Anna Karenina (Tập 2)
Phần 7 – Chương 10
28
Trời trong vắt. Một cơn mưa nhỏ và mau hạt đổ xuống suốt buổi sáng và giờ đây bầu trời vừa sáng bừng lên. Mái nhà, hè phố, lòng đường, bánh xe, đồ thắng ngựa bằng da và bằng đồng, tất cả đều lấp lánh sáng chói dưới cái nắng tháng năm. Đã ba giờ, lúc phố xá nhộn nhịp nhất. Anna ngồi vào một góc xe êm ái có đệm lò xo mềm rung rinh theo nhịp phi của đôi ngựa xám, trong tiếng xe chạy và giữa những hình ảnh nối tiếp nhanh chóng ngoài trời, nàng ôn lại những việc xảy ra trong mấy ngày gần đây. Nàng nhìn thấy hoàn cảnh của mình dưới một khía cạnh hoàn toàn khác hẳn. Giờ đây, ý nghĩ về cái chết không làm nàng ghê sợ nữa và bản thân cái chết cũng không còn là chuyện tất yếu đối với nàng. Nàng tự trách đã tự hạ mình quá. “Mình đã van nài anh ta tha thứ cho mình. Mình đã cam chịu. Mình nhận hết lỗi về phần mình. Tại sao thế? Mình không thể sống thiếu anh ta hay sao?” Và, không trả lời câu hỏi ấy, nàng bắt đầu đọc những biển hàng. “Cửa hàng và kho chứa. Nha sĩ… Phải mình sẽ nói hết với Doli. Chị ấy không ưa Vronxki. Sẽ nặng nề, nhục nhằn đây, nhưng mình sẽ nói hết. Chị ấy mến mình và mình sẽ nghe theo lời chị ấy khuyên. Mình sẽ không tự hạ mình trước anh ta nữa. Ai mượn anh ta dạy bảo mình. Fiulippôp, bánh mì trắng… nghe nói cửa hàng này gửi bột bánh đi tận Peterburg. Nước ở Moxcva tốt thật. Cả những giếng nước Mitisenxc và bánh tráng nữa!” Nàng bỗng nhớ, trước đây lâu lắm, dạo mười bảy tuổi, nàng cùng bà cô đến nhà tu Chúa Ba Ngôi. “Hai cô cháu đi xe nhà. Lẽ nào đó lại là mình với đôi bàn tay đỏ hồng ấy nhỉ? Biết bao điều hồi ấy mình cho là tuyệt diệu và không thể vươn tới… giờ đây đã trở nên vô nghĩa; nhưng chính đó lại là ước mộng mà bây giừo mình không thể nào vươn tới được nữa. Hồi bấy giờ, làm sao có thể tin là mình sẽ phải nhục nhã thế này? Anh ta sẽ kiêu hãnh và thỏa mãn biết chừng nào khi nhận được thư mình! Nhưng mình sẽ cho anh ta biết tay… Cái mùi sơn kia mới khó ngửi làm sao! Cứ sơn mãi làm gì, xây dựng mãi làm gì! Thời trang và y phục!”, nàng đọc. Một người đàn ông chào nàng. Đó là chồng Annusska. “Những kẻ ăn bám của chúng ta, Vronxki nói vậy. Của chúng ta? Tại sao lại của chúng ta? Thật khủng khiếp nếu như không nhổ được tận gốc quá khứ. Nếu không nhổ được, ít ra cũng có thể làm như quên nó đi. Mình sẽ làm thế.” Nghĩ tới đó, nàng nhớ lại cái quá khứ cùng sống với Alecxei Alecxandrovitr, mà nàng đã xóa kĩ khỏi trí nhớ. “Doli sẽ nghĩ mình bỏ chồng thứ hai và như vậy là mình sai. Nhưng thậm chí mình cũng chẳng cần đúng làm gì!”, nàng nói và bỗng muốn khóc. Nhưng liền đó, nàng lại tự hỏi tại sao hai thiếu nữ kia vừa nói chuyện vừa mỉm cười: “Chắc là nói đến tình yêu. Các cô đâu có hiểu chuyện đó buồn tủi và nhục nhã biết chừng nào… Phố xá, trẻ con có ba chú nhỏ chơi phi ngựa. Xerioja! Mẹ mất hết và cả con cũng chẳng được trả về với mẹ. Phải, mất hết, nếu chàng không quay lại. Dễ thường chàng nhỡ tàu và bây giờ đang ở nhà rồi cũng nên. Mày vẫn cố tìm cách tự làm nhục mày! nàng tự mắng mình. Phải, tới nhà Đô y, mình sẽ nói ngay: em khổ lắm, đó là lỗi tại em, thật đáng đời, nhưng em đau khổ và chị phải cứu em. Đôi ngựa này, chiếc xe này, tất cả đều của anh ta, mình thấy ghê tởm khi phải ngồi trong xe này. Nhưng chẳng bao lâu mình sẽ không thấy chúng nữa!”
