Bà Đại Sứ
21. Một ngày mùa hè
Sau khi đi dạo buổi sáng về, Helen Keller dừng chân một lát bên cây sồi, cạnh ngôi nhà xinh xắn tắm dưới ánh nắng chan hòa. Nơi đây, từ nay về sau, Helen Keller và Polly Thomson sẽ cùng sinh sống.
Ngôi nhà được xây lại trên khu đất của ngôi nhà cũ bị cháy hồi hết chiến tranh. Helen và Polly cùng rất yêu thích vùng đất Westport và quang cảnh nông thôn bang Connecticut. Vì vậy cả hai cùng thống nhất sẽ vẫn ở lại nơi này.
Ngoài ra còn có một lý do khác, một ý nghĩa tình cảm, đó là “cây sồi của cô Ann” – cây sồi đã bị thiêu cháy một phía, vậy mà nó không chết. Khi xuân đến, nó đã hồi sinh mãnh liệt và bây giờ đã là một cái cây thật đẹp.
“Tuyệt vời biết bao buổi sáng mà hè!” – Helen nghĩ và vuốt ve lớp vỏ cây thô nhám. “Thật vui khi lại được ở nhà.”
Vừa mói hôm trước, Helen và Polly trở về sau một chuyến đi dài ngày đến Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch. Chính phủ Hoa Kỳ đã mời Helen Keller thực hiện chuyến thăm này trên danh nghĩa Đại sứ thiện chí của Hoa Kỳ.
Đây vẫn không phải là chuyến đi dài ngày nhất. Hơn ba năm trước – Helen khi đó đã 74 tuổi – bà đã cùng Polly thực hiện một đợt công cán 80.000km vòng quanh thế giới.
Từ khi Ann Sullivan rời xa họ, Polly và Helen gần như luôn trên mọi nẻo đường. Họ tới thăm hầu hết các nước. Họ tới thăm Nhật Bản ba lần và ở đó có một trường học dành cho trẻ em khiếm thị mà các học trò đều gọi Helen là “mẹ”.
Mục đích của những chuyến đi ấy không hề thay đổi: làm tất cả những gì con người có thể để hàng triệu người mù và hàng triệu người điếc trên thế giới có cơ may được sống như những người bình thường.
Đó là điều cô Ann đã mong muốn hơn tất cả mọi điều trên thế giới này. Cô đã cống hiến cả đời mình để dành may mắn đó cho Helen. Bây giờ đến lượt Helen. Như cô Ann từng làm, lúc này đây Helen muốn dành tất cả những gì tốt đẹp nhất mà mình có thể cho những người anh em bất hạnh.
Thời gian sau chiến tranh thế giới thứ hai, Helen xem rằng nhiệm vụ quan trọng nhất, nặng nề nhất cần làm là đem lại niềm hi vọng cho hàng ngàn người lính trẻ đã bị mù. Những người lính trẻ ấy được chăm sóc trong các quân y viện, và Helen đã dành nhiều tháng liền để tới tất cả các phòng bênh, hầu như không phân biệt phe phái.
Những điều Helen nói với họ không phải lúc nào họ cũng hiểu hết, giọng nói Helen vốn không rành mạch, khi xúc động lại như hụt hơi, song điều đó có hề chi. Sự có mặt của Helen, sự động viên của một nhân chứng sống như Helen, dù gợi nên những cảm xúc khác nhau nơi mỗi người nhưng thực sự ;à một điều tuyệt vời cho tất cả. Giọng nói đều đều ấy mang một quyền năng kỳ lạ đem lại niềm tin cho cuộc sống.
Khi Helen đã rời khỏi phòng, người ta cẫn tiếp tục nghĩ về bà. Những thương binh trẻ kể cho nhau nghe những câu chuyện của người phụ nữ can đảm ấy, cuộc chiến mà bà đã từng tham gia, khó khăn mà bà đã từng đối mặt và những kết quả tuyệt vời mà bè đã đạt được.
Thời gian này, Helen liên tục phải đi. Bà tới nhiều miền đất nước kêu gọi sự quan tâm, giúp đỡ về vật chất và tinh thần để có thể lập nhiều trường chuyên ngành cho người mù và người điếc.
Đó là một trách nhiệm rất to lớn, và dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, Helen vẫn chưa thất đủ. Chỉ có điều, Helen cũng biết rằng Polly và cả bản thân mình giờ đây đã quá già để đảm đương được những chuyến đi liên miên như thế.
– Hôm qua lúc về Polly có vẻ mệt lắm – Helen lẩm bẩm một mình. Kể ra mình cũng hơi mệt một chút.
Trở vào nhà, Helen ngửi thấy mùi thơm của cà phê và bánh mỳ nướng. Polly đang chuẩn bị bữa sáng. Helen nhẹ bước xuống bếp. Việc của bà là vắt nước cam.
