Anna Karenina (Tập 2)
Phần 6 – Chương 09
20
– Thưa quận chúa, đây là Doli, người mà cô vẫn ao ước được gặp, – Anna nói khi nàng cùng Daria Alecxandrovna tới sân thượng lớn nơi quận chúa Vacvara đang ngồi trong bóng râm sau khung cửi để thêu vải lót ghế bành cho bá ước Alecxei Kirilovitr. – Chị ấy bảo không muốn ăn gì trước bữa trưa, nhưng cô cứ sai dọn cho chị ấy điểm tâm một chút nhé, cháu đi tìm Alecxei và sẽ dẫn tất cả lại đây.
Quận chúa Vacvara tiếp Doli bằng vẻ hòa nhã hơi kẻ cả và lập tức giải thích sở dĩ bà đến ở nhà Anna vì xưa nay bà vẫn ưa nàng hơn bà chị Ecaterina Paplôpna, người đã nuôi nấng Anna, và vì giờ đây, trong khi mọi người đều bỏ rơi Anna, bà cho mình có nhiệm vụ phải đến giúp nàng trong thời kì quá độ đặc biệt khó khăn này.
– Khi nào chồng cô ấy bằng lòng li dị, tôi sẽ lại trở về với cảnh sống cô đơn, nhưng lúc này tôi có thể giúp cô ta và tôi đang thực hiện bổn phận mình, dù nó nặng nề đến đâu chăng nữa, tôi không làm như kẻ khác. Chị thật quý hóa quá, chị đến đây là rất phải! Họ sống với nhau như cặp vợ chồng thuận hòa nhất; việc phán xét thuộc quyền Chúa, chứ đâu đến phận mình. Không riêng Biruzovxki và phu nhân Avenieva… Cả Nicandrov, cả Vaxiliev, cả cô Mamonova và cả Liza Nevtunova… Chẳng ai nói gì bao giờ! Và cuối cùng, mọi người đều tiếp họ. Hơn nữa, đây là một nội thất rất đẹp, rất đàng hoàng. Hoàn toàn theo kiểu Anh. Buổi sáng mọi người họ mặt ăn điểm tâm rồi chia tay nhau tuỳ mỗi người muốn làm gì thì làm cho đến bữa chiều. Bữa chiều ăn vào lúc bảy giờ. Xtiva để chị đến đây là rất đúng. Anh ấy cần giữ quan hệ tốt với họ. Chị nên biết, với sự giúp đỡ của mẹ và anh, bá tước có thể làm được mọi việc. Họ đã làm rất nhiều việc thiện. Anh ta không nói chuyện với chị về cái nhà thương ư? Sẽ tráng lệ đấy. Mọi thứ đều đặt mua từ Pari.
Câu chuyện bị Anna làm gián đoạn, nàng đã tìm thấy cánh đàn ông ở phòng bi a và cùng họ trở lại sân thượng. Từ đó đến bữa chiều còn vô khối thời giờ và vì trời đẹp, nên mọi người đề ra nhiều cách để qua nốt hai giờ còn lại. ở Vozdvijenxcoie, thật có lắm cách tiêu thời giờ và tất cả đều rất khác với lối tiêu thời giờ thông dụng ở Pokhrovxcoie.
– Một ván quần vợt đi, – Vexlovxki đề nghị với nụ cười tươi đẹp. – Tôi với chị lại cùng bên, Anna Arcadievna nhé.
– Không, trời nóng quá; tốt hơn là ta dạo chơi trong vườn và đi thuyền một vòng để chỉ cho chị Daria Alecxandrovna xem phong cảnh, – Vronxki nói.
– Tôi thì thế nào cũng được, – Xviajxki nói.
– Tôi chắc chị Doli thích đi dạo hơn, phải không? Sau đó, ta sẽ đi chơi thuyền, – Anna nói.
Thế là quyết định như vậy. Vexlovxki và Tuskievitr đi tắm, hẹn sẽ chuẩn bị thuyền, chờ mọi người ngoài đó.
