Bà Đại Sứ

19. Bên kia đỉnh dốc



Helen ngày càng hay lo nghĩ tới cô Ann.

“Cô sẽ ra sao nếu bất ngờ có điều gì xảy ra với mình?” – Helen cứ luôn băn khoăn với câu hỏi đó. Polly thật tuyệt vời nhưng một mình cô ấy sao có thể làm việc để nuôi sống hai người được, nhất là cô Ann lại đau yếu. Vả lại lúc Polly ra ngoài làm việc thì ai sẽ ở bên cạnh cô Ann?

Họ đã cố gắng nhiều lần phẫu thuật để mong cứu vãn được đôi mắt tội nghiệp cho cô Ann. Nhưng kết quả là mỗi lần lại thêm thất vọng hơn. Bởi thị lực của Ann có nâng lên chút đỉnh sau một thời gian ngắn lại tiếp tục yếu đi. Helen hoàn toàn hiểu rằng không còn chút hy vọng nào và chẳng bao lâu nữa cô Ann sẽ mù hẳn.

Cũng vì nghĩ tới cô Ann, nghĩ tới khoản tiền cần có cho các cuộc phẫu thuật, Helen đã chấp nhận món trợ cấp của Andrew Carnegie sau nhiều lần ông chân thành đề nghị. Nhưng nếu mình chết trước cô Ann thì sao? Lúc đó sẽ không còn món trợ cấp nữa, cô Ann sẽ ra sao khi mắt đã mù lòa mà lại không có một xu để chi tiêu. Từ hồi nhỏ Helen được biết cô Ann tới giờ, chỉ thấy cô luôn luôn cống hiến và hy sinh chứ chẳng hề dành dụm chút gì cho riêng mình.

Cần phải tìm một cách gì đó để kiếm được thật nhiều tiền. Mình sẽ gửi ngân hàng và cô Ann sẽ có một sự đảm bảo cần thiết, ngay cả khi mình không ở bên cô.

Nhưng bằng cách nào? Tới một hôm, nó đã tự đến với Helen, khi cô tưởng như không còn hy vọng nữa. Cô biết rõ khi mình chấp nhận đề xuất này cũng là phải chấp nhận không ít lời phản đối và cả chỉ trích. Nhưng “sự cần thiết làm nên lý lẽ”: cô phải hành động.

Bấy giờ, các chương trình ca nhạc tạp kỹ sân khấu nhỏ đang là một trào lưu được ưa chuộng ở Mỹ, điện ảnh lúc ấy vẫn chưa lên ngôi. Một chương trình ca nhạc tạp kỹ, cũng như ngày nay, gồm rất nhiều tiết mục khác nhau: nhào lộn, đu bay, ảo thuật, những chú chó thông thái, hề,… Mỗi một thành phố trên nước Mỹ đều có ít nhất một hai sân khấu như thế và chương trình thay đổi theo từng tuần.

Trong tất cả các buổi biểu diễn, luôn có một tiết mục người ta gọi là “cây đinh của chương trình”. Đó là một bài nói đã chuẩn bị từ trước do một diễn viên nổi tiếng, một ca sỹ hay một nhạc công, đôi khi lại là một nhà bình luận phát biểu. Tất cả những người này được trả cát xê rất cao.

Một ông bầu, là chủ sở hữu rất nhiều sàn diễn đả đề nghị Helen là một “cây đinh” như thế. Nếu đồng ý cô sẽ nhân được một số tiền lớn mà cô chưa từng có. Song Helen biết những người bạn rất thiện ý của cô sẽ nói gì: rằng cô sẽ tự biến mình thành một kẻ kỳ cục. một quái vật khi xuất hiện trong những sân khấu ấy, rằng đó là một điều đáng xấu hổ v.v… Helen không phiền lòng nhiều, chỉ một việc quan trọng với cô bây giờ là làm sao tích cóp được số tiền đủ đảm bảo cho cô Ann một cuộc sống an ổn cho du có chuyện gì xảy ra.

Vấn đề là bắt buộc phải có một người lên sân khấu cùng Helen, như trong các cuộc họp báo trước đây, để giúp khán giả hiểu được những gì Helen nói. Helen vẫn liên tục luyện âm, nhưng kết quả thu được vẫn rất hạn chế, và cả Helen và Ann đành thừa nhận chẳng nên hy vọng vào một tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực này. Những người không biết Helen từ lâu, không quen với cách phát âm của cô thì hầu như không thể hiểu Helen nói gì.

– Sao không để Polly lên với em? – Helen hỏi Ann – Em sợ ánh đèn sân khấu chiếu thẳng vào mình sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của cô.

