Anna Karenina (Tập 2)

Phần 7 – Chương 01



1

Vợ chồng Levin ở Moxcva đã hơn hai tháng. Theo tính toán chính xác nhất của những người am hiểu vấn đề, đáng lẽ Kitti phải đẻ lâu rồi. Thế mà tình hình vẫn như cũ và không có triệu chứng gì chứng tỏ ngày ở cữ đã đến gần hơn so với hai tháng trước. Bác sĩ, bà đỡ, Doli, phu nhân và nhất là Levin không khỏi hãi hùng khi nghĩ đến chuyện sẽ xảy tới, và bắt đầu cảm thấy nóng ruột, lo ngại. Riêng có Kitti là vẫn hoàn toàn bình tĩnh và sung sướng. Nàng thấy nảy nở trong lòng một niềm yêu thương mới đối với đứa con trong tương lai, giờ đây phần nào đã thành hiện thực đối với nàng, và nàng triền miên trong tình cảm ấy với một niềm vui trầm mặc. Đứa bé không còn chỉ là một phần của bản thân nàng; đôi khi, nó còn bộc lộ một sự sống độc lập. Nàng thấy đau nhưng đồng thời lại muốn cười lên vì niềm vui mới mẻ và kì lạ ấy. Có tất cả những người thân yêu bên cạnh, ai ai cũng hết sức chăm sóc nàng, và trước mắt chỉ thấy toàn triển vọng tốt đẹp, Kitti hẳn không ao ước cuộc đời nào tốt đẹp hơn, thú vị hơn nếu nàng không biết và không linh cảm thấy sự tình ấy sắp sửa kết thúc. Duy chỉ có một điều làm giảm phần thú vị của cuộc sống đó: chồng nàng không còn giống như người nàng đã yêu, cũng không giống như hồi chàng ở nông thôn. Nàng vốn yêu tính trầm tĩnh, hòa nhã và lòng mến khách của chồng. Sống ở thành phố, lúc nào chàng cũng ngay ngáy giữ miếng, như sợ ai xúc phạm đến mình, nhất là xúc phạm đến Kitti. ở trại ấp, rõ ràng chàng biết mình sống đúng nơi đúng chỗ nên không bao giờ vội vàng, và lúc nào cũng bận rộn. ở đây, bao giờ chàng cũng hối hả như để khỏi lỡ một việc gì, trong khi không có việc gì phải làm. Và nàng thấy thương chồng. Nàng biết những người khác không hề gây cái cảm giác thương hại ấy; trái lại, mỗi khi Kitti quan sát chồng ở ngoài xã hội, như thỉnh thoảng người ta vẫn nhìn người mình yêu với dụng ý cố xem như đó là kẻ xa lạ để xác định ấn tượng anh ta gây ra đối với mọi người, nàng không khỏi ghen tị nhận thấy là không những chàng không có vẻ gì đáng thương hại mà còn đầy sức quyến rũ với lối lễ phép hơi lỗi thời, với thái độ dè dặt trước phụ nữ, với vóc người tráng kiện và bộ mặt đặc biệt ý vị theo con mắt nàng. Nhưng nàng nhìn thấu nội tâm chàng chứ không phải chỉ vẻ bề ngoài; nàng thấy Levin ở đây không phải là Levin thật và nàng không thể tự giải thích tâm trạng chồng bằng cách nào khác. Đôi khi, nàng thầm trách chàng không biết cách sống ngoài thành phố; cũng có lúc, nàng phải thừa nhận chàng khó mà có thể tự thu xếp lấy lối sống thỏa đáng ở đây. Và thật vậy, liệu chàng có thể làm gì được? Chàng không thích đánh bài. Không đi chơi câu lạc bộ, giao thiệp với những người vui vẻ trẻ trung kiểu Oblonxki, bây giờ nàng đã hiểu thế nghĩa là gì… nghĩa là uống rượu, và uống rượu xong thì đi tiểu nghĩa là có trời mới biết được. Nàng không khỏi lo sợ nghĩ đến những nơi loại người đó thường lui tới trong những trường hợp này. Đi vào giới thượng lưu chăng? Nàng biết muốn vậy phải tìm thú vui trong việc dan díu với các thiếu phụ trẻ, mà nàng thì không ưng thế rồi. Ở nhà với nàng, với mẹ và các chị nàng ư? Thế nhưng những buổi hàn huyên đó dù có thú vị đến đâu cũng vẫn là những “Alin Nadin” đơn điệu như lão quận công thường gọi các cuộc trò chuyện giữa mấy chị em, nàng biết chàng sẽ chán ngấy. Liệu chàng còn biết làm gì nữa nào? Viết sách chăng? Chàng đã thử viết và lúc đầu đã tới thư viện để ghi chép và thu thập tài liệu; nhưng, như chàng đã nói với nàng, chàng càng ít việc bao nhiêu lại càng ít thời giờ bấy nhiêu. Hơn nữa, chàng phàn nàn ở đây người ta nói đến cuốn sách của chàng nhiều quá: mọi suy nghĩ của chàng lẫn lộn hết và mất cả thú vị.

