Bà Đại Sứ
14. Cậu bé Tommy Stringer
Một ngày mùa xuân đẹp trời, Helen và cô Ann đang ngồi trong một căn phòng nhỏ, buồng học mọi người dành riêng cho hai cô trò ở Viện Perkins. Một giờ tập đọc vừa trôi qua.
Helen không vào lớp học cùng các bạn khác, các bạn ấy không nhìn thấy, nhưng vẫn nghe được, vì vậy em học một mình cùng cô giáo của em.
Helen đã lớn thêm nhiều lắm. Không lâu nữa, em sẽ tròn mười hai tuổi. Em đã học nói được hơn một năm, vậy mà trình độ ngữ âm của em còn quá xa so với tiêu chuẩn cần có. Nhưng Helen cùng cô Ann hàng ngày vẫn kiên trì luyện tập không hề chán nản.
Helen không muốn nói bằng tay nữa. Dù cô bé biết rằng mình phát âm rất tồi, rằng rất nhiều người chẳng hiểu em nói gì, rằng cô Ann phải thường xuyên phiên dịch lại những gì em vừa nói. Có hề chi. Phải bền bỉ. Những tiến bộ của em, dù rất chậm, nhưng không thể coi là vô vọng.
Cô Ann viết lên tay Helen:
– Cô nghĩ hôm nay thế là đủ rồi.
Hai cô trò đứng dậy vươn vai. Các buổi học luôn làm cả hai rất mệt mỏi. Cô Ann phải đọc rành mạch và cố tạo rõ nét những cử động của môi, của lưỡi, của cổ họng cho Helen dễ nhận biết, phân biệt, rồi sau đó lặp lại thật đúng. Còn Helen, em thực sự đã cố gắng lắm, các cơ căng cứng và toàn thân ê ẩm như sau một chuyến đi dài, nhưng em chỉ đạt được những tiến bộ nhất thời.
Cô Ann cầm tay Helen:
– Cô có một chuyện muốn kể cho em. Chuyện một bé trai bất hạnh, Tommy Stringer.
Sáng nay một bức thư vừa được gửi tới Viện Perkins, về việc Tommy Stringer. Hiện nay, Tommy Stringer năm tuổi, nhưng từ hồi hơn một tuổi, sau một trận ốm nặng, cậu bé đã bị mù, câm điếc giống Helen. Mẹ cậu đã mất và người cha, vì không thể chăm sóc cho con trai mình đã giử cậu vào một trại tế bần gầm Pittsburg, bang Pennsylvannie.
Nghĩ về Tommy, trái tim Ann Sullivan đau nhói. Cái trại tế bần đó chắc chắn chẳng vui vẻ gì hơn cái trại ở bang Massachusetts, nơi chính cô đã phải trải qua bốn năm khủng khiếp thời niên thiếu. Chưa bao giờ cô nói với Helen về khoảng thời gian đó. Cô không muốn em buồn. Lần này cũng vậy. Cô chỉ giải thích đơn giản rằng Tommy đang cần được giúp đỡ, như Helen cũng đã cần thế.
– Phải đưa cậu ấy về đây và tìm cho cậu ấy một cô giáo – Helen rành rọt tuyên bố.
– Đúng – cô Ann trả lời – Nhưng chúng ta không có tiền chi trả cho chuyến đi và còn nhiều chi phí khác nữa. Cha cậu ấy chẳng có lấy một xu.
– Chúng ta sẽ làm được – Helen không hề do dự – em sẽ viết thư cho những người bạn của chúng ta và nhờ mọi người giúp đỡ Tommy.
Bây giờ, với Helen công việc viết thư dễ dàng và thú vị hơn nhiều, bởi em đã có một chiếc máy đánh chữ. Tất cả những cô văn thư thạo việc đều có thể đánh máy mà không cần nhìn bàn phím, vì vậy sự thiếu hụt cuả đôi mắt chẳng gây ảnh hưởng cho Helen nhiều khi em ngồi trước máy chữ. Nhưng em không đọc lại được. Cô Ann đảm nhiệm việc đó, đồng thời sửa lỗi cho em. Đổi lại, Helen đánh máy tất cả các thư cho cô Ann; điều đó cũng đỡ phần nặng nhọc cho cô, bởi bây giờ mắt cô đã kém đi nhiều.
