Bà Đại Sứ

1. Bóng tối và im lặng



Một buổi tối tháng 9 năm 1886, cả gia đình nhà Keller đều ở trong phòng khách. Ngài đại uý Keller lơ đãng cầm tờ báo trên tay. Rồi, ông đặt sang bên, cặp kính trễ xuống sống mũi, buồn bã nhìn đứa con gái lớn. Nó đang nằm co ro trên ghế bành, ôm chặt con búp bê to bằng vải vào lòng.

– Helen đã 6 tuổi rồi đấy – đại uý nói – Vậy mà, trí tuệ của nó, cứ cho là nó có đi, vẫn đang bị nhốt trong một nhà tù. Chẳng ai có thể giải phóng cho nó được, không ai có thể mở hộ nó cánh cửa ấy, không ai có thể giúp nó. Chìa khoá đã mất rồi. Chẳng ai có thể tìm lại được nữa …

Bà Keller đang ngồi khâu, lặng lẽ ngẩng lên, đôi mắt mọng nước.

Người dì của cô bé Helen thì nổi giận:

– Arthur, anh chẳng biết gì cả. Tôi, tôi nói cho anh biết nhé, Helen, nó còn thông minh hơn tất cả những người nhà Keller cộng lại đấy!

– Có thể Helen có những tài năng thiên bẩm – đại uý rầu rĩ – nhưng cái đó thì có ích gì cho con bé chứ? Sẽ không bao giờ, không một ai biết đến cái trí thông minh đó. Helen sẽ không dùng đến, và cũng chẳng cho ai dùng được.

Những lời nói của người cha không hề làm tổn thương Helen: cô bé không hề nghe thấy. Năm lên hai tuổi, sau khi phải vật lộn với bệnh viêm màng não, Helen đã hoàn toàn điếc, câm, mù. Không có một cách nào để giao tiếp được với cô bé, người cha và người mẹ buộc lòng phải tin như vậy.

Helen tụt xuống ghế, dò dẫm, lần mò theo mép bàn đi đến bên chiếc nôi đặt cạnh mẹ. Cái nôi này Helen biết rõ lắm, đây là nôi của nó mà, nó đã ngủ trong đó khi còn bé tí. Đôi tay nó có thể biết, có thể nhận ra điều ấy. Nó thích đặt con búp bê của mình vào đó, thích quấn chặt cho con búp bê, thích khẽ khàng đu đưa nôi.

Gần đây, Helen bỗng lo lắng; chiếc nôi không còn trống nữa, có cái gì đó đã lấy chỗ của nó. Mẹ nó đẩy nó ra khi nó muốn đặt con búp bê vào. Có ai đó ở trong nôi, ngo ngoe cái chân cái tay bé xíu, ai đó – không phải là một con búp bê. Helen chẳng có cách nào để biết rằng “ai đó” đấy chính là em gái của mình. Với Helen, “ai đó” không có một tên riêng, mà chỉ là “nó”, một kẻ đã lấy đi chiếc nôi và thường lấy luôn cả vị trí được ưu ái nhất trước nay vẫn dành riêng cho cô bé – trong lòng mẹ.

Lại một lần nữa, “nó” đang ở đó. Helen sờ thấy cái cơ thể bé nhỏ, ấm nóng được quấn trong những chiếc khăn bông mềm mại. Từ cổ họng bật ra những tiếng kêu nghèn nghẹt, hung dữ, gần giống với tiếng gầm gừ của một con chó hơn là âm thanh của một con người, Helen giằng lấy chiếc khăn, lật đổ chiếc nôi hòng tống khứ kẻ đột nhập. May thay, bà mẹ đã kịp vồ lấy đứa trẻ trước khi nó bị rơi xuống đất. Ngài đại uý túm vai Helen, lắc một cách giận dữ:

– Thế đấy, thần đồng đấy! Ai trả lời được những câu hỏi cho thần đồng đây? – ông chua chát nói – Dù gì Helen cũng chỉ là một “thần đồng gây hại”. Phải gửi con bé vào một trường nội trú đặc biệt thôi.