Điều có lợi duy nhất trong cuộc sống thị thành là họ không bao giờ cãi nhau. Có phải do hoàn cảnh đổi khác hay về phương diện này, họ đã khôn ngoan và biết điều hơn? Dù sao ở Moxcva, họ đã chấm dứt được những cảnh ghen tuông mà họ rất sợ khi bước chân về sống ở thủ đô.

Về mặt này, đã xảy ra một sự kiện rất quan trọng cho cả hai vợ chồng: Kitti gặp Vronxki.

Bà quận chúa già Maria Borixovna, mẹ đỡ đầu Kitti, vốn rất yêu nàng, nhất định muốn gặp nàng bằng được. Kitti đang có mang không đi đâu, hôm đó cùng bố đến thăm bà cụ đáng kính và gặp Vronxki ở đó. Khi nhận ra cái dáng dấp ngày xưa quen thuộc biết bao, trong bộ thường phục, nàng như tắc thở, máu dồn về tim và cảm thấy mặt mình đỏ dừ: đó là điều duy nhất khiến nàng phải tự trách mình. Điều đó chỉ xảy ra trong mấy giây. Cha nàng vội bắt chuyện sôi nổi với Vronxki và câu chuyện chưa dứt, Kitti đã sẵn sàng giáp mặt, hoặc, nếu cần, có thể chuyện trò với Vronxki như với quận chúa Maria Borixovna và nhất là, dù trong trường hợp ấy, giọng nói, tiếng cười cũng sẽ không chứa đựng điều gì có thể làm phật ý chồng mà nàng vẫn cảm thấy ẩn hiện bên cạnh mình. Nàng nói với Vronxki vài câu, thậm chí còn thản nhiên mỉm cười khi chàng bông đùa gọi cuộc bầu cử là “Nghị viện của chúng ta” (cần phải mỉm cười để tỏ ra mình hiểu câu đùa). Nhưng rồi nàng quay luôn sang quận chúa Maria Borixovna và không đoái hoài đến chàng lần nào nữa, cho đến khi chàng đứng dậy cáo từ; lúc đó nàng mới đưa mắt về phía chàng, nhưng đó hoàn toàn chỉ là vì nếu không nhìn người chào mình thì thật khiếm nhã. Nàng thầm biết ơn cha đã không hề đả động gì đến cuộc gặp gỡ này; nhưng, sau đó thấy ông tỏ vẻ âu yếm đặc biệt trong cuộc đi dạo thường lệ của hai cha con, nàng biết ông bằng lòng về nàng. Chính nàng cũng thấy tự bằng lòng với mình. Nàng không ngờ mình có đủ sức để nén xuống dưới đáy lòng mọi kỉ niệm về mối tình xưa với Vronxki, và không những nàng đủ sức làm ra vẻ mà còn thật sự bình tĩnh và dửng dưng hoàn toàn trước mặt chàng. Chính Levin còn đỏ mặt hơn vợ khi nàng kể lại cuộc gặp gỡ với Vronxki ở nhà quận chúa Maria Borixovna. Nói ra điều ấy với chồng đã là khó, nhưng tiếp tục kể mọi chi tiết lại càng khó hơn vì chàng không hỏi câu nào mà chỉ cau mày nhìn nàng.

