Bà Đại Sứ

11. Đứa trẻ nổi tiếng thế giới



– Con bé lại gặm móng tay rồi.

Ann Sullivan tỏ ra rất thất vọng. Helen vẫn say sưa cắn móng tay cái, chẳng hay biết đến vẻ bất bình trên gương mặt cô Ann và bà Keller, họ đang nhìn em chăm chăm.

Đột nhiên, cô Ann quyết định:

– Tôi rất tiếc phải làm đến mức này, nhưng…

Cô đến bên Helen rất nhanh, phát nhẹ vào tay cô bé. Rồi cô lấy trong hộp khâu một dây ru-băng mềm. Cô cầm tay Helen và viết vào đó bằng những độngt ác thật lạnh lùng, khác hẳn với thói quen thường ngày:

– Cô không đồng ý em gặm móng tay, cô đã nói nhiều lần rồi. Em vẫn thế! Cô sẽ phải dùng cách khác để cấm em không được cắn móng tay nữa.

Cô dùng sợi dây buộc hai tay cô học trò ra sau. Helen bất ngờ muốn khóc. Sự trừng phạt này chỉ kéo dài ½ giờ, nhưng cô bé có bao nhiêu điều muốn nói trong khoảng thời gian tưởng chừng ngắn ngủi ấy. Em không thể nói được với đôi bàn tay trói sau lưng.

– Em thực sự tin rằng hình phạt này với cô Ann còn nặng nề hơn Helen – buổi tối, khi kể lại chuyện cho chồng, bà Keller nói – giá anh trông thấy cô ấy cứ đi đi lại lại trong phòng và không ngớt nhìn đồng hồ.

Helen bây giờ đã là một cô bé 8 tuổi, vui vẻ, yêu đời và ngoan ngoãn. Không còn những chuyện điên khùng đáng sợ chợt đến, không còn vẻ cứng đầu cố hữu như ngày trước nữa. Nhưng cũng như tất cả các bé gái khác, Helen vẫn có một số khuyết điểm. Đôi khi cô bé tỏ vẻ lười biếng, không ngăn nắp, không thích tắm và không thích cắt tóc.

Thường thường, nếu muốn phạt Helen, cô Ann chỉ cần bỏ mặc cô bé ngồi một mình trên giường. Đây là lần đầu tiên cô dùng “biện pháp mạnh”. Nhưng, cô muốn bằng mọi cách ngăn không cho Helen gặm móng tay nữa.

Helen chỉ có cách diễn đạt duy nhất là dùng đôi tay nên tất cả những người đến thăm cô bé đều luôn dán mắt vào đôi bàn tay ấy. Không thể để một ấn tượng kém cỏi như thế được, hơn nữa lại tạo ra thói quen xấu rất mất vệ sinh.

Có một chuyện quan trọng phải kể là giờ đây Helen đã trở thành một đứa trẻ nổi tiếng trên toàn thế giới. Cô Ann Sullivan vẫn thường thông báo đều đặn cho giáo sư Anagnos những tiến bộ của cô trò nhỏ. Các bài báo đầu tiên viết về Helen đã xuất hiện trên một số tạp chí y học và giáo dục. Chuyện cô bé Helen rất nhanh chóng vượt qua sự hạn chế giữa các vấn đề nghiên cứu của giới chuyên môn. Cô bé Helen không nhìn thấy, không nghe thấy và không nói được, ấy vậy mà có khả năng học được biết bao điều hơn hẳn những đứa trẻ cùng lứa. Người ta kể cho nhau nghe ở hầu khắp các nước trên thế giới.

Người ta cảm động và thương hại. Người ta nhìn cô bé như một số phận khiến rơi nước mắt chăng? Có, nhưng chỉ một phần, tình cảm trong họ nhiều hơn là sự khâm phục hoàn toàn và tuyệt đối. Helen là một bằng chứng sống về sức mạnh trí tuệ tiềm tàng của con người.

Nhưng Helen hoàn toàn đứng ngoài sự nổi tiếng ấy, sự nổi tiếng của chính mình. Helen không hề biết chút gì về những bài viết liên quan đến em xuất hiện hầu như tất cả các ngày. Cô Ann Sullivan muốn vậy.

– Những câu chuyện đó có thể sẽ đem lại nhiều điều đau khổ cho Helen nếu em biết về nó – cô giải thích với ông bà Keller – Không được để em thành một đứa trẻ đáng thương; được chăm sóc chiều chuộng thái quá và trở nên kiêu ngạo… Em sẽ không tiếp tục cố gắng tiến bộ nữa và cuối cùng em sẽ thật sự bất hạnh.