Polly đã cắt sẵn cam làm đôi, bên cạnh là cái vắt cam và hai chiếc cốc. Trong lúc Helen làm nước quả, Polly sắp xếp dao dĩa cho bữa sáng vào chiếc khay nhỏ. Rồi hai bà bạn già – vâng, bây giờ họ đã trở thành hai bà cụ đẹp lão – cùng lên tầng hai, mỗi người cầm khay của mình. Sống trong ngôi nhà quen thuộc, Helen định hướng chẳng khó khăn.
Cả hai vào phòng ngủ của Polly. Polly ngồi trên giường, vừa nhấm nháp cà phê vừa đọc báo.
Xong, bà thuật lại tin tức cho Helen.
Chị giúp việc tới dọn dẹp nhà cửa đã mang thư, báo lên. Đã 70 năm nay, Helen là một người nổi tiếng thế giới,… từ ngày chỉ là một cô bé nhỏ xíu. Những người nổi tiếng luôn nhận được nhiều thư.
Polly bóc và sắp xếp lại thư từ. bà đọc luôn tất cả các thư quan trọng nhất cho Helen, và đặt sang bên những bức thư mà Helen sẽ phải trực tiếp trả lời.
Sau đó, tới giờ làm việc. Buổi sáng của hai người là làm việc cùng máy đánh chữ. Phòng đọc của Polly tầng một, trông ra tiền sảnh. Còn Helen có một phòng giấy nhỏ ở tầng hai.
Bên cạnh chiếc máy chữ thông thường, trên mặt bàn có thêm chiếc máy chữ Braille, nó hoạt động cũng tương tự như nhau. Helen dùng máy chữ Braille khi cần viết thư cho bạn bè cũng bị khiếm thị hoặc khi ghi chép riêng để sau có thể đọc lại được. Những lần chuẩn bị các bài phát biểu Helen luôn phải dùng tới nó.
Trước bữa ăn, Polly bước vào. Helen đưa bạn xem những bức thư vừa viết. Polly đọc lại rất cẩn thận, chăm chú. Nếu có lỗi, dù là rất nhỏ, Polly sẽ đưa Helen đánh lại. Cô Ann Sullivan luôn đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối. Helen cũng mong muốn Polly tiếp tục như vậy. Polly chẳng phụ lòng tin tưởng của Helen, cũng rất nghiêm khắc, không nhân nhượng một sai sót nào.
Hôm nay không có lỗi, Polly lần lượt đặt từng bức thư lên một mảnh bìa dày và chỉ chỗ để Helen tự tay ghi tên.
Chiều, một vài người bạn tới uống trà. Sau khi họ ra về, Polly chuẩn bị bữa tối. Ăn xong bữa, cả hai cùng rửa bát. Polly rửa xà phòng còn Helen tráng lại bằng nước sạch rồi xếp lên giá. Có một lúc, Helen cười và đưa cho Polly một chiếc đĩa rửa chưa kỹ. Còn chút thức ăn dính lại trên đĩa. Polly không nhận ra, nhưng không có gì lọt được qua những ngón tay nhạy bén của Helen.
– Bà bạn tinh quái – Polly bật cười nói.
Helen không nghe thấy, nhưng vì Polly vừa nói vừa viết lên tay Helen nên bà cũng bật cười theo cùng bạn.
Buổi tối yên ả trôi qua trong phòng khách. Polly nghe một bản nhạc, Helen đan một chiếc áo đã bỏ dở từ lâu. Họ cầm tay nhau trò chuyện hoặc thả mình trong những dòng suy tư. Cả hai cùng muốn đi ngủ sớm vì đã mệt. Polly đưa Helen vào giường trước, giắt chăn đệm cẩn thận và chúc Helen ngủ ngon.
– Hôm nay ngủ ngay đi nhé! – Polly nói và nghiêng mình về phía Helen để bạn có thể đọc bằng ngón tay đặt trên môi mình. Không đọc gì tối nay đâu!
Trong tập thư báo sáng nay có một tờ tạp chí mới in bằng chữ Braille, Polly đã để ý thấy Helen mang lên phòng.
– Không, bạn yêu quý, tối nay tôi sẽ không đọc! – Helen trả lời, ngoan ngoãn như một đứa trẻ biết vâng lời.
Polly tắt đèn, khép cửa đi ra, Helen chờ một lát… Biết đâu Polly bất ngờ quay lại.
Helen không với tay về phía tờ tạp chí mà lùa xuống dưới giường lấy cuốn Kinh thánh in bằng chữ Braille, nó quá cồng kềnh nên không thể xếp trên tủ đầu giường được. Helen vừa lần giở những trang sách vừa nhớ lại phần khi trước đang đọc. Đây rồi!
Mỉm cười trong bóng tối, Helen lướt những ngón tay trên những dòng chữ nổi, lòng dạt dào xúc cảm…
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.