– Em rất tiếc anh không có ở đấy, – nàng nói với chồng. – Không phải em muốn lúc ấy có anh ở trong phòng đâu… vì em sẽ không tự nhiên được như thế trước mặt anh… Chính giờ đây, em lại xấu hổ hơn lúc đó nhiều, hơn nhiều lắm, – nàng nói và mặt đỏ lên như sắp khóc. – Chỉ tiếc lúc ấy anh không được nhìn thấy em qua lỗ khóa. – Đôi mắt chân thực như nói với Levin rằng nàng tự bằng lòng với mình, và mặc dù nàng đỏ mặt, Levin vẫn yên tâm ngay và bắt đầu hỏi chuyện. Nàng chỉ mong có thế. Khi đã biết tường tận là nàng chỉ lúng túng đỏ mặt trong vài giây đầu, còn sau đó lại thoải mái như đối với bất cứ ai khác, Levin mới hoàn toàn vui vẻ và cho biết chàng rất hài lòng; chàng hứa từ đây về sau sẽ không xử sự vụng dại như trong dịp bầu cử và ngay lần đầu gặp lại Vronxki sẽ cố gắng thân thiết hết sức mình.

– Thật khổ tâm khi phải coi một người gần như thù địch, giáp mặt nhau là thấy nặng nề, – Levin nói. – Anh rất, rất bằng lòng.

2

– Thế nào, anh đến nhà Bon đi nhé, – Kitti nói lúc chồng bước vào phòng nàng, – khoảng mười một giờ sáng, trước khi ra phố. Em biết anh sẽ ăn chiều với ba ở câu lạc bộ. Nhưng sáng nay anh làm gì?

– Anh chỉ đến nhà Catavaxov thôi, – Levin đáp.

– Sao đến sớm thế?

– Ông ta hứa giới thiệu anh với Metrov. Anh muốn nói chuyện với ông này về cuốn sách của anh, ông ta là một nhà bác học nổi tiếng ở Peterburg, – Levin nói.

– À, có phải cái ông viết bài báo mà anh rất khen đó không? Sau đó, anh làm gì? – Kitti hỏi.

– Có lẽ anh sẽ tạt qua tòa án nhờ giúp về việc bà chị.

– Anh không đi nghe hòa nhạc à?

– Anh đi một mình làm gì?

– Không, anh nên đi nghe, họ biểu diễn những tác phẩm mới… anh vẫn quan tâm đến những cái đó lắm mà. Thế nào em cũng tới đó.

– Dù sao trước bữa chiều, anh cũng sẽ về với em lần nữa, – chàng vừa nói vừa nhìn đồng hồ treo.

– Anh mặc rơđanhgôt vào, để có thể đến thẳng nhà nữ bá tước Bon được.

– Có nhất thiết phải đến đấy không?

– Cần chứ. Bá tước đã tới thăm chúng mình. Anh đến thăm hộ nào có vất vả gì lắm đâu. Anh đến đó, ngồi chơi, nói chuyện dăm phút, rồi đứng dậy và ra về.

– Được, nhưng em không thể tưởng tượng anh đã mất thói quen làm cái trò ấy đến mức nào đâu: anh sẽ lúng túng mất. Thế nào nhỉ? Mình đến nhà người lạ, ngồi xuống, ở lì đấy chẳng biết vì lí do gì, mình làm phiền mọi người, bản thân mình cũng đâm chán, rồi bỏ đi?

Kitti bật cười.

– Khi chưa có vợ, anh chẳng hay đến chơi bè bạn đó ư? – nàng bảo chồng.

– Phải, nhưng bao giờ anh cũng thấy không thoải mái và giờ đây, anh mất thói quen đó đến nỗi anh thề với em là thà anh nhịn ăn hai ngày còn hơn phải đi thăm như thế này. Ngượng lắm! Anh có cảm giác người ta sẽ phát bực lên mà nói với anh “Anh đến đây làm cái thá gì?”.

– Không đâu, họ không bực đâu, em cam đoan với anh thế, – Kitti nói, nhìn chồng cười. Nàng nắm tay chồng. – Nào thôi, tạm biệt… Anh tới đó đi nhé.

Chàng hôn tay vợ, định bước ra nhưng nàng giữ lại.

– Coxtia, anh biết không, em chỉ còn năm mươi rúp.

– Không sao, anh sẽ đến ngân hàng lấy tiền. Em cần bao nhiêu? – Chàng nói với cái vẻ không bằng lòng rất quen thuộc đối với nàng.