Anna lên thang gác, vừa chuẩn bị lời lẽ vừa cố tình đầu độc thêm vết thương lòng.
– Có khách nào không? – nàng hỏi ở phòng chờ.
– Có bà Ecaterina Alecxandrovna Levina ạ, – người đầy tớ đáp.
“Kitti! Vẫn cô Kitti mà Vronxki từng mê đây! Anna thầm nghĩ. Cái cô mà chàng vẫn trìu mến nhớ lại. Chàng tiếc đã không lấy cô ta trong khi đối với mình thì căm ghét và hối tiếc là đã trót gặp.”
Khi Anna đến thì hai chị em đang bàn chuyện nuôi con thơ. Một mình Doli ra đón bà khách đến quấy rối câu chuyện của họ.
– Cô chưa đi à? Tôi cứ định lại thăm cô đấy, – bà ta nói. – Hôm nay, tôi nhận được thư Xtiva.
– Vâng, anh ấy có gửi cho chúng em một bức điện tín, – Anna trả lời và nhìn quanh tìm Kitti.
– Anh ấy viết là không hiểu đích xác Alecxei Alecxandrovitr muốn gì, nhưng anh ấy sẽ chưa đi nếu chưa nhận được trả lời.
– Hình như chị có khách thì phải. Em có thể xem lá thư ấy được không?
– Phải, Kitti đang ở đây, – Doli nói, vẻ lúng túng; – cô ấy đang ở phòng trẻ. Cô ấy vừa ốm nặng.
– Em biết rồi. Em có thể xem được lá thư ấy không?
– Để tôi đi tìm đưa cô xem… Cô biết đấy, ông ta không từ chối; trái lại, Xtiva vẫn hi vọng, – Doli nói và dừng lại trên bậc cửa.
– Còn em thì chả hi vọng và cũng chả muốn gì nữa hết, – Anna nói. “Vậy ra Kitti cho gặp mình là nhục nhã chăng? Anna nghĩ thầm khi còn lại một mình. Có lẽ cô ta nghĩ đúng. Nhưng cái cô đã phải lòng Vronxki ấy đâu phải là người lên mặt dạy mình được, dù đó là điều hay lẽ phải. Mình thừa biết, với hoàn cảnh mình, không người đàn bà đứng đắn nào có thể tiếp mình. Ngay phút đầu tiên mình đã hi sinh tất cả cho anh ta. Và phần thưởng bây giờ là thế! Ôi, mình căm ghét anh ta biết bao! Tại sao mình lại đến đây? Thế này càng tệ hơn, càng khổ tâm hơn.” Nàng nghe thấy hai chị em nói chuyện ở phòng bên. “Giờ đây mình sẽ nói gì với Doli? Để cho Kitti mát lòng mát dạ thấy mình khốn khổ và cúi rạp xuống xin cô ta che chở ư? Không! Với lại, Doli sẽ không hiểu mình đâu. Và mình chẳng có gì cần nói với chị ấy cả. Thế nhưng mình thích gặp Kitti để tỏ cho cô ta biết mình coi khinh tất cả sự đời, tất cả thế gian, mình hoàn toàn dửng dưng với tất cả”.
Doli cầm thư đi vào. Anna đọc thư và lẳng lặng trả lại bà.
– Mọi cái đó, em biết cả rồi, – nàng nói. – Em không mảy may bận tâm vì những chuyện ấy.
– Tại sao vậy? Ngược lại, tôi vẫn hi vọng lắm, – Doli vừa nói vừa tò mò nhìn Anna. Chưa bao giờ bà thấy nàng lạ lùng, cáu kỉnh đến thế. Bao giờ cô đi? – bà ta hỏi.
Anna lim dim mắt nhìn thẳng về phía trước, không trả lời.