Ann kiên quyết từ chối. Cô đánh vần trong tay Helen:

– Cô biết em làm việc này là vì cô. Đừng nghĩ rằng cô sẽ để em lên đó một mình không có cô! Việc của cô là giúp đỡ em và cô sẽ luôn làm như thế.

Polly cũng đi cùng đến sàn diễn, nhưng Ann là người lên với Helen, hết tối này qua tối khác, mặc dù đúng như Helen đã nói ánh đèn sân khấu nóng rực và lóa mắt khiến cô Ann rất khổ sở. Đến nỗi, đôi khi quá mệt không gắng gượng được, cô đành phải để Polly thay thế.

Khi ông bầu ca nhạc có chủ định mời Helen tham gia, các cộng sự của ông ta đã xem như một ý tưởng điên rồ, một trong số họ lạnh lùng tuyên bố:

– Nghe đây, khán giả đến chỗ chúng ta là những người muốn được cười, được giải trí. Phòng diễn chẳng mấy lúc sẽ không còn ai đoái hoài tới nếu sự bất ngờ ông muốn dành cho họ là một cô nàng mù lòa khốn khổ với một mệnh phụ đi kèm.

Ông giám đốc vẫn không nhượng bộ. Ông giữ nguyên quyết đinh, bởi ông đoán chắc ý tưởng của mình sẽ rất tuyệt vời. Đáp lại đủ mọi lý lẽ phản đối, bao biện của các cộng sự, ông nói:

– Các vị quên rằng Helen Keller đã từng là một cô bé, rồi là một phụ nữ nổi tiếng không chỉ trên cả nước. Tôi tin chắc rằng rất nhiều người muốn tới đây để được thấy, được nghe cô ấy nói. Và họ tới không phải để thương hại, càng không phải để cười cợt, mà họ tới vì họ ngưỡng mộ Helen. Họ làm vậy là đúng vì những gì cô ấy đã làm thực sự đáng được ngưỡng mộ.

Ban đầu, họ giới thiệu Helen ở một phòng diễn nhỏ tại Mount Vernon, ngoại vi New York.

Helen, Ann và Polly thật vất vả để giữ được vẻ tự nhiên thoải mái. Không chỉ vì họ e ngại khi đứng trước đám đông, mà chính vì cả cuộc phiêu lưu mà họ sắp dấn thân vào không hề làm họ hào hứng như những khó khăn trước đây họ đã từng đối mặt. Ông giám đốc cứ hoài công động viên, song giờ mở màn càng đến gần họ càng bối rối.

Cuối cùng, đèn trên sân khấu đã bừng sáng, những tấm màn nhung từ từ kéo lên và một sàn diễn nhỏ được bài trí như một phòng khách ấm cúng xinh xắn hiện ra. Ở một góc phòng là cây đại dương cầm và một bình hoa đặt bên trên. Ann đang đứng giữa sân khấu, bận bộ váy dạ hộ

trang nhã. Cô phải giữ để không nhíu mày hay chớp mắt liên tục, ánh đèn cứ xói thẳng vào mắt cô. Cô Ann phải nói một chút, giải thích Helen đã học đọc, học nói, học viết như thế nào.

Khi cô Ann sắp kết thúc bài bói của mình thì Polly và Helen đã hồi hộp chờ bên cánh gà. Helen đã nắm vững vai trò của mình, cô đã tập đi tập lại nhiều lần, song vẫn vô cùng lo lắng. Lúc cô Ann nói xong, người chỉ huy sẽ cho chơi một giai điệu ngắn và Polly sẽ đẩy nhẹ khuỷu tay Helen, khi đó cô gái trẻ sẽ phải một mình bước ra sân khấu rực rỡ ánh đèn.

Cô giơ tay ra phía trước, và như đã được tập, ngay lập tức cô sờ phải cây dương cầm, cô men theo đó và khi ngón tay chạm tới chân bình hoa tức là cô đã ở đúng vị trí. Helen dừng lại, quay về phía khán giả. Rồi rất từ tốn, cố nói một cách lưu loát rõ ràng nhất có thể, cô nói lời kêu gọi mọi người hãy dành lòng thương yêu, sự động viên giúp đỡ cho tất cả những người mù. Liền đó, cô Ann nhắc lại những lời Helen, bằng giọng nói thanh tao, mạch lạc. Và, hạ màn.

Tiếng vỗ tay lập tức vang dội, nồng nhiệt và xúc động. Helen không nghe thấy được, nhưng đã có cô Ann kề bên, cô cầm lấy tay Helen nói: “Em an tâm đi, mọi việc diễn ra rất tốt đẹp.” Công chúng ở Mount Vernon thật sự rất yêu mến Helen.

– Tối nay thì có vẻ ổn đấy, nhưng phải ở những sàn diễn lớn, trong các khách sạn sang trọng dành cho giới thượng lưu, mới là nơi chúng ta cần quan tâm nhất – một trong những cổ đông đã phản đối việc mời Helen nói.