– Không, khoan đã, – nàng giữ lấy cánh tay chồng. – Điều này khiến em lo lắng. Em thấy mình không tiêu pha vô ích mà tiền cứ biến đi đâu hết. Hẳn chúng ta không biết cách thu vén.

– Không phải thế đâu, – chàng nói, vừa húng hắng ho vừa gườm gườm nhìn vợ.

Nàng đã biết cái lối ho húng hắng này. Đó là dấu hiệu bất bình mãnh liệt không phải đối với nàng mà là với bản thân mình. Chàng quả có bất bình, nhưng không phải vì chuyện tiền tiêu vèo đi nhanh quá mà vì cái điều khó chịu đang muốn quên lại bị khơi ra.

– Anh đã bảo Xocolov bán lúa mạch đi và lĩnh trước tiền cho thuê cối xay. Trong bất kì trường hợp nào, ta cũng không thiếu tiền đâu.

– Tất nhiên rồi, nhưng em sợ tiêu pha nhiều quá..

– Không sao, không sao đâu, – chàng nhắc lại. – Thôi nhé, tạm biệt em yêu dấu của anh.

– Thực quả có những ngày em tiếc đã nghe theo lời mẹ. Giá ta cứ ở nông thôn thì dễ chịu biết bao! Ở đây, em làm phiền mọi người và tốn kém quá.

– Không sao mà, kìa em. Từ khi cưới đến giờ, anh chưa lần nào tiếc là sao sự việc không diễn biến khác đi.

– Thật thế chứ anh? – nàng nói và nhìn thẳng vào mặt chồng. Chàng nói vậy nhưng không nghĩ ngợi gì, chỉ cốt an ủi nàng. Nhưng thấy đôi mắt đẹp chân thật của vợ chằm chằm nhìn mình như dò hỏi, chàng bèn nhắc lại và lần này thì thốt ra tự đáy lòng: “Đúng là mình quên mất chuyện ấy rồi”, chàng nghĩ bụng. Và chàng sực nhớ tới điều đang chờ đợi hai người.

– Sắp sửa chưa em? Em thấy trong người thế nào? – chàng thì thầm hỏi, cầm lấy hai tay vợ.

– Em nghĩ đến chuyện này nhiều quá rồi đến nỗi bây giờ em không buồn nghĩ nữa và mặc kệ nó.

– Em có sợ không?

Nàng mỉm cười coi khinh.

– Không sợ chút nào hết, – nàng nói.

– Nếu có gì thì đến tìm anh ở nhà Catavaxov nhé.

– Không sao đâu, anh đừng lo. Em đi chơi phố với ba đây. Em và ba sẽ đến thăm chị Doli. Em đợi anh trước bữa chiều. Ơ mà này! Anh có biết hoàn cảnh chị Doli đến bước cùng quẫn rồi không? Chị ấy nợ ngập đến cổ và không có tiền. Hôm qua, chúng em nói chuyện với mẹ và anh Arxeniev (chồng Lvova, chị gái nàng) và quyết định là anh ấy và anh, các anh phải xạc cho anh Xtiva một mẻ. Không thể cứ như thế mãi được. Không cần nói lại chuyện ấy với ba nhé… Nhưng nếu cả hai anh…

– Nhưng bọn anh có thể làm gì được? – Levin nói.

– Anh cứ đến gặp Arxeniev bàn với anh ấy, anh ấy sẽ cho anh biết những điều bọn em đã quyết định.

– Anh tán thành trước ý kiến của Arxeniev. Được rồi, anh sẽ đến gặp anh ấy. Nếu có hòa nhạc, anh sẽ đi với Natalya. Tạm biệt em.

Ông già Kuzma đã hầu hạ Levin từ trước khi chàng lấy vợ, và làm công việc quản gia từ khi đến thành phố, giữ Levin lại ở bậc thềm.

– Họ đã đóng lại móng cho con “Xinh đẹp” (đó là con ngựa càng trái) nhưng nó vẫn đi khập khiễng, – ông ta nói. – Làm thế nào bây giờ ạ? – Levin đã đưa ngựa từ nông thôn ra: chàng muốn có một chuồng ngựa vừa tốt vừa rẻ. Nhưng chàng nghiệm ra rằng nuôi ngựa lại tốn kém hơn thuê và mặc dầu có ngựa, thỉnh thoảng chàng vẫn phải đi xe thuê.