Họ đi vào con đường nhỏ từng đôi một. Anna với Xviajxki và Doli với Vronxki. Doli hơi lúng túng và băn khoăn giữa cái môi trường này hoàn toàn mới mẻ với bà. Một cách trừu tượng và trên lí thuyết, không những bà bênh vực Anna mà còn tán thành cách xử sự của nàng nữa. Cũng như những phụ nữ hoàn thiện thường chán cuộc đời đức hạnh phẳng lặng của mình, không những bà tha thứ cho mối tình tội lỗi, mà thậm chí còn thèm muốn như thế nữa. Hơn nữa, bà lại hết lòng yêu mến Anna. Nhưng trong thực tế, khi thấy nàng ở giữa đám người xa lạ kia, với cái giọng điệu thanh lịch mới mẻ đối với bà, Daria Alecxandrovna thấy thật gượng gạo. Bà khó chịu nhất là thấy quận chúa Vacvara bỏ qua mọi sự cho những người đó vì họ đã cung phụng bà. Nói chung, trên quan điểm trừu tượng, Doli tán thành cách xử sự của Anna, nhưng bà lấy làm khó chịu khi có mặt con người đã khiến nàng đi chệch khỏi con đường đoan chính. Vả lại, xưa nay bà vẫn không ưa Vronxki. Bà cho là chàng rất kiêu ngạo, vậy mà ngoài tài sản ra, bà chẳng thấy chàng có gì đáng lên mặt cả. Nhưng, ngược với ý muốn của bà, ở đây, với ta cách chủ nhân, chàng càng có ưu thế hơn đối với bà và ở bên cạnh chàng, bà thấy mất cả thoải mái. Trước mặt chàng, bà có cái cảm giác tương tự như trước mặt chị hầu phòng vì cái áo ngủ của mình. Cũng như trước mặt chị kia, bà đã cảm thấy, nếu không phải là xấu hổ thì ít ra cũng ngượng ngùng vì những chỗ mạng trên áo, trước mặt chàng, bà luôn cảm thấy nếu không phải là hổ thẹn thì ít ra cũng ngường ngượng về con người mình. Doli lúng túng tìm đầu đề nói chuyện. Tuy tin chắc thói kiêu kì của Vronxki không thể thỏa mãn với những lời tán dương nhà cửa, vườn tược của chàng, nhưng vì không biết cách nào khác để khơi chuyện, bà vẫn cứ nói chỗ ở của chàng khiến bà rất ưng ý.
– Vâng, đó là một tòa nhà đẹp theo kiến trúc cổ, – chàng nói.
– Tôi ưa ngôi chính đình lắm. Cũng kiểu cổ đấy à?
– Ồ, không ạ! chàng nói, mặt rạng rỡ vui thích. – Giá chị trông thấy nó về mùa xuân!
Và, mới đầu còn dè dặt kín đáo, rồi mỗi lúc một bốc lên, chàng lưu ý Doli tới những nét trang trí điểm tô cho ngôi nhà và khu vườn. Rõ ràng sau khi tốn bao công phu trang hoàng dinh cơ, Vronxki thấy cần phải khoe điều đó với bà khách mới và hiển nhiên là chàng vui thích vì những lời khen của Daria Alecxandrovna.
– Nếu chị muốn và chị không mệt thì ta đến ngó qua bệnh viện một chút. Không xa đâu. Ta tới đó đi, – chàng vừa nói vừa nhìn thẳng vào mặt bà để chắc chắn điều đó không có gì phiền toái. – Mình có đi không, Anna? – chàng hỏi thêm.
– Có chứ, phải không ông? – nàng vừa nói, vừa quay về phía Xviajxki. – Nhưng không nên để anh chàng Vexlovxki tội nghiệp và Tuskievitr đợi mỏi mắt ở ngoài thuyền. Phải báo cho họ biết. Đó là đài kỉ niệm anh ấy sẽ để lại nơi đây, – Anna quay về phía Doli nói, vẫn với nụ cười thông đồng và ranh mãnh ban nãy khi kể cho bà nghe về bệnh viện.