Ngồi bên bàn học, Helen tự nhủ, em thật nhiều may mắn, quá nhiều may mắn hơn Tommy. Em luôn có cô Ann ở bên. Em sẽ làm gì nếu không có cô, Helen rùng mình. Em không muốn nhớ lại những năm tháng trong “tù” ngày xưa nữa; những năm tháng bị giày vò trong tuyệt vọng, khi em thậm chí không thể tự mình định dạng được nỗi sợ hãi, căng thẳng, cô độc của mình, bởi em đâu biết các từ để gọi tên chúng.
Cô Ann đã đến, đã biến đổi sự tồn tại của em trên trái đất này. Helen học, chơi, cười, như tất cả những đứa trẻ bình thường. Em không khác gì họ, có chăng chỉ khác một điều giản dị là em thông minh hơn so với phần lớn các bạn khác cùng tuổi. Đôi khi cô Ann vẫn nhắc lại cho em điều đó.
Kỳ nghỉ hè sắp tới rồi, Helen sẽ cùng cô Ann trở về Tuscumbia. Em sẽ vừa bước xuống tàu vừa nói “Xin chào!”. Em sẽ kể cho bố mẹ những gì em đã làm, những tiến bộ em đã đạt được trong năm học. Em sẽ chơi đùa với Mildred, với Sư Tử, bây giờ hai đứa đã rất quen tiếng em gọi rồi.
Ở trang trại có một con lừa nhỏ, tên là Neddy. Mùa hè trước, Helen đã thật vui khi tự mình thắng yên cương cho nó, rồi dẫn em Mildred đi dạo bằng xe kéo.
– Năm nay bọn mình sẽ làm lại như thế – Helen tự nhủ và bật cười.
Helen không những đưa được em gái đi chơi bằng xe lừa kéo mà em còn làm được hơn nữa kia: em cưỡi ngựa. Em được tặng một chú ngựa nhỏ, Ngựa Ô Dũng Cảm, em đã đặt tên chú như con chiến mã nổi tiếng trong truyện mà hầu như mọi trẻ em trên nước Mỹ đều biết. Chú ngựa của em rất hiền và được huấn luyện tốt. Nó thông thuộc hết những con đường mòn trong khu rừng nhỏ cạnh nhà. Cô Ann thường thắng yên cương cho nó, rồi giúp Helen trèo lên. Thế là Helen bắt đầu cuộc du ngoạn đường rừng trên lưng Ngựa Ô Dũng Cảm.
Helen yêu chú ngựa của mình lắm và em rất tự hào vì đã tự trèo được lên lưng chú. Đó là một trong những điều tưởng như em không bao giờ làm được, một trong những việc mà hầu hết mọi người quanh em cam đoan rằng “không thể”. Vậy mà em đã làm được, đã khiến cho bố mẹ và những người họ hàng rất ngạc nhiên, thán phục. Helen không biết rằng không chỉ họ mà hầu như tất cả những ai được biết chuyện về em trên thế giới này đều có chung cảm nghĩ đó.
Nhưng em vẫn yêu chú chó Sư Tử hơn Ngựa Ô Dũng Cảm. Sư Tử là một người bạn vui tính, nồng nhiệt và rất tình cảm. Mỗi khi được gặp lại Helen trong kỳ nghỉ, nó thường chồm lên em mừng rỡ và lần nào nó cũng làm em suýt ngã. Nó liếm láp, chạy lăng xăng hồi lâu mới chịu nằm yên dưới chân em.
“Không phải lúc nghĩ đến Sư Tử” – Helen tự trách mình và cảm thấy xấu hổ vì để những ý nghĩ nhởn nhơ tận Tuscumbia, trong khi các bức thư đợi đã quá lâu.
Em gài giấy vào máy và đang chuẩn bị gõ thì cô Ann vào, mang theo một bức thư của mẹ.
Helen đọc ngay. Nhưng khi em vừa lướt qua vài dòng chữ Braille, em bỗng òa khóc.