– Lão cho tìm thú y đi. Có lẽ đó là một vết xước ứa máu.

– Còn với Ecaterina Alecxandrovna28 thì sao ạ? – già Kuzma hỏi. Khác với thời gian mới về Moxcva, Levin giờ đây không còn ngạc nhiên khi thấy muốn đi từ Vozdvijenca đến Xipxev Vrajoc, phải đóng một đôi ngựa khỏe vào cỗ xe nặng trịch, lặn lội trong tuyết lầy bốn dặm đường, cho xe đậu bốn giờ mà còn phải trả năm rúp. Bây giờ, chàng thấy đó là chuyện dĩ nhiên.

(28) Tức Kitti.

– Lão cho gọi hai ngựa thuê, – chàng nói.

– Vâng ạ.

Thế là sau khi giải quyết dễ dàng cái khó khăn mà nếu ở nông thôn sẽ đòi hỏi phải suy đi tính lại, Levin ra khỏi thềm, gọi xe ngựa và bảo chạy đến phố thánh Nixefor. Dọc đường, chàng đã quên bẵng chuyện thiếu tiền mà chỉ còn nghĩ đến cuộc gặp mặt sắp tới với nhà xã hội học thành Peterburg mà chàng muốn làm quen để nói về cuốn sách của mình. Thoạt tiên, những món chi tiêu vô ích, kì lạ đối với một người quen sống ở nông thôn, nhưng không tránh được và lúc nào cũng cần thiết, khiến Levin kinh ngạc. Bây giờ thì chàng quen rồi. Về phương diện này, điều đó đối với chàng cũng giống cái điều thường xảy đến với kẻ nghiện rượu, như người ta nói: “Cốc rượu thứ nhất khó nuốt, cốc thứ hai trôi tuột và cốc thứ ba bay vèo như con chim nhỏ.” Khi Levin đổi tờ giấy bạc một trăm rúp đầu tiên để mua bộ đồ cho người hầu phòng và người gác cửa, chàng đã bất giác nghĩ những bộ đồ vô dụng nhưng tối cần thiết này (cứ xem vẻ sửng sốt của phu nhân và Kitti khi chàng hỏi ướm xem có thể phiên phiến đi được không thì đủ thấy), thì ra bằng tiền lương hai người làm công, nghĩa là khoảng ba trăm ngày lao động từ tuần lễ Phục sinh đến ngày ăn mặn cuối cùng, ba trăm ngày làm việc cực nhọc từ sớm tinh mơ đến tận khuya, và chàng xót ruột chi ra tờ giấy bạc một trăm rúp. Tờ giấy bạc tiếp sau dùng để mua thức ăn cho một bữa cơm gia đình trị giá hai mươi tám rúp, cũng nhắc nhở Levin là hai mươi tám rúp, trị giá gần hai trăm đấu lúa mạch, mồ hôi nước mắt của bao người cắt lúa, bó lúa, đạp lúa, xay lúa, sàng sẩy và đóng bao, mà chàng đã cho đi thật dễ dàng. Và giờ đây, những giấy bạc đôi đi không gợi cho chàng những hình ảnh tương tự nữa, nó biến đi như có phép ma. Chàng cũng không còn tự hỏi những thứ mình mua bằng món tiền kia có đem lại thú vui tương xứng với công lao động cần thiết để kiếm ra nó không. Chàng đã quên có những giá trị tối thiểu cho một số loại lúa mì, thấp hơn thì không thể bán được. Lúa mạch, trong bao lâu vẫn giữ giá, nay mỗi trăm lít phải bán rẻ hơn trước trước hăm nhăm kôpêch. Thậm chí, chàng cũng không hề nghĩ là cứ cái lối sống này thì chừng một năm sau là chàng sẽ mắc nợ: cả điều này chàng cũng chẳng coi là quan trọng nữa. Chàng chỉ cần một điều, đó là có tiền gửi ngân hàng, không cần biết tiền đó ở đâu ra, để luôn luôn bảo đảm có thịt cho ngày hôm sau. Và cho đến nay, chàng vẫn có tiền ở ngân hàng. Nhưng giờ chàng không còn tiền nữa và cũng không biết rõ sẽ lấy tiền ở đâu ra. Chính ý nghĩ đó khiến chàng bối rối khi Kitti nói chuyện tiền nong. Nhưng chàng không có thời giờ suy tính kĩ hơn về chuyện này. Chàng chỉ còn nghĩ tới Catavaxov và cuộc gặp gỡ Metrov.