Bởi mọi người chỉ có thể giao tiếp với Helen bằng ngôn ngữ của ngón tay, nên thật dễ dàng giấu em những điều được viết trên báo và thậm chí được nói hàng ngày. Có rất ít người biết sử dụng bảng chữ tay.

Vài tuần sau đó, một buổi sáng tháng Năm, có một cô bé xinh xắn, rạng rỡ cùng cô Ann Sullivan đi du lịch; cô bé bây giờ đã mất thói quen cắn móng tay khi trước. Tàu rời ga, cô bé đã ngồi ngay ngắn trên bằng ghế, tay đặt trong lòng cô giáo.

Helen biết cô Ann sắp tả cho em tất cả cảnh vật đang trôi qua bên ngoài cửa sổ. Những cây ăn trái đang mùa ra hoa. Những người đang lao động trên cánh đồng. Những mái nhà, những tháp chuông, thành phố, làng mạc… và xa xa, những dãy núi xanh thẳm hiện ra sau đám mây dày trắng xốp.

Helen đã được học thế nào là núi, là sông, là thung lũng. Cô Ann Sullivan đã dạy em những bài học địa lý bên bờ con sông Tennesse chảy ngang gần nhà. Một trong các cuộc đi chơi thú vị nhất là cùng cô giáo đến nơi mà hai cô trò đặt cho tên là “Sân gan nhà Keller”. Đó là một ga xép đã bị bỏ hoang khá lâu, phần nhiều đã mục nát. Ở “sân ga”, Helen xây những con đê bằng sỏi, vẽ những hòn đảo, những ao hồ, đào các đường chảy cho những con sông… Tất cả đều khiến cho cô bé rất thích thú và không một lúc nào mảy may nghi ngại mình đang phải học, phải làm.

Cô Ann vẽ lên cát cho Helen những tấm bản đồ nổi, và cô bé lướt tay trên những đỉnh núi, đưa theo đường lượn của các con sông. Rồi cô giáo kể cho em nghe về núi lửa, về những thành phố bị chôn vùi trong lòng đất, những dòng sông chuyên chở những tảng bằng trôi… Tất cả được cô Ann kiên trì đánh vần trong lòng bàn tay cô bé Helen đang rất chăm chú. Phải chăng chỉ nhờ có cách đó? Có lẽ không một ai trên đời thực sự biết rõ.

Helen coi chuyến đi như một ngày hội. Cô Ann đẽ giải thích với em đây sẽ là chuyến du lịch dài ngày nhất từ trước tới nay của em. Họ sẽ đến tận Boston, bang Massachusset, có nghĩa là mãi miền Bắc nước Mỹ. Phải đi tàu hai ngày một đêm mới tới nơi. Họ sẽ ngủ và dùng bữa trên tàu.

– Vậy giống như là em ở trong ngôi nhà có bánh xe lăn cô nhỉ! – Helen nói với cô giáo.

Ở Boston, cả Viện Perkins đang đón chờ Helen và cô Ann. Giáo sư Anagnos rất nóng lòng được gặp mặt cô bé, sau tất cả những gì được nghe kể về cô trò nhỏ đó. Còn Helen, em cũng rất sung sướng với ý nghĩ sẽ được chơi với nhiều bạn nhỏ cũng biết nói bằng tay như mình.

Suốt một thời gian dài, Helen không hiểu ý nghĩa của từ Mù. Em chỉ mau chóng nhận ra mọi người nói bằng miệng và em không có khả năng đó. Em thường đặt tay lên môi mẹ, môi cô Ann để được cảm nhận rằng họ đang nói. Nhưng cần có nhiều thời gian hơn để cô bé hiểu đôi mắt dùng để làm gì.

Thế mà một hôm, những ngón tay Helen đặt câu hỏi cho cô Ann:

– Mắt em dùng để làm gì?

Cô Ann Sullivan hiểu cô cần phải có một câu trả lời đúng sự thật. Khi trước, cô đã từng băn khoăn; ngần ngại khi phải giải thích cho Helen tại sao rất nhiều người không biết dùng chữ Braille. Cô dè dặt bảo em:

– Cô nhìn thấy mọi vật bằng đôi mắt cô. Còn em, em nhìn bằng đôi tay của mình.

Helen đặt tay lên khuôn mặt cô Ann, tìm đôi mắt cô, rồi lại tự đặt tay lên mắt mình. Em có vẻ rất tò mò. Bởi dưới đôi bàn tay, em chẳng cảm nhận được điều gì khác biệt.