– Có phải Kitti tránh mặt em không? – nàng nhìn về phía cửa nói và đỏ mặt lên.
– Ồ! Bậy nào! Cô ấy đang nuôi con thơ, nhưng còn lúng túng nên tôi có góp ý kiến… Cô ấy sẽ rất vui lòng được gặp cô. Cô ấy vào đây ngay bây giờ đấy, – Doli vụng về nói vì bà không biết nói dối. – Kia rồi. – Khi biết Anna tới, thoạt tiên Kitti định không ló mặt ra. Nhưng Doli đã giảng giải cho nàng nghe. Kitti phải lấy hết nhuệ khí bước vào phòng và đỏ mặt bước lại gần bắt tay Anna.
– Tôi rất vui mừng được gặp chị, – nàng nói giọng run run.
Kitti đang đấu tranh tư tưởng không biết nên thù ghét người đàn bà xấu xa này hay nên tỏ ra rộng lượng; nhưng vừa thoáng thấy khuôn mặt đẹp đầy thiện cảm của Anna, tất cả cừu địch liền tiêu tan.
– Chị không muốn gặp tôi cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Tôi đã quen với mọi chuyện rồi. Chị vừa ốm khỏi à? Phải, tôi thấy chị cũng có thay đổi đấy, – Anna nói. Kitti cảm thấy Anna hằn học nhìn mình. Nàng cho sự hằn học đó là do giờ đây Anna cảm thấy ngượng khi giáp mặt nàng, Anna, người từng che chở cho nàng trước kia, và nàng bỗng thương Anna.
Họ nói chuyện về bệnh của Kitti, về con trai nàng, về Xtiva, nhưng tất cả những chuyện ấy rõ ràng không làm Anna quan tâm.
– Em đến để chào chị, – nàng vừa nói, vừa đứng dậy.
– Bao giờ cô chú đi? – Nhưng cả lần này nữa, Anna lại quay về phía Kitti không đáp.
– Tôi rất sung sướng được gặp lại chị, – nàng mỉm cười nói với Kitti. Tôi được nghe nói chuyện về chị qua nhiều người khác nhau, kể cả anh ấy nữa. Anh nhà có đến thăm tôi và tôi rất quý anh, – nàng nói thêm, rõ ràng với một ý định thâm hiểm. – Anh ấy giờ ở đâu?
– Nhà tôi lại về quê rồi, – Kitti đỏ mặt nói.
– Chị cho tôi gửi lời hỏi thăm anh, chị đừng quên nhé.
– Tôi sẽ không quên đâu, – Kitti ngây thơ nhắc lại và thương hại nhìn nàng.
– Chào chị Doli! – Anna hôn Doli, bắt tay Kitti và vội vã bước ra.
– Bà ta vẫn quyến rũ như xưa, – Kitti nói, khi còn lại một mình với chị gái. – Đẹp tuyệt! Nhưng trông bà ta vẫn có cái gì tội nghiệp lắm.
Bà ấy làm em thương hại quá.
– Cô ấy đang ở trong tâm trạng không bình thường, – Doli nói. Lúc chị tiễn cô ấy ra phòng chờ, hình như cô ấy muốn khóc.
29
Khi trở lại xe, Anna thấy còn khổ sở hơn cả lúc ở nhà ra đi. Cùng với nỗi đau đớn, giờ đây, cộng thêm cái cảm giác bị nhục mạ và xua đuổi nó xâm chiếm nàng mãnh liệt khi giáp mặt Kitti.
– Bà về nhà ạ? – Piot’r hỏi.
– Ừ, – nàng nói, cũng chẳng buồn nghĩ đến nơi mình sẽ tới.
“Họ ngắm mình như một cái gì gớm ghiếc, khó hiểu và kì quái.