3

Trong thời gian lưu lại Moxcva, Levin càng thêm gần gũi một người bạn cũ ở trường Đại học, giáo sư Catavaxov, mà từ độ cưới vợ, chàng chưa gặp lại. Chàng mến Catavaxov vì quan điểm ông ta sáng sủa và giản dị. Levin cho rằng quan điểm của Catavaxov sáng sủa là do bản chất ông ta nghèo nàn; về phía Catavaxov, ông ta nghĩ tư tưởng Levin tiền hậu bất nhất là do chàng thiếu tinh thần kỉ luật; nhưng Levin ưa cái sáng sủa của Catavaxov và sự dồi dào vể tư tưởng vô kỉ luật của Levin lại khiến Catavaxov khoái, cho nên họ thích gặp nhau để tranh luận. Levin đọc vài đoạn sách của mình cho Catavaxov nghe và ông ta lấy làm thú vị. Vừa hôm trước gặp Levin trong một cuộc nói chuyện trước công chúng, Catavaxov cho biết Metrov trứ danh hiện đang ở Moxcva, Levin rất thích bài báo của ông này, và ông ra rất quan tâm đến những điều Catavaxov nói về công việc của Levin. Metrov sẽ đến nhà Catavaxov vào hồi mười một giờ sáng hôm sau và sẽ rất sung sướng được làm quen với Levin.

– Anh bạn thân mến, rõ ràng anh đã tu tỉnh, tôi rất mừng được gặp anh, – Catavaxov nói khi ra đón Levin ở phòng khách nhỏ. – Khi nghe thấy tiếng chuông, tôi đã nghĩ bụng: “Không lẽ anh chàng này lại đúng giờ đến thế!”. Này, anh nghĩ thế nào về những người Mongtenegro? Thật là những chiến sĩ hạng nòi!

– Có chuyện gì thế? – Levin hỏi.

Catavaxov tóm tắt cho chàng những tin mới nhất và bước vào phòng làm việc, giới thiệu Levin với một người khỏe mạnh, thấp bé và bề ngoài rất dễ ưa. Đó là Metrov. Câu chuyện xoay quanh vấn đề chính trị một lúc và quanh dư luận của giới thượng lưu Peterburg về những sự kiện gần đây nhất. Metrov dẫn vài câu trong tuyên bố sắp tới của đức vua và một vị bộ trưởng theo một nguồn tin chắc chắn. Catavaxov lại nghe nói là đức vua bình luận khác hẳn. Levin mường tượng ra một tình thế mà đức vua có thể đọc cả hai bài, và câu chuyện về vấn đề này ngừng lại ở đấy.

– Bạn tôi sắp viết xong một cuốn sách nói về những điều kiện tự nhiên của người thợ trong quan hệ với ruộng đất, – Catavaxov nói. – Đó không phải là chuyên môn của tôi, nhưng với tư cách nhà tự nhiên học, điều tôi rất thích thú, là ông bạn đây không coi loài người là nhân tố xa lạ với những quy luật về động vật học mà ngược lại, anh ấy nhìn nó lệ thuộc vào hoàn cảnh và tìm tòi trong sự lệ thuộc đó những quy luật phát triển của nó.

– Thoạt đầu tôi định viết một cuốn sách về nông học, thế rồi, khi nghiên cứu công cụ chính của kinh tế nông thôn là người thợ thì vô hình chung, tôi lại đi tới những kết quả hoàn toàn bất ngờ, – Levin đỏ mặt nói. Rồi Levin bèn thận trọng trình bày luận thuyết của mình như kiểu thăm dò trận địa. Chàng biết Metrov đã viết bài báo chống lại nền giáo dục chính thống về chính trị kinh tế học, nhưng chàng không biết có thể trông cậy vào cảm tình của ông ta đến mức nào và không đoán được tình cảm đó trên khuôn mặt trầm tĩnh và thông minh của nhà bác học.