Hai má đầm đìa nước mắt, em đưa lá thư cho cô giáo. Cô Ann hiểu ngay vì sao Helen đau khổ thế. Bà Keller báo tin chú chó Sư Tử của em bị chết.
Sư Tử không còn là một chú chó bé xinh như ngày xưa nữa. Bây giờ nó rất to và tiếng sủa rất lớn. Tiếng nó và vẻ bề ngoài của nó làm những người yếu bóng vía phát hoảng. Nhưng thực tế nó là một con vật hiền lành nhất trên trái đất. Vậy mà… Khi nó chạy đuổi theo một chiếc xe khiến các con ngựa sợ hãi, một viên cảnh sát đã rút súng lục ra và… Bùm!
“Mẹ biết tin này làm con rất đau lòng…”, bà Keller viết. Helen cố kiềm chế và cố giữ không khóc nữa, nhưng rồi không chịu đựng nổi em ngã vào lòng cô Ann mặc cho nước mắt tuôn xối xả.
Khi Helen đã nguôi phần nào, cô Ann dịu dàng cầm tay em:
– Helen, đừng quên em còn phải viết thư nhờ mọi người giúp đỡ Tommy… Tommy chỉ có một mình, rất khổ.
Helen hoàn toàn hiểu ý cô Ann muốn nói: đừng nghĩ về mình, hãy nghĩ về những người khác. Em lau khô nước mắt bằng chiếc khăn tay cô Ann vừa đưa, khăn của em đã ướt sũng rồi. Em ngồi thẳng dậy, đàng hoàng trở lại máy chữ.
Những ngày sau đó, Helen viết rất nhiều thư. Một trong những bức thư ấy, em gửi cho người bạn đã tặng em con Sư Tử. Helen viết: “Chỉ cần chú cảnh sát đó biết Sư Tử là một con chó ngoan như thế nào thì chú ấy sẽ không bắn nó đâu!”
Bởi Helen rất nổi tiếng, nên chuyện buồn về Sư Tử chẳng mấy chốc được đăng rất nhiều trên báo. Và không lâu sau, Helen nhận được hàng tá thư. Người ta đề nghị tặng em một con chó khác, một con mèo khác, hoặc tiền để mua “một con chó đẹp nhất trên thế giới”.
Những bức thư ấy được gửi từ khắp các bang trên nước Mỹ và thậm chí có cả những bức thư gửi từ nước Anh. Họ rất hào hiệp và đầy thành ý, nhưng dĩ nhiên chẳng thể có cách nào làm cho Sư Tử tội nghiệp sống lại. Và ngay lúc ấy, Helen không muốn có bất cứ cái gì thay thế người bạn em rất yêu quý đó.
Có một điều khiến Helen và cô Ann bối rối là biết làm như thế nào với những khoản tiền được gửi đến?
– Tại sao chúng ta không dùng tiền đó để giúp Tommy? – Helen hỏi.
– Đó là một ý hay – Cô Ann thừa nhận – Nhưng những người gửi tiền muốn em mua một chú chó khác. Có thể họ sẽ không hài lòng khi em không sử dụng quà tặng ấy như họ muốn.
– Em sẽ viết thư cho họ và hỏi xem điều đó có làm họ buồn không. Kể ra nếu vậy thì cũng ngạc nhiên thật. Từ hôm nay, em sẽ đề nghị những người bạn tốt muốn tặng một con vật khác để an ủi em, thì đơn giản hãy gửi số tiền đó giúp Tommy.
Helen lúc đó mới chỉ là một cô bé 11 tuổi, vậy mà em đã ngồi hàng giờ trước máy chữ và thảo ra những bức thư “thương thuyết” rất chín chắn. Em mau chóng nhận được đủ số tiền để đưa Tommy về Boston, rồi nhập học vào Viện Perkins và có kinh phí theo học những chương trình giảng dạy đặc biệt dành cho trẻ em khuyết tật.
Tommy là cậu bé đáng yêu. Nhưng cậu không khi nào đạt được tiến bộ nhanh như Helen. Bởi cậu chỉ thông minh vừa phải và nhất là không được có lòng ham học đến kỳ lạ, một điều đã tạo nên cá tính rất đặc trưng của cô bé Helen. Tommy đã học được cách dùng thành thạo bảng chữ cái bằng tay. Sau khi trưởng thành cậu kiếm sống bằng công việc gấp hộp giấy đơn giản.