Anh ta kể lể gì với bạn mà say sưa thế kia? Nàng nghĩ khi nhìn thấy hai người khách qua đường. Mình những muốn gục đầu vào ngực Doli mà thổ lộ nỗi niềm, nhưng cũng may đã không làm thế. Chị ấy sẽ tha hồ thích thú trước nỗi đau khổ của mình! Chị ấy hẳn sẽ không lộ vẻ gì, nhưng cảm giác bao trùm ắt là vui thích được thấy mình phải chuộc tội vì những lạc thú chị ấy thèm muốn. Và hẳn Kitti lại càng bằng lòng hơn nữa. Mình đọc được hết ý nghĩ cô ta. Cô ta biết mình đã tỏ ra thân ái quá mức với chồng cô ta. Cô ta ghen và căm ghét mình. Và hơn nữa, cô ta còn khinh mình. Dưới mắt cô ta, mình là một mụ đàn bà lẳng lơ. Nếu quả thế thật thì mình đã làm chồng cô ta mê mình rồi… nếu mình muốn. Với lại, mình cũng đã nghĩ đến chuyện ấy rồi đấy. Kia đúng là một anh chàng tự bằng lòng mình”, nàng tự nhủ khi xe nàng gặp xe một ông to béo, mặt mày hồng hào; ông này tưởng quen nàng bèn nhấc chiếc mũ cao thành óng ánh ra, trên cái đầu hói và bóng loáng, rồi sau mới biết mình lầm. “Hắn ngỡ là biết mình. Và hắn cũng chẳng biết gì mình hơn bất kì ai trên mặt đất này. Đến ngay mình nữa, mình có biết mình đâu. Mình chỉ biết những “khẩu vị” của mình, như người Pháp thường nói. Mấy đứa nhỏ kia thèm cái món kem tồi nọ. Ít ra chúng cũng biết chắc điều đó”, nàng quyết đoán khi thấy hai chú bé giữ người bán kem lại. Người này đặt cái xô xuống đất và lấy khăn lau bộ mặt đẫm mồ hôi. “Tất cả chúng ta, ai nấy đều thích món ngọt, món ngon. Khi không có kẹo, ta đành hạ mức xuống cái kem tồi. Cũng như Kitti: Không được Vronxki thì cô ả bằng lòng Levin vậy. Và cô ả ghen tức với mình. Cô ta ghét mình. Chúng ta ai nấy đều căm ghét nhau. Mình ghét Kitti, và Kitti ghét mình. Sự thật là như vậy. Tiutkin thợ cắt tóc… Tôi cắt tóc ở hiệu Tiutkin… Mình sẽ kể thế khi chàng quay lại”, nàng thầm nói một mình và mỉm cười. Nhưng ngay lúc ấy, nàng chợt nhớ không còn ai để kể lại những chuyện ngộ nghĩnh nữa… “Với lại, chuyện đó chẳng có gì là ngộ nghĩnh cả. Mọi sự đều đê tiện hết. Có tiếng chuông chầu lễ chiều: gã bán hàng kia làm dấu mới thận trọng làm sao, như sợ đánh rơi mất vật gì. Tại sao lại có những ngôi nhà thờ, những hồi chuông và sự dối trá này? Hoàn toàn chỉ để che giấu rằng chúng ta ai nấy đều căm ghét nhau, như bọn xà ích kia đang chửi nhau. Yasvin cónói: đối thủ của tôi sẽ sung sướng nếu lột được đến cái áo lót của tôi.
Và tôi, tôi cũng thế. Thật chí lí!”.
Nàng dừng lại trước cửa nhà, tâm trí vẫn triền miên trong những ý nghĩ đó, đến nỗi lãng đi không nhớ gì đến hoàn cảnh mình nữa. Tới khi nhìn thấy người gác cửa ra đón, nàng mới sực nhớ đã gửi đi một lá thư và một bức điện.
– Có thư trả lời không? – nàng hỏi.
– Để cháu xem đã, – người gác cửa đáp. Sau khi nhìn vào phòng chờ, gã cầm trên bàn cái phong bì vuông mỏng đựng một bức điện tín và mang đến. Nàng đọc:
“Anh không thể về trước mười giờ được. Vronxki.”
– Người tôi sai đi vẫn chưa về à?
– Chưa ạ, – người gác cửa đáp.
