Bài Giảng Cuối Cùng
30. Giương cờ trắng
Mẹ tôi luôn gọi tôi là “Randolph”.
Bà lớn lên ở một trang trại nhỏ chuyên sản xuất bơ sữa thuộc bang Virginia trong thời gian của cuộc suy thoái, luôn lo lắng liệu có đủ thức ăn cho bữa sau. Bà đặt tên “Randolph” bởi đó là cái tên mà một số người ưu tú xứ Virginia có. Và đó là lý do mà tôi từ chối và ghét cay ghét đắng nó. Ai muốn có một cái tên như vậy?
Mẹ tôi thì vẫn thích nó. Ở tuổi thiếu niên, tôi đã đối chất với bà. “Có đúng là mẹ tin quyền gọi tên con của mẹ cao hơn quyền con được có bản tính riêng của con?”
“Ðúng, Randolph, mẹ có quyền như vậy.” – bà trả lời.
Ít nhất là chúng tôi đã biết vị trí của mỗi người.
Khi đi học đại học, tôi thấy đã quá đủ. Bà gửi thư cho tôi và đề “Randolph Pausch.” Tôi không mở thư, viết nguệch ngoạc “không có người như vậy ở địa chỉ này” lên phong bì, và gửi trả lại.
Ðể thỏa hiệp, mẹ tôi bắt đầu đề thư gửi tới “R.Pausch.” Tôi mở những bức thư này. Nhưng khi nói chuyện trên điện thoại, bà trở lại dùng tên cũ. “Randolph, con có nhận được thư của bố mẹ không?”
Bây giờ, sau tất cả những năm tháng ấy, tôi đã đầu hàng. Tôi biết ơn mẹ tôi về rất nhiều thứ, nên nếu bà có làm tôi phiền lòng về mấy chữ cái không cần thiết “olph” mỗi khi bà ở quanh tôi, thì tôi cũng vui vẻ bỏ qua. Cuộc sống thật quá ngắn ngủi.
Theo một cách nào đó, với sự trôi đi của thời gian, và những mốc hẹn mà cuộc sống áp đặt, đầu hàng đôi khi là việc đúng đắn nên làm.
Mẹ và tôi trên bãi biển
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.