Trong lúc cô Ann đang quan sát em, lòng rối bời thì những ngón tay Helen bắt đầu ngọ nguậy:

– Mắt em bị ốm nhỉ! – em nói

Cô Ann thấy tim mình đau nhói. “Miễn là em đừng thất vọng khi thấy em không giống những người khác”, cô tự an ủi. Nhưng Helen chẳng đau buồn chút nào vì điều đó. Nhờ có cô Ann, cuộc sống của em đã quá sung túc, quá hấp dẫn làm say lòng rồi. Em không còn thời gian để buồn bã hay chán nản. Em đã quen việc nhìn bằng đôi tay. Đôi bàn tay ấy giúp em có thể nghe thấy cô Ann nói; và cô Ann đã đem cả thế giới rộng lớn mênh mông vào trong lòng bàn tay nhỏ xíu ấy.

Ngồi trên tàu, ý nghĩ khiến Helen thích thú nhất là sắp được gặp nhiều bạn mới. Những bạn biết nói chuyện bằng tay với em, điều mà Martha Washington, cô bạn nhỏ da đen ở nhà không biết làm.

Cô Ann kể cho Helen rằng Viện Perkins có một cô giáo, cô Laura Brigman, cũng không nói được bằng miệng như Helen.

– Mọi người nói với cô ấy như cách cô nói chuyện với em, bằng các ngón tay. Vì thế nên tất cả các bạn nhỏ trong trường đều học ngôn ngữ bằng tay – cô Ann nói.

Đến Boston, chỉ ở chơi trong Viện Perkins một thời gian ngắn mà Helen có biết bao phát hiện thú vị. Điều đầu tiên khiến Helen rất sung sướng và có phần tự hào là mới quen biết nhưng em cũng có thể nói chuyện rất dễ dàng với cô Laura Brigman. Em lại có thêm rất nhiều bạn, học sinh của bác Anagnos. Em cùng các bạn say sưa vui chơi hàng giờ. Ở viện Perkins có những trò chơi đặc biệt phù hợp với trẻ em mù và có rất nhiều sách in bằng chữ Braille.

Trong suốt tuổi thơ, Helen còn quay lại Boston nhiều lần. Ông Anagnos muốn theo dõi đều đặn những tiến bộ của cô bé. Nhân những chuyến du lịch này, Helen có dịp gặp gỡ với rất nhiều người nổi tiếng. Họ đều mong muốn gặp em từ lâu.

Chính vì thế, cô bé Helen đã trở thành người bạn nhỏ của nhà thơ John Greenleaf Whittier và nhà văn Oliver Wendell Holmes. Helen viết nhiều thư cho ông Holmes và ông đã cho đăng trên tờ báo do ông chủ bút một trong những bức thư ấy. Helen cũng rất yêu quý J.G. Whittier, em không coi ông như một người nổi tiếng, bởi em thâm chí chưa hiểu được nghĩa của từ đó, mà như một ông già tốt bụng và biết rất nhiều điều thú bị.

Tiến sĩ Hale, cũng là một mục sư, thường xuyên đến viện Perkins, vẫn vui vẻ gọi Helen là “Cô em họ của tôi”. Đức cha Phillips Brooks, tổng giám mục, thì hay bế em ngồi trong lòng và kể cho em nghe truyền thuyết các Thánh; cô Ann ngồi bên cạnh và dịch lại qua bàn tay Helen.

Một lần, trên đường đi Boston, cô Ann và Helen dừng lại ở Washington ghé thăm bác sĩ Alexandre Graham Bell, người đã phát minh ra máy điện thoại. Chính bác sĩ Bell đã cho ông bà Keller địa chỉ Viện Perkins. Nhờ ông mà vào một ngày đẹp trời, Ann Sullivan đã đến Tuscumbia và biến đổi cuộc đời Helen. Trong lần gặp gỡ này, Helen đã hiểu thế nào là “gặp lại, nhận ra”.

Thời gian hai cô trò ở Washington, tiến sĩ Bell đã một mực đề nghị đưa họ đến Nhà Trắng diện kiến Tổng thống, năm đó ngài Cleverland đang giữ nhiệm kỳ. Đây là “vị tổng thống đầu tiên” trong đời Helen. Sau này, suốt cuộc đời mình, Helen đã được lần lượt gặp từng vị tổng thống đương nhiệm. Trong đó phải kể đến lần gặp Tổng thống Eisenhower sau chiến tranh thế giới thứ II; Helen đã kể trong một cuốn sách của mình: “ông đã nở một nụ cười rất quyến rũ với tôi”.