“Đến nước này thì mình biết sẽ phải làm gì rồi, nàng tự nhủ, và bước nhanh lên cầu thang, trong người bốc lên một nỗi khát khao mơ hồ muốn trả thù. Mình sẽ thân hành đi tìm anh ta. Trước khi bỏ đi mãi mãi, mình sẽ nói hết với anh ta. Chưa bao giờ ta căm ghét ai bằng con người ấy!”, nàng nghĩ. Thoáng thấy mũ Vronxki treo trên mắc áo, nàng rùng mình ghê tởm. Nàng không nghĩ ra bức điện kia là để trả lời bức điện của nàng và chàng vẫn chưa nhận được thư. Nàng tưởng tượng chàng đang bình thản nói chuyện với mẹ và đang cùng tiểu thư Xorokina hể hả thấy nàng đau khổ. “Phải, ta nên đi sớm chừng nào hay chừng nấy”, nàng tự nhủ, nhưng vẫn chưa biết mình sẽ đi đâu. Nàng muốn thoát khỏi những cảm giác đang xâm chiếm lòng nàng trong ngôi nhà kinh khủng này. Bọn đầy tớ, những bức tường, đồ đạc ở nhà này, mọi thứ đều khiến nàng ghê tởm, căm ghét, và như đè bẹp nàng xuống. “Mình sẽ ra ga: nếu không thấy chàng ở đấy, mình sẽ tới đó và sẽ bắt quả tang”. Nàng giở báo xem giờ tàu chạy. Có một chuyến khởi hành hồi tám giờ hai phút. “Mình sẽ đến vừa kịp”. Nàng sai thắng ngựa mới vào xe và nhét đầy vào cái xắc nhỏ đi đường những đồ dùng cần thiết cho một chuyến đi dài ngày. Nàng biết mình sẽ không quay về nữa. Nàng còn quyết định (đây là một trong nhiều kế hoạch vừa hiện ra trong đầu) sau câu chuyện sẽ xảy ra ở ga hoặc ở nhà bá tước phu nhân, nàng sẽ đáp tàu về phía Nijni và xuống ga đầu tiên. Bữa ăn chiều đã dọn ra; nàng vào phòng ăn nhưng mùi bánh và mùi phó mát làm nàng ghê sợ. Nàng sai đánh xe ra và xuống gác. Ngôi nhà ngả bóng xuống hết bề rộng lòng phố. Buổi chiều trong sáng; mặt trời vẫn sưởi ấm. Annuska đem túi xuống cho nàng, Piot’r đặt túi vào xe, gã xà ích vẻ không bằng lòng ra mặt, nàng thấy mọi người đều bỉ ổi: mọi cử chỉ và lời nói của họ đều làm nàng bực tức.
– Piot’r, tôi không cần đến anh đâu.
– Thế ai sẽ lấy vé cho bà ạ?
– Được, nếu anh muốn đi cũng chẳng sao, – nàng bực dọc nói. Piot’r trèo lên ghế, hai tay chống nạnh và bảo xà ích đánh xe ra ga.
30
“Thế đó! Một lần nữa, mình lại hiểu hết!”, Anna tự nhủ khi xe bắt đầu chạy, khua vang mặt đường lồi lõm dưới bánh xe. Hàng loạt cảm giác nối tiếp nhau trong đầu nàng. “Mình vừa nghĩ gì ở đoạn cuối nhỉ? – nàng cố nhớ lại. Đến Tiutkin, thợ cắt tóc? Không, không phải. À phải, về cái điều Yasvin nói với mình: đấu tranh sinh tồn và lòng căm ghét, đó là sợi dây duy nhất ràng buộc con người với nhau. Làm gì mà các ngài vội vàng thế, nàng thầm nói với toán người ngồi trong một cỗ xe bốn ngựa, rõ ràng về vui chơi ở nông thôn. Cả đến con chó mang theo cũng không giúp gì được cho các ngài đâu. Các ngài đừng hòng thoát khỏi bản thân mình.” Nàng đưa mắt theo hướng Piot’r nhìn và thấy một anh thợ say rượu bí tỉ đang lắc lư cái đầu, bị cảnh sát giải đi. “Thế mà lại tốt hơn đấy, nàng nghĩ bụng. Bá tước Vronxki và tôi cũng chưa bao giờ đạt tới niềm lạc thú hằng ao ước đó.” Và lần đầu tiên, Anna đem luồng ánh sáng chói lọi vừa soi cho nàng tỏ tường mọi sự, rọi vào mối quan hệ của nàng với Vronxki, mà trước nay nàng vẫn tránh nghĩ tới. “Chàng muốn tìm gì ở ta? Đâu phải vì yêu mà chỉ để thỏa mãn tính hợm hĩnh thôi.” Nàng nhớ lại lời lẽ và cái vẻ giống như con chó ngoan ngoãn của chàng những ngày đầu quen nhau. Giờ đây, mọi chuyện đều chứng minh điều đó. “Phải, chính là sự đắc thắng của thói hợm hĩnh. Anh ta cũng có yêu mình, nhưng trước hết là hãnh diện vì đã thành công. Anh