– Theo ông thì người thợ Nga khác với thợ thuyền nước khác ở chỗ nào? – Metrov nói: – Khác về phương diện động vật học, nếu có thể nói như vậy, hay là do những điều kiện sống?

Levin thấy là ngay câu hỏi đó đã toát ra một ý kiến chàng không thừa nhận, nhưng vẫn tiếp tục trình bày luận thuyết: theo chàng, người thợ Nga có những quan hệ với ruộng đất hoàn toàn khác thợ thuyền các nước khác. Và, để cắt nghĩa lời khẳng định đó, Levin vội nói thêm là theo ý kiến chàng, thái độ đó của nhân dân Nga xuất phát từ ý thức về thiên chức của mình: di dân về phía đông tới những vùng đất đai rộng lớn chưa có người ở.

– Thật dễ lầm lẫn khi rút ra những kết luận về vấn đề thiên hướng của một dân tộc, – Metrov ngắt lời Levin. – Hoàn cảnh của người thợ bao giờ cũng tuỳ thuộc vào những quan hệ của họ với ruộng đất và tư bản.

Thế rồi, không để Levin chứng minh nốt, Metrov liền trình bày ý kiến riêng.

Những ý kiến này đúng ra định nói lên điều gì, Levin cũng không hiểu nữa vì thậm chí, chàng không buồn tìm hiểu làm gì: chàng thấy Metrov, cũng như bao người khác, mặc dầu viết bài bác bỏ học thuyết của các nhà kinh tế học, vẫn chỉ nhìn nhận người thợ Nga dưới góc độ tư bản, tiền lương và địa tô. Mặc dầu thừa nhận rằng ở về Đông bộ nước Nga, ở phần đất nước rộng lớn nhất này, chuyện địa tô vẫn còn chưa có gì, rằng đối với chính phần mười cái dân số tám mươi triệu người, tiền lương chỉ hạn chế sao cho tạm đủ sống, rằng tư bản mới chỉ tồn tại dưới hình thức những công cụ lao động thô sơ nhất, ông ta vẫn chỉ đứng trên quan điểm duy nhất ấy để nghiên cứu người thợ, tuy có khác với các nhà kinh tế học về nhiều phương diện, và cũng chủ trương một luận thuyết mới về vấn đề tiền lương mà ông ta trình bày cho Levin nghe. Levin miễn cưỡng nghe ông nói và lúc đầu đã phản đối. Chàng muốn ngắt lời Metrov để nói cho ông rõ lối nhìn của mình mà theo ý chàng, nó khiến mọi sự trình bày về sau trở nên thừa. Nhưng khi biết chắc ý kiến hai người khác nhau đến nỗi không bao giờ hiểu nổi nhau, chàng thôi không phản đối nữa mà chỉ ngồi nghe. Mặc dầu những lời Metrov nói từ lúc đó trở đi không đem lại chút bổ ích nào, chàng vẫn cảm thấy vui vui khi nghe ông ta. Lòng tự ái của chàng được mơn trớn vì có người uyên bác như thế vui lòng trình bày rất tỉ mỉ ý kiến của mình mà lại cho là chàng hiểu biết vấn đề đó rất sâu (thỉnh thoảng, khi nói về cả một khía cạnh của vấn đề, ông cũng chỉ dùng ẩn ngữ để ám chỉ thôi). Chàng cho như vậy là do mình có tài năng, mà không biết Metrov đã nói cạn hết cả đề tài với mọi người chung quanh rồi, nên rất vui thích vớ được một thính giả mới, gia dĩ ông vẫn sẵn lòng nói với mọi người về vấn đề ông đang bận tâm và cần làm sáng tỏ thêm nhiều mặt.

– Chúng ta đến chậm mất thôi, – Catavaxov kêu lên khi nhìn chiếc đồng hồ treo vừa lúc Metrov trình bày hết. – Hôm nay có cuộc họp của nhóm nghiệp dư nhân dịp mừng Xvintic năm mươi tuổi, Piot’r Ivanovitr và tôi sẽ tới đó. Tôi đã hứa báo cáo về việc nghiên cứu động vật học của ông ta. Mời anh đi với chúng tôi, chắc thú vị đấy.