– Đúng vậy, thật là một công trình quan trọng bậc nhất, – Xviajxki nói. Nhưng để khỏi có vẻ tâng bốc Vronxki, ông lại thê ngay vào một nhận xét hơi có tính chất phê phán. – Tuy nhiên, thưa bá tước, tôi lấy làm ngạc nhiên là ngài đã làm bao điều cho dân chúng về phương diện vệ sinh công cộng, mà lại thờ ơ đối với vấn đề mở trường học đến thế.
– Trường học, cái đó thôn thường quá, – Vronxki nói. – Vả lại, tôi cũng bị lôi kéo thôi. Đi lối này, – chàng vừa nói vừa quay về phía Daria Alecxandrovna và chỉ một con đường ngang. Các bà mở dù và đi vào lối đó. Sau mấy chỗ ngoặt, ra khỏi vườn bằng lối cửa xép, Daria Alecxandrovna trông thấy trên gờ đất trước mặt một tòa nhà lớn bằng gạch đỏ xây theo một kiến trúc phức tạp, sắp hoàn thành. Mái tôn chưa sơn hắt ra một vầng sáng lóa mắt dưới ánh nắng. Cách đấy không xa, sừng sững một tòa nhà khác, có dàn dáo bao quanh với những công nhân đeo tạp dề đang lúi húi đặt gạch, trát vữa và san đều bằng thước góc.
– Ở trang trại ngài, công việc tiến triển nhanh quá! – Xviajxki nói. – Lần vừa rồi tôi đến, còn chưa có mái.
– Tất cả sẽ hoàn thành vào mùa thu. Phía trong nhà đã gần xong rồi, – Anna nói.
– Còn cái này, mới xây ạ?
– Đấy là nhà ở của thầy thuốc và nơi bào chế, – Vronxki trả lời và thoáng thấy kiến trúc sư mặc áo khoác ngắn đang đi đến, chàng xin lỗi các bà để gặp ông ta.
Chàng đi quành sang bên để tránh hố vôi và tới chỗ kiến trúc sư, nói chuyện sôi nổi với ông.
– Vòm dưới mái còn thấp, – chàng trả lời khi Anna hỏi họ bàn chuyện gì.
– Em đã bảo là phải nâng cao móng lên, Anna nói.
– Tất nhiên như thế thì tốt hơn đấy, thưa bà Anna Arcadievna, – kiến trúc sư nói, – nhưng bây giờ thì muộn quá rồi.
– Vâng, tôi rất quan tâm đến môn đó, – Anna trả lời Xviajxki khi ông tỏ vẻ ngạc nhiên trước kiến thức của nàng về kiến trúc. – Tòa nhà mới phải cân đối với bệnh viện. Vậy mà mãi về sau mới quyết định làm và khởi công chẳng có quy hoạch gì cả.
Nói chuyện xong với kiến trúc sư, Vronxki quay lại chỗ các bà và dẫn họ vào bên trong bệnh viện.
Các gờ tường phía ngoài chưa chạm trổ, tầng dưới đang quét vôi, nhưng gác hai đã gần xong. Trèo lên cầu thang rộng bằng gang đến sàn gác, họ bước vào gian phòng lớn đầu tiên. Tường phủ một lượt hồ giả cẩm thạch. Những cửa sổ lớn nối tiếp liền một mạch đã đặt xong; chỉ sàn gác là còn dở dang và toán thợ mộc đang bào một miếng gỗ vuông ngừng việc để cất những sợi dây nhỏ buộc tóc trước khi cúi chào các khách đến thăm.
– Đây là phòng tiếp khách, – Vronxki nói. – Ở đây sẽ chỉ kê một giá đọc sách, một bàn và một tủ.