ta vênh vang vì mình. Bây giờ thì hết rồi. Không còn gì để lên mặt nữa. Trái lại, anh ta còn xấu hổ vì mình là đằng khác. Anh ta đã đoạt của mình tất cả những gì có thể đoạt được, anh ta không cần đến mình nữa. Mình trở thành gánh nặng và anh ta phải cố gắng để khỏi tỏ ra bất lương với mình. Hôm qua, anh ta đã lộ mặt rồi đó: sở dĩ anh ta mong li dị, mong lấy mình làm vợ, cũng chỉ là đâm lao phải theo lao. Anh ta yêu mình nhưng yêu như thế nào kia? Còn đâu là hứng thú nữ 36. Cái gã kia muốn trưng trổ với mọi người và có vẻ tự mãn gớm,” nàng thầm nghĩ khi thấy một gã chào hàng, má đỏ ửng đang vắt vẻo ngồi trên một con ngựa đu quay. “Phải, anh ta không tìm thấy hứng thù gì ở mình nữa. Nếu mình đi, chắc trong thâm tâm, anh ta sung sướng lắm”. Đó không phải là giả thuyết, nàng đã nhìn thấy điều đó rõ ràng trong luồng ánh sáng lúc này đang soi tỏ cho nàng thấy ý nghĩa cuộc đời và những quan hệ giữa con người.
(36) The zest is gone (tiếng Anh trong nguyên bản). Bản Pháp văn của Sylvie Luneau, cũng như một số bản dịch Pháp văn khác mà chúng tôi có dịp tham khảo, in nhầm chữ zest thành rest (nghĩa là nghỉ ngơi). Do đó, lần xuất bản trước, chúng tôi cũng bị lầm lẫn, câu văn trở nên lạc lõng. Lần này, chúng tôi chỉnh lại theo nguyên bản.
“Tình yêu của ta ngày một thêm say đắm và ích kỉ, còn tình yêu của chàng ngày một tàn lụi, vì thế hai đứa cứ xa dần nhau, nàng nghĩ tiếp. Không có cách gì cứu chữa được nữa. Chàng là tất cả đối với ta, và ta muốn chàng hiến trọn cuộc đời cho ta. Thế mà chàng ngày càng muốn thoát khỏi ta. Trước lúc quen nhau, hai đứa theo cùng một con đường đến với nhau, nhưng từ đó mỗi đứa lại đi một đường riêng không tài nào cưỡng nổi. Điều đó là tất yếu. Chàng bảo mình hay ghen tuông vô lí; chính mình cũng tự trách mình về điều đó; thế nhưng thực ra không phải thế. Mình không ghen, mình chỉ không thỏa mãn thôi. Nhưng…” Nàng mở miệng và đổi chỗ ngồi trong xe, tâm hồn xao động bởi một ý nghĩ đột ngột vừa ấp tới: “Nếu mình có thể là gì khác chứ không phải là cô tình nhân khao khát được chàng vuốt ve? Nhưng mình không thể và không muốn là gì khác đối với chàng. Điều mình khao khát ở chàng, lại khiến chàng xa lánh mình, vì thế mình phải nhận lấy nỗi đắng cay và sự thể không cách nào khác được. Chắc chắn chàng không lừa dối phụ bạc mình, chàng chẳng thèm để ý gì đến cô bé Xorokina, chàng không mê Kitti, không bội bạc mình đâu. Mình biết thế, nhưng cũng chẳng vì vậy mà sung sướng thêm chút nào. Nếu chàng chỉ tốt và dịu dàng vì nhiệm vụ mà không yêu mình, thì đó cũng không phải điều mình mong ước. Phải, như thế còn nghìn lần tệ hơn ghét bỏ! Như thế sẽ là… địa ngục! Thế mà hai đứa mình đang đến tình cảnh đó rồi. Từ lâu chàng không yêu mình nữa. Và hết yêu là đến ghét… Mình chưa hề tới đây bao giờ. Phố xá cứ dài mãi, nhà cửa cứ tiếp theo nhà cửa… Và trong các ngôi nhà là những con người… Tất cả, có bao nhiêu người đi nữa, họ cũng đều thù ghét nhau. Nào, thử xác định xem mình ao ước những gì để có hạnh phúc. Thế nào nhỉ? Alecxei Alecxandrovitr bằng lòng li dị, trả Xerioja cho mình và mình lấy Vronxki.” Nghĩ tới Alecxei Alecxandrovitr, nàng bỗng hình dung ông ta rõ mồn một như ông đang đứng trước mặt với cặp mắt dịu dàng và đục lờ, bàn tay trắng nổi gân xanh, với cách uốn giọng và thói bẻ khục ngón tay. Nhớ tới tình cảm đã có giữa hai người, cũng được gán cho cái tên ái tình, nàng rùng mình kinh tởm.