Bà Keller, vẫn chưa hết bàng hoàng, bật khóc:

– Không… không… không! – bà van vỉ – Chúng ta không thể bỏ nó được… Những nơi đó chỉ để nhận những đứa trẻ thiểu năng, chậm phát triển trí tuệ, chứ không phải dành cho những đứa quá bất hạnh như con bé. Người ta sẽ không dạy được gì cho Helen cả, nó sẽ bị bỏ một mình trong xó, nó sẽ không tiến bộ được gì, và nó sẽ càng bất hạnh vì ở xa chúng ta.

Ngài đại uý vẫn túm chặt tay Helen, con bé hung hãn đạp lung tung, cố để thoát ra, ông hạ giọng nhẹ nhàng hơn:

– Thế chúng ta, chúng ta dạy được gì cho nó chứ? Chúng ta đã thử… Nhưng như thế nào? Em thấy đấy, chúng ta không biết làm cách nào. Chúng ta không thể trông giữ nó ở nhà mãi. Nó đã quá lớn, quá khoẻ, quá nguy hiểm đối với em nó rồi. Một ngày nào đó, nó giết chết con bé mất.

Trong lúc ấy, cái đầu nhỏ tội nghiệp của Hellen lại như muốn vỡ tung vì những ý nghĩ rối bù khiến nó chao đảo. “Tại sao họ lại làm thế với mình, tại sao, tại sao?”.

Thực ra Helen chẳng biết các từ đó. Tất cả những người đang vây xung quanh, với Helen đều là “họ”. Và nó cũng phân biệt được “họ” khá rõ: bố này, mẹ này, dì này và Martha Washington, con gái bà giúp việc da đen thỉnh thoảng vẫn chơi với nó.

“Họ” là những bàn tay, những bàn tay dẫn lối cho nó, kéo nó rất nhanh về đằng sau khi nó bị cụng đầu vào tường, nâng nó dậy khi nó ngã, những bàn tay cho nó ăn, đưa đồ chơi cho nó. Có bàn tay của mẹ, thật mềm mại, dịu dàng; tay của dì to hơn một chút và ít khéo léo hơn một chút; tay của Martha bé tí và dính nham nháp; và bàn tay to khoẻ, cứng chắc là của bố, bàn tay mà giờ đây đang túm lấy nó và không chịu buông nó ra.

Còn với bàn tay của riêng mình, Helen khám phá thế giới xung quang. Đôi bàn tay là mắt, là tai của cô bé. Cô bé bị mất đi thị giác, thính giác, song cảm nhận của đôi tay – xúc giác lại phát triển một cách đặc biệt, và cả khứu giác, vị giác cũng vậy. Từ xa, Helen có thể nhận ra “họ” bằng mùi; ở gần, nó có thể nhận ra những quần áo họ đang mặc, và nó “thấy” được ai có gì mới. Nó phân biệt được những bông hoa đồng nội lẫn trong thảm cỏ; nó cảm nhận được bộ lông con Belle, con chó săn xù to lớn của nó. Nó cũng biết không nên siết quá mạnh cái vỏ ấm và nhẵn của quả trứng, vì nếu vậy, chúng sẽ biến thành một chất nhớt mà những ngón tay nó không tài nào giữ lại được.

Đôi bàn tay bé nhỏ, tham lam và tò mò ấy hoạt động không ngừng, chúng trở thành công cụ cho những ý nghĩ. Con bé thường sờ soạng lâu, thật lâu, không biết chán khuôn mặt mẹ nó. Ngón tay nó lần theo đường cong của mũi, của miệng. Nó không ngạc nhiên khi thỉnh thoảng thấy đôi má mẹ nó ướt đầm nước mắt. Nó cũng thế, khi nào nó cảm thấy đau đớn, má nó cũng ướt đầm như thế. Nhưng nó ngạc nhiên vì cái miệng của mẹ thường xuyên nhảy nhót. Nó cũng đã thử động đậy đôi môi. Tại sao, tại sao “họ” lại làm thế nhỉ? Là một trò chơi à? Sao không cho nó chơi với?

