Bà Đại Sứ
4. Những trò chơi mới
Trận chiến đấu trong bữa sáng ấy là trận đầu tiên và cũng là trận ác liệt nhất trong những trận chiến đấu giữa Helen và Người Lạ. Nhưng đó không phải là những khó khăn duy nhất mà Ann Sullivan phải đối mặt.
Sống cùng gia đình Keller một tuần, Ann Sullivan nhận ra rằng, nếu cô không tách Helen ra khỏi bố mẹ, cô tuyệt đối sẽ không làm được điều gì. Khi cô phạt con bé, cho nó quen với nề nếp và sự vâng lời, những điều cần thiết để Helen có thể học được cái gì đó cao hơn, thì ngay lập tức bố mẹ con bé can thiệp. Nhất là người cha, ông ta không thể chịu đựng được khi thấy con mình khóc. Ông ta, cho đến bây giờ vẫn là người duy nhất có một chút quyền lực nào đó với con bé, không thể quen được với việc thấy người khác thay thế vào vị trí của mình. Với ông ta, Ann Sullivan cũng chỉ là Người Lạ. Ông cảnh giác với cô, và tự nhiên, ông ta đã cùng đứa con gái bé nhỏ hợp thành một phe chống lại cô gia sư.
Nhưng cũng thật đau lòng, bởi chính trong lúc ấy, ông lại mong mỏi với cả trái tim mình rằng Ann Sullivan có thể đưa Helen ra khỏi bóng tối cô độc.
Helen cảm thấy ngay bố mẹ đồng tình với nó chống lại Người Lạ. Mỗi lần cô ta bắt nó làm theo một điều gì đó, thì nó chạy về phía bố mẹ và y như rằng có hiệu quả, họ nhượng bộ ngay.
– Chúng ta không thể làm thế – một hôm, bà Keller chân thành tâm sự cùng cô giáo – Chúng tôi rất thương nó, con bé tội nghiệp.
– Helen không cần lòng thương hại của các vị – Ann Sullivan phản đối thẳng thừng – Lòng thương hại của các vị đã và sẽ không bao giờ giúp gì cho nó hết. Thậm chí còn làm hại nó. Cái mà Helen cần ở các vị đó là sự giúp đỡ.
– Nhưng chúng tôi làm được gì? – Bà Keller thở dài.
– Tôi biết rõ điều cần phải làm! – Ann Sullivan đáp – Trước tiên bà cần nói chuyện với đại uý Keller. Nếu tôi ở một mình với Helen, chắc chắn tôi có thể khiến em vâng lời. Ở đây, con bé có thể chạy lại bên các vị mỗi khi tôi đòi hỏi làm điều gì. Đối với Helen, tôi là Kẻ thù, vì nó thấy rõ các vị không bao giờ đồng tình với tôi. Nếu bà muốn tôi giúp Helen, muốn tôi có thể dạy cho em điều gì đó, việc cốt yếu là cần phải để con bé tin tưởng tôi và để tôi không phải là Kẻ – luôn – luôn – trừng – phạt.
Bà Keller đồng ý.
– Chúng tôi có một ngôi nhà cách đây khoảng 500m. Lúc đi dạo, chắc cô cũng đã đi qua đó. Nó không lớn, nhưng chúng ta có thể dễ dàng sắp xếp mọi thứ. Cô có thể sống ở đó một thời gian với Helen.
– Đó đúng là cái chúng ta cần! – Ann Sullivan vui mừng.
Bây giờ chỉ còn phải thuyết phục ông Keller. Ban đầu, ý tưởng đó không làm ông hài lòng chút nào.
– Helen sẽ rất buồn khổ. Con bé tội nghiệp. Nếu mang nó đi xa chúng ta, nó sẽ ốm mất.
Nhưng để người vợ vui lòng, ông đã chấp nhận để Ann Sullivan thử.
Ngày hôm sau, Helen được đi chơi bằng xe ngựa. Đấy là một trong những thú vui giải trí mà nó thích nhất. Nó vui sướng ra mặt. Nhưng nó không được trở về nhà, mà lại thấy mình ở một nơi xa lạ, một mình, với Người Lạ.