– Lại đây các vị. Chị đừng đến gần cửa sổ, Anna vừa nói vừa lấy đầu ngón tay sờ thử lớp sơn. – Alecxei, sơn khô rồi đấy, – nàng nói thêm. Từ phòng khách, họ ra hành lang. ở đây Vronxki chỉ cho họ xem một hệ thống thông gió. Rồi chàng dẫn họ xem những buồng tắm lát đá hoa, những giường lò xo kì diệu. Sau đó, chàng đưa họ lần lượt đi thăm tất cả các phòng, kho chứa đồ ăn, kho quần áo, giới thiệu những bếp lò bố trí theo phương pháp mới, rồi chiếc xe một bánh êm ru, và nhiều chi tiết khác. Xviajxki nhận xét mọi thứ ra dáng con người thông thạo những cải tiến mới nhất. Doli chỉ còn biết thán phục tất cả những cái xưa nay bà chưa từng thấy, và vì muốn hiểu cặn kẽ, bà hỏi tỉ mẩn từng thứ khiến Vronxki thích thú.
– Đúng thế, tôi nghĩ đây là bệnh viện duy nhất ở nước Nga được bố trí hợp lí hóa hoàn toàn, – Xviajxki nói.
– Ở đây có phòng đỡ đẻ không? – Doli hỏi. – Cái này, ở nông thôn cần lắm. Tôi luôn luôn… – Tuy rất lịch sự, Vronxki vẫn ngắt lời bà.
– Đây không phải là nhà hộ sinh, mà là bệnh viện chữa tất cả các bệnh truyền nhiễm, chàng nói. – Này, chị xem… – và chàng đẩy về phía Daria Alecxandrovna một chiếc ghế bành có bánh xe vừa đặt mua cho những người dưỡng bệnh – Chị trông đây, – chàng ngồi vào ghế bành và cho chuyển động. – Bệnh nhân còn yếu hoặc đau chân chưa đi được, nếu cần ra chỗ thoáng, có thể ngồi vào ghế đó lăn đi. Daria Alecxandrovna chú ý đến hết thảy, cái gì cũng làm bà thích thú, và đặc biệt là Vronxki với thái độ phấn khởi hồn nhiên. “Phải, thật là người tốt và dễ thương, thỉnh thoảng bà lại nghĩ thầm, không lắng nghe mà cứ nhìn chàng, cố tìm hiểu thật thấu đáo vẻ mặt chàng, và trong ý nghĩ, bà thử đặt mình vào địa vị Anna. Thái độ hoạt bát của chàng làm bà rất ưa và bà chợt hiểu tại sao Anna lại yêu chàng.
21
– Không, anh chắc phu nhân mệt rồi và cũng chẳng thích xem ngựa đâu, – Vronxki nói với Anna khi nàng đề nghị đến trại nuôi ngựa cho Xviajxki xem con ngựa giống mới. – Hai người cứ đi đi, còn tôi sẽ đưa phu nhân về nhà và chúng tôi sẽ chuyện trò một chút, chàng quay lại hỏi Doli, – chị có ưng thế không?
– Tôi chẳng biết gì về ngựa, nên xin vui lòng nhận lời, – Daria Alecxandrovna hơi ngỡ ngàng nói.
Nhìn nét mặt Vronxki, bà biết chàng có điều muốn hỏi bà. Bà không lầm. Vừa đi qua cái cửa nhỏ trở lại khu vườn, chàng liền nhìn về hướng Anna đang đi và sau khi yên trí đã ở ngoài tầm nghe và tầm nhìn của nàng, chàng mào đầu:
– Chắc chị đã đoán được là tôi muốn nói chuyện với chị, – chàng nói, đôi mắt tươi cười nhìn bà. – Tôi không lầm khi coi chị là người thực sự thân thiết với Anna, – chàng bỏ mũ và rút khăn tay ra lau cái đầu chớm hói. Daria Alecxandrovna không trả lời và chỉ sợ sệt đưa mắt nhìn chàng. Còn lại một mình với chàng, bà chợt cảm thấy lo ngại: cặp mắt tươi cười và vẻ mặt nghiêm nghị của chàng khiến bà sợ hãi. Những phỏng đoán khác nhau nhất về vấn đề chàng sắp nêu ra, lướt qua óc bà: “Anh ta sắp mời mình cùng các con đến ở đây và mình đến phải từ chối thôi; hay là anh ta muốn mình tập hợp cho Anna một nhóm bạn bè ở Moxcva… Hoặc giả là chuyện Vexlovxki và quan hệ của anh chàng này với Anna?” Cũng có thể là chuyện Kitti vì anh ta cảm thấy có lỗi với cô ấy? Bà toàn dự tính những chuyện khó chịu chứ không đoán ra điều chàng định nói.