Càng lớn, Helen càng thấy khổ sở bởi sự cô độc. Bàn tay người mẹ vuốt ve trên tóc nó, những nụ hôn dành cho nó, cánh tay ôm ấp nó, những cái đó vẫn luôn cần, nhưng đối với nó bây giờ chưa đủ. Những cơn giận giữ điên cuồng thường hay đến với nó hơn, bởi ngày càng có nhiều điều nó mong muốn xiết bao được trả lời, vậy mà không có cách gì để hỏi được, thậm chí nó cũng không có khả năng hình thành được một câu hỏi rõ ràng cho riêng mình.

“Tôi muốn hiểu, tôi muốn nói, tôi muốn nhìn thấy, tôi muốn nghe thấy!”. Kẻ tù tội khốn khổ đang gào lên trong nó. Nhưng nó chỉ có thể làm phát ra những âm thanh đứt đoạn mà nó không hề nghe được.

Sau những lần như thế, khi đã kiệt sức vì tức giận và thất vọng, Helen chìm vào giấc ngủ. Lần này cũng vậy. Ông bố và bà mẹ đưa cô bé vào giường, rồi cùng quay trở lại phòng khách.

– Không làm gì được – người cha nói – Chúng ta hoàn toàn chẳng có gì trong tay nữa, chúng ta không có khả năng bảo cho nó hiểu cái này hay cái kia là cái gì.

– Em biết – người mẹ thừa nhận – chúng mình quá nhu nhược với nó. Bây giờ nó chỉ làm theo ý nó.

– Nhưng chúng ta phạt nó bằng cách nào? Chúng ta không thể làm cho nó hiểu vì sao nó bị phạt.

Người mẹ lắc đầu:

– Phải viết thư đi Boston thôi, cho ông giáo sư mà bác sĩ Bell nói với chúng ta ấy.

Vài tháng trước, bố mẹ Helen, những người đang sống ở Alabama, vùng Tuscumbia, đã đưa con gái đến một bác sĩ nổi tiếng ở Baltimore, một chuyên gia về mắt. Mặc dù không giúp gì được cho Helen, nhưng ông ta gợi ý nên đưa cô bé đến chỗ bác sĩ Alexander Graham Bell, ở Washington.

– Có thể bác sĩ Bell sẽ làm được điều gì đó để hồi phục thính giác cho cô bé – ông bác sĩ chuyên khoa mắt nói – Ngài Bell là một nhà khoa học danh tiếng. Chính trong quá trình nghiên cứu để hoàn chỉnh một chiếc máy có thể đem đến cho những trẻ em điếc một số âm thanh tác động được lên dây thần kinh thính giác, ông ta đã phát minh ra máy điện thoại.

Ông bà Keller lại dẫn Helen đến bác sĩ Bell. Ông khám rất kĩ cho cô bé. Ông giữ cô bé ngồi rất lâu trong lòng mình, nhìn cô bé say sưa nghịch cái đồng hồ trên tay ông.

– Tôi không thể làm gì được – ông buồn rầu nói – Nhưng thử đến Boston gặp giáo sư Michael xem sao, ông ấy đang điều hành một trường dành cho trẻ em mù: Viện Perkins. Trong trường, có một phụ nữ, Laura Brigman, cũng bị câm, điếc và mù như con gái các vị. Hình như ông Michael Anagnos đã tìm được cách nói chuyện với cô ta: ông ấy gõ ngón tay thế nào đó trong lòng bàn tay cô ấy, để đánh vần cho cô ấy các từ. Điều Anagnos có thể làm cho Laura Brigman, hẳn ông ta cũng có thể làm cho Helen chứ.

Đại uý Keller đã không đi gặp ông Anagnos. Không phải ông không muốn chữa chạy cho Helen, cũng không phải vì ông đã chán nản; mà trong thâm tâm ông sợ rằng vợ mình sẽ không chịu đựng nổi nếu ông bác sĩ đó cũng không thể giúp được gì. Nhưng buổi tối hôm đó, ông đọc thấy trong mắt bà lời cầu khẩn tha thiết, và ông đột ngột quyết định:

– Được rồi, chúng ta sẽ thử. Ngày mai anh sẽ viết thư cho ngài Anagnos.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.