Helen ngày càng trở nên nổi tiếng. Có rất nhiều người gửi quà và thường xuyên viết thư cho em. Người ta lấy tên Helen để đặt cho 1 con tàu lớn ở bang Maine. Ở London, nữ hoàng Victoria hỏi thăm vị đại sứ Mỹ tình hình sức khỏe và học tập của Helen.

Nhưng Helen vẫn luôn là một cô bé vui vẻ, giản đơn và hạnh phúc, nhờ có cô Ann luôn bảo vệ em tránh khỏi những tán dương thái quá của nhiều người ngưỡng mộ. Cô Ann chỉ đau đáu mong muốn Helen có cuộc sống hạnh phúc cuả một đứa trẻ thực sự.

Sau chuyến du lịch đầu tiên đến Boston, cô quyết định sẽ đưa em đến bờ biển. Ý tưởng này khiến Helen thích lắm. Vậy là cả hai đến Mũi Cod, không xa Boston là mấy. Helen rất nóng lòng được thấy biển và được tắm biển.

Buổi chiều đầu tiên, Helen cứ nôn nao khi nghĩ đến việc được mặc bộ đồ bơi xinh xắn mà cô Ann đã chọn cho. Ngay khi vừa sẵn sàng mọi việc, Helen đã lao nhanh như tia chớp, chẳng thoáng chút lo sợ, chạy nhào xuống nước.

Thật là tuyệt! Những con sóng ôm lấy em như những đôi tay mạnh mẽ. Em nhảy giữa nước mát, hai cánh tay đùa với sóng. Bỗng, em bị vướng chân vào một cây rong dưới nước, trẹo chân, mất thăng bằng. Đúng lúc đó, 1 con sóng lớn đổ tới, ào lên người và giúi đầu em xuống nước… Helen ngã dúi dụi, trong một giây hoảng hốt, sợ hãi. Nhưng cô Ann Sullivan đã ôm ngay lấy em, đưa em lên bờ, lau khô và xoa bóp, vỗ về em. Vừa lấy lại bình tĩnh, Helen kéo tay cô giáo hỏi:

– Ai đã cho muối vào nước đấy?

Ồ cô Ann đã quên mất! Cô đã tả nhiều cảnh biển cho em, rằng biển rộng mênh mông, càng xa bờ biển càng sâu và càng trong xanh, rằng bầu trời cũng rất xanh và cao, rồi những con sóng bạc đầu xô lên bờ cát. Vậy mà cô lại không nói với em là nước biển mặn!

Năm phút sau, Helen đã quên sợ hãi, lại quay xuống nước. Em đã học được cách trụ vững trước những con sóng, thậm chí em còn học cách trèo lên những mõm đá. Em thích mê những con ốc biển, những cây tảo, những hòn cuội bị nước biển mài nhẵn thín… và những con còng chạy rất nhanh trên cát, em túm lấy chúng và khéo léo tránh những chiếc càng nhọn của chúng.

Bên bờ biển, cô Ann giải thích cho em là thế nào các động vật thân mềm “xây dựng” được cái vỏ cứng. Cô kể về những con mực bơi dưới làn nước trong xanh biển Ấn Độ Dương lúc nào bụng cũng mang cả một lọ mực đầy. Cô kể cho em tại sao những động vật thủy sinh bé tí ti lại có thể làm nên cả những đảo san hô ở Thái Bình Dương. Với các từ ngữ thật đơn giản mà khi đó cô bé Helen đã hiểu được, cô Ann sự phát triển của một con ốc có chiếc vỏ vân nhẵn bóng mà em đang cầm với sự phát triển trí tuệ của con người.Con ốc lấy những chất liệu trong lòng biển mà nó cần để sinh trưởng và tái tạo nên những chiếc vỏ đẹp rấ khác nhau như vậy. Còn con người lại dùng thức ăn và tiếp thu những sự vật chung quanh mình để biến đổi chúng và làm nên 1 nhân cách riêng.

Khi đang chơi rất thích thú với vỏ ốc và sỏi cuội, Helen chưa thể hiểu ngay ý nghĩa của những điều cô Ann nói, song những ý tưởng trừu tượng đã mơ hồ hình thành trong trí. Ngày lại ngày, em vui đùa trên cát, thật giản dị, đơn sơ. Vào những ngày cuối của kỳ nghỉ em đã rất tự hào viết thư cho một người chị em họ: “… Bây giờ, Helen đã biết bơi rồi đấy!”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.