– Chị có uy tín rất lớn đối với Anna, nàng rất quý mến chị, mong chị hãy giúp tôi, – chàng nói.
Daria Alecxandrovna thắc mắc và rụt rè đưa mắt nhìn bộ mặt kiên nghị lấp loáng ánh nắng lọc qua vườn lá bồ đề và chờ chàng nói tiếp: nhưng chàng vẫn lặng lẽ đi bên bà, chiếc can khua khua lớp sỏi.
– Theo tôi hiểu, sở dĩ chị đến thăm chúng tôi, chị, người độc nhất trong số bạn bè cũ của Anna (tôi không kể quận chúa Vacvara), đó không phải vì coi hoàn cảnh chúng tôi là bình thường mà chính vì chị hiểu tình cảnh này thật rất khổ tâm, chị vẫn tiếp tục yêu mến và muốn giúp Anna. Tôi hiểu như vậy có đúng không? – chàng vừa hỏi vừa quay nhìn bà.
– À phải, – Daria Alecxandrovna đáp và khép dù lại, – nhưng…
– Không, – chàng ngắt lời và vô tình đứng lại, quên khuấy mất như thế là đưa người tiếp chuyện vào một thế bất tiện, khiến bà cũng phải dừng lại. – Không ai cảm thấy mãnh liệt hơn tôi là tình cảnh Anna thật đau xót chừng nào. Và chị sẽ hiểu điều đó nếu tôi vinh dự được chị coi là người có tâm hồn. Chính tôi là kẻ chịu trách nhiệm về tình cảnh này, cho nên tôi xót xa lắm.
– Tôi hiểu, – Daria Alecxandrovna nói, bất giác thấy khâm phục thái độ chân thật và kiên quyết của chàng khi nói ra những điều đó. – Nhưng chính vì anh cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm nên tôi e rằng anh đã nói quá lời đấy, – bà nói. – Tôi hiểu hoàn cảnh cô ấy trong xã hội thượng lưu quả có khổ tâm.
– Trong xã hội thượng lưu thì đó là địa ngục! – chàng nói rất nhanh, lông mày cau lại, vẻ lầm lầm. – Không thể tưởng tượng được cực hình tinh thần nào ghê gớm hơn những điều nàng đã phải chịu đựng suốt hai tuần lễ ở Peterburg… tôi xin chị hãy tin là thế.
– Vâng, nhưng ở đây, chừng nào cả Anna… lẫn anh đều không cần đến giới thượng lưu…
– Giới thượng lưu ấy à! – chàng thốt lên khinh bỉ, – tôi cần đến giới thượng lưu làm gì kia chứ?
– Cho đến lúc này… và có thể mãi mãi về sau, cô ấy và anh sẽ sung sướng và thanh thản. Tôi thấy Anna đang súng sướng, hoàn toàn sung sướng, cô ấy đã đủ thì giờ thổ lộ với tôi điều đó, – Daria Alecxandrovna mỉm cười nói; và giờ đây khi nói vậy, bất giác bà đâm ngờ ngợ chẳng biết Anna có thực hạnh phúc không.
Vronxki có vẻ như không nghi ngờ gì về điều đó.
