Bài Giảng Cuối Cùng

35. Bắt đầu bằng cách ngồi lại cùng nhau



Khi luôn phải làm việc cùng người khác, tôi cố gắng hình dung chúng tôi ngồi cùng nhau với một xấp các quân bài. Sự thôi thúc của tôi là đặt tất cả các quân bài lên bàn, lật ngửa, và nói với cả nhóm: “Nào, chúng ta cùng nhau có thể làm gì với những quân bài này?”

Khả năng làm việc được tốt trong nhóm là một kỹ xảo quan trọng và cần thiết trong cả công việc lẫn cuộc sống gia đình. Để dạy kỹ xảo này, tôi luôn ghép sinh viên thành các nhóm làm việc trong các đề án.

Với năm tháng, việc cải tiến động lực nhóm trở thành một nỗi ám ảnh đối với tôi. Vào ngày đầu tiên của mỗi học kỳ, tôi tách lớp học thành hàng chục nhóm bốn người. Rồi trong ngày thứ hai, tôi phát cho sinh viên một trang tài liệu với tiêu đề “Những lời khuyên để làm việc thành công trong nhóm.” Chúng tôi cùng trao đổi, từng điểm một. Một số sinh viên thấy những lời khuyên của tôi không xứng với họ. Họ nhướng mắt, nghĩ rằng đã biết cách hợp tác tốt với nhau. Họ đã được học những thứ đó ở nhà trẻ, và không cần những lời khuyên sơ đẳng của tôi.

Nhưng hầu hết những sinh viên có ý thức đều đón nhận chúng. Họ nhận thấy tôi đang cố gắng truyền đạt cho họ những điều rất cơ bản. Có chút ít gì đó giống như huấn luyện viên Graham tới buổi tập mà không mang theo bóng. Ðây là một số những lời khuyên của tôi:

Làm quen với mọi người một cách đúng mực: Tất cả đều bắt đầu bằng việc giới thiệu. Hãy trao đổi các thông tin để liên lạc với nhau. Hãy đảm bảo là bạn phát âm đúng tên của từng người.

Hãy tìm những điểm chung: Bạn luôn có thể tìm được những điểm chung với người khác, và từ đó, sẽ dễ dàng hơn để nói về những điểm khác biệt. Thể thao không phân biệt chủng tộc và sự giàu-nghèo. Và nếu không có gì khác nữa, thì chúng ta vẫn có chung một thứ là thời tiết.

Cố gắng tạo các điều kiện tối ưu cho việc làm quen: Hãy đảm bảo là không ai bị đói, lạnh hoặc mệt mỏi. Gặp gỡ, làm quen với nhau qua bữa ăn nếu có thể được, thức ăn làm cuộc gặp mặt trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ. Đó là lý do tại sao ở Hollywood mọi người lại đi “ăn trưa” cùng nhau.

Ðể mọi người đều nói: Không ngắt lời người khác. Nói to hơn, nhanh hơn không làm cho ý tưởng của bạn tốt hơn chút nào cả.

Hãy kiềm chế cái tôi: Khi thảo luận các ý tưởng, hãy gắn nhãn và viết chúng xuống. Nhãn phải mô tả về ý tưởng, không phải về người có ý tưởng: “câu chuyện về chiếc cầu” chứ không phải “câu chuyện của Jane.”

Biểu dương lẫn nhau: Hãy tìm vài lời tốt đẹp để nói, ngay cả khi có một chút nói ngoa. Những ý tưởng tồi tệ nhất vẫn có thể có những nét hay nếu bạn thật cố gắng xem xét.

Hãy phát biểu các lựa chọn như những câu hỏi: Thay vì nói “Tôi nghĩ là chúng ta cần phải làm A, chứ không phải B,” hãy cố gắng để nói “Sẽ như thế nào nếu chúng ta làm A, thay vì B?” Như vậy sẽ cho phép mọi người đưa ra ý kiến thay vì phải bảo vệ một lựa chọn.

Khi kết thúc bài giảng ngắn, tôi nói với sinh viên là tôi có một cách khá tốt để điểm danh. “Sẽ dễ dàng hơn cho tôi nếu tôi điểm danh các bạn theo nhóm.” – tôi nói. – “Nhóm một, các bạn hãy giơ tay lên … Nhóm hai?…”

Khi tôi gọi mỗi nhóm, các cánh tay giơ lên. “Có ai để ý điều gì không?” – tôi hỏi. Không ai có câu trả lời. Do vậy tôi gọi lại tên các nhóm. “Nhóm một?… Nhóm hai?… Nhóm ba?…” Các cánh tay từ khắp các góc trong phòng lại giơ lên.

Thỉnh thoảng bạn phải tạo một chút kịch tính khi truyền đạt cho sinh viên, đặc biệt về những vấn đề mà họ nghĩ là họ đã biết. Ðây là những gì tôi đã làm: Tôi tiếp tục điểm danh cho tới lúc rồi cũng phải lên giọng. “Vì cớ quái quỷ gì mà các anh các chị vẫn ngồi cùng với bạn của mình?” – tôi hỏi. – “Tại sao các anh các chị không ngồi cùng những người trong nhóm của mình?”

Một số người biết tôi bực mình nhằm gây tác động, nhưng ai cũng thấy sự nghiêm trọng. “Tôi sẽ ra khỏi lớp.” – tôi nói. – “Và sẽ trở lại sau sáu mươi giây. Khi quay trở lại, tôi trông đợi các bạn sẽ ngồi cùng với nhóm của mình! Tất cả đã hiểu chưa?” Tôi bước ra khỏi lớp và nghe như sinh viên nhốn nháo thu nhặt túi sách, lục tục ngồi lại theo nhóm.

Khi quay trở lại, tôi đã giải thích, những lời khuyên của tôi về làm việc theo nhóm không phải để xúc phạm trí tuệ hay sự trưởng thành của mọi người. Tôi chỉ muốn cho họ thấy là họ đã bỏ quên một thứ rất đơn giản – thực tế là họ cần phải ngồi với người cùng nhóm – và như vậy, chắc chắn họ có thể thu lượm được nhiều điều bổ ích từ việc ôn lại những thứ rất cơ bản.

Tại buổi lên lớp tiếp theo, và suốt thời gian còn lại của học kỳ, sinh viên của tôi luôn luôn ngồi cùng nhóm của họ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.