– Đây chỉ là sân khấu tỉnh lẻ. vì thế xuất diễn này đã thành công tốt đẹp. Tôi đồng ý là vậy – ông ta tiếp – Nhưng với những người có tiền, họ không tới để xem Helen Keller mà điều họ chờ đợi phải là một chương trình hấp dẫn, sôi động; và nếu họ không hài lòng thì sẽ càng tệ hơn cho chúng ta.

Sân khấu Palace chật kín người vào cái hôm đầu tiên Helen xuất hiện.

Màn mở, cô Ann bắt đầu bài nói ngắn của mình. Toàn bộ hội trường im phăng phắc, tất cả như bị dồn nén trong bao nhiêu cảm xúc không thể cất thành lời. Một vài người nôn nóng ngọ nguậy trên ghế.

Khi Helen bước ra sàn diễn thì không gian vỡ òa bởi những tràn vỗ tay vang dội. Cô gái duyên dáng với nụ cười sáng bừng gương mặt, từng bước chân nhẹ lướt theo tiếng nhạc, Helen có thể cảm nhận được giai điệu dễ thương ấy qua những rung động dưới đế giày.

Bằng nụ cười hạnh phúc, Helen cảm ơn sự chào đón nồng nhiệt của tất cả, cô còn nói thêm:

– Tôi nghe thấy rất rõ tiếng vỗ tay của các bạn nhừ những thanh gỗ ghép trên sàn diễn.

Khán giả càng phấn chấn hơn, càng ngưỡng mộ Helen hơn, họ đứng cả dậy để hoan nghênh cô. Cuối buổi, ông bầu và mấy người đồng sự – giờ đã hoàn toàn bị thuyết phục, đến gặp Helen:

– Cô Keller, cô chìm ngập trong tiếng vỗ tay của khán giả!

Vậy là hai năm liền sau đó, Helen, Ann và Polly đi khắp đất nước. Gần như không có thành phố nào trên nước Mỹ mà họ chưa đặt chân tới. Thậm chí nhiều thành phố họ còn trở lại một vài lần. Những người dân nơi đây yêu quý và tự hào về Helen; Helen cũng yêu mến họ. Công việc mà ban đầu Helen ngỡ rằng nặng nề kinh khủng buộc phải làm, giờ đây đã hầu như một niềm thích thú. Bởi cô có một ấn tượng rõ rệt rằng tất cả những người bỏ thời gian tới gặp cô đều là những người bạn.

Thường thì sau khi Helen kết thúc bài nói ngắn, khán giả được mời đặt câu hỏi. Đôi khi có những thắc mắc ngô nghê, buồn cười, nhưng không khi nào là những câu hỏi ác ý. Một câu hỏi ngồ ngộ hay được đưa ra là:

– Cô Keller, khi ngủ cô có nhắm mắt không?

Bằng một sự kiên nhẫn đáng mến, Helen luôn tỏ vẻ như đây là lần đầu tiên được nghe câu hỏi ấy. Cô chờ giây lát, hơi nhíu mày ý chừng đang suy nghĩ, rồi mỉm cười đáp:

– Tôi không biết nữa! Tôi chưa bao giờ thức đủ lâu để biết được điều đó.

Những chuyến du lịch này khiến Helen rất thích, dù cô biết vẫn còn một vài người bạn nghiêm khắc phản đối việc cô đang làm. Số ít đó không hiểu vì sao cô lại chọn cuộc sống tệ hại ấy, họ luôn tự hỏi, trời đất, tại sao Helen lại có thể “trưng diễn trong một sân khấu ca nhạc tạp kỹ”. Họ phàn nàn cho cô bằng tấm lòng chân thành. Nhưng họ không biết được, và Helen không buồn nhiều vì chuyện đó. Cô không nghe thấy những lời ấy… cố giữ để không nghe thấy những lời ấy.

Ngược lại, cô tìm niềm vui trong những mối quen biết mới, một môi trường cũng nhiều hấp dẫn và sôi động. Những diễn viên nhào lộn, những nghệ sĩ múa, những chú chó đáng yêu, những chú khỉ tinh nghịch, những chú hải cẩu,… tất cả nhắc Helen nhớ về lần đi thăm rạp xiếc cùng cô Ann, kỉ niệm ấy đã lâu lắm rồi.

Song dù sao Helen cũng không thể hài lòng trọn vẹn. Cô biết những chuyến đi dài ngày thế này rất ảnh hưởng tới sức khỏe cô Ann. Và sau hai năm, Helen cảm thấy nhẹ nhõm thở phào vì đã có thể dừng công việc này.