– Phải, phải, – chàng nói. – Tôi biết nàng đang hồi sinh sau khi trải qua mọi đau khổ; nàng đang sung sướng. Sung sướng về hiện tại. Nhưng tôi… tôi sợ những cái đang chờ chúng tôi… Xin lỗi, có lẽ chị không muốn đi dạo nữa?
– Không, tôi thế nào cũng được.
– Vậy thì ta hãy ngồi xuống đây.
Daria Alecxandrovna ngồi xuống một chiếc ghế dài ở góc lối đi.
Chàng vẫn đứng trước mặt bà.
– Tôi biết nàng đang sung sướng, – chàng nhắc lại và mối nghi ngờ về hạnh phúc của Anna càng tăng lên trong Doli. – Nhưng liệu điều đó có thể kéo dài được không? Chúng tôi đã hành động đúng hay sai, đó là vấn đề khác; nhưng số mệnh đã định sẵn rồi, – chàng nói, chuyển từ tiếng Nga sang tiếng Pháp, – và chúng tôi sẽ gắn bó với nhau suốt đời. Chúng tôi kết liên bằng sợi dây thiêng liêng nhất đối với chúng tôi: sợi dây của tình yêu. Chúng tôi đã có một con và có thể còn đẻ thêm nữa. Nhưng pháp luật và hoàn cảnh chúng tôi thật cay nghiệt, nó bày ra muôn vàn phức tạp mà nàng không nhìn thấy và không muốn nhìn thấy, sau tất cả những đau khổ và thử thách trải qua. Và điều đó cũng dễ hiểu thôi. Nhưng tôi, tôi không thể nhắm mắt được. Theo pháp luật, con gái tôi không phải là con tôi mà là con Carenin. Tôi không muốn sự man trá ấy! – chàng nói với một cử chỉ phủ nhận quyết liệt và nhìn Đarya, vẻ buồn bã, dò hỏi.
Bà không trả lời và chỉ nhìn chàng. Chàng nói tiếp:
– Mai đây, có thể tôi sẽ sinh một đứa con trai, con trai của tôi và cứ chiểu theo pháp luật, thì nó sẽ là dòng dõi Carenin, nó sẽ không được kế thừa cả họ tên lẫn tài sản của tôi. Dù chúng tôi có sung sướng mười mươi, chúng tôi có đông con đến mấy đi nữa, cũng sẽ chẳng có mối liên hệ nào giữa chúng nó với tôi. Chúng nó vẫn thuộc tộc hệ Carenin. Chắc chị hiểu tất cả cái khủng khiếp của hoàn cảnh đó. Tôi đã thử bàn với Anna chuyện này. Điều đó khiến nàng bực mình. Nàng không hiểu và tôi không thể nói hết mọi nhẽ với nàng được. Bây giờ chị hãy nhìn theo một quan điểm khác. Tôi đang sung sướng, sung sướng vì tình yêu của nàng, nhưng tôi cần có một công việc. Tôi đã tìm thấy công việc đó và lấy thế làm tự hào, tôi cho rằng nó còn cao quý hơn những hoạt động của các bạn cũ ở triều đình hay trong quân đội. Dứt khoát tôi chả đời nào đánh đổi địa vị với họ. Tôi làm việc tại chỗ ở đây và tôi sung sướng, mãn nguyện, chúng tôi chẳng cần gì khác nữa. Tôi yêu thích công việc này. Đây không phải là một việc bất đắc dĩ, trái lại…
Daria Alecxandrovna nhận thấy khi trình bày đến đoạn này, chàng đâm lúng túng. Bà không hiểu rõ ý nghĩa sự lạc đề đó, nhưng bà cảm thấy giờ đây, một khi đã bắt đầu nói đến những ý nghĩ thầm kín không thể bộc lộ với Anna, ắt chàng sẽ nói ra hết, và vấn đề hoạt động ở nông thôn hẳn cũng nằm trong phạm vi những băn khoăn thầm kín cùng vấn đề quan hệ giữa chàng và Anna.