– Đến giờ rồi thật, – Metrov nói. – Mời ông đi với chúng tôi rồi sau đó đến nhà tôi, nếu ông đồng ý. Tôi rất thích được ông đọc cho nghe tác phẩm.

– Ồ, có gì đâu. Đó chẳng qua chỉ là bản phác thảo thôi. Nhưng tôi rất vui lòng đi dự họp.

– Anh biết không, anh bạn thân mến, tôi đã kí vào bản giác thư, – Catavaxov vừa mặc áo ở phòng bên vừa nói.

Và họ liền xoay sang một cuộc tranh cãi xảy ra ở trường đại học.

Cuộc tranh cãi này là một sự kiện rất quan trọng ở Moxcva vào mùa đông năm đó. Có ba vị giáo sư già trong hội đồng đã bác bỏ cách nhìn nhận vấn đề của các bạn đồng nghiệp trẻ tuổi, số người này đã đưa ra một bản giác thư. Bản giác thư này theo một số người thì rất tởm, theo số khác lại là điều dĩ nhiên và đúng đắn nhất, cho nên các giáo sư chia làm hai phe. Phe đối địch, trong đó có Catavaxov, cho số thủ cựu là bọn tố cáo và xảo quyệt; những người thủ cựu thì coi bọn đối địch là ngược ngạo và bất phục tùng. Levin, tuy xa lại với trường Đại học, đã nghe nói đến việc này nhiều lần từ khi đến Moxcva và chàng đã có nhận định riêng: chàng tham gia câu chuyện họ tiếp tục nói ngoài phố khi cả ba cùng đến trường Đại học. Phiên họp đã bắt đầu. Catavaxov và Metrov ngồi vào một cái bàn phủ khăn dạ, ở đó sáu giáo sư đã an vị. Một trong số các giáo sư đó vừa cúi sát xuống bản ghi chép vừa đọc. Levin ngồi vào một ghế bỏ không và hỏi nhỏ một sinh viên ngồi cạnh xem ông ta đang đọc gì. Anh sinh viên lườm chàng, vẻ không bằng lòng và nói:

– Tiểu sử.

Dù không quan tâm đến tiểu sử nhà bác học, Levin vẫn phải miễn cưỡng ngồi nghe và tìm thấy trong cuộc đời nhà khoa học danh tiếng nọ vài đặc điểm thú vị. Diễn tả xong, vị chủ tọa cám ơn, rồi đọc một bài thơ của nhà thơ Măngtơ gửi tới nhân dịp lễ sinh nhật năm mươi năm này và mấy lời cảm ơn tác giả bài thơ. Tiếp đó Catavaxov lớn tiếng the thé đọc một bản lược khảo những công trình khoa học của Xvintic. Khi ông ta đọc xong, Levin nhìn đồng hồ treo thấy đã quá một giờ trưa; chàng nghĩ sẽ không đủ thời giờ đọc tác phẩm cho Metrov nghe trước buổi hòa nhạc, vả chăng chàng cũng không thiết đọc nữa. Trong lúc người ta thuyết trình, chàng cũng nghĩ tới câu chuyện họ vừa trao đổi. Bây giờ chàng thấy rõ ý kiến của Metrov cũng như của chàng đều có cơ sở; những ý kiến này chỉ dẫn đến kết quả, mỗi người nên làm việc riêng rẽ theo con đường mình chọn, chứ đem đối chiếu với nhau thì sẽ không đi đến đâu. Cho nên, sau khi quyết định từ chối lời mời của Metrov, cuối buổi họp, chàng đến ngay chỗ ông ta ngồi. Metrov giới thiệu Levin với vị chủ tọa đang cùng ông bàn chuyện thời sự chính trị. Nhân cơ hội đó, Metrov nhắc lại cho vị chủ tọa nghe những điều đã nói với Levin và Levin lại đưa ra những nhận xét đã nêu lúc sáng, nhưng muốn cho khác đi, chàng lại thêm vào một ý kiến vừa thoáng qua trong đầu. Tiếp đó, câu chuyện lại xoay về cuộc tranh cãi ở trường Đại học. Vì đã nghe tất cả những cái đó rồi, Levin vội nói với Metrov rằng chàng lấy làm tiếc không nhận lời mời của ông ta được, rồi cáo từ và đến nhà Lvov.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.