“Được; cứ cho là mình được li dị và trở thành vợ Vronxki. Thế rồi sao? Thế rồi Kitti sẽ thôi không nhìn mình như đã nhìn hôm nay chứ? Không đâu. Xerioja sẽ không tự hỏi tại sao mình có những hai chồng chứ? Liệu rồi có thể nảy nở một tình cảm mới giữa Vronxki và mình được không? Liệu mình có thể thấy trước bất cứ một điều gì khác (khoan nói tới hạnh phúc vội) ngoài nỗi dằn vặt đau đớn không? Không và không! Nàng trả lời, lần này không chút ngập ngừng. Không thể được! Chính cuộc đời đã chia rẽ chúng ta: mình gây tai họa cho chàng, chàng gây tai họa cho mình và cả hai đều không thể tự biến đổi. Chúng ta đã thử hết cách, cái đinh ốc đã vặn chặt rồi… Đây kia, một mụ ăn mày với đứa con. Mụ ta tưởng gợi được lòng thương hại. Nhưng chẳng phải chúng ta đã bị vứt xuống mặt đất này để oán thù nhau, tự làm khổ mình và làm khổ kẻ khác đó sao? Bọn học trò kia; chúng đang chơi đùa. Thế còn Xerioja? Nàng nhớ lại. Mình cứ tưởng yêu nó rồi xúc động vì tình cảm của chính mình. Thế mà mình đã sống không có nó, đã đổi nó lấy tình yêu khác và không hề phàn nàn về sự đổi chác ấy, chừng nào tình yêu ấy còn làm mình thỏa mãn”. Và nàng ghê sợ nhớ lại cái mà nàng gọi là “tình yêu ấy”. Luồng ánh sáng giờ đây giúp nàng nhìn thấu rõ đời mình và đời mọi người, làm nàng vui sướng. “Chúng ta ai nấy đều đến bước ấy cả, ta, Piot’r, gã xà ích Fedor, cả gã lái buôn dưới kia và mọi người đang sống hai bên bờ sông Vonga, nơi những biển quảng cáo kia đang mời đi thăm. ở đâu và thời nào cũng vậy”, nàng thầm nghĩ vừa lúc tới khu nhà thấp của ga Nijni Novgorot. Phu khuân vác chạy ùa ra đón.
– Có phải lấy vé đến Obiralovca không ạ? – Piot’r hỏi. Nàng quên khuấy mình định đi đâu và tại sao phải đi. Nàng phải cố gắng lắm mới hiểu nổi câu hỏi.
– Ừ, – nàng nói và đưa gã cái ví tiền, rồi bước xuống xe, tay cầm cái xắc con màu đỏ.
Trong khi lách qua đám đông đi tới phòng đợi hạng nhất, mọi chi tiết của cảnh ngộ nàng lại hiện lên trong trí nhớ cùng những dự định linh tinh đang khiến nàng do dự không biết chọn đường nào. Hi vọng và tuyệt vọng thay nhau đến khơi sâu vết thương trong trái tim rã rời đau đớn, đang đập mạnh tưởng đến sắp vỡ tung. Nàng ngồi xuống chiếc ghế đệm hình ngôi sao để chờ tàu, chán ngán nhìn kẻ vào người ra: nàng thấy tất cả đều bỉ ổi. Lúc thì nàng tưởng như mình đã tới ga và chuẩn bị trước lá thư sẽ viết cho Vronxki; lúc lại hình dung thấy Vronxki, không hề động lòng trước những đau khổ của nàng, đang phàn nàn với mẹ về nàng: nàng bèn chuẩn bị những lời sẽ nói với chàng khi bước vào phòng khách. Hoặc giả nàng lại nghĩ rằng đời mình vẫn còn có thể hạnh phúc, rằng thật khổ tâm biết bao khi phải vừa yêu vừa ghét chàng, và tiếng tim đập bỗng khiến nàng phát sợ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.