– Tôi nói tiếp nhé, – chàng định thần lại và nói. – Đối với tôi, điều quan trọng nhất khi làm việc là làm sao đạt được niềm tin chắc chắn rằng những cái tôi làm sẽ không chết theo tôi, rằng tôi sẽ có kẻ thừa tự… và đó lại chính là cái điều hiện tôi không có. Chị thử tưởng tượng hoàn cảnh của một kẻ biết trước là những đứa con với người đàn bà mình yêu sẽ không phải của anh ta mà của người khác vốn ghét chúng và không thừa nhận chúng. Thật kinh khủng!
Chàng ngừng bặt, rõ ràng rất xúc động.
– Vâng, tất nhiên tôi hiểu chứ. Nhưng hiện Anna có thể làm gì được? – Daria Alecxandrovna hỏi.
– Chính điều đó dẫn tôi đến mục đích cuộc nói chuyện này, – chàng cố tự chủ nói. – Anna có thể làm được gì, việc đó còn tùy nàng… Dù chỉ để xin đức vua hợp pháp hóa các con tôi, thì việc li dị vẫn là cần thiết. Và điều đó phải do Anna quyết định. Trước đây, chồng nàng đã ưng thuận li dị – dạo ấy Xtiva đã dàn xếp xong mọi việc rồi. Và ngay bây giờ, tôi biết ông ta cũng không từ chối đâu. Chỉ cần viết thư cho ông ta. Hồi trước ông ta có nói nếu nàng muốn vậy, ông ta sẽ không từ chối. Tất nhiên, – chàng nói, – vẻ lầm lầm, đó là một thói tàn bạo kiểu giả nhân giả nghĩa mà chỉ những kẻ nhẫn tâm như họ mới nỡ làm thôi. Ông ta thừa biết mọi cách nhắc nhở đến ông đều khiến Anna rất đau đớn, và biết vậy rồi, ông bèn đòi hỏi nàng phải viết thư khẩn cầu. Tôi hiểu điều đó thật khổ tâm cho Anna. Nhưng trước những lí do quan trọng đến thế, cần phải vượt lên trên mọi éo le tình cảm. Hạnh phúc cùng cuộc đời Anna và các con nàng tùy thuộc ở đó. Tôi không nói đến tôi, mặc dầu tôi cũng đau khổ, rất đau khổ, – chàng nói, vẻ như hăm dọa kẻ nào đó đã gây cho chàng đau khổ. – Cho nên phu nhân ạ, cho nên tôi phải bấu víu lấy chị một cách nhục nhã, như chết đuối vớ phải cọc. Chị hãy giúp tôi thuyết phục Ann viết thư cho ông ta và yêu cầu li dị!
– Vâng, được thôi, – Daria Alecxandrovna nói, vẻ tư lự, nhớ lại rõ ràng cuộc nói chuyện lần trước với Alecxei Alecxandrovitr. – Vâng, được thôi, – bà nhắc lại, giọng quả quyết, bụng nghĩ đến Anna.
– Chị hãy dùng uy tín của mình đối với Anna làm sao cho cô ấy viết thư cho ông ta. Tôi không muốn và hầu như không thể nói chuyện này với cô ấy.
– Được, tôi sẽ nói. Nhưng làm sao tự cô ấy lại không nghĩ đến chuyện đó nhỉ? – Daria Alecxandrovna nói và đột nhiên, không có nguyên do gì cụ thể, bà chợt nhớ đến cái thói quen nheo mắt kì lạ của Anna. Và bà nhớ ra là Anan thường nheo mắt đúng vào lúc người ta đụng đến những vấn đề liên quan đến đời sống nội tâm của nàng. “Dường như cô ta nheo mắt nhìn cuộc đời mình để khỏi phải thấy hết mọi sự”. Doli nghĩ.
– Được, nhất định tôi sẽ nói với cô ấy, vì cả tôi lẫn cô ấy, – Daria Alecxandrovna đáp lại lời cảm ơn của Vronxki.
Họ đứng dậy ra về.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.