Bà Đại Sứ

13. Em không còn câm nữa



Khi Ann Sullivan biết chuyện về Ragnhild Kaata, bấy giờ là cuối tháng Ba.

Cô gái Na Uy Ragnhild Kaata cũng mù và điếc như Helen. Nhưng nhờ ý chí và nỗ lực tập luyện kiên trì, cô đã đạt được một kết quả diệu kỳ tưởng như không thể: cô nói. Ragnhild nói được gần như những người bình thường.

Tin này khiến cho Ann Sullivan xao động, điều cô gái Na Uy ấy có thể làm, tại sao Helen lại không?

Khi Helen còn bé tí, tức là trước khi Ann bước vào cuộc đời em, Helen vẫn thường sờ lên môi cha mẹ khi họ nói. Em tưởng họ đang chơi trò gì đó, thuần túy như một sự nghịch ngợm. Helen cảm thấy bị bỏ rơi, bị tổn thương, bức bối. Và giống như bao lần khác, một cơn giận dữ khủng khiếp lại bùng lên, rồi nó làm em kiệt sức, làm em càng thêm buồn bã. Bây giờ thì Helen đã biết không phải bố mẹ đang chơi, đang đùa nghịch, mà khi môi họ mấp máy là họ đang nói. Em cũng biết tất cả những người bình thường khác đều nghe bằng tai và nhìn bằng mắt.

Còn Helen, tai em không nghe được một giọng nói nào cả, kể cả giọng nói của chính mình. Em không có cách nào để biết sử dụng giọng nói ấy. Em câm không phải do tổn thương thanh quản. Em câm vì em bị điếc. Em chỉ có thể nói và nghe bằng bàn tay mình.

Đáng buồn thay, đa số mọi người không biết dùng bảng chữ tay, bởi thế Helen không thể nào trò chuyện được với họ. Em có bao điều muốn nói với mọi người. Thật nặng nề! Ngay cả với cô Ann cũng vậy, bởi những ý nghĩ của em nhanh hơn những ngón tay rất nhiều.

– Đừng có nhanh thế! – cô Ann thường bảo em – Tay em phi như ngựa thế, cô không hiểu em muốn nói gì cả.

Giờ Helen đã biết tiếng nói phát ra từ đâu. Đặt tay lên cổ cô giáo, em cảm thấy rất rõ những rung động của dây thanh đới. Em cũng biết mọi từ em viết trên tay cô giáo đều có thể biểu hiện bằng miệng, môi, họng. Và Helen đã thành công khi tập đọc trên môi cô Ann. Khi cô nói, em đặt nhẹ ngón tay lên miệng cô, không phải lúc nào em cũng nhận biết được từngtừ riêng biệt, nhưng em có thể hiểu được ý nghĩa cơ bản.

Đối với một con người nhìn được, nhìn miệng đoán chữ không phải khó lắm. Phần lớn người điếc đều có thể dễ dàng làm được điều đó. Còn với người mù, chuyện đó gần như không thể. Vậy mà Helen đã làm được!

Và Helen đã quyết định, em sẽ học nói, nói bằng cổ họng và môi của mình. Đó là kế hoạch của Helen.

Từ bấy lâu nay, Helen rất cố gắng để nói. Nhưng những âm thanh em tạo ra rất lạc điệu và khó nghe. Ann Sullivan thở dài khi thấy Helen vã mồ hôi tập nói. Cô cố lôi kéo sự chú ý của em sang hướng khác, cố nghĩ ra những câu chuyện, những trò chơi mới hấp dẫn em. Mặc, Helen vẫn ngoan cố.

– Em biết là cổ họng em có gây ra tiếng mà – em nói với cô giáo – tại sao em không thể tập để tạo ra âm thanh “biết nói”.

– Nhiều người điếc đã tập nói được – Ann trả lời, cô ngày càng sợ cô bé sẽ thất vọng khủng khiếp khi nhận ra em không thể nói – Những giọng nói của họ thường đơn điệu và khó hiểu vì họ không thẻ nghe thấy để tự điều chỉnh. Còn em, em học nói sẽ khó hơn, vì em không thể nhìn thấy cách người ta dùng môi, miệng và các cơ mặt như thế nào.

– Em có thể cảm thấy mà! – Không gì có thể thuyết phục nổi Helen từ bỏ.

Khi Ann biết chuyện Ragnhild Kaata, cô đã rất vui mừng. Helen có lỹ, có lý khi đã rất ngoan cố, có lý khi đã luôn tin rằng em sẽ nói được. Cô Ann kể chuyện cô gái Na Uy cho Helen, và bảo rằng từ bây giờ em cần phải được học một cách chính quy cùng với các chuyên gia.

Helen thích quá. Lại một cuộc sống mới sắp bắt đầu. Không chần chừ thêm nữa, Ann đã quyết định đưa Helen đến gặp cô Fuller, hiệu trưởng một trường dành riêng cho trẻ câm điếc, trường Horace Mann, Boston. Helen nhảy chân sáo vào văn phòng cô Fuller, vui mừng và sốt ruột. Lúc đi cô Ann rất phân vân, liệu cô Fuller có thể dạy cho Helen nói được không.