Họ đã kiếm được rất nhiều tiền và Polly tháo vát đã lo thu xếp tiền nong đúng như ý Helen muốn. Vậy là Helen có thể an tâm rồi. Nên khi có người đề nghị Helen một vị trí an nhàn và “sang trọng” hơn, cô đã vui vẻ chấp nhận.

Đó là việc làm cho Văn phòng của Quỹ hỗ trợ người khiếm thị nước Mỹ. Helen đảm trách vai trò này trong nhiều năm liền.

Quỹ hoạt động rất tích cực. Quỹ dùng cho việc duy trì giảng dạy trong các trường của người mù và hỗ trợ đào tạo các giáo viên chuyên môn. Quỹ cấp học bổng cho những học viên mù có tài năng để họ có điều kiện tiếp tục học cao hơn.

Quỹ cộng tác với Quốc hội, cơ quan lập pháp của Mỹ, trong một chương trình soạn thảo và đi tới thông qua một văn bản luật có khả năng giúp đỡ, bảo vệ và hỗ trợ cho người mù. Bằng những chiến dịch báo chí, Tổ chức này đã cố làm cho những người sáng mắt hiểu rằng họ may mắn ngần nào rằng người mù đang cần gì để giúp đỡ. Các chiến dịch ấy giải thích, thuyết phục giới chủ công ty cho rằng rất nhiều công việc có thể tin tưởng giao cho người mù, dù khuyết tật nhưng họ hoàn toàn đủ khả năng thực hiện trọ vẹn những công việc đó.

Cùng Thư viện Quốc gia, Quỹ đã tổ chức xuất bản nhiều cuốn “sách nói cho người mù” – chính là những đĩa nhựa. Người ta ghi vào đó toàn văn một cuốn sách bằng giọng đọc to, rõ ràng và những người khiếm thị có thể nghe bằng máy cá nhân ở nhà.

– Giá mà em được nghe một trong những đĩa ấy – Helen nói với cô Ann khi biết về sự tồn tại của “sách nói” – theo em đó là một ý tưởng rất tuyệt. Nó sẽ củng cố lòng can đảm cho những ai đã mệt mỏi và buồn chán với chữ Braille.

Ít ngày sau, Helen nhận được một thùng hàng lớn. Chính những cái đĩa Helen muốn thấy, song Helen hơi ngạc nhiên bởi người ta gửi cho cô nhiều thế và cô thực sự bất ngờ khi sờ thên sách trên vỏ đĩa: đây là bản ghi cuốn sách của cô. Ann và Polly biết trước chuyện này, song họ muốn giữ bí mật để dành cho cô một niềm vui nho nhỏ.

Để duy trì tất cả các hoạt động đó, Tổ chức cần phải có tiền và Helen được giao nhiệm vụ đi xin tài trợ cho Quỹ. Vậy là Helen lại lên đường, tiếp tục các chuyến đi từ thành phố này sang thành phố khác trên khắp nước Mỹ, giải thích mục đích của Tổ chức và đề nghị sự giúp đỡ. Helen luôn đạt được thành công… cùng những khoản tiền đáng mừng.

Polly là người đi kèm Helen trong các chuyến đi đó. Ann bây giờ hầu như luôn phải nằm trên giường, với tình trạng sức khỏe đáng lo ngại. Polly, Helen đã năn nỉ bác sĩ nhãn khoa cố làm them một lần phẫu thuật nữa, biết đâu cô Ann sẽ có được cái nhìn rõ hơn. Ông bác sỹ chấp thuận để làm vừa lòng ba người, nhưng báo trước kết quả rất có thể lại là một nỗi thất vọng. Ông ta đã đúng. Cô Ann bây giờ gần như không nhìn thấy gì nữa. Một buổi tối tháng Mười năm 1936, cô Ann cảm thấy khỏe hơn, đến mức cô có thể rời khỏi giường ra ngồi trên ghế bành. Helen ở bên cạnh, cầm tay cô Ann.

Herbert Haas mới ghé thăm. Anh là một người bạn, tới từ New York, nơi anh vừa tham dự cuộc đánh dấu gia súc ở Madison Square Garden. Cô Ann cười thật trẻ trung khi nghe Haas bắt chước giọng điệu của những anh chàng cao bồi và cô đánh vần vào tay Helen mọi chi tiết hài hước nho nhỏ. Helen cũng cười,cô càng vui nhiều bởi thấy cô giáo Ann thoải mái và hạnh phúc thế.

Thật là một buổi tối vui vẻ, đáng yêu. Đêm hôm đó, Ann Sullivan ngủ một cách an lành, và nhẹ nhàng đi sang một thế giới khác, thế giới đó không có đau đớn, không có bệnh tật và ở nơi đó không có ai, không bao giờ bị trở thành mù lòa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.