng vú nuôi, bảo mẫu và đứa bé thật xa lạ với nhau và việc Anna đến thăm con thế này quả là một sự kiện khác thường. Anna định lấy đồ chơi cho con, cũng không biết đâu mà tìm cho ra. Cuối cùng, khi bà hỏi con bé đã có mấy răng, Anna cũng lầm lẫn (Doli đâm sửng sốt vì điều đó): nàng không biết con bé đã có thêm hai răng mới.
– Đôi khi điều đó làm cho em thật khổ tâm, em cảm thấy ở đây em là thừa, – Anna nói khi ra khỏi phòng trẻ và kéo cao gấu áo để khỏi vướng vào những đồ chơi la liệt trước cửa. – Thật khác hẳn với cháu đầu.
– Tôi cứ tưởng trái lại… – Daria Alecxandrovna rụt rè nói.
– Ồ không! Chắc chị biết em đã gặp cháu Xerioja, – Anna nói tiếp và lim dim đôi mắt như đang đăm đăm nhìn một vật gì đằng xa. – Vả lại, ta sẽ trở lại chuyện đó sau. Chị không thể tưởng tượng được đâu, em như người sắp chết đói được dọn cho bữa tiệc, không biết nên ăn món gì trước. Bữa tiệc đó chính là chị và những chuyện em sắp hàn huyên với chị, đương lúc em không dám nói ra với ai cả. Em không biết bắt đầu bằng chuyện nào. Nhưng em sẽ bắt chị phải nghe tất cả mọi chuyện. Em phải thổ lộ với chị tất cả những gì mang nặng trong lòng. Phải, em cần nói phác cho chị hiểu sơ qua cái xã hội chị sắp thấy ở nhà chúng em, – nàng nói. – Em bắt đầu từ các bà trước. Quận chúa Vacvara nhé. Chị đã biết bà ta và em hiểu anh chị nghĩ như thế nào về bà ta, chị và anh Xtiva ấy. Anh Xtiva nói mục đích duy nhất của đời bà là chứng minh bằng được rằng bà ấy hơn hẳn bà cô Ecaterina Paplôpna của chúng em; hoàn toàn đúng như vậy; nhưng bà ta thật là tốt bụng và em rất biết hơn bà ta. Ở Peterburg, một dạo em rất cần một bà tùy tùng. Và bà sẵn sàng giúp em. Em cam đoan với chị là bà ấy thật tốt bụng. Bà làm cho tình cảnh em dễ chịu hơn rất nhiều. Em thấy chị chưa hiểu tình cảnh em lúc đó thật nặng nề biết bao… hồi ở Peterburg ấy, – nàng nói thêm. – Ở đây, em hoàn toàn thanh thản và sung sướng. Nhưng ta sẽ quay lại chuyện này sau. Em tiếp tục kể nhé. Rồi đến Xviajxki, vị đại biểu quý tộc trong quận, một con người rất lịch thiệp, ông ta có việc đang cần nhờ vả Alecxei. Chị biết đấy, hiện nay bọn em về ở nông thôn, với tài sản của mình, Alecxei có thể có thế lực lớn đấy. Rồi đến Tuskievitr, chị đã gặp anh ta rồi đó, trước kia anh ta luôn luôn hộ tống Betxi. Bây giờ người ta cho anh về vườn, anh ta tìm đến chúng em. Như lời Alecxei nói, anh ta thuộc loại người rất dễ chịu, nếu ta coi họ đúng như ý họ muốn; hơn nữa, anh ta cũng là người đứng đắn, theo lời quận chúa Vacvara. Vexlovxki… anh chàng này thì chị biết rồi. Đó là một thanh niên rất dễ thương, – nàng nói và đôi môi bỗng mỉm cười ranh mãnh. – Câu chuyện kì cục xảy ra với Levin là ra thế nào nhỉ? Vexlovxki đã kể lại cho Alecxei nghe, nhưng chúng em chẳng tin lấy nửa lời. Anh ta rất dễ thương và chất phác, – nàng nói, vẫn nụ cười như vậy. – Đàn ông vốn cần phải tiêu khiển, Alecxei không thể sống thiếu bạn bè đông đúc, cho nên em thấy cần có tất cả đám người đó. Cuộc sống chúng em cần vui tươi và hoạt động và cần làm sao cho Alecxei không mong muốn gì khác nữa. Lại còn viên quản lí nữa. Đó là một người Đức, một con người rất tốt, thông thạo công việc. Alecxei quý trọng bác ta lắm. Rồi đến bác sĩ, một thanh niên: không phải anh ta hoàn toàn theo chủ nghĩa hư vô đâu, nhưng chị biết không, anh ta vẫn ăn bằng dao riêng… tóm lại, đó là một thầy thuốc xuất sắc. Rồi đến kiến trúc sư… Một cái triều đình nhỏ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.