– Tôi rất vui được giúp cô bé – cô Fuller nói khi nhìn dáng vẻ đầy tin tưởng của Helen, bây giờ cô bé đang ngồi rất yên lặng và ngoan ngoãn – thậm chí, phải nói rằng tôi rất hạnh phúc. Nào chúng ta sẽ bắt đầu ngay bây giờ.

Cô đặt một ngón tay Helen lên môi mình, còn một tay đánh vần trong lòng bàn tay kia của Helen.

– Tôi sẽ tạo những động thái khác nhau của môi và lưỡi. Em cố lặp lại từng động tác và cố làm bật ra âm thanh từ họng. Chúng ta bắt đầu bằng chữ M. Em hơi hé miệng ra rồi ngậm lại, mím môi như thế này này. Nào, thử nào!

Sau nhiều lần cố gắng không kết quả, cuối cùng Helen đã phát âm được âm M (em-mờ). Rồi em học các âm P (pi), A (ây), S (ét-xơ), I (ai) và T (ti). Cô Fuller giúp em theo dõi từng cử động của môi và lưỡi. Cô phải chỉ rất lâu cho em cách làm thế nào để nói được âm T, phải ấn lưỡi vào hai kẽ răng ra sao, bật ra như thế nào. Hơn một giờ đồng hồ trôi qua, Helen đã nói được khá sõi sáu âm khác nhau.

Helen có 12 buổi học với cô Fuller, có Ann Sullivan luôn đi cùng em và tham dự tất cả các giờ, để khi về nhà cô có thể kèm em tập thêm các bài cô Fuller đã chỉ dẫn.

Những âm tạo ra từ sâu trong vòm họng gây cho cô bé không ít đau đớn. Ví dụ như âm K (kây) và âm G trong từ “guide” chẳng hạn. Âm R và L cũng luôn làm cô bé buồn phiền không kém.

Ngay trong buổi học đầu tiên, Helen đã muốn tập nói các từ, nhưng cả cô Fuller, cả cô Ann Sullivan dù rất chủ tâm đoán, cũng không tài nào hiểu được.

– Phải kiên nhẫn! – cô Fuller bảo – Trước tiên phải học cách tạo âm thật rõ ràng, các từ sẽ đến sau. Bây giờ thử lại nhé

Helen chẳng muốn kiên nhẫn chút nào. Các từ em biết đang ở đây, trong cổ họng em, chúng đang vùng vẫy, đang đòi ra, như những chú chim nhỏ đập loạn xạ những đôi cánh sau cánh cửa lồng. Ngày lại ngày,từ khi thức dậy đến khi chìm vào giấc ngủ, Helen không ngừng tập nói. Em cố sức bắt đầu đi, bắt đầu lại, nữa, nữa và luôn luôn như thế.

Cô Ann chốc chốc lại bị co cứng các cơ mặt, cơ cổ bởi liên tục phải giữ nguyên ở nhiều trạng thái khác nhau cho Helen sờ, nắn, thậm chí bấu, véo để cảm nhận rồi bắt chước đúng cách phát âm B và P khác nhau như thế nào.

Cô Fuller rất ngạc nhiên về những tiến bộ của Helen.

– Tôi chưa bao giờ có được một học sinh như Helen – cô nói với cô Ann Sullivan – Em ấy ham học xiết bao, ham học lạ thường!

Helen luôn nghĩ rằng chẳng bao lâu nữa em sẽ có thể nói với em bé Mildred, có thể gọi chú chó nhỏ của mình, có thể dạy nó vài trò chơi nho nhỏ… Vậy là em cố gắng, cố gắng học tập hết mình.

Ngày thứ mười hai, ngày cuối cùng của đợt học đã đến. Trong đầu Helen sẵn có một dự định, em đã tập rất kỹ, hoàn toàn một mình, ngay cả cô Ann cũng không được biết điều bí mật.

Bắt đầu giờ học, như tất cả những buổi khác, cô Fuller cùng Helen phát âm một lượt bảng chữ cái. Helen lặp lại “giai điệu” quen thộc của mình. Rồi cô Fuller bảo em nói một vài từ mà em đã tập phát âm chuẩn.

– Đó, rất tốt, như vậy là rất tốt rồi – cô Fuller nói với Helen, em đang đặt tay lên miệng để nghe được những gì cô nói – Bây giờ em chỉ cần kiên trì luyện tập tiếp như vậy thôi, em sẽ nhanh có được kết quả tuyệt vời.

Helen buông tay, đứng nghiêm trang, hít một hơi dài, và thật chậm, thật cố gắng cho chuẩn xác, em nói rành rọt.

– Em – không – còn – câm – nữa!

Một âm điệu đều đều, gần như không có thanh sắc và chưa thật sõi, Helen không cảm thấy rằng một số chữ không được phát ra thành tiếng, và thay vì “em không” thì lại là “em khoong”. Dù không nghe được rạch ròi từng từ, nhưng cô Fuller và cô Ann Sullivan vẫn cảm nhận được tất cả ý nghĩa của những lời nói ấy, nhiều hơn cả những gì Helen muốn nói. Đó là tiếng kêu chiến thắng vang vọng nhất, ngân vang hơn bất kỳ âm thanh chiến thắng nào được phát ra từ cổ họng của một con người bình thường.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.