Ban đầu, điều đó không làm nó ngạc nhiên quá đỗi. “Họ sẽ đến tìm mình” – nó nghĩ – “từ trước đến nay họ vẫn luôn làm như vậy”.
Đến giờ đi ngủ, mọi hi vọng của nó đều đã tan biến. Helen đã quen ngủ một mình trong cái giường nhỏ của nó. Buộc phải trèo lên chiếc giường to và lạnh, nó đã cảm thấy rất kinh khủng rồi – cái giường nó chưa hề biết bấy lâu nay. Mọi sự thay đổi đều gợi tò mò cho Helen, đôi khi cũng khiến cô bé thích thú, nhưng chúng vẫn luôn đặt nó trong tình trạng bứt rứt, căng thẳng.
Và khi Người Lạ trèo lên giường với nó thì thật quá sức chịu đựng, nó nổi khùng.
– Không, không! – nỗi giận dữ hét lên trong nó – Cút đi! Cút đi! Tôi căm thù cô! Tôi căm thù cô!
Nó nhảy xuống giường, và phải mất hai giờ sau Người Lạ mới đưa nó nằm yên trở lại. Nó đã mệt phờ, nó ngủ., bám sát mép giường, cố tránh xa Người Lạ nhiều nhất có thể được.
“Có lẽ phải bảo mang cái giường của Helen đến đây… Mà không, cần phải tạo cho con bé cảm giác bơ vơ, lạc lõng nhất, cần tạo ra một môi trường xa lạ hoàn toàn… Để cuối cùng mình có thể thuần phục được cô bé…” – Ann Sullivan tự nhủ.
Những ngày sau đó, Helen bận rộn đến nỗi ít nhiều đã bắt đầu quên đi lòng căm thù với Người Lạ. Có quá nhiều điều hấp dẫn cho nó làm. Nó không có thời gian để lăn ra đất, để đấm đá lung tung, thậm chí không còn thời gian để dè chừng, để căm ghét Ann Sullivan.
Để bắt đầu, Người Lạ đưa cho nó những hạt cườm và một sợi dây. Những hạt cườm có kích cỡ và hình dạng khác nhau. Một số viên bằng gỗ, một số khác bằng thuỷ tinh.
Những ngón tay linh hoạt và nhạy cảm của Helen học rất nhanh cách xâu những viên đá, cách chọn lựa chúng, cách phân chia chúng thành những đống nhỏ riêng biệt. Người Lạ đã dạy nó tạo nên một chuỗi vòng khá phức tạp: hai viên ở đống này, ba viên ở đống khác,… Helen làm được điều đó một cách dễ dàng đáng ngạc nhiên.
“Vui thật…” – Có lẽ con bé đang nghĩ vậy, và lần đầu tiên kể từ khi hai cô trò sống một mình, Người Lạ thấy Helen mỉm cười.
Trò chơi tiếp theo còn khó hơn. Người Lạ đưa cho Helen một cuộn len và một cây kim móc. Vừa cầm tay nó, cô vừa day cho nó cách tạo ra một cái khuyên nút, dạy nó cách đưa mũi kim qua rồi rút lại, và lặp đi lặp lại như thế để tạo ra một dây xích dài.
Helen thích mê, nhưng nó nhầm liên tục. Nó hoàn toàn quên hẳn nó ghét Người Lạ – Kẻ thù thế nào; chốc chốc nó lại trèo lên đầu gối cô, đưa cho cô tác phẩm của mình, cầm lấy tay cô để cô chỉ cho nó chỗ nào chưa ổn.
“Mình có thể làm được mà!” – nó tự nhủ – “Mình sẽ làm được…”.
Con bé tiếp tục công việc suốt cả ngày, và nó làm được một sợi dây len dài gần bằng chiều dài căn buồng. Nó mỉm cười sung sướng khi Người Lạ thưởng cho nó một chiếc bánh Ga-tô to. Và, lúc cảm thấy bàn tay Người Lạ đặt trên vai mình, nó không tránh ra nữa.
Song thú vị nhất vẫn là “trò chơi những bàn tay”. Helen dĩ nhiên không biết rằng Người Lạ đang dạy nó bảng chữ cái.
