Bài Giảng Cuối Cùng
5. Thang máy ở nhà trệt
Sự tưởng tượng của tôi nhiều khi người khác khó có thể hình dung được. Cuối cấp phổ thông, tôi có một thôi thúc phải thể hiện những ý tưởng nung nấu trong đầu lên các bức tường ở phòng ngủ của mình.
“Con muốn vẽ các thứ lên tường phòng con.” – tôi xin phép cha mẹ.
“Những thứ gì?” – cha mẹ tôi hỏi.
“Những gì có ý nghĩa đối với con.” – tôi nói. – “Những gì con nghĩ sẽ rất hay. Rồi ba mẹ sẽ thấy.”
Giải thích như vậy là đủ với cha tôi. Ðó chính là điều tuyệt vời ở ông. Ông động viên sự sáng tạo của tôi bằng một nụ cười khích lệ. Ông thích quan sát niềm say mê của tôi đơm hoa kết trái. Ông hiểu tôi và hiểu sự cần thiết được thể hiện mình theo những cách dị thường của tôi. Do vậy cha tôi nghĩ cuộc phiêu lưu vẽ lên tường của tôi là một ý tưởng thú vị.
Mẹ tôi thì chẳng mấy thích thú, nhưng cũng dễ dãi chấp thuận khi thấy tôi quá hào hứng. Bà cũng biết cha tôi thường thắng khi tranh cãi về những việc như thế này, do vậy bà thấy nên thỏa hiệp một cách hòa bình thì hơn.
Hai ngày liền, với sự giúp đỡ của chị Tammy, và bạn tôi Jack Sheriff, tôi đã vẽ lên những bức tường phòng ngủ. Cha tôi ngồi đọc báo trong phòng, đợi xem tác phẩm. Mẹ tôi thì đi lại dọc hành lang, vô cùng sốt ruột. Bà theo dõi, tìm cách ngó nghiêng, nhưng chúng tôi đã cố thủ ở trong phòng. Giống như người ta nói trong phim, đây là “một việc bí mật.”
Chúng tôi đã vẽ những gì?
Tôi muốn vẽ một công thức bậc hai lên tường. Trong một phương trình bậc hai, số mũ lớn nhất của ẩn số là bình phương. Là một cậu bé mê học, tôi nghĩ đó là thứ xứng đáng để kỷ niệm. Ngay bên cạnh cửa, tôi đã vẽ:
Jack và tôi vẽ một cửa thang máy màu bạc thật to. Phía bên trái cửa, chúng tôi vẽ các nút bấm “Lên” và “Xuống”, còn phía trên thì vẽ một bảng với các số tầng từ một tới sáu. Số “ba” được vẽ chiếu sáng. Chúng tôi sống trong ngôi nhà trệt – chỉ có một tầng – nên tôi đã thực hiện việc tưởng tượng ra sáu tầng. Nhìn lại, không hiểu sao tôi không vẽ tám hay chín tầng? Nếu tôi là người mơ ước lớn, sao thang máy của tôi lại dừng ở tầng ba? Không hiểu nổi. Có thể đó là một dấu hiệu của sự cân bằng giữa mơ ước và thực tiễn trong cuộc đời tôi.
Do khả năng mỹ thuật có hạn, tôi nghĩ tốt nhất là vẽ mọi thứ theo kiểu hình học cơ bản. Tôi vẽ một tàu hỏa tiễn đơn giản với cánh vây. Tôi vẽ chiếc gương của nàng Bạch Tuyết với dòng chữ: “Xin nhớ, nếu tôi nói với bạn rằng bạn là người đẹp nhất, thì tức là tôi nói dối!”
Trên trần, Jack và tôi viết dòng chữ “Tôi đang bị mắc kẹt trên gác xép!” Chúng tôi viết các chữ ngược chiều, để tạo cảm giác như chúng tôi đang bị cầm tù trên đó và đang cào cấu, gào la kêu cứu.
Vì tôi thích chơi cờ vua, Tammy đã vẽ những quân cờ (chị là người duy nhất trong chúng tôi có năng khiếu vẽ). Trong khi chị vẽ những quân cờ, tôi vẽ một chiếc tàu ngầm đang bí mật lặn trong nước, bên dưới chiếc giường tầng. Tôi vẽ một chiếc kính ngắm trồi khỏi thành giường, đang quan sát tàu của kẻ thù.
Tôi luôn thích thú với câu chuyện về chiếc hộp của Pandora, nên Tammy và tôi vẽ lại câu chuyện theo cách riêng. Nàng Pandora, trong thần thoại Hy Lạp, được trao cho một chiếc hộp chứa mọi tội lỗi của thế gian. Nàng đã không tuân thủ lệnh cấm mở hộp. Khi mở nắp hộp ra, tội lỗi đã lan truyền khắp nơi. Tôi luôn hướng tới kết cục lạc quan của câu chuyện: phần sót lại dưới đáy hộp là “hy vọng.” Do vậy bên trong hộp Pandora của mình, tôi viết chữ “Hy vọng”. Jack nhìn thấy và không nén nổi, viết thêm chữ “Bob” phía trên chữ “Hy vọng”. Khi bạn bè tới thăm phòng tôi, họ luôn phải suy nghĩ tí chút để hình dung tại sao lại có chữ “Bob” ở đó. Rồi ai cũng tròn mắt.
Ðó là những năm cuối 1970, phong trào nhảy disco đang lan tràn. Tôi viết hàng chữ “Disco tởm!” trên cửa phòng. Mẹ tôi thấy hơi thô tục, nên một ngày, khi tôi không để ý, bà lấy sơn xóa chữ “tởm”. Ðó là thứ duy nhất bà sửa.
Bạn bè đến chơi luôn ấn tượng với việc tôi làm. “Tớ không tin nổi là bố mẹ cậu cho cậu vẽ như vậy.” – bạn tôi thường nói.
Thật ra, lúc đó mẹ tôi chẳng mấy thích thú, nhưng bà đã không hề sơn lại căn phòng, kể cả hàng chục năm sau khi tôi đã đi khỏi nhà. Rồi, với thời gian, phòng tôi trở thành tiêu điểm để bà giới thiệu mỗi khi có khách tới thăm. Mẹ tôi đã bắt đầu nhận ra: mọi người đều thấy đó là một điều thật hay. Và họ cũng nghĩ mẹ tôi thật “xịn” vì đã cho phép tôi làm một việc như vậy.
Với những ai ở đây là cha mẹ, nếu con bạn muốn tô vẽ căn phòng của chúng, thì hãy vì quý mến tôi, cho phép chúng làm điều đó. Mọi việc sẽ tốt đẹp. Đừng lo lắng là ngôi nhà của bạn sẽ mất giá.
Tôi không biết sẽ còn bao nhiêu lần về thăm lại ngôi nhà tuổi thơ của mình nữa. Nhưng mỗi lần về đó là một phần thưởng đối với tôi. Tôi vẫn ngủ trên chiếc giường tầng do cha tôi đóng. Nhìn những bức tường kỳ thú, tôi nghĩ về việc cha mẹ đã cho tôi vẽ, và đi vào giấc ngủ với cảm giác thật may mắn và toại nguyện.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.