Niềm đam mê học tập của Helen đang dần đặt cô Ann trước một vấn đề phải suy nghĩ. Bản thân cô chỉ đến trường học 6 năm. Bây giờ trong nhiều lĩnh vực Helen đã bắt đầu đuổi kịp cô. Và còn hơn thế… Cô bé tìm thấy trong thư viện trường Perkins một vài cuốn sách tiếng Pháp in bằng chữ Braille và em quyết định tự học tiếng Pháp. Cô bé còn muốn được học tiếng Latin và tiếng Hy-lạp; bởi nhờ sự trợ giúp của cô Ann, Helen đã đọc rất nhiều truyện thần thoại Hy-lạp được chuyển thể cho trẻ em.
Dịp hè năm ấy, khi trở về Tuscumbia, cô Ann Sullivan nói với bà Keller:
– Helen sắp cần có một người hiểu biết nhiều hơn tôi giúp đỡ em học.
– Cô không nghĩ đến việc bở rơi con bé đấy chứ? – bà Keller hốt hoảng.
– Tất nhiên là không! – cô Ann cười đáp – Nhưng tôi nghĩ là sẽ tốt hơn cho Helen nếu đưa cô bé đến trường học chung với các em nhỏ khác.
– Sao mà Helen làm được? – bà Keller hỏi – Nó chẳng nhìn thấy chữ viết trên bảng, cũng chẳng nghe thấy lời thầy giáo nói.
– Vậy phải có tôi đi cùng em, hẳn thế rồi – cô Ann trả lời giản dị – Dù ít dù nhiều, tôi cần phải đánh vần cho em những bài giảng ấy. Tôi tin là Helen có khả năng tiếp thu các bài học ngay trên lớp, thậm chí sẽ tham gia vào các giờ học như tất cả các học sinh khác. Từ khi tập nói bằng miệng, em không mấy lúc chịu nói bằng tay nữa, vì vậy em đã có rất nhiều tiến bộ. Dĩ nhiên để hiểu được Helen nói rất khó, nhưng giáo viên và các bạn học sẽ quen dần với ngữ âm của em. Và rồi… sẽ thật tuyệt vời cho cô bé!
– Chúng ta đâu buộc phải có quyết định ngay bây giờ – bà Keller thận trọng, bà không muốn làm tổn thương cô Ann, không muốn nói câu trả lời thật của mình. Dù rất quý trọng cô gia sư trẻ tuổi, bà cũng không thể không nghĩ rằng ý tưởng ấy thật điên rồ.
– Chúng ta còn thời gian – cô Ann thừa nhận – Kỳ nghỉ hè chỉ mới bắt đầu. Dù sao thì ngay bây giờ tôi sẽ để tâm tìm một trường học phù hợp.
Ann đứng dậy, rời khỏi hiên, nơi cô đang ngồi trò chuyện với bà Keller. Cô trở về phòng mình.
Cô không muốn phải đả động đến vấn đề đang ngày càng dày vò mình: đôi mắt.
Nếu Helen đến trường hoc, em sẽ có một khối lượng sách đồ sộ cần phải đọc, mà rất ít trong số đó được chuyển qua chữ Braille. Chính Ann sẽ đảm trách công việc nặng nề đó. Cô cần hoặc sao lại các cuốn sách đó ra chữ Braille, hoặc đánh vần từng chút, từng chút vào tay Helen. Bằng cách nào thì việc trước tiên cô cần phải làm vẫn là: đọc. Vậy mà thị lực của Ann vốn đã kém, thời gian gần đây lại càng yếu đi. Helen cũng chỉ biết rằng cô giáo thường bị mỏi mắt, chứ em không hề hay biết tình trạng trầm trọng của đôi mắt ấy.
“Mình sẽ cố giữ được thời gian cần có” – Ann tự nhủ; cô chẳng hề nghĩ cho mình, cô chỉ nghĩ về tương lai của cô bé Helen.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.