Bảng chữ cái bằng tay là một ngôn ngữ dùng ký hiệu. Nó được một người Pháp, một tu sĩ dòng Épée, phát minh vào thế kỉ 18, giúp cho những người câm điếc có thể nói bằng tay. Học nói bằng bảng chữ tay không quá khó, để ý kỹ ta có thể nhận thấy mỗi vị trí khác nhau của ngón tay mang hình dạng hao hao giống một chữ cái, chỉ cần quan sát cẩn thận, ghi nhớ rồi thực hiện bằng các ngón tay của mình.
Helen không chỉ câm điếc mà còn mù, nên chỉ có thể học và sử dụng nó bằng xúc giác. Muốn dạy cô bé học một chữ cái phải ấn, gõ, vẽ trong lòng bàn tay, kết hợp cả bảng chữ cái bằng tay và bảng chữ cái bằng tín hiệu Moóc. Sau đó, Helen sẽ tập làm lại bằng tay mình những gì đã học, và nói.
Công việc sẽ kéo dài rất lâu và nhàm chán nếu Helen không có một trí tuệ sinh động đến thế. Cô bé không hề là một đứa trẻ đần độn đáng thương như người cha từng lo sợ; trái lại, em có một trí thông minh đặc biệt, có trí nhớ tốt khác thường. Trong vài ngày, Helen học được cách lặp lại tất cả các chữ cái trong bảng chữ cái. Cô Ann không dạy từng chữ riêng rẽ theo thứ tự: a, b, c, … mà dạy em trong tổng thể dới các dạng từ.
Mỗi ngày, Helen được học một số từ mới: b-á-n-h m-ỳ, n-ư-ớ-c, c-h-é-n, H-e-l-e-n, b-ố, m-ẹ, e-m b-é, …
Vào lúc ấy, những từ đó chẳng mang ý nghĩa gì đối với Helen. Trò chơi những bàn tay chỉ là một trò chơi. Helen hãnh diện vì nó có thể ngoáy nhanh nhoay nhoáy các ngón tay như Người Lạ, lặp đi lặp lại rất nhiều lần các động tác khác nhau. Với cô bé, dù rất mơ hồ, nhưng trò chơi này là một cách để em bé thể hiện mình, liên hệ với thế giới chung quanh.
Ngày nào Người lạ cũng lặp lại những bài tập ấy, cô nhìn Helen và nói một mình:
– Sẽ đến một ngày, những từ này sẽ mở cho em các cánh cửa nhà tù, Helen bé bỏng ạ… Cô không biết khi nào, nhưng chúng ta sẽ tới được ngày đó. Cần phải như vậy!
Sáng sáng, trên đường đi làm, ông Keller thường dừng lại trước cửa sổ căn nhà con gái để nhìn nó. Helen không nhìn thấy dáng ông, không nghe thấy tiếng ông, vì vậy hẳn cũng không biết ông đang đứng đó.
“Nó mới hiền lành làm sao!” – Ông nhủ thầm khi xem con chơi với các viên sỏi và cây kim móc – “…nó không còn là con bé trước đây nữa, đúng là một phép màu…”.
Một buổi, ông dắt con chó Belle của Helen đến ngôi nhà nhỏ. Helen nhận ra bộ lông mềm mại của người bạn, cô bé sướng rơn. Helen ve vuốt con chó,ôm lấy nó. Rồi cô bé ngồi xuống nền đất, cầm một bàn chân Belle lên và bắt đầu vặn vẹo các ngón chân ngắn tủn của nó.
– Con bé làm gì thế? – Người cha đứng bên cửa sổ hỏi. Người Lạ nhìn bàn tay Helen, mỉm cười trả lời:
– Ông nhìn xem, lạ chưa, Helen đang dạy con chó cách đánh vần. Cô bé đang cố bắt Belle đánh vần từ b-ú-p b-ê.
Ông Keller lắc đầu vẻ hoài nghi:
– Để làm gì? Con bé đâu có hiểu ý nghĩa của việc đó. Với nó, đó chỉ là một trò chơi… Một ánh nhìn như van lơn hiện lên trong mắt Người Lạ, cô khẽ nói:
– Sẽ đến một ngày cô bé biết nghĩa của các từ đó. Hãy cho cô bé thời gian, dù chỉ một chút thời gian thôi…
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.